Ngày 10/9/1968: quân đội Liên Xô hành quân qua đường phố Prague trong thời kỳ "Mùa xuân Prague"

Nguồn hình ảnh, Reg Lancaster/Express/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ngày 10/9/1968: quân đội Liên Xô hành quân qua đường phố Prague trong giai đoạn "Mùa xuân Prague"

Ngày 21/8/1968, hàng chục người bị giết chết trong cuộc trấn áp quân sự của quân đội Liên Xô và năm quốc gia tham dự Hiệp ước Warsaw.

Xe tăng Liên Xô kéo vào thành phố, nghiền nát cuộc thử nghiệm "chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người".

Một số thành viên lãnh đạo của phong trào tự do Tiệp Khắc bị bắt giữ, trong đó có Thủ tướng Alexander Dubcek.

Hãng thông tấn Liên Xô, Tass, nói rằng việc "kháng cự" được thực hiện theo yêu cầu của các thành viên trong chính phủ và các lãnh đạo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, nhằm chống lại "các lực lượng phản cách mạng".

Tuy nhiên, trong một bài diễn văn bí mật phát trên kênh phát thanh, Chủ tịch nước Tiệp Khắc Ludvik Svoboda lên án việc các đồng minh khối Hiệp ước Warsaw chiếm đóng lãnh thổ là bất hợp pháp, và đã được thực hiện mà không được sự đồng ‎ý của chính phủ Tiệp.

Tổng thống Hoa Kỳ khi đó, Lyndon Johnson nói cuộc xâm chiếm là sự vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và những l‎í do Liên Xô đưa ra để biện minh cho việc này là "hoàn toàn bày đặt".

"Đó là lời bình luận đáng buồn trong tư duy những người cộng sản khi họ cho rằng dấu hiệu tự do tại Tiệp Khắc bị coi là mối đe dọa căn bản cho an ninh của hệ thống Xô-viết," ông nói.

Giới chức Tiệp Khắc đã ra lệnh cho lực lượng quân đội với số lượng đông áp đảo của mình không đánh trả, và kêu gọi dân chúng kiềm chế.

Người dân Prague xúm quanh xe tăng Liên Xô hôm 21/8/1968. Quân đội Liên Xô và năm quốc gia tham dự Hiệp ước Warsaw trấn áp cải cách được gọi là "Mùa xuân Prague" ở Tiệp Khắc cũ.

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Prague vây quanh xe tăng Liên Xô hôm 21/8/1968

Phản kháng

Việc thay đổi hướng đi của Tiệp Khắc bắt đầu khi ông Dubcek, người Slovakia, trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản vào tháng 1/1968.

Một chương trình cải cách dân chủ diện rộng bắt đầu được đưa ra, mở đầu cho phong trào "Mùa xuân Prague".

Trong ngày 21/8/1968, những đám đông tụ tập trên đường phố, hô vang ủng hộ ông Dubcek và đòi lính nước ngoài rút về nước.

Hầu hết sự phản kháng diễn ra quanh khu vực đài phát thanh Prague.

Sau đó, các thanh niên Tiệp ném bom xăng và thậm chí còn tìm cách chiếm xe tăng Nga.

Các tường thuật nói một số xe tăng và xe tải chở đạn dược bị phá hủy, nhưng binh lính Liên Xô đáp trả bằng súng máy và nã pháo. Ít nhất có bốn người bị bắn chết.

Tại các khu vực quảng trường Wenceslas và Phố Cổ, hàng trăm thanh niên dựng rào chắn và lật đổ xe tải cỡ lớn nhằm chặn đường tiến của đối phương.

Các chỉ huy Liên Xô và của khối năm thành viên Hiệp ước Warsaw sau đó áp lệnh thiết quân luật vào ban đêm và dọa bắn bỏ bất cứ ai dám vi phạm lệnh này.

Toàn bộ các tuyến đường xe lửa, đường bộ và đường không ra khỏi Tiệp đều bị đóng trong lúc binh lính nước ngoài tiếp tục tiến vào. Ước tính có khoảng gần 175 ngàn lính tham gia chiến dịch.

Người dân Tiệp Khắc tuần hành hôm 25/1/1969 tại quảng trường Wenceslas ở trung tâm Prague tại lễ tang của Palach, một sinh viên tự thiêu để phản đối Liên Xô xâm chiếm Tiệp.

Nguồn hình ảnh, GERARD LEROUX/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Tiệp Khắc tuần hành hôm 25/1/1969 tại Quảng trường Wenceslas ở trung tâm Prague tại lễ tang của Jan Palach, một sinh viên tự thiêu để phản đối Liên Xô xâm chiếm Tiệp.

Phản ứng quốc tế

Sau cuộc xâm chiếm, ông Dubcek và các gương mặt chính trị khác bị cấm hoạt động và bị thay thế bằng một chế độ cộng sản đàn áp hà khắc. Toàn bộ các cải cách trước đó bị tuyên bố vô hiệu, hoặc bị bỏ, không thực hiện.

Cuộc xâm chiếm bị lên án mạnh mẽ trên thế giới.

Đáng kể là có đảng cộng sản ở các nước Nam Tư và Romania tuyên bố họ không dính gì tới các hành động của Liên Xô.

Cũng như những gì từng xảy ra tại Hungary hồi 1956, phương Tây không hành động gì.

Khi đó, Hoa Kỳ đang trong giữa kỳ bầu cử tổng thống và đang bận rộn với cuộc chiến Việt Nam.

Đảng Cộng sản cuối cùng bị lật đổ tại Tiệp Khắc vào 24/11/1989, và ông Dubcek vinh quang trở lại thủ đô Prague.

Ông trở thành lãnh đạo của chính quyền hậu cộng sản trong diễn biến về sau được gọi là Cách mạng Nhung.