Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy chỉ là vì lý do kinh tế?

Thứ Sáu, 09 Tháng Ba 20187:00 CH(Xem: 8005)
Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy chỉ là vì lý do kinh tế?

populism

Nguồn: Joseph Nye, “Putting the Populist Revolt in Its Place”, Project Syndicate, 

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Ở nhiều nền dân chủ phương Tây, năm nay là năm của những cuộc nổi loạn chống lại giới tinh hoa. Sự thành công của chiến dịch Brexit ở Anh, chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trong Đảng Cộng hòa ở Mỹ, thắng lợi của các đảng dân túy ở Đức và những nơi khác đã được nhiều người coi là báo hiệu cho sự kết thúc của một kỷ nguyên. Theo nhà bình luận của tờ Financial Times Philip Stephens, “trật tự toàn cầu hiện nay – hệ thống tự do dựa trên các luật lệ được thiết lập năm 1945 và mở rộng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc – đang ở trong tình trạng căng thẳng chưa từng có. Toàn cầu hóa đang thoái trào.”

Thực ra, có thể hơi vội vàng khi đưa ra những kết luận bao quát như vậy.

Một vài nhà kinh tế quy kết sự bùng nổ hiện tại của chủ nghĩa dân túy là do “siêu toàn cầu hóa” hồi thập niên 1990, với việc tự do hóa dòng chảy tài chính quốc tế và sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – và đặc biệt là sự gia nhập WTO của Trung Quốc vào năm 2001 – thu hút hầu hết sự chú ý. Theo một nghiên cứu, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc làm mất đi gần một triệu việc làm ngành chế tạo ở Mỹ từ năm 1999 đến 2011; nếu tính cả các nhà cung cấp và các ngành công nghiệp liên quan thì mất đến 2,4 triệu việc làm.

Như nhà kinh tế giành giải Nobel Angus Deaton biện luận, “điều điên rồ là một số người phản đối toàn cầu hóa lại quên mất rằng một tỷ người đã thoát nghèo chủ yếu nhờ toàn cầu hóa.” Mặc dù vậy, ông cũng nói thêm rằng các nhà kinh tế có trách nhiệm lương tâm trong việc ngưng làm ngơ những người bị (toàn cầu hóa) bỏ lại phía sau. Tăng trưởng chậm và bất bình đẳng thu nhập lớn hơn đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa chính trị.

Nhưng chúng ta nên thận trọng với việc quy kết chủ nghĩa dân túy hoàn toàn là do tình trạng khó khăn của nền kinh tế. Các cử tri Ba Lan bầu nên một chính phủ dân túy cho dù được hưởng lợi từ một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Âu, trong khi đó Canada trong năm 2016 dường như không hề bị ảnh hưởng bởi tâm trạng chống nền chính trị dòng chính, thứ đang sôi sục trong nhà người hàng xóm khổng lồ của họ (tức nước Mỹ).

Theo một nghiên cứu kỹ càng về làn sóng ủng hộ ngày càng tăng dành cho các đảng dân túy ở châu Âu, nhà khoa học chính trị Ronald Inglehart từ Đại học Michigan và Pippa Norris từ Harvard nhận ra rằng tình trạng bấp bênh của nền kinh tế trong bối cảnh các thay đổi về lực lượng lao động ở các xã hội hậu công nghiệp không giúp lý giải cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy rõ ràng bằng các phản ứng văn hóa. Nói cách khác, việc ủng hộ chủ nghĩa dân túy là phản ứng của các bộ phận dân cư từng chiếm ưu thế trước những thay đổi về các giá trị vốn đe dọa vị thế của họ. “Cuộc cách mạng thầm lặng ở thập niên 1970 dường như đã làm bùng nổ phản ứng ‘phản cách mạng’ giận dữ và phẫn nộ ngày nay,” Inglehart và Norris kết luận.

Ở Hoa Kỳ, các thăm dò dư luận cho thấy lượng người ủng hộ Trump nghiêng về nam giới da trắng lớn tuổi, học thức thấp. Người trẻ, phụ nữ và các nhóm thiểu số không góp mặt nhiều trong liên minh của ông. Hơn 40% cử tri ủng hộ Trump, nhưng với tình trạng thất nghiệp thấp trên cả nước, chỉ một phần nhỏ trong số đó có thể được lý giải chủ yếu bởi sự ủng hộ dành cho ông ở các khu vực trì trệ kinh tế.

Ngược lại, ở Mỹ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy còn có nhiều lý do khác ngoài vấn đề kinh tế. Một cuộc thăm dò dư luận của YouGov do The Economist đặt hàng cho thấy sự bất bình mạnh mẽ về chủng tộc trong số những người ủng hộ Trump, người đã sử dụng vấn đề giá trị giấy khai sinh của Barrack Obama để giúp đưa ông đến chiến dịch hiện tại của mình. Và việc phản đối vấn đề nhập cư, bao gồm ý tưởng xây dựng một bức tường và buộc Mexico chi trả cho nó, đã là một luận điểm từ ban đầu trong bản cương lĩnh tranh cử ủng hộ người bản địa của ông.

Nhưng một khảo sát gần đây của Pew cho thấy cảm tình dành cho dân nhập cư ngày càng tăng ở Hoa Kỳ, với 51% người trưởng thành nói rằng những di dân mới sẽ tăng cường sức mạnh cho đất nước, trong khi chỉ 41% tin rằng họ đang là gánh nặng, giảm từ 50% vào giữa năm 2010, khi tác động của cuộc Đại khủng hoảng vẫn còn được cảm nhận sâu sắc. Ngược lại, ở châu Âu, sự tràn vào đột ngột ở quy mô lớn của người tị nạn chính trị và kinh tế từ Trung Đông và châu Phi đã để lại những hiệu ứng chính trị mạnh mẽ hơn, với việc nhiều chuyên gia suy xét rằng Brexit là do vấn nạn nhập cư vào nước Anh hơn là do bất bình với bộ máy quan liêu ở Brussels.

Ác cảm đối với giới tinh hoa có thể được tạo nên bởi cả sự phản đối về kinh tế lẫn văn hóa. Tờ New York Times xác định một dấu hiệu chính của những quận ủng hộ Trump: dân cư phần lớn là da trắng thuộc tầng lớp lao động, những người mà sinh kế của họ bị ảnh hưởng tiêu cực xuyên suốt các thập kỷ mà nền kinh tế Hoa Kỳ giảm năng lực sản xuất. Nhưng thậm chí nếu không có toàn cầu hóa về kinh tế, thay đổi văn hóa và nhân khẩu học cũng sẽ tạo nên một vài mức độ chủ nghĩa dân túy nhất định.

Nhưng sẽ là cường điệu nếu nói rằng cuộc bầu cử 2016 làm nổi bật lên một xu hướng biệt lập, thứ sẽ chấm dứt kỷ nguyên toàn cầu hóa. Thay vào đó, giới tinh hoa hoạch định chính sách – những người ủng hộ toàn cầu hóa và một nền kinh tế mở – được chờ đợi sẽ giải quyết sự bất bình đẳng kinh tế và cung cấp hỗ trợ điều chỉnh cho những người bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi (vì toàn cầu hóa). Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng sẽ rất quan trọng.

Châu Âu có thể khác biệt bởi sự phản đối mạnh mẽ vấn đề nhập cư, nhưng sẽ là sai sót nếu diễn giải quá mức về các khuynh hướng dài hạn của công luận nước Mỹ dựa vào các luận điệu nóng bỏng trong chiến dịch tranh cử năm nay. Trong khi viễn cảnh về những thỏa thuận thương mại phức tạp mới bị ảnh hưởng, thì cuộc cách mạng thông tin đã củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu và, không giống thập niên 1930 (hoặc thậm chí là 1980), không có sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế.

Thực ra, nền kinh tế Hoa Kỳ đã ngày càng phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, từ 1995 đến 2015, tỉ lệ thương mại hàng hóa trên tổng GDP đã tăng thêm 4,8%. Ngoài ra, trong kỷ nguyên Internet, đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số xuyên quốc gia  vào GDP đã tăng lên nhanh chóng.

Năm 2014, Hoa Kỳ xuất khẩu 400 tỷ các dịch vụ dựa vào công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) – chiếm gần một nửa xuất khẩu dịch vụ của Hoa Kỳ. Và một thăm dò dư luận tiến hành tháng trước bởi Hội đồng Chicago về Quan hệ Quốc tế cho thấy 65% người Mỹ đồng ý rằng toàn cầu hóa chủ yếu có lợi cho Hoa Kỳ, trong khi 59% nói rằng thương mại quốc tế tốt cho đất nước, trong đó sự ủng hộ từ những người trẻ thậm chí còn mạnh mẽ hơn.

Bởi vậy, mặc dù 2016 có thể là năm của chủ nghĩa dân túy trong chính trị, nhưng điều đó không có nghĩa rằng “chủ nghĩa biệt lập” là một mô tả chính xác cho thái độ của người Mỹ hiện tại đối với thế giới. Thực sự, trong những lĩnh vực thiết yếu như vấn đề thương mại và nhập cư, luận điệu của Trump dường như lạc nhịp với suy nghĩ của phần lớn cử tri.

Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả của cuốn Is the American Century Over?.

 – Putting the Populist Revolt in Its Place
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn