• Nguyễn Giang
  • bbcvietnamese.com

Ba Lan vệ quốc bằng niềm tin Công giáo

Nguồn hình ảnh, JANEK SKARZYNSKI

Chụp lại hình ảnh,

Cảnh đóng lại một cuộc chiến thời Cộng hòa II: quân Ba Lan dưới thánh giá bằng cây bạch dương

Sang thăm Warsaw hôm 06/07/2017 trước khi đến Hamburg dự G20, Tổng thống Donald Trump đã thổi lên tinh thần dân tộc Ba Lan, ca ngợi truyền thống chống ngoại xâm của họ.

Ông nói đến sức bền bỉ của Ba Lan vượt qua sự chiếm đóng tàn khốc của Đức trong Thế Chiến 2 nhưng cũng nhắc đến "Phép màu bên sông Vistula".

Đây là chiến thắng của Cộng hòa Ba Lan đuổi được Hồng quân của Nga Xô Viết (đến 1922 được đổi tên thành Liên Xô) tiến chiếm thủ đô năm 1920.

1.Cuộc chiến Ba Lan - Nga Xô Viết (1919-1921)

Thắng lợi của trận Warsaw (8/1920) là bước ngoặt trong cuộc chiến nổ ra năm 1919 sau khi Quốc trưởng Ba Lan Jozef Pilsudski ký hòa ước với phái dân tộc Ukraine của Symon Petlyura để chống lại nước Nga Xô Viết, theo Britannica.

Liên quân Ba Lan - Ukraine đã thắng nhiều trận và chiếm Kiev vào tháng 5/1920.

Vladimir Lenin ra lệnh cho Hồng quân phản công và họ đã đẩy lui quân Ba Lan ngược về phía Tây.

Sau đó, Nguyên soái Mikhail Tukhachevsky tập trung số quân 140 nghìn đánh vào Ba Lan từ tháng 7.

Nguyên soái Hồng quân Mikhail Tukhachevsky duyệt hàng quân trước khi tấn công Ba Lan năm 1920

Nguồn hình ảnh, TASS/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nguyên soái Hồng quân Mikhail Tukhachevsky duyệt hàng quân trước khi tấn công Ba Lan năm 1920

Giao tranh diễn ra trên ba mặt trận, từ biên giới Ba Lan - Ukraine đến tận vùng Đông Phổ thuộc Đức ở phía Tây Bắc Warsaw.

Tukhachevsky cho ba quân đoàn (3, 15 và 16) chia làm hai hướng nhắm đánh thủ đô Ba Lan.

Còn Quân đoàn 4 và một sư đoàn kỵ binh nhận nhiệm vụ vòng lên hướng Torun ở phía Tây Bắc để bao vây và đánh ngược trở lại phía Nam của Warsaw, theo một bài trên Newsweek Polska hồi tháng 8/2016.

Về phía Ba Lan, chỉ riêng mặt trận chính để bảo vệ Warsaw đã trải dài 800 km và có nhiều sông lớn nhỏ, khiến họ không thể hoàn toàn triển khai các lữ đoàn kỵ binh 'ulani' dùng gươm và súng trường.

Nguyên soái Pilsudski vì thế đã dùng kỵ binh như lực lượng cơ động cao để tập hậu và truy kích Hồng quân.

Còn các tuyến phòng thủ chính do bộ binh và dân quân Ba Lan đảm trách.

Quân Ba Lan ít hơn (123 nghìn) nhưng có lợi thế nắm rõ địa hình và biết cách di chuyển tùy tình hình đã bắt đầu bằng các trận phòng thủ nhỏ, chuyển sang phản kích và dần dần mở các chiến dịch lớn.

Đến giữa tháng 8/1920, sau khi chia cắt các cánh quân địch, Ba Lan tổng phản công và đẩy quân Nga về bên kia biên giới.

Hòa ước Riga tháng 3/1921 đã xác định lại đường biên với việc Ba Lan chấp nhận để phần lớn lãnh thổ Ukraine thành nước Cộng hòa Xô viết Ukraine nhưng nhận được nhiều vùng thuộc Belarus và phía Nam Ukraine.

Dựng lại cảnh Hồng quân mang cờ búa liền tấn công vào Ba Lan năm 1920

Nguồn hình ảnh, JANEK SKARZYNSKI/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Dựng lại cảnh Hồng quân mang cờ búa liền tấn công vào Ba Lan năm 1920

2. Cộng hòa và Cộng sản

Trận Warsaw nằm trong bối cảnh chung là tranh chấp lãnh thổ và vùng ảnh hưởng giữa nước Ba Lan tư sản thành lập năm 1918, và nước Nga Xô Viết ra đời sau Cách mạng tháng Mười 1917.

Ý tưởng đánh Ba Lan còn có lý do ý thức hệ.

Lenin muốn chiếm Warsaw để mở "con đường cách mạng" ngắn nhất sang Đức, đem màu cờ đỏ Bolshevik sang toàn Tây Âu.

Người chặn chiến lược "xuất khẩu cách mạng" của Nga không phải là ai khác mà chính là Pilsudski, cựu đảng viên đảng Xã hội Chủ nghĩa Nga và đồng chí của anh trai Lenin, Aleksander Ulyanov.

Jozef Pilsudski

Nguồn hình ảnh, East News/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nguyên soái Ba Lan Jozef Pilsudski trong ảnh chụp năm 1919: chiến thuật phản công của ông năm 1920 đã đánh bại Hồng quân Nga Xô Viết

Khi còn là sinh viên Đại học Kharkov và là thần dân của Nga, Jozef Pilsudski bị bắt trong vụ ám sát hụt Nga hoàng năm 1887.

Người chủ mưu Aleksander Ulyanov bị xử tử còn Pilsudski bị đày đi Siberia và sau về nước đấu tranh giành độc lập cho Ba Lan.

Sự nghiệp của Pilsudski cũng phản án một quy luật: từ một người theo Chủ nghĩa Xã hội, ông vì quyền lợi dân tộc đã trở thành anh hùng của nền cộng hòa Ba Lan và chống lại Moscow.

Người Ba Lan cũng dựa vào chủ nghĩa dân tộc và Công giáo La Mã như một hỗ trợ tinh thần chống lại nước Nga Xô Viết.

Giáo hội Công giáo Ba Lan cổ vũ cho thanh niên trai tráng ra trận và đề cao các trận chiến nhỏ để lên tinh thần cho quân đội.

Chiến thắng đẩy các binh đoàn của Nga ra khỏi ngoại ô Warsaw được cho là nhờ ơn của Đức Mẹ Maria nghe lời cầu nguyện từ người Ba Lan.

Người Ba Lan còn lên tinh thần bằng cách nhắc lại trận Vienna năm 1683 khi Vua Jan Sobieski đã thắng quân Hồi giáo và "cứu châu Âu Cơ đốc giáo" khỏi hiểm họa sinh tồn.

3. Súng máy, kỵ binh và điện đài

Bỏ sang một bên tuyên truyền và huyền thoại, Trận Warsaw 1920 được coi là trận đánh cuối cùng của Thế Chiến 1 (1914-1918) ở châu Âu, với cách tác chiến, vũ khí và trang bị của buổi giao thời giữa hai Thế Chiến.

Đây cũng là cuộc chiến bị quốc tế hóa từ ngày đầu.

Đồng minh Hungary đã hỗ trợ cho Ba Lan nhiều súng máy, đạn dược và cả bếp quân dụng.

Nhưng vì Tiệp Khắc và Áo bao vây Ba Lan, Hungary phải gửi viện trợ quân sự bằng đường xe lửa vòng vèo qua lãnh thổ Romania.

Pháp cử Tướng Maxime Weygand đến trợ giúp Ba Lan cùng một phái bộ quân sự.

Charles de Gaulle, sau là Tổng tư lệnh lực lượng kháng chiến Pháp chống Đức, được biệt phái vào quân đội Ba Lan với hàm thiếu tá và nhận huân chương cho thành tích trong trận bên sông Zbrucz.

Nguồn hình ảnh, TASS/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các cấp chỉ huy cao nhất của Hồng quân: từ trái sang: Yan Gamarnik, Mikhail Tukhachevsky, Kliment Voroshilov, Alexander Yegorov và Genrikh Yagoda trước Lăng Lenin năm 1935. Quân Liên Xô sau có cơ hội tiêu diệt Ba Lan.

Nhưng trong chiến tranh Ba Lan - Nga năm đó, súng máy và súng trường cùng kiếm dài, và ngựa vẫn được dùng nhiều.

Máy bay nhẹ đã được sử dụng để thả bom tay và ném lựu đạn xuống bộ binh nhưng chưa có các phi đội hiện đại như thời Thế Chiến 2.

Cho đến năm 1920, trên toàn châu Âu, cách thiết kế xe tăng và thiết giáp vẫn còn rất sơ khai.

Chỉ có một công nghệ mới là điện đài và radio đã có mặt trong cuộc chiến này.

Nhưng điều thú vị là nhờ kỵ binh chiếm được máy phát sóng của Nga, phía Ba Lan đã giành thế thượng phong về thông tin.

Ngày 15/08, sư đoàn kỵ binh 203 của Ba Lan đã bất ngờ tấn công bộ chỉ huy Quân đoàn 4 của Hồng quân đóng ở Ciechanow, thu được nhiều đạn dược, và làm chủ máy phát phát sóng cùng nhiều tài liệu quân sự.

Kể từ đó, phía Ba Lan nắm được các lệnh chuyển quân từ Minsk của quân Nga và sau đó còn dùng làn sóng này để đọc Kinh Thánh như một cách tuyên truyền làm suy yếu tinh thần quân địch.

Các tài liệu giải mật năm 2005 còn cho biết một chuyên gia điện đài Ba Lan, trung uý Jan Kowalewski ngay từ tháng 9/1919 đã phá được mật mã quân sự của Nga.

Mất liên lạc hoàn toàn với Bộ tư lệnh, cả Quân đoàn 4 của Nga vẫn tiếp tục hành quân về phía Tây Bắc mà không rút về vì không biết cánh quân chính đã bị đánh tan gần Warsaw.

Khi bị bao vây và chặn hậu, chừng 30 nghìn quân Nga "lạc đường" đã phải chạy sang lãnh thổ Đức ở Đông Phổ, bị bắt rồi giải giáp toàn bộ.

Riêng trong Trận Warsaw, quân Ba Lan chỉ tổn thất chừng 4,5 nghìn quân còn Hồng quân bị giết và bị thương nặng khoảng 25 nghìn, và 60 nghìn bị bắt làm tù binh.

4. Bài học lịch sử

Sau khi giành lại chủ quyền toàn bộ từ Liên Xô năm 1989, nền Cộng hòa Ba Lan phục hồi lại nhiều trang lịch sử, ca ngợi chiến tích của Cuộc chiến năm 1920.

Năm 2011 Ba Lan bỏ ra gần 10 triệu USD làm bộ phim Trận Warsaw 1920 của đạo diễn Jerzy Hoffman.

Trong phim, chàng kỵ binh Ba Lan (Borys Szyc đóng), vì tiếng gọi của tổ quốc và niềm tin Công giáo, đã gia nhập quân ngũ đúng vào ngày cưới với giọng ca nữ của làng quê (trong vai của Natasza Urbanska).

Bộ phim mô tả cuộc chiến khi ấy là để bảo vệ Ukraine trước sự bành trướng của quân Nga.

Về mặt nghệ thuật, phim này bị phê phán là nặng tính tuyên truyền, diễn xuất yếu.

Nhưng thông điệp chính của phim cũng phù hợp với những gì phái hữu hiện nay tại Warsaw đề cao: Ba Lan đứng về phía văn minh Phương Tây và có trách nhiệm đạo đức bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin.

Tổng thống Donald Trump khi đến Ba Lan cũng nói về "sứ mệnh" này.

Nguồn hình ảnh, Gallo Images

Chụp lại hình ảnh,

Ba Lan ngày này là nước ít ỏi trong Nato ở châu Âu chi tiêu cho quốc phòng ngang với Anh, tính theo phần trăm GDP

Nhưng như sử gia Anh, ông Norman Davies viết trong cuốn "Đại Bàng Trắng và Cờ Đỏ" (White Eagle, Red Star: The Polish-Soviet War 1919-20), cuộc chiến năm 1920 chỉ đem lại thắng lợi tạm thời cho Ba Lan.

Thất bại năm đó chỉ khiến Nga quyết tâm hơn trong nỗ lực tiêu diệt ý chí dân tộc Ba Lan và thu hẹp lại lãnh thổ nước này sau năm 1945.

Năm 1939, Liên Xô và Đức Quốc xã hợp đồng tác chiến tấn công Ba Lan từ hai phía và chia sẻ mục tiêu chung là tiêu diệt sinh lực dân tộc Ba Lan bằng cách tàn sát có kế hoạch giới sỹ quan, giáo sư đại học, tu sỹ Công giáo.

Sau Thế Chiến 2, cứ năm người Ba Lan thì một bị giết, và lãnh thổ Ba Lan bị thu hẹp còn 2/3 so với năm 1939.

Vị trí địa lý và tinh thần dân tộc đặt Ba Lan thường xuyên ở thế phải chống lại các đại cường bao vây xung quanh.

Lich sử cũng hay lặp lại và các nước nhỏ hơn thường bị tàn phá nhiều hơn.

Dù châu Âu đang hòa bình, không khí chính trị lại phảng phất những dấu hiệu của thời kỳ dự báo chuyển biến địa chính trị to lớn.

Cuộc chiến 97 năm về trước vẫn có thể là một bài học cho người Ba Lan và châu Âu.