Vì sao người tiền sử lại rời khỏi lục địa châu Phi?

Thứ Ba, 08 Tháng Ba 20221:00 CH(Xem: 1736)
Vì sao người tiền sử lại rời khỏi lục địa châu Phi?

Người tiền sử – Homo sapiens đã di cư nhiều lần trong quá trình phát triển và tiến hóa. Họ tiến hành những cuộc di cư lớn và tiến đến những khu vực khác nhau, nhưng nguyên nhân nào đã dẫn đến hành vi này?

Có thể nói châu Phi là cái nôi của nhân loại và những bằng chứng khảo cổ học đã chỉ ra rằng, những người tiền sử đã di cư từ châu Phi tới những khu vực khác nhau trên hành tinh của chúng ta, những cuộc di cư này được diễn ra trên quy mô lớn và vô cùng phức tạp.

Theo những lý thuyết truyền thống được đưa ra từ những năm 1980 thì khoảng 60.000 năm trước, có 150 – 1.000 người Homo sapiens bắt đầu di cư từ đông bắc châu Phi, băng qua Trung Đông, và sau đó đến các khu vực trên lục địa Á-Âu, họ không phải là những người Homo sapiens di cư đầu tiên, nhưng dường như họ lại trở thành tổ tiên của loài người ở những nơi khác trên thế giới.

Và với công nghệ phân tích DNA ngày nay, điều này lại một lần nữa được củng cố mạnh mẽ hơn, nhưng điều này lại sinh ra một câu hỏi khiến cho các nhà khoa học đau đầu mà cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp nào thực sự được cho là chính xác: Tại sao họ lại rời châu Phi?

Trước khi các nhà khoa học đưa ra một số lý thuyết chính, chúng ta có thể xem xét các vấn đề khác xung quanh câu hỏi này.

Quá trình tiến hóa của loài người.
Quá trình tiến hóa của loài người.

Có thể người Homo sapiens đã nhiều lần rời châu Phi, hóa thạch của xương hàm và răng người thời kỳ đầu được tìm thấy tại một địa điểm ở Israel, điều này đã chứng minh rằng một nhóm người Homo sapiens đã thực hiện một cuộc di cư đường dài cách đây 180.000 năm. Thậm chí, có bằng chứng cho thấy rằng, 20.000 năm trước tổ tiên loài người đã đến khu vực lục địa của Ả Rập.

Có nhiều giả thuyết cho rằng hành trình di cư của người tiền sử có thể còn sớm hơn, thậm chí quá trình di cư này còn bắt đầu từ thời đại của người Homo erectus, có niên đại từ 2 triệu năm trước. Loài này đã vượt ra khỏi châu Phi và tới Trung Quốc, Indonesia và Châu Âu. Người Homo erectus định cư ở châu Phi có lẽ còn là tổ tiên của người Homo sapiens và người Neanderthal.

Trong số những câu hỏi xoay quanh vấn đề những loài này di cư như thế nào và hành trình di chuyển ra sao vẫn còn là một bí ẩn, nhưng có lẽ câu hỏi khó giải đáp nhất vẫn là tại sao tổ tiên của nhân loại là quyết định rời khỏi châu Phi.

Chúng ta có thể không bao giờ biết câu trả lời chính xác, bởi vì nhân loại vẫn chưa thể chế tạo ra cỗ máy thời gian để có thể quay trở về quá khứ mà tận mắt quan sát tổ tiên của chúng ta sống trên đồng bằng châu Phi như thế nào. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể tìm ra câu trả lời nhờ vào những bằng chứng hóa thạch để tìm ra một lời giải thích hợp lý. Và dưới đây là một số giả thuyết giải thích vì sao người tiền sử lại di cư khỏi lục địa châu Phi.

Homo erectus, còn được dịch sang tiếng Việt là trực nhân, là một loài người tuyệt chủng từng sinh sống trong phần lớn khoảng thời gian thuộc thế Pleistocen. Loài này bắt nguồn từ châu Phi hoặc Châu Á và lan tỏa xa tới Anh, Gruzia, Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc và Java.

Biến đổi khí hậu là lý do phổ biến nhất được cho là ảnh hưởng đến việc người tiền sử di cư.
Biến đổi khí hậu là lý do phổ biến nhất được cho là ảnh hưởng đến việc người tiền sử di cư.

Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu là lý do phổ biến nhất được các nhà khoa học cho là ảnh hưởng đến việc người Homo sapiens rời khỏi châu Phi. Lý thuyết được đưa ra như sau: Người Homo sapiens phát triển mạnh trong khí hậu có lượng mưa dồi dào, bởi đây là yếu tố có thể trực tiếp kiểm soát sự phát triển của thực vật. 

Sự phát triển của thực vật lại ảnh hưởng sự sinh tồn của tổ tiên chúng ta vì nó là yếu tố tác động trực tiếp tới mật độ và sự đa dạng của các loài động vật ăn cỏ lớn, bất kỳ thay đổi lớn nào đối với hệ sinh thái cũng sẽ khiến tổ tiên của chúng ta phải thay đổi khu vực sinh sống.

Trên thực tế, hệ thống khí hậu của châu Phi cổ đại đã trải qua những thay đổi rất lớn. Ví dụ, khi Trái đất thay đổi quỹ đạo và tiến vào kỷ băng hà, lượng mưa và các yếu tố khí hậu cũng bị thay đổi theo, dẫn đến sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái và toàn bộ hành tinh thay đổi, gây ra những bất lợi ảnh hưởng tới sự tồn tại của con người.

Đã có nhiều kỷ băng hà trong lịch sử Trái đất, mỗi kỷ kéo dài hàng chục nghìn năm, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng sự xuất hiện của các kỷ băng hà đã làm thay đổi rất nhiều điều kiện khí hậu ở đông bắc châu Phi. Đây có thể là một trong những giai đoạn có nhiều khả năng loài người sơ khai đã di cư trên quy mô lớn đầu tiên.

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy khi con người đầu tiên rời châu Phi, khoảng 60.000 năm trước, khí hậu ở đông bắc châu Phi đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi kỷ băng hà. Vào thời điểm đó, khí hậu lạnh và khô. Do đó, các yếu tố môi trường này đã thúc đẩy người tiền sử rời khỏi châu Phi. Môi trường lúc bấy giờ rất xấu, mục đích rời châu Phi của họ là để thoát khỏi môi trường không thuận lợi để sinh tồn và tìm những khu vực thích hợp hơn để phát triển.

Đi theo hành trình di cư của các loài động vật khác

Bằng chứng từ những con vật bị giết mổ và xương cùng những chiếc răng cổ có thể thấy rõ con người sơ khai đã săn bắt và ăn thịt những động vật lớn, không những thế, họ còn có thể tận dụng đường di cư của các loài động vật có vú tại châu Phi như voi và bò rừng để tổ chức những cuộc săn bắt, phục kích. Các nhà khảo cổ cũng từng tìm thấy một địa điểm săn bắt của người Homo erectus ở Kenya.

Vào năm 2020, các nhà khoa học đã có một phát hiện khảo cổ đáng kinh ngạc tại một hồ nước ở Ả Rập Saudi, người ta đã tìm thấy hàng trăm hóa thạch dấu chân voi, bò, ngựa giẫm lên nhau. Điều gây sốc là 3 trong số những dấu chân đó thuộc về con người. Đây là bằng chứng lâu đời nhất về sự tồn tại của người Homo sapiens được tìm thấy ở Ả Rập Saudi.

Mặc dù khám phá này không thể chứng minh rằng con người rời lục địa châu Phi theo sự di cư của động vật, nhưng nó có thể cho thấy rằng sự tồn tại của người tiền sử có liên quan chặt chẽ đến nguồn thức ăn, cũng như sự tồn tại của con người liên quan đến biến đổi khí hậu và động vật có vú bị săn đuổi bởi người tiền sử. Các thói quen ăn uống có thể đã ảnh hưởng đến quá trình di cư của tổ tiên chúng ta.

Học hỏi thói quen di cư từ người tiền sử phía nam

Một giả thuyết khác cho rằng không phải những người đầu tiên sống ở miền đông châu Phi đã rời lục địa châu Phi, mà ngược lại, những người đầu tiên thực hiện quá trình di cư đến từ miền nam châu Phi. Ngoài ra, bằng chứng khảo cổ học cho thấy những người tiền sử ở miền nam châu Phi đã sở hữu một số hành vi và những kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong cuộc di cư vĩ đại ở châu Phi. Nhưng phân tích di truyền lại chỉ ra rằng những người nguyên thủy sống ở miền nam châu Phi không phải là tổ tiên của những người đã rời khỏi lục địa châu Phi.

Dựa trên lý thuyết này, một trong những kịch bản có khả năng xảy ra nhất là trước khi người Homo sapiens rời lục địa châu Phi, một nhóm người Homo sapiens đã di cư từ nam sang đông trên lục địa châu Phi. Vào thời cổ đại, khí hậu của lục địa châu Phi có thể đã thay đổi, giữa 60.000 – 70.000 năm trước, trong một thời kỳ ngắn, một hành lang xanh giữa phía đông và phía nam của lục địa châu Phi đã được hình thành. Đây là cơ hội tuyệt vời cho người Homo sapiens ở miền nam châu Phi di cư về phía đông.

Những người Homo sapiens ở miền nam châu Phi này đến Đông Phi sống cùng với cư dân địa phương và dạy những cư dân ở đây văn hóa và kỹ năng của họ. Sau khi họ sống cùng nhau một thời gian, cư dân Đông Phi đã rời đi và nhường lại chỗ cho những cư dân đến từ phía nam để họ tiếp tục sống ở đây.

Người tiền sử ở miền nam châu Phi đã sở hữu một số hành vi và những kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong cuộc di cư vĩ đại ở châu Phi.

Giả thuyết không

Theo loại mô hình di cư do các nhà nghiên cứu thiết lập, chúng ta không cần phải vượt ra ngoài hành vi của con người để hiểu lý do tại sao người tiền sử rời châu Phi. Trên thực tế, loài người ban đầu hình thành các quần thể dựa trên các đặc điểm chung và duy trì ranh giới khu vực, bởi vậy họ di cư tự phát vì nhiều lý do .

Ở những nơi có mật độ dân số cao thì khả năng di cư tự nhiên càng cao. Khi châu Phi có mật độ dân số cao, những người tiền sử hình thành nhu cầu mở rộng phạm vi sinh sống để tìm kiếm nguồn thức ăn phong phú hơn cũng như không gian để sinh sản.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn