The Duke of Edinburgh with his mother Princess Alice Of Battenberg

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Công tước Edinburgh, Hoàng tế Philip với mẹ đẻ, công nương Alice xứ Battenberg, người có họ gần với Hoàng hậu cuối cùng của Nga, Alexandra

Tin Hoàng tế Phillip, Công tước Edinburgh qua đời hôm 09/04 khiến báo Anh và châu Âu kể lại nhiều câu chuyện về cuộc đời của ông.

Một trong những chuyện đó là quan hệ của Hoàng tế Philip với nước Nga, và về gia đình bác gái ông, Hoàng hậu cuối cùng của Đế chế Nga bị những người cộng sản giết chết cùng cả gia đình năm 1918.

Tuy thế, phu quân của Nữ hoàng Elizabeth II đã đóng góp cho việc cải thiện quan hệ với cả Liên Xô và nước Nga sau này.

Năm 1973, ở cương vị Chủ tịch Liên đoàn Đua ngựa Thế giới (International Equestrian Federation), Hoàng tế Philip đã bay sang Kiev, khi đó thuộc CH Ukraine, Liên Xô.

Lễ đón ông diễn ra vào tháng 9 năm đó ở Ukraine có ý nghĩa quan trọng vì ông là thành viên cao cấp của Hoàng gia Anh đầu tiên tới Liên Xô.

Chụp lại video,

Hoàng tế Philip, phu quân Nữ hoàng Anh Elizabeth II, vừa tạ thế

Trước đó vài năm, Hoàng tế Philip, người nổi tiếng là nói thẳng đã mô tả chính quyền Liên Xô là "bọn khốn, đã giết nửa gia đình tôi" (The bastards [who] murdered half my family).

Quả vậy, có thể nói ông hoàng của nước Anh là người duy nhất có quan hệ huyết thống gần với dòng họ Romanov, bị những người Bolshevik xử tử sau khi lên nắm quyền ở nước Nga Đỏ.

Vụ án khủng khiếp

Sau hai cuộc cách mạng năm 1917, dòng họ Romanov không chỉ bị hạ bệ mà bị đưa đến vùng phía Đông của Nga để tránh việc họ trốn sang Phương Tây.

Nga hoàng Nikolai II, Hoàng hậu Alexandrovna, bốn công chúa - các nữ đại công tước Anastasia, Maria, Olga và Tatiana - cùng Thái tử Alexei và bốn người cận thần đã bị bắn chết trong đêm trong một hầm nhà ở thành phố Yekaterinburg vào đêm hè, ngày 17/07 năm 1918.

Họ bị buộc phải đứng như làm mẫu để chụp hình, sau đó một nhóm lính Bolshevik xả đạn bắn chết họ, theo lời kể của một nhân chứng.

Những người chưa chết ngay thì bị đâm chết.

Câu chuyện này là một vết đen của chế độ Liên Xô và bị bịt kín trong nhiều năm.

Phải đến năm 1991 người ta mới khai quật được hài cốt của đa số thành viên Hoàng gia Nga.

Giáo hội Chính thống Nga muốn phong thánh cho vua Nikolai II và yêu cầu đưa hài cốt cả nhà về thủ đô cũ, St Petersburg.

Nhưng kết quả thử ADN hồi năm 1998 chưa thuyết phục được hết các lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga vì mãi cho tới năm 2007 người ta mới tìm thấy hài cốt của Thái tử Alexei và Công chúa Maria ở một nơi khác trên vùng núi Urals.

Các sử liệu châu Âu tin rằng Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nga (khi đó chưa thành lập Liên Xô) đã ra lệnh giết cả nhà Nga hoàng.

Nga có kế hoạch chôn lại Thái tử Alexei và Nữ công tước Maria bên cạnh các thành viên gia đình khác tại Nhà thờ Petropavlovsky ở St Petersburg.

Để làm việc này, Giáo hội Chính thống Nga yêu cầu xác định 100% đó là hài cốt của họ.

Và nước Nga hồi 2016 đã cử người sang Anh lấy mẫu di truyền của Hoàng tế Philip nhằm xác nhận thi hài của Công chúa Maria và Hoàng thái tử Alexiy.

Vì sao không cứu được Nga hoàng?

Hoàng hậu Alexandra chính là bác gái của ông Philip theo đằng mẹ, từ dòng họ ở Darmstad, nước Đức.

Công chúa Alexandra sau sang Nga lấy chồng, lên ngôi Hoàng hậu của dòng họ Romanov.

Còn Công nương Alice xứ Battenberg, Đức (mẹ Philip) sang lấy chồng là Hoàng tử Alfred của Hy Lạp,

Sóng gió Thế chiến I và cách mạng tại châu Âu hạ bệ cả hai dòng họ vua chúa.

Khi Thế chiến I nổ ra và cách mạng tại Nga lật đổ nhà Romanov thì tại Hy Lạp liên tiếp hai đời vua bị trục xuất.

Ngay trước khi rời Hy Lạp đi sống lưu vong, bà Alice viết thư gắng nhờ chính phủ Anh tìm cách cứu gia đình Hoàng hậu Nga Alexandra bị cầm tù mà không được.

Ngày nay có thuyết nói tâm lý bài Đức tại Anh trong và sau Thế chiến I lên cao nên chính phủ Anh không muốn giúp Hoàng gia giải cứu gia đình Romanov, có họ với nhà Windsor làm vua ở Anh.

Một trong những lý do các phái cách mạng ở Nga lật đổ triều Romanov là vì họ tin rằng Hoàng hậu (Tsarina) là người Đức, đã có ảnh hưởng xấu đến vua khi Nga và Đức là đối thủ trong Thế chiến.

Nhưng theo trang BBC History thì trong Nội chiến tại Nga (1918-1924), chính quyền Bolshevik quyết định giết cả nhà vua Nga để tránh khả năng họ được Phương Tây và đồng minh "giải cứu, lập chính phủ lưu vong".

Đúng là Anh đã can thiệp cùng các nước Phương Tây vào Nga chống lại chính quyền cách mạng của Lenin.

Hè năm 1918, biết tin binh đoàn Czech, do binh lính của Đế quốc Áo-Hung cũ lập ra để phục vụ chính phủ Tiệp Khắc độc lập tham gia chống nước Nga cộng sản, tiến gần Yekaterinburg và sợ gia đình vị cựu vương được cứu thoát nên phe Bolshevik ra lệnh giết họ.

BBC History cho rằng "gần như chắc chắn lệnh này được Lenin thông qua".

Sau khi Liên Xô tan rã, Hoàng tế Philip cùng Nữ hoàng Elizabeth đã sang thăm Nga năm 1994, theo lời mời của Tổng thống Boris Yeltsin.

Nước Nga ngày nay đề cao vai trò duy trì truyền thống của Hoàng tộc Romanov và bản thân Tổng thống Vladimir Putin luôn ủng hộ việc phục hồi Chính thống giáo, đạo đã phong Nga hoàng Nikolai II làm thánh.

Các quan hệ xưa của Hoàng gia Nga đã không còn, với Hoàng gia Anh hiện nay được cho là cầu nối tốt, phần nào vượt lên trên chính trị, giúp Nga có liên hệ với châu Âu về văn hóa, di sản.

Được tin Hoàng tế Philip tạ thế, Tổng thống Putin gửi điện chia buồn và phát biểu rằng "Ngài xứng đáng là nhân vật được kính trọng cả ở Anh và trên thế giới".