Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ được bổ nhiệm ra sao?

Thứ Sáu, 16 Tháng Ba 20184:00 SA(Xem: 8418)
Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ được bổ nhiệm ra sao?

tham phan, toa an toi cao

Nguồn: How a Supreme Court justice is appointed”, The Economist, 23/02/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan  | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Việc thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào ngày 13/2 vừa qua đã làm trống một ghế tại Tòa án Tối cao của Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2010. Sáu năm trước, chỉ sáu tuần sau ngày nghỉ hưu của John Paul Stevens sau 35 năm tại chức, Elena Kagan đã tuyên thệ nhậm chức Thẩm phám (Tòa án Tối cao) thứ 112 của đất nước này. Một trận chiến lâu hơn và gây tranh cãi hơn đang chờ đợi người kế nhiệm thứ 113. Ngay sau khi có tin về cái chết của Scalia, cuộc chạy đua chính trị về vấn đề bổ nhiệm người kế nhiệm ông đã bắt đầu. Các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện và trong chiến dịch chạy đua đã nhấn mạnh rằng chiếc ghế đó nên được bỏ trống cho đến khi tổng thống tiếp theo bước vào Nhà Trắng vào năm 2017.

Barack Obama bác bỏ đề xuất này một vài giờ sau đó, nói rằng ông sẽ làm tròn “bổn phận theo hiến pháp của mình để bổ nhiệm người kế nhiệm vào đúng thời điểm”. Với gần một năm còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông Obama nói thêm, “sẽ còn rất nhiều thời gian cho tôi để làm điều đó, và cho Thượng viện để làm tròn trách nhiệm của mình trong việc cho người đó một phiên điều trần công bằng và một cuộc bỏ phiếu kịp thời”.

Hiến pháp Mỹ quy định Tổng thống “sẽ bổ nhiệm… thẩm phán Tòa án Tối cao”, cùng với “các đại sứ, bộ trưởng và lãnh sự…cũng như tất cả các viên chức khác của Hoa Kỳ”. Nhưng để “bổ nhiệm” các cá nhân cho bất kỳ chức vụ nào nêu trên, sẽ cần phải có “sự tham vấn và đồng thuận của Thượng viện”, một nhánh của Quốc hội Hoa Kỳ. Quá trình kép này phản ánh chiến lược của các nhà lập quốc nhằm giảm bớt sức mạnh của mỗi nhánh thuộc chính phủ liên bang thông qua cơ chế kiểm soát và cân bằng: Tổng thống đề nghị, Thượng viện quyết nghị.

Trong thực tế, điều này có nghĩa là trước khi quyết định số phận của các thẩm phán, các thượng nghị sĩ sẽ mời các thẩm phán được đề cử đến để tiến hành các phiên điều trần phê chuẩn kéo dài hàng tuần, nơi mà họ sẽ được hỏi về kinh nghiệm cũng như quan điểm pháp luật. Ủy ban Tư pháp bao gồm 20 thành viên, hiện đang được dẫn đầu bởi Charles Grassley, một đảng viên Đảng Cộng hòa từ Iowa, sẽ xem xét lý lịch các ứng viên và tổ chức một cuộc bỏ phiếu. Sau đó, trừ khi cuộc tranh luận được kéo dài nhờ thủ tục “Filibuster” (điều hầu như bất khả thi đối với 46 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bởi họ sẽ cần sự giúp đỡ của ít nhất 14 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa để đạt được 60 phiếu cần thiết nhằm tiến hành thủ tục chấm dứt thảo luận thông qua bỏ phiếu, hay còn gọi là cloture), toàn bộ Thượng viện sẽ bỏ phiếu. Việc phê chuẩn cần đạt được 51 phiếu thuận.

Trong lịch sử, các Tổng thống thường đưa các ứng viên yêu thích của mình vào Tòa án Tối cao một cách khá dễ dàng. Trong số 160 cái tên được gửi vào Thượng viện kể từ năm 1789, 7,5% (12 ứng viên) đã chính thức bị bác bỏ trong khi khoảng 5% (9 ứng viên) đã không được xem xét. 7,5% số ứng viên khác đã bị rút tên trước khi Thượng viện bỏ phiếu.

Nhưng kể từ năm 1987, khi Ronal Reegan đề cử Robert Bork, một người Bảo thủ thẳng thắn, nhận được phản ứng lạnh lùng từ Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát (ông đã bị đánh bại bởi một cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ 58-42), quá trình này đã được đốt nóng. Năm 1991, Clarence Thomas, chịu các cáo buộc quấy rối tình dục và những câu hỏi về quan điểm của ông đối với việc phá thai, cuối cùng đã trót lọt ngồi vào ghế của mình với một đa số phiếu 52-48, một trong những kết quả sít sao nhất từng có. Các ứng viên được Bill Clinton bổ nhiệm, Ruth Bader Ginsburg (tỉ lệ 96-3) và Stephen Breyer (tỉ lệ 87-9) đã nhận được mức phiếu thuyết phục hơn, trong khi những sự phê chuẩn về sau lại gây nhiều tranh cãi hơn: Chánh án John Roberts (78-22) và Samuel Alito (58-42) [các ứng viên được George W. Bush bổ nhiệm]; và Sonia Sotomayor (68-31) và Elena Kagan (63-37) [được bổ nhiệm bởi ông Obama].

Các cuộc thảo luận sôi nổi nhưng cực kỳ bí mật đang diễn ra tại Nhà Trắng để rút gọn một danh sách dài các ứng viên tiềm năng. Ông Obama sẽ sớm tiến hành phỏng vấn bí mật với một số các ứng viên. Với khả năng dễ nhận thấy rằng Đảng Cộng hòa sẽ không chấp nhận bất cứ ai mà ông đề cử, sự lựa chọn của ông Obama sẽ phản ánh các ưu tiên pháp lý cũng như sự tính toán của ông về việc phải làm như thế nào để gây thiệt hại chính trị lớn nhất đối với Đảng Cộng hòa nếu đảng này tiếp tục đòi để trống ghế của ông Scalia cho đến khi chính quyền tiếp theo được xác định.

Bằng cách đề cử một người trung dung được cả hai đảng ủng hộ – một người như Sri Srinivasan, được phê chuẩn bởi tỷ lệ phiếu 97-0 vào Tòa án Phúc thẩm Liên bang Quận Columbia vào năm 2013 – ông Obama có thể làm bẽ mặt Đảng Cộng hòa bằng cách buộc họ vào vai những kẻ phá rối chính trị quá đà. Ông cũng có thể mang lại cho các ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ một lợi thế trong chiến dịch tranh cử mùa hè này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn