Mike MacEacheran

BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đảo Pheasant nằm trên Sông Bidasoa, ở giữa Hendaye của France và Irun của Tây Ban Nha

Từ những điểm đứng ngắm nhìn tuyệt đẹp phía trên San Sebastián ở Xứ Basque, một người đi bộ đường dài có thể nhìn thấy một trong những con đường lâu đời nhất, lãng mạn nhất, đậm chất kinh thánh nhất trên thế giới. 

Cuộc hành hương Camino de Santiago đi qua con đường này, và con đường đến lăng mộ của Thánh James ở góc xa phía tây của miền bắc Tây Ban Nha được đi lại rất nhiều, là con đường truyền đạo và thu phục tâm trí của con người qua nhiều thế kỷ.

Mỗi năm có tới hàng trăm nghìn người đi bộ đường dài và khách hành hương đặt chân đến nơi đây, nhưng tôi không phải là một trong số họ. Điểm đến của tôi, thay vì những thung lũng khô nứt nẻ uốn lượn hướng về các nhà thờ, là một nơi khác hẳn. Một nơi kỳ lạ, không có người ở, Đảo Pheasant.

Trong khi tìm hiểu kỹ hơn về Xứ Basque của Tây Ban Nha, tôi đã tình cờ nhìn thấy mảnh đất rộng hai mẫu Anh trong lúc đang xem các bản đồ minh họa dãy núi Tây Pyrenees. 

Nằm lọt trong vùng biên giới giữa Hendaye thuộc Pháp và Irun của Tây Ban Nha, trên con sông Bidasoa chảy đến Vịnh Biscay, hòn đảo này có vấn đề địa chính trị  phức tạp do mỗi quốc gia lần lượt cai quản trong vòng sáu tháng và có một kỷ lục lịch sử về sự cạnh tranh giữa hai quốc gia.

Những bất thường về biên giới vẫn được ghi nhận trên khắp châu Âu - và trên thế giới - nhưng việc một hòn đảo chỉ dài có 200m thôi mà cứ hoán đổi quốc tịch theo chu kỳ sáu tháng một lần là điều khó hiểu. 

Và thật là kỳ lạ khi rất ít người biết nhiều về Đảo Pheasant. 

Tôi đã được biết nhiều về việc này trước khi đến nơi tận mắt chiêm ngưỡng hòn đảo bí ẩn vào mùa xuân này. 

Tôi làm việc trong công ty của bà Pía Alkain Sorondo, một nhà khảo cổ học hiện nay tổ chức các chuyến đi bộ tham quan khu vực, và giống như hầu hết những người khác ở vùng này của Tây Ban Nha, bà cảm thấy có nhiệm vụ phải gìn giữ lịch sử Xứ Basque lưu danh hậu thế. Bất kể câu chuyện lịch sử này khác thường đến đâu.

“Tôi thích kể câu chuyện về di sản của chúng tôi,” bà Sorondo nói với tôi khi chúng tôi đi dạo dọc biên giới Pháp-Tây Ban Nha ở phía đông San Sebastián, theo cách lần ngược trở về quá khứ. 

Phía sau chúng tôi là một loạt các khu công nghiệp, căn hộ và các quán bar bán món pinxtos kiểu tapas, và trước mặt là di tích khảo cổ với vết tích còn sót lại từ thời La Mã một cây cầu xưa cũ và chính hòn đảo trong quá khứ. 

 “Lịch sử thời trung cổ ẩn dọc theo bờ sông này, nhưng hầu hết mọi người đi bộ qua đây mà không biết gì về việc đó cả. Đó là điều tôi đang cố gắng thay đổi.”

 Khi chúng tôi đến gần điểm đến của mình, một công viên ven sông đối diện với cù lao, chúng tôi nhìn thấy một khung cảnh giống như một vài nơi khác. 

Đảo Pheasant, hòn đảo hình elip với cây cối tốt tươi, nằm cách bờ sông phía Tây Ban Nha chỉ 10m và cách phía Pháp 20m. 

Hòn đảo có tầm quan trọng lịch sử đến mức không mấy khi mở cửa cho du khách. 

Giữa đảo là một khối đá khổng lồ, được chạm khắc, có hình dạng giống như một tấm bia, mang lại cho nơi này một sức nặng của bề dày hàng thế kỷ lịch sử. Giống như một ngôi mộ kỳ vĩ, hòn đảo là nơi kỷ niệm cuộc họp đàm phán Hiệp ước Pyrenees hồi năm 1659.

“Tìm hiểu lịch sử nơi đây giống như là một hành trình khám phá,” bà Sorondo nói với tôi. "Nó gần như là một hòn đảo ma."

Trong suốt lịch sử, Đảo Pheasant đã được đặt nhiều tên gọi khác nhau. Đối với những người chỉ tìm hiểu sơ qua thì tên gọi hiện nay - Isla de los Faisanes trong tiếng Tây Ban Nha, Faisai Uhartea trong tiếng Basque, Île des Faisans trong tiếng Pháp - là một sự nhầm lẫn hoàn toàn. 

 "Đảo tên là Pheasant (chim trĩ) nhưng không hề có con chim trĩ nào trên đảo cả," tiểu thuyết gia người Pháp Victor Hugo phàn nàn khi ông đến thăm nơi này vào năm 1843. Thực tế nơi đây chỉ có vịt cổ xanh và các loài chim di cư.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Đài kỷ niệm về cuộc họp nơi Hiệp ước Pyrenees đã được đàm phán vào năm 1659 được dựng ở vị trí trung tâm hòn đảo

Thời La Mã, hòn đảo này được gọi là "Pausoa", từ tiếng Basque để chỉ lối đi hoặc bước chân. 

Sau đó, người Pháp dịch tên đảo là "Paysans", có nghĩa là nông dân, trước khi chuyển thành "Faisans", nghĩa là con chim trĩ. Theo thời gian, đảo được mang tên Île des Faisans.

Hòn đảo khiêm tốn cuối cùng đã trở nên nổi tiếng vào năm 1648, sau cuộc ngừng bắn vào cuối Cuộc Chiến Ba mươi năm giữa Pháp và Tây Ban Nha, khi hòn đảo được chọn làm vị trí trung lập để phân định các vùng biên giới mới. 

Trên thực tế, 24 kỳ họp thượng đỉnh đã diễn ra, với việc quân đội hộ tống chặt chẽ bên cạnh nhằm đề phòng tình huống đàm phán thất bại. Mười một năm sau, Hiệp ước Hòa bình Pyrenees mới được ký kết.

Để tôn vinh sự kiện này, một đám cưới hoàng gia đã được bàn đến, và vào năm 1660, Vua Louis XIV của Pháp kết hôn với công chúa Maria Theresa, con gái Vua Philip IV của Tây Ban Nha, ngay tại nơi Hiệp ước đã được tuyên bố. 

Những cây cầu gỗ được xây dựng để việc qua lại được dễ dàng, các bữa tiệc hoàng gia được chuyển đến bằng tàu, phà nhà nước, với những tấm thảm, những bức tranh được đặt hàng trang hoàng lộng lẫy. 

Diego Velázquez, họa sĩ cung đình của vua Philip và là tác giả bức họa kiệt tác Las Meninas (bức chân dung Margaret Theresa với những nàng hầu thân tín) được giao đảm nhiệm phần lớn việc sắp xếp bày biện cho các buổi lễ.

Đảo Pheasant mang tính biểu tượng, được coi như phép ẩn dụ của hòa bình - trên thực tế, quyết định được đưa ra là cả hai quốc gia sẽ có quyền giám hộ chung đối với hòn đảo này. Tây Ban Nha nắm quyền từ ngày 01/2 cho đến ngày 31/7 hàng năm, và trong sáu tháng còn lại, Đảo Pheasant là một phần lãnh thổ chính thức của Pháp. 

Tại thời điểm đó, vùng lãnh thổ đồng chủ quyền (condominium) nhỏ nhất thế giới đã ra đời.

Theo định nghĩa, vùng lãnh thổ đồng chủ quyền là nơi được xác định bởi sự hiện diện của ít nhất nhiều hơn một quốc gia có chủ quyền. 

 Ý nghĩa này có nguồn gốc từ tiếng Latinh, với "com" bao hàm nghĩa "cùng nhau" và "dominium" có nghĩa là "quyền sở hữu". 

 Và trải qua nhiều thế kỷ, một số quốc gia đã bị cuốn vào các cuộc giằng co về địa lý đối với các vùng lãnh thổ đồng chủ quyền, và chính phủ các nước dành nhiều thập kỷ tranh luận sôi nổi về việc những điểm có lý nhất để xác định nước nào sở hữu cái gì, và tại sao. Hầu hết những vùng đất này không phải là trung tâm của đế chế, mà là các vùng lãnh thổ phụ về địa chính trị mang tính thể nghiệm.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hiệp ước hòa bình Pyrenees, được đàm phán tại đây, đã thiết lập biên giới giữa hai nước

Cho đến nay, đã có ít nhất tám vùng lãnh thổ đồng chủ quyền trên thế giới, bao gồm Hồ Constance thuộc chủ quyền của ba nước Áo, Đức và Thụy Sĩ; Quận Brčko do Bosnia và Herzegovina cùng chung nhau; và lãnh thổ bị tranh chấp của Cộng hòa Srpska. Rồi có Khu vực Đồng Quản trị, một khu vực hàng hải chung giữa Colombia và Jamaica; và Khu vực Abyei do Nam Sudan và Sudan tranh chấp.

Một vùng lãnh thổ đồng chủ quyền khác là sông Moselle và hai nhánh sông Sauer và Our - vùng lãnh thổ đồng chủ quyền dọc theo sông của Đức và Luxembourg; trong khi Vịnh Fonseca là vùng lãnh thổ đồng chủ quyền ba của Honduras, El Salvador và Nicaragua. Nam Cực là vùng lãnh thổ đồng chủ quyền lục địa lý thuyết cuối cùng nhưng cũng là rộng lớn nhất và quan trọng nhất, được điều hành bởi 29 nước ký kết Hiệp ước Nam Cực.

Hôm tôi đến thăm Đảo Pheasant, vùng lãnh thổ này đang thuộc quyền quản lý của Tây Ban Nha. 

Một nhóm người chèo thuyền kayak đang khám phá các ngóc ngách của hòn đảo từ mặt nước, và trên cạn, chỉ có một người qua đường dừng lại chụp ảnh. 

Ngoài việc quản lý công việc làm vườn, duy trì bãi đậu thuyền, bàn thảo về quyền đánh bắt hải sản và giám sát chất lượng nước, thì hàng tháng, người Tây Ban Nha không phải làm gì mấy. 

Du khách chỉ được phép lên đảo trong những dịp hiếm hoi: vào một trong những ngày bàn giao quyền quản lý diễn ra hai lần một năm, khi hòn đảo trở nên sôi động với các hoạt động của buổi lễ chính thức, với cờ xí tung bay, hiện diện các vị đại biểu, những nhà ngoại giao và rất nhiều nghi thức long trọng; hoặc việc ghé đảo là một phần của các chuyến tham quan di sản có tính chất đặc biệt, không thường xuyên.

Tuy nhiên, hiện đang có hiện tượng đáng báo động về các cộng đồng ở khu vực biên giới, đó là việc ngày càng có nhiều người nhập cư cố gắng vượt sông bất hợp pháp từ Tây Ban Nha vào Pháp. 

Vào hôm trước khi tôi đến đảo, một người nước ngoài đã chết đuối khi cố gắng bơi qua sông và, vào thời điểm tôi và bà Sorondo đang nói chuyện về lịch sử và chính trị xứ Basque, một chiếc thuyền cảnh sát đã phải ngược xuôi trên nước để tìm kiếm thi thể. 

Theo số liệu hiện tại từ Irungo Harrera Sarea, một tổ chức phi chính phủ của Irun, ước tính có tới 30 người di cư đến đảo mỗi ngày để tìm cách di chuyển an toàn về phía bắc để vào Pháp.

Là một dòng kênh lên xuống theo thủy triều, Bidasoa có chênh lệch độ cao đột ngột tới 3-4m giữa phần thượng nguồn và phần hạ lưu từ biên giới chính thức ở khu vực cầu Quốc Lộ, trông giống như một cuộc tấn công trực diện.

“Đây vẫn là một nơi chứa đựng niềm hy vọng đổi đời của rất nhiều người,” bà Sorondo nói, “nhưng nó cũng là một cái bẫy chết người”.

Những từ ngữ u ám đó cứ lởn vởn trên không trung, và là ý nghĩ duy nhất ám ảnh tâm trí tôi trước khi tôi rời đảo. 

Đảo Pheasant có thể là một dòng chú thích lịch sử chẳng ai nhớ tới của một hòn đảo. Nhưng trong thế giới muôn hình muôn vẻ, không đoán trước được của chúng ta về những bất đồng biên giới và tranh giành lãnh thổ, đây vẫn là một biểu tượng của hòa bình – là điều mà chúng ta không bao giờ quên lãng.