• Daisy Dunn
  • BBC Culture

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Khi tiến hành tập hợp một cuốn sách mới, Of Gods and Men, gồm những câu chuyện thời cổ đại được các nhà văn vĩ đại dịch sang tiếng Anh, tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng câu chuyện về cuộc chiến thành Troy đã rất được ưu ái khi truyền tụng qua nhiều thời kỳ.

Các dịch giả, từ John Dryden, Alexander Pope đến Louis MacNeice, đầy xúc động chuyển ngữ các phiên bản khác nhau của câu chuyện thần thoại kinh điển này.

Một lý do khiến Cuộc chiến thành Troy được tấu lên như một dàn hợp âm đủ cung bậc là bởi ngoài việc tự thân câu chuyện đã quá hay thì còn một điểm đặc biệt nữa, là từ lâu nay nó vốn đã bị nghi ngờ là chuyện hư cấu chứ không phải một sự kiện có thực.

Quỹ Quản lý Bảo tàng Anh QuốcNguồn hình ảnh, Quỹ Quản lý Bảo tàng Anh Quốc

Chụp lại hình ảnh,

Trên một chiếc bình cổ hai quai của người Athen làm từ năm 530 trước Công nguyên có hình vẽ miêu tả cảnh chàng Achilles giết nữ hoàng Penthesilea của vùng Amazon

Thực sự thì đối với hầu hết người Hy Lạp cổ đại, Cuộc chiến thành Troy không chỉ là một huyền thoại. Đó là một cột mốc đánh dấu thời đại trong quá khứ xa xăm của họ.

Như các nguồn tài liệu lịch sử - của sử gia Herodotus và nhà thiên văn học, toán học kiêm địa lý học Eratosthenes trong thời Hy Lạp cổ đại - cho thấy, trận chiến này nhìn chung được coi là có thật.

Theo trường ca Iliad của thi hào Homer, cuộc xung đột giữa người Hy Lạp của Agamemnon, Vua xứ Mycenae - với người thành Troy của Vua Priam, nổ ra vào Thời Đồ Đồng Muộn và kéo dài trong 10 năm.

Câu chuyện bắt đầu khi chàng Paris, người con trai xui xẻo của Vua Priam, nói rằng Aphrodite là nữ thần xinh đẹp nhất, và đổi lại chàng được nữ thần ban tặng người em dâu Helen tuyệt đẹp của Agamemnon.

Quyết giành lại nàng Helen và trừng phạt người dân thành Troy, Agamemnon cùng em trai thống lĩnh đội quân hùng mạnh tiến đánh thành Troy.

Cuối cùng, Agamemnon chiến thắng và buộc người dân thành Troy phải quỳ gối.

Quỹ Quản lý Bảo tàng Anh QuốcNguồn hình ảnh, Quỹ Quản lý Bảo tàng Anh Quốc

Chụp lại hình ảnh,

Tác phẩm 'Nàng Helen thành Troy' được danh họa Edward Burne-Jones vẽ năm 1882, đã mê hoặc các nghệ sĩ qua hàng thế kỷ

Trong thời cổ đại, ngay cả các nhà sử học đáng kính cũng một lòng tin rằng cuộc chiến này thực sự đã xảy ra.

Trong nửa sau của Thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, sử gia Herodotus, người được mệnh danh là 'Cha đẻ của Lịch sử', cho rằng Cuộc chiến thành Troy xảy ra vào khoảng gần 800 năm trước thời đại của ông.

Eratosthenes, nhà toán học Hy Lạp cổ đại thì cụ thể hơn khi cho rằng cuộc chiến xảy ra vào năm 1184-1183 trước Công nguyên.

Tuy nhiên, các học giả thời hiện đại thì tỏ ra hoài nghi. Có thực sự là Cuộc chiến thành Troy từng xảy ra hay không?

Câu hỏi này là tâm điểm của triển lãm có tên "Thành Troy: Huyền thoại và Hiện thực" - một triển lãm lớn tại Bảo tàng Anh Quốc ở London.

Những bình hoa Hy Lạp, các bức bích họa La Mã và các tác phẩm nghệ thuật đương đại mô tả những câu chuyện lấy cảm hứng từ thành Troy được trưng bày cùng với các đồ vật khảo cổ có niên đại từ Thời Đồ Đồng Muộn. Điều nổi bật nhất từ triển lãm là mọi người đã rất hào hứng trong việc tìm hiểu lịch sử về câu chuyện Cuộc chiến thành Troy.

Nguồn hình ảnh, Museum für Vor-und Frühgeschichte

Chụp lại hình ảnh,

Chiếc bình có niên đại Thời Đồ Đồng mang từ thành Troy là một trong những hiện vật trưng bày tại triển lãm Thành Troy ở Bảo tàng Anh Quốc

Người La Mã đã đi xa đến mức thể hiện mình là hậu duệ của người thành Troy còn sống sót.

Trong sử thi Aeneid, tác giả Virgil đã mô tả cách người anh hùng Aeneas thoát khỏi tòa thành đang cháy với nhóm tùy tùng sau khi người Hy Lạp vào thành bằng con ngựa gỗ.

John Dryden, người đoạt giải khôi nguyên thi ca đầu tiên của Anh Quốc, đã dịch rất hay đoạn thơ tả việc đóng ra con ngựa: "Người Hy Lạp chán chường cuộc chiến tẻ nhạt,/ Và nữ thần Minerva giúp sức, phía sau tấm màn rộng,/ Chiến mã cao muôn trượng sừng sững hiện ra." Chàng Aeneas thành Troy cùng nhóm tuỳ tùng đã rời đi, tìm đến miền đất mới ở Ý.

Thực tế nghiệt ngã

Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều bị thuyết phục về tính xác thực của Cuộc chiến thành Troy.

Những thực tế nghiệt ngã của trận chiến được mô tả vô cùng rành mạnh trong trường ca Iliad, đến nỗi thật khó mà tin rằng chúng được viết ra mà không hề dựa vào quan sát thực tế.

Như chi tiết một chiến binh ngã xuống nước chết, bị "bọn lươn, cá xúm xít quanh thân, rỉa màng mỡ bám quanh thận."

Achilles đâm giáo giết Hector "ngay cuống họng, đúng nơi tử huyệt lấy mạng người nhanh nhất", như bản dịch của Martin Hammond.

Thành Troy cũng vậy, được mô tả vô cùng sống động, đến nỗi người đọc có thể dễ dàng tưởng tượng ra hình ảnh những bức tường tráng lệ hiện ra ngay trước mắt.

Nguồn hình ảnh, National Museet Denmark

Chụp lại hình ảnh,

Chiếc cốc bạc của người La Mã từ Thế kỷ 1 sau Công nguyên có hình Achilles

Trên thực tế, chính vì khát vọng khám phá lại thành Troy của Homer mà doanh nhân giàu có người Phổ, Heinrich Schliemann, cuối Thế kỷ 19 đã đi đến nơi hiện nay là quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Được nghe kể về một vị trí có thể là nơi thành Troy tọa lạc, tại Hisarlik trên bờ biển phía tây của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, Schliemann bắt đầu tiến hành đào xới và phát hiện ra một lượng lớn kho báu cổ, trong đó có nhiều hiện vật nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh quốc.

Ban đầu ông cho rằng nhiều hiện vật có niên đại Thời Đồ Đồng Muộn - chính là thời kỳ mà thi hào Homer xác định xảy ra Cuộc chiến thành Troy - nhưng chúng thực sự đã tồn tại trước đó hàng thế kỷ.

Tuy nhiên, ông đã khai quật đúng vị trí. Hầu hết các nhà sử học hiện nay đồng ý rằng thành cổ Troy đã được tìm thấy tại Hisarlik. Thành Troy là có thật.

Bằng chứng về việc tòa thành bị đốt cháy và việc phát hiện ra một số lượng nhỏ đầu mũi tên trong tầng khảo cổ khai quật của Hisarlik tương ứng với thời kỳ Cuộc chiến thành Troy của Homer, thậm chí có thể coi là những dấu vết của trận chiến.

Ngoài ra còn có những dòng chữ được khắc trên đá bởi người Hittites, một tộc người cổ đại sống ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả một cuộc xung đột ở thành Troy, mà họ gọi là 'Wilusa".

Không có chứng cứ liên quan trực tiếp về Cuộc chiến thành Troy, song đối với những người tin rằng có một cuộc chiến đã nổ ra thì những manh mối này được coi là có liên quan.

Nguồn hình ảnh, Chatsworth Settlement Trustees

Chụp lại hình ảnh,

Tác phẩm "Achilles bị thương" do nhà điêu khắc Filippo Albacini thực hiện năm 1825

Một Cuộc chiến thành Troy lịch sử dường như khác hoàn toàn so với cuộc chiến miêu tả trong các bản trường ca lừng lẫy của Homer.

Thật khó để tưởng tượng một cuộc chiến diễn ra với quy mô hoành tráng như thi hào đã mô tả, kéo dài tới tận 10 năm, trong khi theo sự thực được các nhà khảo cổ học phát hiện thì tòa thành khá nhỏ gọn.

Tuy nhiên, những ứng xử của các chiến binh trong cuộc chiến của Homer lại dường đều vô cùng sống động và chân thực.

Homer đã vô cùng tài tình nâng cuộc xung đột chung chung thành thứ cực kỳ sâu sắc, làm nổi bật thực tế nghiệt ngã của chiến tranh.

Không hề có vị thần nào tác động đến những cuộc giao tranh nơi sa trường trong Thời Đồ Đồng, nhưng những con người choáng ngợp trong cuộc xung đột đẫm máu rất có thể đã tưởng tượng ra những vị thần đó. Homer đã nắm bắt những tình tiết vượt thời gian ngay cả trong những khoảnh khắc bay bổng nhất trong bản thiên hùng ca.

Nguồn hình ảnh, Quỹ Quản lý Bảo tàng Anh quốc

Chụp lại hình ảnh,

Trong hành trình dài trở về nhà sau cuộc chiến thành Troy, Odysseus thoát được khỏi sự quyến rũ của các nàng tiên cá, như được miêu tả trên chiếc bình gốm Athen này, có niên đại khoảng năm 480-470 trước Công nguyên

Người Hy Lạp tìm thấy trong di sản của Cuộc chiến thành Troy lời giải thích cho thế giới đẫm máu và yếm thế nơi họ sống.

Achilles và Odysseus đã có một thời đại hào hùng. Thời đại đó đã kết thúc, để lại đằng sau chỉ có sự khát máu nhưng không hề có chủ nghĩa anh hùng hay vẻ dũng mãnh nào của Cuộc chiến thành Troy cả.

Ngay cả những gì còn sót lại ngay sau cũng mang đầy tính bạo lực.

Trong một vở kịch lấy cảm hứng từ sử thi của Homer và được dịch bởi nhà thơ Louis MacNeice, nhà soạn bi kịch cổ điển người Hy Lạp Aeschylus mô tả rằng sau chiến tranh, Clytemnestra đã giết chồng mình, vua Agamemnon, "người dù là dẫn đầu cả một đàn cừu, nhưng lại bất cẩn nhất trong cả lũ cừu mà hy sinh đi con gái ruột của mình", nàng Iphigenia, chỉ để làm vừa lòng vị nữ thần nhằm giúp nhà vua được thuận buồm xuôi gió tới thành Troy.

Bất kể chuyện này có liên hệ với thực tế như thế nào, thì huyền thoại Cuộc chiến thành Troy cũng có tác động dài lâu đối với người Hy Lạp và chúng ta.

Cho dù được lấy cảm hứng từ một cuộc chiến đã diễn ra từ lâu, hay đó chỉ đơn giản là một tác phẩm kiệt xuất thì nó cũng để lại dấu ấn trên thế giới này, và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng vô cùng to lớn trong lịch sử.