• Dene-Hern Chen
  • BBC Capital

Taylor Weidman

Nguồn hình ảnh, Taylor Weidman

Quốc gia vùng Trung Á Kazakhstan đang thay đổi bảng chữ cái, chuyển từ hệ chữ Cyrillic sang hệ chữ Latin vốn được phương Tây ưa chuộng.

Tác động kinh tế của sự thay đổi đó là gì?

Việc thay đổi, được công bố vào một sáng thứ Ba giữa tháng Hai, là nhỏ nhưng quan trọng - và nó đã làm nổ bùng sự phản ứng dữ dội.

"Kiểu này đẹp hơn!" Asset Kaipiyev thốt lên đầy ngạc nhiên.

Là người đồng sáng lập một nhà hàng nhỏ ở thủ đô Astana của Kazakhstan, Kaipiyev vừa mới được giới thiệu phiên bản mới nhất của bảng chữ cái mới, được Tổng thống Nursultan Nazarbayev phê duyệt trước đó, vào đầu giờ cùng ngày.

Piero ZagamiNguồn hình ảnh, Piero Zagami

Chính phủ hồi tháng Mười năm ngoái đã thông qua một bảng chữ cái mới, dựa trên bảng ký tự Latin, để thay thế bảng chữ cái theo hệ Cyrillic mà Kazakhstan đang dùng.

Nhưng quyết định này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích quyết liệt từ dân chúng - sự kiện hiếm hoi trong quốc gia chỉ có nền dân chủ trong danh nghĩa, còn trên thực tế là bị ông Nazarbayev cai trị bằng nắm đấm sắt trong suốt gần ba thập kỷ qua.

Trong phiên bản đầu tiên của bảng chữ cái mới, dấu nháy đơn được sử dụng để mô tả âm thanh cụ thể trong tiếng Kazakh, khiến những người chỉ trích gọi nó là một ký tự "xấu xí".

Phiên bản được điều chỉnh lần thứ nhì, là phiên bản mà Kaipiyev thích hơn, thì sử dụng dấu trọng âm trên các chữ cái phụ. Cho nên chữ Cộng hòa Kazakhstan nếu trong phiên bản đầu tiên được viết là Qazaqstan Respy'bli'kasy, thì nay sẽ là Qazaqstan Respýblıkasy, loại bỏ các dấu nháy đơn.

"Trông đẹp hơn so với bản cũ," Kaipiyev nói. "Tôi không thích phiên bản trước đó, trông như con nòng nọc."

Nhưng kiểu chữ mới làm ảnh hưởng tới ông. Nhà hàng của ông khai trương hồi tháng 12, được gọi là Sa'biz - đánh vần và viết theo phiên bản đầu tiên của bảng chữ cái.

Tất cả các tài liệu tiếp thị, các nhãn hiệu in trên các móc gài khăn ăn và thực đơn, và thậm chí cả tấm biển khổng lồ trên bên ngoài tòa nhà cũng sẽ phải được thay thế.

Trong lúc tìm mọi cách để đi trước thời đại bằng cách viết theo bảng chữ cái mới, Kaipiyev đã không tính đến chuyện chính phủ sẽ lại sửa đổi bộ chữ.

Ông nghĩ rằng nay ông sẽ phải chi khoảng 3.000 đô la để thay đổi chữ viết trên tất cả mọi thứ sang kiểu chữ mới, tên nhà hàng Sábiz.

Những gì mà Kaipiyev và các chủ doanh nghiệp nhỏ đang trải qua sẽ diễn ra ở quy mô lớn hơn khi chính phủ hướng tới việc chuyển đổi hoàn toàn sang các ký tự Latin vào năm 2025. Đó là một mục tiêu đầy tham vọng ở một quốc gia nơi đa số dân cư thông thạo tiếng Nga hơn là tiếng Kazakh.

Taylor WeidmanNguồn hình ảnh, Taylor Weidman

Chụp lại hình ảnh,

Asset Kaipiyev, đồng sáng lập nhà hàng Sa'biz, đã đổi cách viết tên nhà hàng và nay sẽ cần đổi lần nữa

Tiếng mẹ đẻ

Theo cuộc điều tra dân số năm 2016, sắc tộc Kazakh chiếm khoảng hai phần ba dân số, trong khi sắc tộc Nga chiếm khoảng 20%.

Tuy nhiên, việc sống nhiều năm dưới sự lãnh đạo của Liên Xô khiến tiếng Nga được hầu hết mọi người trong nước sử dụng - khoảng 94% trong số hơn 18 triệu công dân thông thạo loại ngôn ngữ này. Tiếng Kazakh chiếm vị trí thứ hai, ở mức 74%.

Tần suất sử dụng phụ thuộc vào môi trường. Tại các tỉnh và trung tâm thành phố phía bắc chịu ảnh hưởng của Nga, như Almaty và thủ đô Astana, tiếng Nga được sử dụng cả trên đường phố và trong các cơ quan công sở nhà nước. Nhưng ở phía nam và phía tây, tiếng Kazakh được sử dụng thường xuyên hơn.

Ngôn ngữ Kazakh hiện đang được viết bằng bộ chữ Cyrillic; giới tinh hoa thì chủ yếu sử dụng tiếng Nga, di sản của thời Liên Xô để lại.

Đây cũng là một trong những di sản mà một số nước láng giềng của Kazakhstan đã tìm cách xóa bỏ ngay sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ hồi năm 1991.

Azerbaizan đã bắt đầu dùng sách giáo khoa bằng chữ Latin vào ngay năm sau đó, còn Turkmenistan thì từ năm 1993.

Kazakhstan đang thực hiện quá trình chuyển đổi sau gần ba thập niên, trong một môi trường kinh tế rất khác, khiến rất khó ước tính phí tổn liên quan.

Piero ZagamiNguồn hình ảnh, Piero Zagami

Cái giá của sự thay đổi

Cho đến nay, truyền thông nhà nước đã đưa tin rằng tổng ngân sách của chính phủ cho quá trình chuyển đổi bảy năm - được chia thành ba giai đoạn - sẽ lên đến khoảng 218 tỷ tenge (664 triệu đô la).

Khoảng 90% số tiền đó là dành cho các chương trình giáo dục, cho việc xuất bản sách giáo khoa phù hợp với chương trình giáo dục bằng bảng chữ cái mới theo hệ Latin, bao gồm cả các giờ học môn văn.

Theo truyền thông nhà nước, chính phủ đã phân bổ khoảng 300 triệu tenge (922.000 đô la) mỗi năm cho các năm 2018 và 2019. Số tiền này sẽ được chi cho hoạt động giáo dục ở các trường tiểu học và trung học, theo Eldar Madumarov, một nhà kinh tế và giáo sư tại Đại học KIMEP ở Almaty.

Việc dịch các bộ sách giảng dạy và sách giáo khoa sẽ bắt đầu trong năm nay, theo truyền thông nhà nước, và giáo viên trên toàn quốc sẽ bắt đầu dạy học sinh mầm non và lớp một bảng chữ cái mới từ năm 2020, nâng dần lên các lớp cao hơn, mỗi năm tăng thêm một lớp cho đến năm 2025, là khi tất cả các năm học, từ mẫu giáo đến lớp cuối cùng, sẽ được chuyển đổi hoàn toàn.

Nguồn hình ảnh, BBC Capital

Ngân sách cũng đã được phân bổ cho việc phát triển chương trình tin học để chuyển đổi ngôn ngữ sang hệ chữ Latin trong quý 3 năm 2018 (khoảng 166.000 đô la), nâng cao trình độ của giáo viên trung học (33,2 triệu đô la) và thuê các blogger có ảnh hưởng để thúc đẩy chiến dịch nâng cao nhận thức cho giai đoạn cuối của quá trình chuyển đổi, bắt đầu vào năm 2024 (1,4 triệu đô la).

Nhưng nếu không có sự phân tách các khoản rõ ràng từ phía chính phủ, một số nhà kinh tế cho rằng sẽ rất khó để thẩm định được chi phí trực tiếp cho tiến trình chuyển đổi. (Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Bộ Văn hóa đã không hồi đáp yêu cầu bình luận về việc này).

Các chi phí ngầm

Báo cáo từng phần về cách thức chuyển đổi sẽ xảy ra khiến một nhà kinh tế lo lắng về các khoản chi phí ngoài dự kiến.

"Nếu việc cải cách này không được thực hiện đúng đắn thì sẽ có nguy cơ cao là những người có trình độ thuộc nhóm đa số nói tiếng Nga, bao gồm cả người Kazakhtan, có thể muốn tính đến chuyện di cư," Madumarov nói. "Bởi có nguy cơ là những cơ hội dành cho họ sẽ bị cắt giảm."

Vào cuối tháng Hai, tầm mức vấn đề đã được thể hiện khi ông Nazarbayev - người thông thạo cả hai ngôn ngữ - ra lệnh rằng toàn bộ các cuộc họp nội các phải được thực hiện bằng tiếng Kazakh.

Vì tiếng Nga từ lâu đã là ngôn ngữ chính thức trong các cơ quan công sở, cho nên vấn đề ở đây là từ trước tới nay các mệnh lệnh của quan chức chính phủ thường được ban hành bằng tiếng Nga thay vì tiếng Kazakh.

Trong một cuộc họp được phát sóng trên truyền hình, khán giả thấy cảnh các quan chức phải rất chật vật trình bày ý kiến, quan điểm bằng tiếng Kazakh. Một số người thậm chí còn chọn dùng bộ tai nghe để nghe nội dung qua lời người phiên dịch.

Nguồn hình ảnh, Taylor Weidman

Các vấn đề hành chính

Ngoài ra còn có chi phí thay đổi ngôn ngữ trong các giấy tờ giao dịch chính thức. Chứng minh thư, hộ chiếu, bản in các tài liệu pháp luật - tất cả các loại giấy tờ chính thức đều cần được dịch.

Dẫu rằng việc này nằm trong giai đoạn hai và giai đoạn cuối của quá trình chuyển đổi, theo lời Kassymkhan Kapparov, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Kazakhstan, đóng tại Almaty, nhưng khoản chi phí để thực hiện việc thay đổi giấy tờ lại không được liệt kê chi tiết cụ thể.

Đối với những thứ như hộ chiếu và chứng minh thư, phí gia hạn đã được quy định, là một khoản phí cố định, "cho nên thay đổi duy nhất sẽ chỉ là việc thay bộ chữ cái trong phần mềm," Kapparov nói, và bổ sung thêm rằng chi phí đổi hộ chiếu mới có giá khoảng 60 đô la, còn chứng minh thư là khoảng 1,50 đô la.

"Chính phủ vẫn bỏ trống nội dung này. Tôi nghĩ rằng về mặt logic thì việc đó sẽ chẳng tốn kém gì."

Nhưng ông vẫn băn khoăn về giai đoạn thứ ba, được cho là sẽ bắt đầu vào năm 2024, trong đó gồm cả việc dịch các tài liệu nội bộ trong phạm vi các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương, trong khi phương tiện truyền thông nhà nước cũng cần phải triển khai việc sử dụng bảng chữ cái mới.

"Để các cơ quan truyền thông nhà nước sử dụng bảng chữ cái mới, trước tiên bạn phải tập huấn cho mọi người, sau đó bạn phải thay đổi toàn bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để nhúng bộ chữ cái mới vào. Và sau đó bạn phải thay đổi tất cả các tấm biển [biển hiệu], các mẫu giấy in tiêu đề công ty hay các cơ quan công sở, tem, và các biển hiệu," ông nói.

"Vì vậy, họ đã không chịu đưa ra con số ước tính... theo ước tính của tôi thì những khoản này sẽ vào khoảng từ 15 đến 30 triệu đô la."

Tuy nhiên, đó mới chỉ là số liệu ước tính trong khu vực công. "Đối với lĩnh vực tư nhân, tất nhiên họ sẽ phải tự làm. Nó có thể là gấp đôi, hoặc có thể gấp tới mười lần như thế," Kapparov nói.

"Nó phụ thuộc vào mức độ cứng rắn, cương quyết của chính phủ, chẳng hạn như họ có buộc phải áp dụng các thay đổi trong vòng chỉ một năm hay không? Có thể là như vậy chứ. Với chính phủ của chúng tôi thì không ai đoán trước được điều gì."

Nguồn hình ảnh, Taylor Weidman

Chụp lại hình ảnh,

Việc in vẽ lại biển hiệu nhà hàng Sa'biz theo mẫu chữ mới Sábiz sẽ tốn khoảng 3.000 đô la

Kapparov cũng lo lắng rằng mọi người, nhất là những người thuộc thế hệ cũ, sẽ phải vật lộn trong việc đọc, viết theo bảng ký tự mới, hệ Latin, cho nên việc trao đổi thông tin liên lạc trong khu vực công có thể phải được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.

"Có thể gọi đó là gánh nặng ngôn ngữ, bởi khi gửi một lá thư trong khối nhà nước, tài liệu đó sẽ phải được viết bằng tiếng Nga, tiếng Kazakh và tiếng Kazakh dùng bộ chữ mới… và để làm được như vậy bạn sẽ cần tuyển dụng các phiên dịch," ông nói. "Điều này làm phát sinh các chi phí bổ sung và làm tăng tính không hiệu quả. Tất nhiên chính phủ không nêu phần này trong ngân sách chung, nhưng nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho chính phủ."

Khi nói đến chi phí trực tiếp, Kapparov tự tin vào ước tính của mình, là các con số mà ông đã đưa ra trong năm 2007 sau khi nghiên cứu khả thi đầu tiên được công bố, và ông đã ước tính lại vào hồi tháng Giêng vừa rồi, khi thông tin ngân sách bắt đầu được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Ông cho rằng tổng chi phí cho quá trình chuyển đổi sẽ vào khoảng không quá 1 tỷ đô la.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Kazakhstan, Olzhas Khudaibergenov, tin rằng chi phí cho toàn bộ quá trình chuyển đổi sẽ thấp hơn nhiều so với ước tính của Kapparov.

Ông cho rằng tất cả các chi phí về tài liệu, giấy tờ sẽ chỉ gói gọn trong ngân sách thông thường của chính phủ. "Chi phí thực sự sẽ chỉ dành cho các chương trình thông tin và giải thích để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

"Tôi ước tính rằng ngân sách hàng năm sẽ không vượt quá từ hai đến ba tỷ tenge [6,1triệu - 9,2triệu đô la] trong thời gian từ 2018 đến 2025."

Các lợi ích kinh tế?

Kapparov nói rằng dự án thay đổi bộ chữ cái là thứ "khó bán" cho chính phủ, và sẽ không có khoản hoàn vốn trực tiếp này từ hoạt động đầu tư này.

Thay vào đó, nó "nên được xem như là một chương trình phát triển văn hóa, xã hội của chính phủ," ông nói.

Khudaibergenov đồng ý. "Điều này nặng về bản sắc dân tộc, là điều mà chúng ta đang cố gắng đi tìm, và chúng ta sẵn sàng trả tiền cho điều đó."

Giáo sư Đại học KIMEP Madumarov tin rằng sự phát triển kinh tế có thể sẽ bị chậm lại bởi việc thay đổi ngôn ngữ cần được chuẩn thuận về mặt chính trị.

Trong khi một số người cho rằng quyết định chuyển đổi của Nazarbayev có thể là dấu hiệu cho thấy quan hệ đang trở nên nguội lạnh với Nga, thì việc chuyển dần sang ngôn ngữ theo hệ Latin cũng còn làm suy yếu cả các mối quan hệ thương mại giữa Kazakhstan với các quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây.

Hiện tại, có thể thấy là chừng 10% dòng chảy thương mại hiện tại giữa Nga, Kazakhstan và Ukraine đến được là nhờ vào sự tiện lợi của việc các nước cùng có chung một ngôn ngữ, và điều này được diễn giải thành các nước có chung nền văn hóa và tâm lý chung, Madumarov nói.

Điều này cũng có nghĩa là người Kazakhstan thạo tiếng Nga nhiều khả năng sẽ trở thành các di dân kinh tế, chuyển sang nước khác sinh sống. Trong khi đó, Azerbaijan và Georgia, các quốc gia không thông thạo tiếng Nga, lại có những mối quan hệ kinh tế yếu kém.

Nguồn hình ảnh, Taylor Weidman

Chụp lại hình ảnh,

Tiếng Nga là ngôn ngữ được lựa chọn ở nhiều thành phố của Kazakhstan, gồm cả ở thủ đô Astana

Mặt khác, ông nói lợi ích có được từ việc áp dụng bảng chữ cái theo hệ Latin là Kazakhstan sẽ hòa nhập tốt hơn với hầu hết các nước trong thế giới phương Tây.

Đã từng có ví dụ về chuyện này.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kể từ 1928 chuyển sang bảng chữ cái theo hệ Latin thay vì dùng bảng chữ cái Ả-rập, đã xây dựng được liên minh với Liên hiệp Châu Âu và hiện trong tiến trình đàm phán để trở thành viên của khối này.

Barbara Kellner-Heinkele, một chuyên gia về ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ và lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Berlin, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu nay đã được coi là một điển hình về cách hiện đại hóa ngôn ngữ và hệ thống pháp lý, và điều này đã khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vị trí là một cường quốc kinh tế như ngày nay.

Sự chuyển đổi hồi năm 1928 của Thổ Nhĩ Kỳ sang việc sử dụng bảng chữ cái theo hệ Latin "đã được thực hiện trong chớp mắt".

Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý ở đây là thời đó, không mấy người Thổ Nhĩ Kỳ biết đọc biết viết: Ataturk cần những người có trình độ văn hóa ở nước của mình phải đạt được trình độ như lớp trí thức ở châu Âu và Mỹ, "và một phần của động lực giáo dục là bảng chữ cái mới," bà nói.

Một quốc gia độc lập

Sự chuyển tiếp của Kazakhstan liên quan tới việc nước này muốn đoạn tuyệt với quá khứ Xô-viết của mình nhiều hơn là do nhu cầu về văn hóa, kinh tế, Kellner-Heinkele nói. "Đó là một lập luận chính trị để chứng tỏ rằng họ là một nhà nước độc lập, họ hiện đại và họ là một quốc gia."

Fazylzhanova Muratkyzy, một nhà ngôn ngữ học đã làm việc với chính phủ để tạo ra bảng chữ cái mới, cũng đồng ý với quan điểm này, và nói rằng nhiều người Kazakh thường gắn bảng chữ cái hệ Kirin với sự kiểm soát của Liên Xô.

Giới trẻ đang đặc biệt đón chờ sự thay đổi.

Dựa trên các khảo sát mà viện ngôn ngữ của bà đã tiến hành trong thập kỷ qua, Muratkyzy nói rằng 47% thế hệ trẻ - từ 18 đến 25 tuổi - ủng hộ việc chuyển sang bảng chữ cái theo hệ Latin trong năm 2007; và con số đó đã tăng lên 80% trong năm 2016.

"Đó là sự lựa chọn của người dân, của đất nước. Và với bảng chữ cái mới này, nó được kết nối với ước mơ của chúng ta và tương lai của chúng ta," bà nói. "Nó cho thấy rằng lịch sử độc lập của chúng ta cuối cùng đã bắt đầu."

Nguồn hình ảnh, Taylor Weidman

Chụp lại hình ảnh,

Munalbayeva Daurenbekovna, người đứng đầu Thư viện Quốc gia, đã tổ chức các lớp học mở về bộ chữ cái Latin

Munalbayeva Daurenbekovna, người đứng đầu Thư viện Quốc gia, đã tổ chức các lớp học mở cho các thủ thư và các bên quan tâm khác để giúp họ làm quen với bảng chữ cái theo hệ Latin. Bà lạc quan rằng những người trẻ tuổi đặc biệt sẽ không gặp khó khăn khi học bảng chữ cái mới.

"Giáo viên sẽ phải học mỗi ngày trong một tháng. Đối với trẻ em thì chỉ mất 10 bài học, vì trẻ em học nhanh hơn người lớn. "

Đối với Kaipiyev, ông chủ của Sa'biz, việc từ bỏ bảng chữ cái theo hệ Kirin - cho dù bảng chữ đó có tẻ nhạt đến mức nào đi nữa - là điều ông hoàn toàn ủng hộ. "Chúng tôi muốn kết nối với châu Âu và Mỹ, và với các nước khác. Điều này sẽ giúp chúng tôi chuyển sang một chương mới," ông nói.

Đối với việc thay đổi đồ dùng trong nhà hàng để theo kịp nội dung bảng chữ cái mới thì sao?

"Tôi nghĩ rằng tạm thời thì tôi sẽ cứ để thế đã," Kaipiyev nói, sau một chút đắn đo suy nghĩ. "Chúng tôi sẽ thay đổi khi mọi người thực sự có thể đọc được bảng chữ cái mới."