Những ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam và bí mật về sự can thiệp của Trung Quốc

Thứ Sáu, 29 Tháng Tư 20226:26 CH(Xem: 2636)
Những ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam và bí mật về sự can thiệp của Trung Quốc
voatiengviet.com

Những ngày cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam và bí mật về sự can thiệp của Trung Quốc

VOA Tiếng Việt

Hơn một thập kỷ tìm kiếm qua những tài liệu giải mật và các cuộc phỏng vấn với những người trong cuộc, nhà sử học George J. Veith phát hiện ra điều mà ông gọi là “bí mật lớn cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam”

Lần đầu tiên ông Veith, người có bằng tiến sỹ về sử học, biết về ‘bí mật’ này là qua một nhà ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa và cũng là bạn của ông, Nguyễn Xuân Phong, người từng là Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm Paris của chính phủ VNCH trước khi tới Mỹ và làm việc tại Đại học Texas Tech đầu những năm 2000.

“Ông (Phong) nói rằng ông có một ‘bí mật lớn’ mà ông chưa nói với ai,” ông Veith, một cựu Đại úy Lục quân Hoa Kỳ, nói và cho biết ông Phong đã giữ kín bí mật đó trong hơn 30 năm. “Ông ấy chỉ nói rằng khi còn ở trong trại cải tạo (của Bắc Việt), những người Cộng sản đã đánh đập ông để tìm ra những gì ông ấy biết nhưng ông không nói.”

Qua một cuộc điện thoại cách đây nhiều năm, ông Phong cho ông Veith biết rằng “phía Trung Quốc muốn đưa hai sư đoàn nhảy dù vào Biên Hòa để chặn cuộc Nam tiến của quân Bắc Việt” trong những ngày tháng cuối của cuộc chiến tranh.

Theo phát hiện của nhà sử học từng viết 4 cuốn sách về đề tài Chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc, một đồng minh lâu năm của miền Bắc Việt Nam, có thể đã tìm cách tạo ra một miền Nam trung lập vào năm 1975 nhằm ngăn cản Hà Nội giành được chiến thắng mà họ đã tìm kiếm từ lâu.

“Điều này thực sự là sốc vì Trung Quốc, cùng với Liên Xô, đã hỗ trợ Hà Nội trong suốt những năm tháng đó rồi đột nhiên thay đổi,” ông Veith nói với VOA về sự phát hiện khiến ông “bàng hoàng.”

Phát hiện này được ông Veith tiết lộ trong cuốn “Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams,” (Tuốt gươm ở miền đất xa lạ: Những giấc mơ tan vỡ của miền Nam Việt Nam) trong đó cung cấp nhiều chuyện hậu trường chưa được biết tới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, tập trung vào sự nghiệp chính trị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng như thăng trầm của chính quyền dưới thời ông. Đây là cuốn sách mới nhất và cũng là cuốn sách thứ 4 của ông Veith về Chiến tranh Việt Nam, ra mắt vào năm ngoái. Trước đó, ông cho ra mắt cuốn “Black Friday: The Fall of South Vietnam 1973-75” (Tháng Tư đen: Sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam 1973-75) sau hai cuốn về việc tìm kiếm binh sỹ Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.

‘Người đưa thư’

Trong thời gian đàm phán ở Paris về Việt Nam từ 1968 đến 1975, ông Phong – từ địa vị thành viên đến trưởng phái đoàn rồi Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm – cho ông Veith biết rằng ông đã tiếp xúc với phía Trung Quốc nhằm để cứu vãn miền Nam Việt Nam.

Không lâu sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger có chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh năm 1971, ông Phong được mời tới tham dự một tiệc chiêu đãi ở Sứ quán Miến Điện ở Paris. Tại đó, theo ông Veith kể trong chương cuối cùng của cuốn sách, ông Phong được giới thiệu với một quan chức Trung Quốc từ Văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lai. Người này kết thúc cuộc thảo luận bằng câu hỏi: “Liệu Tổng thống Thiệu có biết ai là bạn ai là thù của ông ấy không?”

Theo ông Phong, phía Trung Quốc đã qua ông gửi nhiều thông điệp tới ông Thiệu để tìm cách có được một cuộc hội thoại trực tiếp nhưng vị tổng thống VNCH đã không đáp lời.

Ông Phong nói rằng khi trở lại Sài Gòn vào năm 1975, ông mang theo một thông điệp bí mật từ phía Trung Quốc. Ông ngay lập tức đi gặp Tổng thống Trần Văn Hương, người lên nắm quyền từ 21/4/1975 sau khi ông Thiệu từ chức, để thông báo rằng không có hy vọng cho các cuộc đàm phán khi ông còn đương nhiệm. Ông Phong không nhắc tới thông điệp từ phía Trung Quốc. Ngày hôm sau, ông Hương triệu tập cuộc họp để bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho Tướng Dương Văn Minh.

Sau đó vài ngày, ông Phong gặp mặt với người bạn thân của Tướng Minh, Tướng Trần Văn Đôn, và một đại diện của Chính phủ Giải phóng Lâm thời (PRG) để bàn thảo về việc thành lập một chính phủ liên minh. Tại cuộc gặp, có cả sự hiện diện của một quan chức PRG – do Bắc Việt hậu thuẫn – ông Phong nói rằng Pháp và các nước khác sẽ giúp đỡ chính phủ mới nhưng cố tình mơ hồ về ý nghĩa của điều này.

Trung Quốc, theo ông Phong, rất muốn PRG nắm quyền thông qua công thức liên minh của Pháp với Tướng Minh để ngăn chặn sự tiếp quản của Bắc Việt. Sau khi một liên minh được thành lập, ông Minh sẽ gửi lời kêu gọi trợ giúp và người Pháp sẽ trả lời rằng một lực lượng quốc tế sẽ vào Nam Việt Nam để bảo vệ chính phủ mới. Ban đầu, như ông Phong cho biết, sẽ là “hai sư đoàn nhảy dù của Trung Quốc vào Biên Hòa” và Bắc Kinh yêu cầu có 4 ngày để điều động quân của họ đưa đến căn cứ không quân này.

“Bắc Kinh không thể ra mặt và làm việc này một cách trực tiếp nhưng họ để mọi người thấy rằng họ… để cho người Pháp làm việc này!,” ông Phong giải thích về ý định của Bắc Kinh – được nhà sử học Veith ghi lại trong cuốn sách. “Bắc Kinh không thể ngang nhiên can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Pháp cần phải kêu gọi một số quốc gia tham gia vào một ‘lực lượng quốc tế’ (với Pháp là mũi nhọn) để cho phép Bắc Kinh can thiệp.”

Vì sao Trung Quốc muốn can thiệp bằng quân sự để ngăn cản chiến thắng của quân Bắc Việt sau nhiều năm ủng hộ Hà Nội?

Theo giải thích của nhà sử học Mỹ, Trung Quốc muốn một miền Nam Việt Nam trung lập để không bị bao vây bởi một hiệp ước tiềm tàng giữa Moscow và Hà Nội. Điều này được Nayan Chanda của Far Eastern Economic Review khẳng định khi cho rằng Bắc Kinh đã “nhất quán tuân thủ chính sách duy trì bằng mọi cách theo ý của mình một Đông Dương bị chia cắt không có các cường quốc lớn.”

Thông điệp từ Trung Quốc

Ông Phong, qua đời năm 2017, không phải là người duy nhất mang thông điệp của Trung Quốc tới chính thể VNCH. Theo ông Veith, một tướng hồi hưu người Pháp có tên Paul Vanuxem, người quen biết ông Thiệu và các sĩ quan cao cấp khác của quân đội VNCH từ sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, cũng mang một thông điệp tương tự như ông Phong. Ông Vanuxem đã thỉnh thoảng đến thăm ông Thiệu và trở lại Việt Nam vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh với tư cách là phóng viên tuần báp Carrefour của Pháp.

Trong cuốn sách phát hành năm 1976 về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ông Vanuxem, người mất năm 1997, nói rằng ông đã tới Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 để nói chuyện với Tướng Minh, lúc đó là tổng thống. Theo sử gia Veith, ông Lý Quí Chung, bộ trưởng Bộ Thông tin trong chính phủ tồn tại hai ngày của Tổng thống Minh, khẳng định điều này khi cho biết rằng “ông Vanuxem nói rằng ông ấy muốn đưa ra một kế hoạch cho ông Minh để cứu vãn tình hình tuyệt vọng mà chính thể Sài Gòn đang đối mặt.” Ông Vanuxem nói với ông Minh, ngay sau khi ông Minh ghi âm lời tuyên bố đầu hàng sáng ngày 30/4, rằng: “Tôi đã sắp đặt việc này ở Paris. Tôi yêu cầu ông công khai xin trợ giúp từ Nước C (China – tức Trung Quốc) để bảo vệ ông.”

Ông Vanuxem yêu cầu ông Minh cầm cự trong 3 ngày nhưng ông Minh từ chối, theo ghi nhận của sử gia Veith. Ông Minh đã cười một cách cay đắng trước lời đề nghị của ông Vanuxem và nói rằng: “Theo Tây, theo Mỹ mãi chưa đủ sao mà bây giờ lại theo Tàu?”

“Tôi tiếp tục đào sâu và sau đó tôi tìm thêm ra nhiều thông tin được chính những người Cộng sản công bố, trong đó cũng nói về những điều tương tự,” ông Veith cho biết và nói rằng Hà Nội cũng biết được lời đề nghị của ông Vanuxem và cuối cùng thừa nhận về ý định can thiệp của Trung Quốc. “Sách Trắng Quốc phòng (của Việt Nam) xuất bản 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, trong đó thừa nhận rằng ông Vanexum đã tới Dinh (Thống Nhất) và tìm cách thực hiện âm mưu nhằm ngăn chặn bước tiến của họ để giành chiến thắng trong cuộc chiến đó.”

Phía Trung Quốc cũng được cho là đã tiếp cận cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn với William Buckley trên Firing Line tháng 9/1975, ông Kỳ nói rằng các đặc vụ Trung Quốc đã tới nhà ông ở Sài Gòn vào năm 1972 và yêu cầu ông lật đổ Tổng thống Thiệu cũng như “tuyên bố miền Nam Việt Nam trung lập, không theo Nga hay Mỹ.” Ông Kỳ, người đã đưa gia đình di tản sang Mỹ sau khi Sài Gòn sụp đổ, nói rằng nếu ông làm điều đó, “thì phía Trung Quốc sẽ hỗ trợ ông” bởi vì Bắc Kinh “đã gặp khó khăn ở biên giới phía bắc với người Nga” và “không muốn sườn phía nam của mình bị vệ tinh của Nga (tức Bắc Việt Nam) chiếm đóng.”

Với những khẳng định từ nhiều nguồn khác nhau, sử gia Veith tin rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cản chiến thắng của quân Bắc Việt bằng cách hậu thuẫn một chính phủ trung lập ở miền Nam Việt Nam, là có thật. Tuy nhiên điều này không thể được khẳng định hoàn toàn khi không có bằng chứng tài liệu hay sự chấp nhận chính thức từ chính phủ Trung Quốc hoặc Pháp.

Liệu Trung Quốc hay Pháp, mỗi nước vì lợi ích quốc gia, có thông đồng để tìm cách làm cho miền Nam Việt Nam trung lập cũng như ngăn chặn chiến thắng của Hà Nội hay không, sẽ vẫn là một khả năng bỏ ngỏ và sử gia Veith gọi đó là “bí mật lớn cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam.”

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 13 Tháng Năm 20222:17 CH
Khách
Nếu chính phủ Pháp và Trung Cộng không công nhận thì đây chỉ là một thuyết âm mưu và các tay "sử gia" khờ khạo bị mắc bẩy cộng sản.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn