Tại sao chim khủng bố - Phorusrhacids lại là loài động vật ăn thịt đáng sợ nhất thời tiền sử?

Chủ Nhật, 18 Tháng Chín 20223:00 CH(Xem: 1745)
Tại sao chim khủng bố - Phorusrhacids lại là loài động vật ăn thịt đáng sợ nhất thời tiền sử?

Trong phần lớn thời kỳ Đại Trung sinh, chim khủng bố thống trị Nam Mỹ và săn mồi bằng mỏ giống chim ưng - cho đến khi chúng tuyệt chủng khoảng 2 triệu năm trước.

Thế giới cổ đại đầy rẫy những con quái vật đáng sợ. Nhưng trong khi hầu hết mọi người đều biết một hoặc hai điều về loài khủng long, kẻ thống trị vương quốc động vật cho đến khi chúng tuyệt chủng khoảng 65 triệu năm trước, thì ít người biết về những kẻ săn mồi đã thay thế chúng: loài chim khủng bố.

Với tên gọi chính thức là Phorusrhacids, chúng là loài chim khủng bố nổi tiếng cách đây khoảng 60 triệu năm ở Nam Mỹ. Mặc dù nhiều loài khác nhau đã được phát hiện, những loài lớn nhất từng được phát hiện có thể cao hơn 10 feet (3 mét) và nặng hơn 1.000 pound (454kg). Chúng là một loài động vật săn mồi nhanh nhẹn và có chiếc mỏ sắc nhọn, theo thời gian, loài chim ăn thịt này đã nhanh chóng trở thành kẻ săn đứng đầu chuỗi thức ăn vào thời đại của chúng.

Tuy nhiên, giống như khủng long, triều đại của loài chim khủng bố cuối cùng đã kết thúc.

Bộ xương chim khủng bố Phorusrhacids.
Bộ xương chim khủng bố Phorusrhacids.

Khám phá về Phorusrhacids

Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Cổ sinh vật học của Đại học Cambridge, loài chim khủng bố lần đầu tiên được mô tả bởi một nhà cổ sinh vật học người Argentina tên là Florentino Ameghino vào năm 1887. Ông và anh trai của mình đã tìm thấy một số hóa thạch "không hoàn chỉnh" trong Hệ tầng Santa Cruz ở Patagonia.

Darwin's Door báo cáo rằng Ameghino đã đặt tên cho khám phá của mình là Phorusrhacos longissimus, và tin rằng chúng là một loài chim ăn thịt gần giống đại bàng hoặc diều hâu. Tuy nhiên, những khám phá sâu hơn cho thấy loài chim khủng bố có quan hệ họ hàng gần hơn với seriema, một loài chim Nam Mỹ.

Kể từ đó, khoảng 20 loài chim khủng bố khác nhau đã được phát hiện. Một số, như Llallawavis scagliai, được phát hiện vào năm 2010, tương đối nhỏ và chỉ cao 4 feet (1,2 mét). Nhưng những loài khác, như Kelenken guillermoi, được phát hiện vào năm 2004, gây kinh hoàng hơn nhiều. Kelenken có chiều cao đáng kinh ngạc - 10 feet và có thể nặng hơn 1.000 pound.

Theo nhà cổ sinh vật học Luis Chiappe, người đã mô tả Kelenken vào năm 2007, hộp sọ khổng lồ của nó là “hộp sọ lớn nhất được biết đến dành cho các loài chim khủng bố”. ông chia sẻ, "Trên thực tế, đó là hộp sọ chim lớn nhất được biết đến trong thời kỳ này".

Thời đại của những con chim khủng bố

Khoảng 60 triệu đến hai triệu năm trước, loài chim khủng bố đã từng thống trị Nam Mỹ, chúng sử dụng kích thước, tốc độ và chiếc mỏ mạnh mẽ của mình để thống trị toàn bộ lục địa này.

Theo National Audubon Society, những con chim khủng bố không thể bay, nhưng chúng có thể đạt tốc độ lên tới 60 dặm (gần 100 km) một giờ trên mặt đất.

Một số nhà khoa học đã gợi ý rằng những con chim khủng bố có thể là những loài động vật ăn chay chứ không phải là động vật ăn thịt. Theo Wired, các nhà khoa học Đức đã nghiên cứu thành phần đồng vị canxi trong xương của chim khủng bố và nhận thấy chúng giống với động vật ăn cỏ hơn là động vật ăn thịt.

Xương của loài chim này được tìm thấy trong Hệ tầng Santa Cruz ở Patagonia.
Xương của loài chim này được tìm thấy trong Hệ tầng Santa Cruz ở Patagonia.

Tuy nhiên, Chiappe nói với Wired rằng anh tin rằng những con chim khủng bố là những kẻ săn mồi. “Có thể lực cắn của những con chim khủng bố không đủ mạnh, tuy nhiên điều này có ý nghĩa rằng có thể chúng chỉ giới hạn trong việc săn mồi một số loài động vật nhất định, nhưng theo tôi, điều đó không khiến chúng trở thành một loài chim không săn mồi”.

Các nhà khoa học có thể không biết chính xác những gì những con chim khủng bố đã ăn. Nhưng họ biết rõ hơn về âm thanh của những con thú khổng lồ thời tiền sử này. Các nhà nghiên cứu đã có thể tái tạo lại tai trong của loài chim sau khi phát hiện ra một hóa thạch của loài Llallawavis scagliali được bảo quản tốt vào năm 2010.

Federico Degrange, đồng tác giả của nghiên cứu về Llallawavis scagliali giải thích rằng ông và các nhà nghiên cứu khác đã so sánh ống tai trong của chim khủng bố với các loài chim còn sống ỏ thời điểm hiện tại. Họ phát hiện ra rằng tiếng kêu của những con chim khủng bố có thể nghe giống như tiếng kêu của loài emu hoặc chim đà điểu. Hiệp hội Audubon mô tả tiếng kêu của chúng là “tiếng gầm nhẹ”.

Degrange cho biết: “Chúng tôi có thể nói rằng những con chim khủng bố có độ nhạy tần số thấp - vì vậy có vẻ hợp lý khi cho rằng chúng cũng tạo ra âm thanh tần số thấp".

Điều gì đã xảy ra với những con chim khủng bố?

Theo như các nhà cổ sinh vật học ngày nay biết, loài chim khủng bố bắt đầu biến mất cách đây khoảng hai triệu năm. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng sự suy tàn của chúng, và cuối cùng là sự tuyệt chủng, diễn ra đồng thời với sự hình thành của eo đất Panama, nơi kết nối Bắc và Nam Mỹ.

Có bằng chứng rõ ràng cho thấy những con chim khủng bố đã di cư lên phía bắc, vì hóa thạch của chúng đã được phát hiện ở Texas và Florida. Nhưng sau đó, một số người nghi ngờ, những con chim khủng bố đã gặp những kẻ săn mồi khác như báo đốm và các loài mèo răng kiếm rồi sau đó cạnh tranh sinh tồn với nhau.

“Vì vậy, chúng phải đối mặt với sự cạnh tranh mới cho cùng một nguồn tài nguyên,” Chiappe giải thích. "Và kết hợp với những thay đổi của khí hậu, chúng có thể đã không đủ khả năng cạnh tranh với các loài động vật săn mồi đến từ Bắc Mỹ và dẫn đến tuyệt chủng".

Những con chim này có thể đạt tốc độ lên tới 60 dặm (gần 100km) một giờ trên mặt đất.
Những con chim này có thể đạt tốc độ lên tới 60 dặm (gần 100km) một giờ trên mặt đất.

Nhưng không phải ai cũng nghĩ rằng sự tuyệt chủng của loài chim khủng bố chỉ đơn giản như vậy. Degrange tin rằng việc phát hiện ra Llallawavis scagliali có nhiều điều phức tạp vì anh cho rằng loài chim này đa dạng hơn những gì các nhà nghiên cứu đã biết trước đây.

Ý tưởng trước đây là chúng đã thua trong cuộc cạnh tranh với động vật có vú đến từ Bắc Mỹ. Nhưng điều đó chủ yếu dựa trên sự đa dạng thấp của các loài chim khủng bố được biết đến vào thời điểm đó. Nhưng với việc phát hiện ra loài Llallawavis thì mọi thức lại đang cho thấy điều ngược lại”.

Nói cách khác, anh giải thích, các nhà cổ sinh vật học cần bắt đầu suy nghĩ về những lý do khác khiến loài chim khủng bố tuyệt chủng.

Hiện tại, vẫn còn nhiều bí ẩn về loài chim khủng bố. Nó thực sự là một loài động vật ăn thịt đáng sợ - hay chỉ đơn thuần là một loài động vật ăn cỏ to lớn và thích gầm gừ? Sự hợp nhất của Bắc và Nam Mỹ có làm mất đi sự tồn tại của nó không? Hay các yếu tố phức tạp hơn đang diễn ra, như biến đổi khí hậu?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn