Vua Bảo Đại và kết cục buồn cho Việt Nam

Thứ Ba, 14 Tháng Sáu 20221:00 SA(Xem: 1660)
Vua Bảo Đại và kết cục buồn cho Việt Nam

Vua Bảo Đại và kết cục buồn cho Việt Nam


  • Phạm Cao Phong
  • Gửi bài từ Paris, Pháp

Vua Bảo Đại

Nguồn hình ảnh, Christophe Lynda

Chụp lại hình ảnh,

Vua Bảo Đại (đứng, bìa trái) ngày còn đi học tại Pháp với gia đình người đỡ đầu, và hoàng thân Vĩnh Cẩn (phải)

Giáo sư Hán nôm Tạ Trọng Hiệp lúc sinh thời ở Paris có kể cho tôi câu chuyện ông Trần Trọng Kim nói với học giả Hoàng Xuân Hãn sau lần tiếp xúc với vua Bảo Đại:

''Người ta nói, vua Bảo Đại chỉ biết ăn chơi, nhưng không đơn giản như vậy.''

Đa số chỉ biết vế đầu của câu nói. Song, như nửa chiếc bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nửa sự thật thì không còn là sự thật.

Định mệnh gắn Vua Bảo Đại với con số 13. Ông sinh năm 1913, lên ngôi ở tuổi 13, là vị vua thứ 13, ngôi nhà khi sang Pháp học ở số 13, Hoàng hậu Nam Phương cũng sinh năm 1913 và ông có 13 người con.

Công của ông trước hết phải được nhìn nhận trong việc gạch khỏi vương triều của ông 13 phẩm hàm, liên quan đến hình mẫu Hoàng Đế Gia Long lập ra năm 1802: Những thang bậc ban phát ngẫu hứng cho các cung phi, mỹ nữ vốn như sự trang điểm của các triều đại, đồng thời vùi dập bao nhiêu số phận.

Lần đầu tiên trong lich sử các triều đại phong kiến Việt Nam, một Hoàng đế chỉ có một vợ chính thức.

Lần đầu tiên, nhân phẩm nữ giới được coi trọng, ghi thành văn bản.

Khi lên chín, Bảo Đại đến Paris cũng đi theo chuyến hải hành ghé qua Pondichéry của Ấn Độ như Hoàng tử Cảnh năm 1875.

Sự mất đi của Hoàng tử Cảnh đồng thời làm tiêu tan những hy vọng của nước Pháp có một người kế vị nhiều hứa hẹn vun đắp cho quan hệ hai nước. Lần này họ đặt hy vọng vào một ông vua mới.

Vị thế của nước Pháp sau giai đoạn trị vì của Hoàng Đế Nguyễn Ánh đáng báo động, đỉnh điểm là ba vua Nguyễn liên tiếp đều chống Pháp ra mặt: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân.

Nước Pháp có hai bài học và một giải pháp cần tìm sau năm 1883.

Bài học đầu là sự khai phá thành công Cochinchine (Nam Kỳ).

Năm 1881, Cochinchine đã có đại biểu trong Quốc hội Pháp tại Paris. Phần đất này trở thành trung tâm công nghiệp và xuất khẩu có tầm vóc ở châu Á, xuất khẩu cao su, lúa gạo, đường…

Giới tư bản người Việt hình thành, phát triển. Những đảng phái chính trị như Đảng Lập Hiến Đông Dương, Đảng Dân Chủ Đông Dương có mặt trong đời sống chính trị. Đạo Cao Đài, Hòa Hảo khai sinh, thu hút con chiên, phát triển bên cạnh Thiên Chúa giáo, Phật giáo.

Tờ báo đầu tiên 'Nông cổ mín đàm' ra đời tại Việt Nam năm 1901 ở Sài Gòn.

Lĩnh vực tư pháp được đồng hóa và triển khai. Thẩm phán Cochinchine là một người Pháp ưu tú, ông Gaston Doumergue. Ông trở thành Tổng thống Cộng hòa Pháp 1924-1931.

Có đến ba chính trị gia Pháp khởi đầu sự nghiệp chính trị tại Đông Dương để rồi sau này trở thành tổng thống Pháp.

Bài học thứ hai là Huế.

Paris giữ sự lựa chọn có ý nghĩa quyết định với triều đình Huế: không phải là chế độ cai trị mà là chế độ bảo hộ dân sự, một hệ thống được coi là ít tốn kém và có hiệu quả. Bắc Kỳ và Trung Kỳ sẽ không trở thành thuộc địa. Hai miền đất này sẽ là môi trường ngoại giao Pháp mà chính quyền Huế là một đối tác 'partenaire'. Phải làm cho các vùng đất trở thành một Cochinchine thứ hai.

Nước Pháp cần một vị vua mạnh mẽ và một Đông Dương sát cánh với Pháp trong việc xẻ thịt Trung Hoa. Hay nói cách khác, một hậu phương, một tàu sân bay không thể đánh chìm trong chiến lược toàn cầu.

Nước Pháp chọn hai trường cho vua Bảo Đại tại Paris. Các ngôi trường sẽ để lại dấu ấn trong cách hành sử của ông sau này.

Vị vua tương lai học gì, ở đâu?

Trường thứ nhất là Cours Hattemer, hoạt động theo nguyên tắc thế tục "secularism".

Tổng thống Jacques Chirac, Hoàng tử Rainier III của công quốc Monaco, ca sĩ Michel Polnareff, Veronique Sannson, nhà triết học cánh tả Jean Paul Sartre… đều là học sinh cũ của trường.

Họ mang đủ mầu sắc sặc sỡ, từ tả sang hữu, từ làm chính trị, kiếm tiền trở thành tỷ phú, đi hát, hay cãi tay đôi với triết gia Trần Đức Thảo. Ngoài việc dạy chữ khá đặc biệt, còn có những tiết giảng về mô hình xã hội thế tục, sự tôn trọng những tôn giáo không cùng mầu sắc và cùng chung sống thiện lương.

Trường thành lập năm 1885, đón đầu cả luật hành pháp tách thần quyền khỏi nhà nước chính thức có hiệu lực năm 1905.

Nước Pháp có nhiều vấn đề xã hội và tôn giáo hơn Việt Nam. Họ giải quyết các mâu thuẫn không giống cách hành xử của các triều đại vua chúa Việt Nam. Đây là điều nền giáo dục Pháp muốn gợi mở cho chàng thanh niên châu Á. Bài học vẫn có giá trị đến tận hiện tại.

Lịch sử người Việt là lịch sử thanh gươm nhảy múa. Các vương quốc Chàm, Chân Lạp bị xóa sổ và chẳng ai để mắt tới thân phận các sắc dân vốn làm chủ các vùng lãnh thổ trước đó.

Việt Nam bây giờ đã mất hết ảnh hưởng trên vùng đất cũ của Liên bang Đông Dương, một việc nước Pháp làm tốt hơn.

Ngôi trường thứ hai vua Bảo Đại theo học trường Khoa học Chính trị ELSP.

Trường là nơi chuyên đào tạo những tinh hoa hàng đầu của nước Pháp, là một nhánh của Viện Nghiên cứu Chính trị Paris và Quỹ Khoa học Chính trị Quốc gia, được gọi chung là trường "Sciences Po". Lịch sử thành lập trường là bài học lịch sử rút ra sau thất bại.

Năm 1870, nước Pháp gây chiến trước với Phổ và thua.

Pháp tụt hậu về kỹ thuật quân sự, bị đại bác chế tạo bằng thép Krups nghiền nát các binh đoàn. Mà hỡi ôi, trước đó pháo binh Napoleon I vốn là nỗi khiếp đảm của cả châu Âu.

''Họ vẫn rất dũng cảm, luôn lao lên tuyến đầu với lưỡi gươm tuốt trần. Song những chiến thắng dễ dàng giành được ở Trung Hoa, An Nam, các nước châu Phi đã ru ngủ tầng lớp tướng lĩnh, sĩ quan Pháp''. Thủy sư đô đốc Courbet, người tham gia các chiến dịch ở Trung Hoa và An Nam đã viết hồi ký về giai đoạn này như vậy.

Hoàng đế Napoleon III bị bắt sống nhục nhã. Wilhem I lấy Cung điện Versailles ở Pháp để làm lễ đăng quang Đại đế của Đức ngày 18/1/1871. Pháp mất Alsace, Lorraine, phải bồi thường chiến phí 5 tỷ francs vàng.

Ngay sau chiến bại, Trường Khoa học Chính trị ELSP được thành lập năm 1871. Nước Pháp nhận thấy cần cấp tốc cải cách giáo dục, đào tạo những tinh hoa lãnh đạo mới, có tư duy mới.

Trường quy tụ những nhà khoa học và công nghiệp xuất sắc phục vụ cho việc giảng dạy như Hippolyte Taine, Ernest Renan, Albert Sorel, Paul Leroy-Beaulieu, René Stour… hợp tác nghiên cứu với các trường đại học nước ngoài trong các lĩnh vực sâu rộng của xã hội đương đại.

Thành viên của Hội đồng Nhà nước, các quan chức cấp cao, các bộ trưởng nắm chức vụ then chốt trong điều hành nhà nước Pháp đều được mời đóng góp cho việc giảng dạy. Giáo dục thể chất là chương trình bắt buộc với tất cả sinh viên. Năng lượng tích cực đến từ cơ thể khỏe mạnh.

Bảo Đại được học trong môi trường như thế.

Ông sẽ so sánh tình trạng nước Pháp sau chiến tranh Pháp - Phổ và số phận của Vương quốc Annam. Ông sẽ đánh giá đường hướng vua Minh Mạng với 'Thập điều giáo huấn' sẽ giúp gì cho đất nước ông.

Mô hình kinh tế và lãnh đạo mà nước Pháp áp dụng thành công ở giải đất Nam Kỳ chắc chắn sẽ được ông nhìn nhận khác với các bậc 'tiên hiền' trước kia của nhà Nguyễn.

Chắc hẳn ông loại bỏ sự hằn học và nghi kỵ với người Pháp và cầu tiến. Ông đã thấy chiếc cầu Paul Dumer vượt sông Hồng đã làm nước Trung Hoa run lên trước sức mạnh trị thủy và kỹ thuật xây dựng, những tuyến đường sắt, đường thủy đã làm đất nước thay đổi ra sao.

Đối thủ 'tiềm tàng' của chủ nghĩa Lenin ở Việt Nam

Những người cộng sản biết kết cục con đường đào tạo ấy sẽ đưa vị vua trẻ đi về đâu. Họ sợ con đường mà Bảo Đại sẽ cùng đi với nước Pháp. Những con số biết nói làm họ lo lắng.

Ngay trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, con số tù nhân ở Cochichine tụt giảm chóng mặt. Năm 1929 con số đó là 32 451, năm 1931 :15 645, năm 1932 :11 028 và năm 1933 chỉ còn 6 150.

Dân sống hạnh phúc, đầu óc mở mang dễ nhận ra bánh vẽ. Động cơ vĩnh cửu chưa ra đời thì thiên đường 'làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu' chỉ dành cho những ai '' ra công viên, mắt em ngây tròn, lung linh nắng thủy tinh vàng.'' Dễ chịu và tha thiết.

Hồ sơ mật thám Pháp lưu trữ tại Fontainebleau dưới mật danh "Người Nga" có ghi nội dung cuộc họp bí mật của ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp tại 120 rue Châteaudun quận 9 Paris.

Bảy người Việt và một người Âu đã trù liệu cho kế hoạch: "Hoàng đế về nước và việc ám sát Bảo Đại".

Phạm Văn Điều được trao nhiệm vụ ám sát Bảo Đại ở Paris. Kế hoạch ám sát lần thứ hai được lên khuôn tại Marseille, khi Nhà vua bước lên cầu tàu thuỷ. Nguyễn Đình Tính tức "Blinov" có trách nhiệm thực hiện.

Moscow dạy cộng sản Paris khoái chơi chó lửa, sau này họ có học trò xuất sắc hơn là Bắc Kinh. Để nắm quyền họ cần những kẻ nghe lời mù quáng. Họ vẽ ra thiên đường cho tầng lớp công nông thiệt thòi về kiến thức là phải cầm súng, làm một phép cộng trừ thô thiển 'trí thức, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ' thì chẳng còn giai cấp bóc lột, của cải sẽ đầy đường.

Nhà cải cách Paul Dumer không còn. Ông bị ám sát đúng thời điểm Bảo Đại rời Paris về nước. Tổng thống Pháp không được sống để làm những điều ông nghĩ :

''Dân tộc này (chỉ Việt nam) cần phải sống trong điều kiện an ninh đảm bảo và lao động để trở lại là một dân tộc đẹp đẽ và mạnh mẽ như họ hẳn đã từng như thế trước khi những thất bại khiến họ kiệt quệ và suy thoái.''

Bảo Đại về nước sẽ phải đối đầu với tình thế đó. Ông sẽ gặp Phạm Khắc Hòe. Ông sẽ không tưởng tượng người ông nghĩ là tin được ngay khi đã hạ cánh nhẹ nhàng còn không dám nói thật. Đến năm 1983, ông sẽ đọc những câu chuyện Phạm Khắc Hòe viết, ông sẽ rùng mình.

Có thể, nếu bớt cả tin và cứng rắn hơn, nhiều khả năng Bảo Đại tránh cho vương quốc khỏi những cuộc chiến tranh sau này?

Ông đã nhường ngôi cho Hồ Chí Minh, một người xứ Nghệ ông cho là yêu nước và xứng đáng. Ông đã từ nhiệm quá sớm, khi Định mệnh đặt lên đôi vai những thử thách?

Nếu không, chỉ trong hai ngày, tướng Charles de Gaulle sẽ không thể thuyết phục nổi Tổng thống Roosevelt, một người kiên quyết xóa bỏ chế độ thuộc địa :

''Tôi không hiểu được ý định của Ngài, thưa Tổng thống. Ngài muốn một nhà nước của chúng tôi trở thành một liên bang điều khiển bởi nước Nga ? Ngài biết rằng nước Nga đang ồ ạt tiến lên. Sau khi nước Đức đã và đang sụp đổ, là đến lượt chúng tôi. Nếu người dân ở đây biết rằng Ngài chống lại chúng tôi, thì điều đó sẽ là một thất vọng khủng khiếp và ai biết điều gì sẽ xảy ra ? Chúng tôi không muốn trở thành một nước cộng sản, chúng tôi không muốn quỹ đạo của Nga. Hy vọng Ngài cũng sẽ không đẩy chúng tôi vào quỹ đạo ấy''.

Nguồn hình ảnh, CAOPHONGPHAM

Chụp lại hình ảnh,

Nhận xét của ông Hồ Tá Khanh, cựu Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ Trần Trọng Kim ghi trên cuốn sách 'Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc

Ông chứng minh rằng ông dám chơi tay ngang với các nhà ngoại giao, những kẻ trong chiếc cặp mang theo chỉ có đôi găng boxing và cặp súng lục.

Hiệp định Hạ Long và những thỏa thuận khác mà Bảo Đại có với Pháp đều sở hữu khung hình pháp lý khỏe hơn Hiệp định 6/3/1946 ông Phạm Văn Đồng đến ngày cuối trên đất Pháp mới với được.

Ông đặt nền móng sơ khai cho chính thể VNCH sau này.

Bắc Hàn, hay CHDC Đức là những hình mẫu mà lời giải lịch sử đã có rồi.

Những điều học được từ Cours Hattemer và trường trường Khoa học Chính trị ELSP chỉ cho ông con đường ấy.

Bác sĩ Hồ Tá Khanh, thành viên trong chính phủ Trần Trọng Kim, người biết rõ ông Hòe viết bên lề cuốn sách in bằng giấy xấu, đen bẩn 'Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc' như nấc lên: ''Quan trường mà như thế, Hòe ơi."

Nay thật khó nhận định về vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là 'công dân tự do' đầu tiên, số một của nước Việt Nam cố gắng giành độc lập sau Thế Chiến 2.

Nhưng những gì ông trải qua trong học hành, trong chính trường Đông - Tây với số phận dân tộc nhỏ bé cần được trân trọng, thay vì thái độ phủ nhận để đòi có chính nghĩa duy nhất làm thay, cố làm khác đi, gây tàn phá nhiều hơn mà cái đạt được chưa chắc đã tốt hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn