Miệng hố lớn nhất trên Trái Đất trong 100.000 năm qua

Thứ Năm, 10 Tháng Ba 20225:00 SA(Xem: 1773)
Miệng hố lớn nhất trên Trái Đất trong 100.000 năm qua

Một miệng hố hình trăng lưỡi liềm ở miền Bắc Trung Quốc giữ kỷ lục miệng hố va chạm lớn nhất trên Trái Đất có niên đại dưới 100.000 năm.

Miệng hố Nghi Lan trong ảnh chụp của vệ tinh Landsat. Ảnh: Đài quan sát Trái Đất/ NASA

Miệng hố Nghi Lan trong ảnh chụp của vệ tinh Landsat. Ảnh: Đài quan sát Trái Đất/ NASA

Trước năm 2020, miệng hố va chạm duy nhất từng được phát hiện ở Trung Quốc nằm ở huyện Tụ Nham thuộc tỉnh Liên Ninh, theo thông báo từ Đài quan sát Trái Đất của NASA. Sau đó, vào tháng 7/2021, các nhà khoa học xác nhận một cấu trúc địa chất ở dãy núi Lesser Xing'an là kết quả do thiên thạch đâm vào Trái Đất. Nhóm nghiên cứu mô tả miệng hố va chạm mới phát hiện trên tạp chí Meteoritics and Planetary Science.

Miệng hố Nghi Lan có đường kính 1,85 km, nhiều khả năng hình thành cách đây 46.000 - 53.000 năm, dựa trên phương pháp xác định niên đại đồng vị carbon của than củi và trầm tích hồ từ khu vực. Các nhà nghiên cứu thu thập mẫu vật trầm tích bằng cách khoan lõi ở giữa miệng hố. Bên dưới hơn 100 m trầm tích hồ và đầm lầy là phiến đá granite vụn dày gần 320 m. Phiến đá granite này tạo bởi nhiều mẩu đá dính chặt vào nhau thành một khối. Đây là vết tích từ vụ va chạm thiên thạch.

Ví dụ, các mẩu đá có dấu hiệu nóng chảy và tái kết tinh trong suốt vụ va chạm, do đá granite bị nung nóng nhanh và nguội đi sau đó. Những mẩu đá khác không bị nóng chảy chứa thạch anh vỡ ra theo kiểu đặc trưng khi thiên thạch đâm xuống đất. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy mảnh thủy tinh hình giọt nước và có nhiều lỗ nhỏ tạo bởi bọt khí. Cả hai đặc điểm đều hé lộ có một vụ va chạm cường độ mạnh từng xảy ra ở đó.

Một phần vành phía nam của miệng hố Nghi Lan biến mất, vì vậy cấu trúc địa chất này trông như hình lưỡi liềm khi nhìn từ trên cao. Miệng hố va chạm hình lưỡi liềm tương đối hiếm gặp trên Trái Đất, theo Chen Ming, thành viên nhóm nghiên cứu ở Viện Địa hóa học Quảng Châu. Hồi tháng 10/2021, vệ tinh Landsat-8 chụp ảnh vành phía bắc của miệng hố. Hiện nay, các nhà khoa học đang tìm hiểu vành phía nam biến mất khi nào và bằng cách nào.

Trước đó, miệng hố thiên thạch ở Arizona, Mỹ, giữ kỷ lục miệng hố va chạm lớn nhất dưới 100.000 năm tuổi với niên đại khoảng 49.000 - 50.000 năm và có đường kính 1,2 km.

An Khang (Theo Live Science)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn