Phụ nữ định hình các cuộc đảo chính như thế nào?

Thứ Sáu, 09 Tháng Ba 20189:00 CH(Xem: 8169)
Phụ nữ định hình các cuộc đảo chính như thế nào?

Grace

Nguồn: Raj Persaud & Peter Bruggen, How Women Shape Coups”, Project Syndicate, 20/11/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Minh Châu | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hồi tháng 11/2017, các tướng lĩnh của Zimbabwe đã bắt tạm giam Tổng thống Robert Mugabe trong một cuộc đảo chính thành công (mặc dù họ không thừa nhận đó là một cuộc đảo chính). Nhiều ngày sau, đảng cầm quyền của nước này, Mặt trận Yêu nước – Liên đoàn Quốc gia người Phi Zimbabwe (Zanu-PF), đã quyết định khai trừ vị Tổng thống 93 tuổi khỏi hàng ngũ của Đảng. Nhưng có lẽ không phải bản thân Mugabe, một cây đại thụ trong làng chính trị, là người đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy này, bất chấp sự tàn nhẫn đặc trưng cho giai đoạn cai trị gần bốn thập niên của ông. Ngược lại, người có khả năng kế nhiệm Mugabe – vợ ông, bà Grace, chính là nguồn cơn của vụ việc.

Trong vài năm trở lại đây, bà Grace Mugabe,  52 tuổi, ngày càng trở nên quan tâm đến chính trị, thậm chí tuyên bố rằng bà hy vọng sẽ kế nhiệm chồng mình. Chỉ một tuần trước cuộc đảo chính, Mugabe đã cách chức Phó Tổng thổng Zimbabwe, Emmerson Mnangagwa, để đưa Grace lên vị trí đó.

Theo nghiên cứu mới nhất của Theresa Schroeder, từ Đại học Raford và Jonathan Powell từ Đại học Central Florida, việc phụ nữ là người đứng đầu một quốc gia có xu hướng gây ra những cuộc đảo chính quân sự ở các quốc gia có quân đội đủ mạnh để tiến hành việc đó. Nghiên cứu trích dẫn một vài ví dụ về các âm mưu đảo chính chống lại các nhà lãnh đạo là phụ nữ.

Chẳng hạn, Coranzo Aquino, nữ Tổng thổng Philippines đầu tiên, đã sống sót qua bốn âm mưu đảo chính. Benazir Bhutto không chỉ là nữ Thủ tướng đầu tiên của Pakistan; bà còn là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một chính phủ dân chủ của một quốc gia đa số Hồi giáo. Năm 1995, bà cũng đã phải đối mặt với một âm mưu đảo chính – dù cuối cùng đã bị ngăn chặn – bởi các sĩ quan quân đội nổi loạn.

Schroeder và Powell cho rằng một lý do khả dĩ cho xu hướng này là việc các nhà lãnh đạo nữ có thể được coi là những mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của các tướng lĩnh, bởi vì phụ nữ có xu hướng ủng hộ những chính sách như cắt giảm chi tiêu quân sự và các chính sách ít hiếu chiến hơn. Quả thực, bà Aquino đã sử dụng cách tiếp cận ngoại giao hơn để đối phó với phiến quân ở Philippines so với mong muốn của giới chỉ huy quân đội nước này.

Một lí do khác khiến các nhà lãnh đạo nữ có khả năng bị đảo chính nhiều hơn nằm ở nhận thức, vô thức hoặc có ý thức, rằng phụ nữ ở vị trí đó hẳn đã đạt được chức vụ thông qua các quan hệ hôn nhân hay gia đình. Nói cách khác, thực ra cô ấy đã không đủ mạnh để tự leo lên được đỉnh cao quyền lực.

Như Schroeder và Powell chỉ ra, cách hiểu này không phải hoàn toàn vô căn cứ: ở một số nơi trên thế giới, các nhà lãnh đạo nữ chủ yếu giành được vị trí của mình thông qua các mối quan hệ gia đình. Một cuộc điều tra chỉ ra rằng 33% lãnh đạo nữ nắm quyền trong giai đoạn 1960 – 2007 có quan hệ gia đình với các chính trị gia nổi bật.

Nhưng có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, với việc quan hệ gia đình có nhiều khả năng giúp các nhà lãnh đạo nữ lên cầm quyền nhất ở Mỹ Latinh và châu Á – các khu vực có mức độ bình đẳng giới thấp và ít tôn trọng các quyền của phụ nữ. Trên thực tế, cho đến gần đây, những phụ nữ duy nhất đã trở thành nguyên thủ quốc gia ở các nước Mỹ Latinh đều là con gái hoặc vợ của các nhà lãnh đạo chính trị.

Tất cả những điểm trên đều không có ý khẳng định rằng giới tính cung cấp một lời giải thích mang tính quyết định, chưa nói là toàn diện, cho một cuộc đảo chính. Bản thân Powell cũng chỉ ra rằng, ở Zimbabwe, nhiều phụ nữ đã chiến đấu cho độc lập dân tộc trong Chiến tranh Rhodesia (1964-1979). Trong số những nữ cựu chiến binh của cuộc chiến có Joice Mujuru, người từng giữ chức vụ Phó Tổng thống trong một thập niên mà hầu như không bị thách thức bởi quân đội.

Trớ trêu thay, Mujuru từng được xem là một người kế nhiệm tiềm năng của Mugabe. Nhưng vào năm 2014, bà bị buộc tội âm mưu chống lại Mugabe – những cáo buộc đã khiến bà phải trả giá bằng cả chức vụ Phó Tổng thống và vị trí của mình trong ban lãnh đạo của ZANU-PF.

Trên thực tế, giới tính có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó trong quá trình thực hiện một cuộc đảo chính. Lập kế hoạch một cuộc đảo chính thành công đòi hỏi phải có một mức độ “quyền biến” đáng kể – nghĩa là xu hướng sử dụng người khác làm công cụ để thúc đẩy các mục đích cá nhân của mình. Và, theo nghiên cứu mới, xu hướng “Machiavelli” này – bao gồm ý định và khả năng sử dụng các chiến thuật thao túng, cái nhìn tiêu cực về bản chất con người và sự coi thường đạo đức thông thường – có thể biểu hiện khác biệt ở nam và nữ.

Nghiên cứu, có xét đến kết quả của ba nghiên cứu khác, gợi ý rằng những người đàn ông thể hiện sự xảo quyệt (Machiavellianism) cao có khuynh hướng tự cao tự đại, huênh hoang, đồng thời thường lợi dụng các mối quan hệ và cơ hội chủ nghĩa. Ngược lại, những phụ nữ xảo quyệt lại là người đề phòng, hay lo lắng, và hướng nội. Nghiên cứu kết luận rằng nam giới có khả năng tham gia vào các hình thức thao túng bạo lực và quyết liệt hơn, trong khi nữ giới có thể hành động ngầm, kiềm chế và sử dụng các thủ đoạn lừa dối bí mật, như tung tin đồn và nói xấu đối phương.

Bởi vì quyền lực phản ánh nhận thức, các nhà lãnh đạo đảo chính đối địch thường lợi dụng một cách tàn nhẫn các kẻ thù và cộng sự tiềm năng. Tuy nhiên, họ có thể không nhận ra rằng bản chất giới tính đang định hình chiến lược của họ như thế nào. Đôi khi, chính yếu tố tâm lý học có thể lí giải được cho những cuộc đảo chính bất ngờ.

Ở Zimbabwe, như trong mọi cuộc cuộc đảo chính, phần lớn âm mưu hậu trường sẽ còn tiếp tục diễn ra. Nhưng những người chiến thắng và kẻ thua cuộc cuối cùng có lẽ vẫn phụ thuộc vào một trong rất nhiều yếu tố, đó là giới tính của những người chủ mưu.

Raj Persaud và Peter Bruggen là bác sĩ chuyên khoa tâm thần hiện đang sống tại London, và là các đồng tác giả cuốn sách sắp phát hành The Streetwise Guide to Getting the Best Mental Health Care.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn