Những người lính mạ kẽm

Thứ Bảy, 17 Tháng Ba 20188:00 SA(Xem: 6754)
Những người lính mạ kẽm

Chiến tranh bao giờ cũng có kẻ thắng người thua. Chiến tranh luôn kết thúc bằng thương vong và tù binh. Và tù binh là hệ quả tất yếu mà nhân bản nhất của chiến tranh. Ngoài việc thông thường là trao đổi tù binh, đối xử tù binh và sử dụng tù binh như thế nào chính là điều mà hậu thế và sử sách nhớ mãi.

nhung-nguoi-linh-ma-kem

Trong nội chiến Bắc-Nam của Mỹ có đến 6 trung đoàn lính đặc biệt được hình thành trong 2 năm cuối của cuộc chiến 1864-1865, gồm khoảng 5,600 tù binh Confederate phe miền Nam. Phần lớn họ là người gốc Ái Nhĩ Lan và Đức. Bốn trung đoàn được điều về mặt trận phía Tây Nam, nơi các cuộc chạm súng giữa hai phe còn khốc liệt, 2 trung đoàn được đưa về miền Viễn Tây, đến tận Minnesota, nơi miền đất rộng bao la và đầy hiểm họa cho di dân Mỹ định cư. Thời hạn quân dịch là 1- 3 năm. Sử sách gọi họ là Galvanized Yankees. Tên lóng Yankee ám chỉ phe miền Bắc, lính Union. Và từ galvanized – mạ kẽm được dùng khi Samuel Bowles, một ký giả viết trên báo Cộng hòa Springfield, Massachusetts ngày 25 tháng 5, 1865 nói đến những người lính thay màu áo trận, như kim loại được mạ kẽm, nhưng bên trong vẫn là kim loại. Họ là lính Confederate, mang màu áo lính Union để phục vụ cho phe từng là kẻ thù.

nhung-nguoi-linh-ma-kem2
Lính Confederate nấu ăn

Vào năm 1863, phe miền Bắc giành nhiều thắng lợi trong cuộc chiến, dù có vài tổn thất, con số tù binh phe Confederate ngày càng nhiều, các trại giam trở nên đông đúc. Họ dường như không có hy vọng được trả tự do sớm, mà phải đợi đến khi chiến tranh chấm dứt. Một cuộc chiến chừng như vài tháng đã kéo dài đến nhiều năm, làm tàn phá đất nước non trẻ và lòng người. Điều kiện vật chất và sinh hoạt trong trại giam tù binh rất tệ hại và thiếu thốn, bởi chính ngay trên chiến trường cả hai phe đều đói khát và chiến đấu vất vả. Khẩu phần cắt giảm, áo quần sờn rách tả tơi, quân trang thiết bị thiếu hụt. Các binh sĩ phải tự khâu vá áo quần và tìm cách cứu lấy mạng sống chính mình bằng mọi cách, trong đó có cả việc đào ngũ, trốn về quê nhà hay gia nhập phe quân thù. Trước đó vào năm thứ nhì của cuộc chiến, năm 1862, Đại tá James Mulligan của Union sau khi bắt được một số tù binh Confederate, thấy họ không muốn được giữ để trao đổi tù binh, họ lại muốn gia nhập Union, nên đã lén dùng họ vào các mặt trận.

nhung-nguoi-linh-ma-kem4
Một tù binh Confederate tại trại tù Union ở Point Lookout, Md., đầu năm 1864

Phe Union, dù trên đà chiến thắng, nhưng số quân thiếu hụt do thương vong, đào ngũ, bị bắt… trong khi số tân binh ít ỏi và Bộ chiến tranh khẩn thiết cần tân binh. Trong khi đó ở miền Tây nước Mỹ bao la, hai sự kiện lớn xảy ra đã quyết định cho sự hình thành đội binh sĩ mạ kẽm này. Vào năm 1862 các bộ lạc Sioux sống trong miền đất Minnesota bao năm, nay dần bị lấn ép bằng các cuộc định cư của người da trắng, khi mà các thỏa ước giữa chính quyền và hứa hẹn của chính phủ còn nhập nhằng, các vùng tự trị của Sioux bị thu hẹp dần hay mua lại với giá thật rẻ, các đàn bò buffalo bị giết sạch, thổ dân trước nguy cơ diệt vong bèn nổi dậy, họ đánh phá các vùng da trắng định cư. Người da trắng phải chạy về đồn trú ở St. Paul và New Ulm sau khi 1,500 di dân bị giết. Năm 1864, trong khi nội chiến đến hồi cao điểm thì Đại úy liên quân John Chivington lại dẫn 700 binh sĩ đến Sand Creek, Colorado và tàn sát hơn 150 người da đỏ Cheyenne và Arapaho, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Vụ thảm sát này làm dấy lên các cuộc nổi dậy trả thù và phá hoại của thổ dân đến các vùng định cư miền Tây, các trục đường mòn di dân Oregon Trail, các đường dây thép, các trạm bưu chính của chính phủ. Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng này, người dân định cư về miền đất mới, làm tròn “Vận mệnh hiển nhiên” mở mang bờ cõi bị đe dọa, tướng Ulysses S. Grant đã ra lệnh thành lập các quân đoàn lính mạ kẽm, dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Union, về bảo vệ các đường mòn di dân, các đường dây thép, các trạm bưu chính. Mối nghi ngờ về sự trung thành và tín nhiệm đối với đoàn binh lính này giảm nhẹ dần, bởi ở mặt trận miền Tây này, các người lính không phải đối mặt với chiến hữu của mình. Nếu đưa họ về chiến đấu ở mặt trận phía Tây, nguy cơ của họ khi bị bắt sẽ bị xem là phiến quân, đào ngũ. Thế là dưới lệnh của Tổng thống Lincoln, 6 trung đoàn lính mạ kẽm được thành lập từ năm 1864-1865. Quân Union gọi họ là lính Bộ binh tình nguyện, tù binh Confederate đứng trước 4 sự lựa chọn: đợi chờ trao đổi tù binh, thề nguyền trung thành và được thả về quê nhà trong khu vực các bang liên quân, thề trung thành và tham gia các việc công trong khu miền Bắc và tuyên thệ tham gia liên quân Union. Và phần lớn đã chọn cầm súng tham gia liên quân, đứng về phía từng là kẻ địch.

nhung-nguoi-linh-ma-kem3
Lính Confederate tuyên thệ gia nhập Union ở Andersonville, GA 1864

Khi các thành phố ở phía Nam bị tàn phá, ruộng vườn bỏ hoang, nơi các tù binh Confederate không còn gì để trở về; các trận thắng dồn dập của phe miền Bắc làm các tù binh miền Nam này tin rằng cuộc chiến tranh dần đến hồi kết thúc. Họ cũng đã quá kiệt sức vì cuộc chiến kéo dài, nhiều người thấy mình không còn quê hương. Một số tù binh Confederate có người thân nằm trong vùng kiểm soát của phe Union; thoát khỏi nhà tù, giữ được mạng sống, đem lại niềm hy vọng và đồng lương dù ít ỏi gởi về quê nhà; một số hy vọng có ngày đào thoát khi có cơ hội…Vì thế họ thay màu áo xám Confederate, mặc màu áo xanh Union. Éo le của cuộc chiến là trong số đội quân mạ kẽm này có cả binh sĩ Union. Ngày 28 tháng 12, 1864, ở Đồn Egypt, Mississippi, một tiểu đoàn Confederate gồm 250 binh sĩ đã buông súng đầu hàng, họ được dẫn về trại tù ở Alton, Illinois. Khi điều tra thì biết trước đó họ là lính Union, sau đó thua trận bị bắt làm tù binh, họ chọn lựa làm lính miền Nam. Vị tướng liên quân Grenville Dodge thay vì khép họ vào tội phản quốc, lại cho phép họ gia nhập vào Trung đoàn 5 và 6.

Trung đoàn đầu tiên gồm ngàn người được đáp tàu thủy đến New York, từ đó đi tàu lửa về Chicago, từ đó về St. Louis, Missouri. Nơi đến cuối cùng là đồn Rice ở North Dakota. Năm đó nước sông Missouri quá cạn, tàu không đi được, 600 binh sĩ phải đi bộ trong 270 dặm đường dưới mưa tuyết, vai mang ba lô, vật dụng nặng nề. Sau 2 tháng họ đến đồn, nhiều lính ngã bệnh và chết sau cuộc di quân. Đồn trại xây cất chưa xong, làm bằng cây rừng mỏng manh, nhu yếu phẩm cạn kiệt, nên việc phòng vệ rất khó khăn. Dù vậy họ đã khôn khéo giao hảo buôn bán với người thổ dân, giải quyết các xung đột căng thẳng, dự trữ thức ăn và da thú cho mùa đông rét, đối thoại hòa hảo với các bộ lạc, các trạm xe ngựa, các đường dây thép và giữ gìn hòa bình ở vùng đất mới. Các đội quân mạ kẽm khác được rải ra các trại khác ở Maryland, Illinois, Ohio và Indiana; dọc sông Missouri, dọc các đường mòn Oregon, Santa Fe, từ New Mexico đến Montana. Họ đã làm trọn nhiệm vụ người lính ở miền Tây hoang dã, cho một nước Mỹ non trẻ.

nhung-nguoi-linh-ma-kem1
Canh gác tù binh Confederate bị bắt tại Shenandoah Valley, May 1862

Sau khi tin tức đầu hàng của tướng Lee ở Appomattox Court House vào ngày 9 tháng 4, 1865, niềm hy vọng và vui mừng được giải ngũ của các binh sĩ này lên cao. Nhưng Bộ chiến tranh đã trì hoãn một vài tháng, quyết định nằm trong tay các sĩ quan trưởng đồn trại của phe Union và tình hình hậu chiến. Đến cuối tháng 11, 1865 thì hầu hết đều được giải ngũ, phần lớn họ về quê miền Nam mang theo vũ khí lo cày cấy, một số đi về miền Tây đào vàng. Về số phận của 250 lính mạ kẽm nguyên là phe Union mặc áo xám Confederate bị bắt ở Đồn Egypt, Mississippi, khi chiến tranh chấm dứt, tòa đưa ra xét xử tội phản quốc, họ được điều tra và biết rằng họ đã chiến đấu cho đến khi hết đạn dược phải đầu hàng. Tòa tha bổng.

Hình ảnh các người lính mạ kẽm này lu mờ trong các chiến trận và lịch sử nội chiến. Việc thay màu áo lính làm lung lay giá trị chính nghĩa và lý tưởng trong chiến tranh, cũng như lòng trung thành. Nhưng họ là minh chứng cho tình người, Bắc và Nam cùng nhau bắt tay xây dựng lại một nước Mỹ thống nhất và hùng mạnh và không hận thù.

SB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn