Hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầu tiên của dân tộc Việt Nam

Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một 20179:00 CH(Xem: 7790)
Hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầu tiên của dân tộc Việt Nam

Vũ Ngọc Phương

 Năm 247 trước Công nguyên kết thúc thời Chiến Quốc, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung quốc. Năm 221 Tr.CN, Tần diệt Tề ở vùng đông bắc Hoàng Hà, hoàn thành việc thôn tính tất cả vùng đất rộng lớn của Trung nguyên, lúc đó lãnh thổ Trung Quốc có địa giới chủ yếu là ở phía bắc sông Hoàng Hà và một phần của nước Sở ở lưu vực sông Dương Tử (sông Trường Giang). Năm 218 Tr. CN, Nhà Tần sai Hiệu úy Đồ Thư cầm 50 vạn (nửa triệu) quân chia làm 5 đạo vượt sông Dương Tử tiến về phía Nam đánh chiếm đất của Bách Việt. 

Thư tịch cổ và sau này là khảo cổ học Trung Quốc ghi chép nhiều về lãnh thổ Bách Việt thời cổ trước khi Nhà Tần xâm chiếm. Đất của người Việt thời đó là một vùng đất rất rộng lớn, phía bắc từ Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, phía đông đến bờ biển tỉnh Quảng Đông xuống đảo Hải Nam, phía tây là một phần tỉnh Vân Nam,Trung Quốc ngày nay, phía nam là miền Bắc Việt Nam xuống đến vùng Nam Trung bộ Việt Nam ngày nay. Sách Luận thành của Vương Sung viết:” Quận Nhật Nam ở cách đất Lạc  Dương gần 10,000. dặm” Lý Thuyên ghi:” Từ Phủ An Nam đến Trường An cách 7,250. dặm”. 

Năm 217 Tr.CN, đại quân Tần đã chiếm được gần hết vùng đất của các tộc Ngô Việt, Điền ViệtDạ Lang (Việt) Quỳ ViệtMân ViệtĐông Việt, Ư Việt, … “Tần Thủy Hoàng chia thiên hạ làm 36 quận, thống nhất pháp luật, cân, đo, trục xe, chữ viết cùng một lối như nhau, … Cấm không được thờ ” ( Tần Thủy Hoàng bản kỷ, Sử ký Tư Mã Thiên). Nhà Tần đưa những người bị tội vào ở lẫn lộn với người Bách Việt 13 năm. Sử ký Tư Mã thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ ghi: “ Chính thay lập làm Tần Vương (năm 247 Tr.CN ),… Năm thứ ba mươi ba ( năm 214 Tr.CN), Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể, những người đi buôn đánh đất Lục Lương ( nay là Quảng Đông, Quảng Tây và các tỉnh phía nam sông Trường Giang), lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, cho những người đi đày đến canh giữ”.

Qin_empire_210_BCE

Lãnh thổ Tần và miền đất của Bách Việt

Đây là lần đầu tiên thực hiện chính sách đồng hóa chủng tộc của người Hoa Hạ, sau này gọi là Hán ( Nam Việt Vương Úy Đà liệt truyện Sử ký Tư Mã Thiên, Sách Hoài Nam tử của Hoài Nam Vương Lưu An viết năm 190 trước Công nguyên – Sách đã dẫn Đây chính là bước mở đầu thực hiện sự nô dịch, đồng hóa của người Hán cả về văn hóa, tôn giáo, chủng tộc,… lên các dân tộc bị chiếm đóng. Chữ Việt cổ và tôn giáo Đạo Thánh Mẫu Việt bị cấm. Để tồn tại, Đạo Thánh Mẫu chuyển thành thờ cúng Gia Tiên, Tam Tòa Thánh Mẫu thành tục thờ 3 bát hương. Chữ Việt cổ kiểu Khoa Đẩu đến nay ta còn thấy được một số ít các Thày tế (Pháp sư) viết chữ này theo cách truyền kỳ qua các đời trên các đạo văn sớ khi lễ ở Điện, Phủ Thánh Mẫu. Dấu tích chữ Việt cổ rõ nhất còn ghi trên một số hiện vật khảo cổ học Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Đông Sơn, …. cũng như trên bãi đá Sapa, và ở cả các di chỉ khảo cổ học, các di tích khắc trên thẻ đá, rìu đá và vách núi ở vùng Ngũ Lĩnh tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung quốc. 

 Quân Tần tiến vào Tây Âu ( Việt, thuộc vùng đông bắc Quảng Tây) giết được Quận trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống, giáp với đất của người Lạc Việt. Vùng này rất hiểm trở với dẫy núi Ngũ Lĩnh chạy từ Tây sang phía Đông ở địa giới các tỉnh Hồ NamGiang TâyQuảng ĐôngQuảng Tây của Trung Quốc, ngăn cách vùng Lưỡng Quảng với phần lãnh thổ phía bắc của vùng Giang Nam Trung Quốc ngày nay. Ngũ Lĩnh gồm 5 dãy núi hợp thành, có các đỉnh núi sau:

1/ Việt Thành Lĩnh có đỉnh Miêu Nhi Sơn (猫儿山) cao 2.142 m.

2/ Đô Bàng Lĩnh có núi Cửu Thái Lĩnh (韭菜岭) cao 2.009 m.

3/ Manh Chử Lĩnh có đỉnh Mã Đường (马塘顶) cao 1.787 m.

4/ Kỵ Điền Lĩnh có đỉnh cùng tên (骑田岭) cao 1.510 m.

5/ Đại Dữu Lĩnh (大庾岭). có đỉnh Du Sơn cao 1.073 m. 

Ngũ Lĩnh cũng làm thành đường phân thủy giữa hai con sông lớn là Dương Tử và Châu Giang.  Khu vực phía nam dãy núi Nam Lĩnh gọi là Lĩnh Nam.Từ cổ xưa, núi cao nhất trong Ngũ Lĩnh được đặt tên là Việt Thành lĩnh có nghĩa là núi cao như tòa thành của Việt Thường ngăn cách với phương Bắc, ngày nay vẫn còn đôi câu đối cổ khắc vào vách đá núi Đại Minh: “ Thiên đài đại đại phân Nam, Bắc / Lĩnh địa niên niên giữ Việt thường”. Nghĩa là: ” Thiên đài đời đời phân chia Nam, Bắc/ Đất cũ ngàn năm của Việt Thường” . Vì lịch sử lâu đời, người Trung Quốc nay vẫn gọi là Việt Thành lĩnh. Trường Sa là thủ phủ của tỉnh Hồ Nam. Tất cả di tích hiện còn của người Việt cổ như hồ Động Đình, núi Tam Sơn, núi Ngũ Lĩnh, sông Tương, Thiên Đài, Tương Đài, cánh đồng Tương đều nằm ở tỉnh này. 

Tư liệu sử đầu tiên ghi chép về cuộc chiến Tần – Việt là sách Hoài Nam tử của Hoài Nam Vương Lưu An, sống sau thời Tần khoảng trên 50 năm, sách Hoài Nam Tử có ghi 50 vạn quân Tần do Hiệu úy Đồ Thư thống lĩnh chia làm 5 đạo như sau:

1/ Đạo thứ nhất đóng ở Đàm Thành, thuộc đất Thủy An chân núi Việt Thành Lĩnh, là đường từ Hồ Nam xuống đông bắc Quảng Tây.

2/ Đạo thứ hai đóng ở cửa ải Cửu Nghi, phía đông bắc Quảng Tây giáp với Hồ Nam.

3/ Đạo thứ ba đóng ở Phiên Ngung hạ lưu sông Tây Giang.

4/ Đạo thứ tư đóng ở Nam Dã.

5/ Đạo thứ năm đóng ở trên sông Dư Can.

Đạo quân thứ nhất và đạo thứ hai tiến sâu về phía nam vào Quảng Tây là địa bàn của người Tây Âu Việt và Lạc Việt. Đạo thứ ba đóng ở Phiên Ngung thuộc Nam Việt (Quảng Đông) đi theo đường Trường Sa vượt qua Ngũ Lĩnh đến Quảng Đông. Đạo quân thứ tư và đạo quân thứ năm chia làm hai cánh quân đánh vu hồi hai nước Đông Việt (nam Chiết Giang) và Mân Việt (Phúc Kiến). Sau khi thắng trận, hai đạo quân này hội với đạo quân thứ ba cùng chia đường tiến vào đất của Lạc Việt Văn Lang. Ba đạo quân Tần này chiếm được các nước Mân Việt, Đông Việt và Nam Việt một cách nhanh chóng vì địa giới các vùng đất này phía nam sông Dương Tử tiếp giáp với nước Tần. Chính tại vùng đất này, vào những năm cuối thập niên 60 và thập niên 70 thế kỷ XX, khảo cổ học Trung Quốc đã khai quật được rất nhiều di vật khảo cổ về vũ khí, áo giáp, xe, xương người,… có niên đại thời nhà Tần. 

 Đạo quân thứ tư và thứ năm ngược dòng sông Tương bắt nguồn từ Ngũ Lĩnh, nhưng đến đầu nguồn thì không thể chở lương sang sông Ly (tức sông Quế Giang) thuộc nội địa Quảng Tây. Vì vậy, Đồ Thư sai Sử Lộc mang binh sĩ đào kênh cùng sạn đạo (đường bắc ván, cây chống men vách núi) để vận lương qua Ngũ lĩnh. Kênh đào do Sử Lộc cùng quân sỹ Tần và tội nhân mở được các nhà sử học xác định chính là kênh Linh Cừ hay còn gọi là sông đào Hưng An nối liền sông Tươngsông Quế hiện nay. Đào Duy Anh nhận xét trong Lịch sử cổ đại Việt Nam:” Để tiến quân xuống miền Nam đi sâu vào đất Việt ( Bách Việt) đạo quân thứ nhất của Tần phải đào kênh để vận lương mà tiến,… Nhưng từ sông Tương sang sông Ly, tức sông Quế, để vào nội địa Quảng Tây thì phải có kênh. Giám sát ngự sử Lộc đã phải đào kênh, hiện vẫn còn là kênh Hưng An, nhờ thế 3 năm sau phát quân, quân Tần vào được lưu vực Tây Giang”. Trong đội quân Tần Nam chinh có một người Việt là Sử Lộc từng làm chức Ngự sử giám của nhà Tần, vốn thông thạo địa hình vùng Bách Việt làm hướng đạo cho Đồ Thư. Quân Tần tiếp tục tiến về phía nam vào vùng Ngũ Lĩnh gặp sức kháng cự rất mạnh của người Âu Việt và Lạc Việt.

 Trong suốt 3 năm  quân Tần vừa phải đào kênh chuyển vận quân lương xuống phía Nam, vừa phải chống đỡ các cuộc tấn công du kích của người Âu Việt, Lạc Việt. Trong 3 năm đó quân Tần liên tục phải liên tục chiến đấu.

Căn cứ vào sử liệu, Nhà Tần sau thống nhất Trung Quốc phải mất 29 năm  mới đủ binh lực thực hiện cuộc Nam chinh vào năm 218 Tr.CN. Sau khi chiếm được vùng đất rộng lớn của Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử,  Tần Thuỷ Hoàng sai Nhâm Ngao () cùng với một số quan lại người Hán trong đó có Triệu Đà đến cai trị quận Nam Hải ( Nay là Quảng Đông và đảo Hải Nam). Sau khi Đồ Thư chiếm được vùng đất Lĩnh Nam, Tần Thuỷ Hoàng lập nên 3 quận là Nam Hải (Quảng Đông và đảo Hải Nam sau này), Quế Lâm (đông bắc Quảng Tây ) và Tượng Quận (nam Quảng Tây) cho Nhâm Ngao làm Quận úy quận Nam Hải. Nam Hải gồm 4 huyện Bác La, Long Xuyên, Phiên Ngung và Yết Dương. Trong đó huyện Long Xuyên có vị trí quan trọng nhất về địa lý và quân sự, được giao Triệu Đà làm Huyện Lệnh. 

Trước sức mạnh áp đảo của hơn 50 vạn quân thiện chiến của Nhà Tần, lại còn tăng thêm quân số do chiêu nạp tội nhân, người Lạc Việt phải bỏ vùng đồng bằng, rút vào vùng rừng núi hiểm trở. Hùng Duệ Vương ( Hùng Vương thứ 18) cùng Thục Phán thống lĩnh người Tây Âu Lạc và Lạc Việt hợp sức chống Tần. 

Nền văn minh Lạc Việt thời kỳ này đã được các tư liệu khảo cổ học, thư tịch cổ xác nhận là một quốc gia phát triển cao trên Thế giới thời cổ đại. Kinh tế Lạc Việt để lại các bằng chứng di chỉ khảo cổ về kỹ thuật chế tác vải sợi bông, đồ đồng, áo giáp, giáo, mác, kiếm, qua và đặc biệt vũ khí đánh xa là nỏ liên châu,… là một Cường quốc lúc đó. Người Việt lại có thêm ưu thế chiến đấu trên địa hình núi rừng hiểm trở tại quê hương đã phát huy sức mạnh cầm cự, đẩy lùi rồi tiến công tiêu diệt phần lớn quân Tần và Hiệu úy Đồ Thư.

Sách Hoài Nam tử ghi: “ Nhà Tần lại ham sừng tê, ngà voi, long trả, ngọc châu, ngọc cơ của đất việt, bèn sai úy Đồ Thư phát 50 vạn binh, chia làm năm đạo. Trong ba năm không cởi giáp dãn nỏ,… nhưng người Việt đều vào rừng ở với cầm thú không ai chịu để quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng, để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ thư. Quân Tần thây phơi máu chảy hàng mấy chục vạn người.”

Sách Sử ký viết:”  Người Việt ra đánh quân Tần đại bại. Nhà Tần bèn sai úy Đà đem quân giữ đất Việt. Đương lúc ấy, nhà Tần ở phía Bắc thì mắc họa với người Hồ, ở phía nam thì mắc họa với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không được. Trong mười năm, đàn ông mang giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. người ta tự thắt cổ ở cây dọc đường, người chết trông nhau”. Cuộc Nam chinh của quân Tần đánh chiếm đất của Bách Việt kéo dài trong khoảng 10 năm, trong đó người Lạc Việt đánh quân Tần khoảng 6 năm (từ năm 214 Tr.CN ~ năm 208 tr.CN). Theo các Sử gia hiện đại, sau cuộc chiến chống Tần thắng lợi, thủ lĩnh người Việt là Thục Phán đã thay thế Hùng Vương và thành lập nước Âu Lạc vào khoảng năm 207 Tr.CN. Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, Tần Nhị Thế kế vị. Trước tình hình các nước Sơn Đông nổi dậy chống Tần và chiến tranh phía Nam với người Việt, quân Tần bị thua trận liên tiếp, Nhị Thế buộc phải ra lệnh bãi binh vào năm 208 Tr.CN. Mười phần lúc khởi binh Nam chinh, tàn quân Nhà Tần chỉ còn 2 ~ 3 phần chạy thoát về Trung Nguyên. Đến khoảng cuối năm 207 Tr.CN, đầu năm 206 Tr.CN, Nhà Tần bị diệt. Sử Ký Tư Mã Thiên có ghi: ” Năm thứ nhất đời Nhị Thế Hoàng Đế ( năm 209 Tr.CN),…Năm thứ ba đời Tần Nhị Thế, tháng tám ngày Kỷ Hợi, Triệu Cao muốn làm phản,…Triệu Cao bèn triệu tập báo về việc giết Nhị Thế. Lập Tử Anh làm vua Tần được bốn mươi sáu ngày thì tướng Sở là Bái Công phá quân Tần vào Quan Trung, được hơn một tháng thì quân chư hầu đến. Hạng Vũ giết Tử Anh và các công tử của Tần, diệt dòng họ nhà Tần”. 

Theo Sử ký, năm 209 Tr.CN, quan uý Nam Hải là Nhâm Ngao ốm sắp chết gọi huyện lệnh Long Xuyên là Triệu Đà đến nói: “ Tôi nghe bọn Trần Thắng làm loạn. Nhà Tần vô đạo, thiên hạ khổ cực… Trung Quốc loạn lạc chưa biết lúc nào yên. Nam Hải là nơi xa lánh, nên dấy binh chặn đứt con đường mới ( Đường từ bắc xuống phía nam do nhà Tần làm cho việc tiến quân đánh chiếm Bách Việt) đất Phiên Ngung hiểm trở, đất Nam Hải rộng vài ngàn dặm, lại có người Trung quốc giúp có thể lập một nước được”. Nhâm Ngao làm giả chiếu giao Triệu Đà làm quan úy Nam Hải. Triệu Đà là người Hán, nguyên quán là huyện Chân Định (真定), quận Hằng Sơn (恒山), đời nhà Tần Chính Định (正定), Hà Bắc thuộc Trung Quốc ngày nay. Triệu Đà làm quan đến chức Huyện Lệnh rồi Giả Hiệu Úy đời nhà Tần. Nhân đã chiếm giữ một phần đất Bách Việt phía nam sông Dương Tử. Sau khi nhà Tần bị diệt,  Triệu Đà nhân thế đánh chiếm Quế Lâm, Tượng Quận tự lập nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vũ Vương hay là Nam Việt Vũ Đế, đóng đô ở Phiên Ngung lưu vực sông Tây Giang.  Triệu Đà trị vì khoảng từ năm 204 trước Công Nguyên, chết năm 137 trước Công Nguyên cháu là Hồ lên  thay. 

Năm mất của Triệu Đà được các nguồn sử liệu thống nhất là 137 Tr.CN. Về năm sinh của Triệu Đà, các nguồn tài liệu đề cập khác nhau. Đại Việt sử ký toàn thư ghi Triệu Đà sinh năm 257 Tr.CN, thọ 121 tuổi. Các nhà nghiên cứu hiện nay lại căn cứ theo Hán thư của Ban Cố cho biết ông tham gia nam chinh từ năm 20 tuổi và đó là thời điểm 13 năm trước khi Lưu Bang thành lập nhà Hán  tức là ông sinh năm 239 Tr.CN và tham gia nam chinh từ năm 219 Tr.CN, trước 5 năm so với thời điểm ghi trong Sử ký. Năm 214 Tr.CN được Tần Thủy Hoàng phong huyện lệnh Long Xuyên. Theo giả thuyết này, Triệu Đà thọ 103 tuổi. Sự kiện này quan trọng vì liên quan đến thời gian tồn tại của nước Âu Lạc của An Dương Vương. 

Về  sự kiện lịch sử:” Người Việt chọn người Tuấn Kiệt lên làm tướng” – Hoài Nam Tử, sách đã dẫn, qua khảo sát thực tế các di tích Lịch sử, các bia ký, sắc phong thần, thần phả, thần tích,… đã tìm thấy hai vị tướng cầm quân thời kỳ này là Cao Minh Đại Vương Vũ Công Bách và Cao Sơn Đại Vương là Vũ Công Điền. Qua các sử liệu được thống kê đã công bố quyết định số: 301/QĐ – UBND ngày 01/02/2010 Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc công nhận xếp hạng Lịch sử – Văn hóa di tích Đình Làng Đông Mật tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại hồ sơ di tích Đình làng Đông Mật được dựng từ thời nước Văn Lang – Âu Lạc, đã qua nhiều lần tạo dựng. Hiện hồ sơ gồm có:

1/ Lý lịch di tích lịch sử Đình làng Đông Mật.

2/ Thần tích và Thần sắc làng Đông Mật.

3/ Hương ước làng Đông Mật lập năm 1942.

4/ Thánh tích của hai vị Đại Vương Vũ Công Bách, Vũ Công Điền thời Hùng Duệ Vương ( Hùng Vương thứ 18) và An Dương Vương.

5/ 09 bản sắc phong của các triều đại từ Triều Lê Trung Hưng ( Cảnh Hưng năm thứ 44 – Quý Mão 1783)  đến triều Nguyễn ( Khải Định năm thứ 9 – Giáp Tý 1924). Một số sắc phong của các triều trước được ghi chú hiện thư viện Viễn Đông Bắc cổ ở Paris.

6/ Quyết định số: 301/QĐ – UBND ngày 01/02/2010 của Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Vĩnh Phúc công nhận di tích lịch sử – văn hóa Đình Làng Đông Mật, nơi thờ hai Vị Đại Tướng thời Hùng Duệ Vương ( Hùng Vương thứ 18) là:

1/ Hộ quốc Tướng quân, Anh Du Hộ Quốc Đại Vương Thượng đẳng Phúc Thánh húy là Vũ Công Bách.

2/ Ứng Võ Đô úy, Cao Sơn Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thánh húy là Vũ Công Điền. 

Được người Việt tôn thờ hai vị Thượng đẳng Phúc Thánh Cao Minh Đại Vương và Cao Sơn Đại Vương khắp nước Việt Nam, rất linh thiêng, theo nhiều chứng linh Cao Sơn Đại Vương Vũ Công Điền chính tích là Đức Tản Viên Sơn Thánh. Biết trước vận nước Việt gặp giặc mạnh, cường bạo, Đức Tản Viên thác sinh xuống cõi trần để đánh giặc, sau khi đánh thắng quân Tần, Ngài về lại nơi đã đầu thai xuống rồi hóa trở về Ngôi Thượng Thánh.

 Làng Đông Mật, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, là một xã cổ nằm kề bên cố đô Phong Châu của Nhà nước Văn Lang. Các làng cổ của xã Sơn Đông như làng Gốm có các thôn Quan Tử, Triều Đông, Cương Đông, Phú Thị và các làng Đông Mật, Phú Hậu, Lũng Tuyền có từ thời Hùng Vương. Xã Sơn Đông nằm trong thung lũng Phong Châu giữa hai dẫy núi lớn là núi Ba Vì (Tản Viên – thuần Dương) và Tam Đảo thuần Âm là 2 trong 4 long mạch chính của Việt Nam. Xã Sơn Đông lại có vị trí ngay tại ngã ba sông sông Hồng, sông Lô, sông Đà là hợp lonh của 3 sông lớn nhất phía Bắc Việt nam, ngày nay tại làng Đông Mật vẫn còn 2 giếng nước cổ phun nước vĩnh cửu. Đất này được coi là “ Địa linh, Nhân kiệt” sinh ra rất nhiều vị Danh nhân, các Anh hùng cứu nước. Tại đây có dòng họ Vũ Công gốc Việt Thường được coi là một trong những dòng họ cổ nhất của người Lạc Việt. Tại đây cũng đã phát hiện di vật khảo cổ người Việt định cư ở vùng đất này ( Phong Châu) cách đây từ 10,000. năm đến 8,000. năm. Họ Vũ Công có thể đã hình thành từ một vùng đất được đặt tên tương tự khi người Việt cổ phát minh chữ viết Khoa Đẩu. Hiện còn một bia ký khắc dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 45 (năm 1784) bia ký này được ghi số 15440 theo danh sách văn bia Vĩnh Phúc. Bia có kích thước 60cm x 35cm. chữ khắc 15 dòng mỗi dòng có từ 02 chữ đến 49 chữ, và lưu giữ 09 đạo sắc phong.

 Tại làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vinh Phú hiện nay còn có Nhà thờ Họ Vũ. Nhà thờ họ được dựng lại vào năm Quý Mùi 1943. Trong bàn thờ chính còn có bia đá:” Vũ Tộc Thủy tổ”. Nhà thờ này được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh năm 2001. Họ Vũ xã Sơn Đông gồm 3 chi họ là: Vũ – thôn Đông Thịnh, Vũ – thôn Quan Tử, Vũ – thôn Phú hậu Thượng. Họ Vũ ở đây tương truyền có từ thời nước Việt thường cách đây trên 5,000. năm. Xã Sơn Đông có 17 Danh Nhân, Anh Hùng thời cổ. Có 2 vị Đại tướng thời Hùng vương được thờ làm Thành Hoàng làng, 1 Tướng thời Hậu Lê, 1 thầy giáo là Thành Hoàng làng, 13 Tiến sỹ các triều đại phong kiến.

 Cũng tại vùng đất này bên hữu ngạn kề bên làng Đông Mật ở tả ngạn sông Lô, năm 17 sau CN, là nơi sinh ra Vị Nữ Anh hùng đầu tiên của Dân tộc Việt Nam – Uy viễn Đông nhung Đại tướng quân Vũ thị Thục Nương có bố đẻ là Nhà giáo Thầy thuốc Vũ Công Chất – là hậu duệ của Quý Minh Đại Vương Vũ Công Bách và Cao sơn Đại Vương Vũ Công Điền. Bà Vũ thị Thục Nương có mẹ đẻ là bà Hoàng Thị Mầu, sau khi Bà hóa ngày 17/3 năm 43 sau Công Nguyên khi mới 26 tuổi, Bà hiển Thánh là Thượng Đẳng Phúc Thần tối linh, tối cao kiêm ba ngôi Thánh Mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thánh Mẫu Thoải Phủ trong trong Đạo Thánh Mẫu Việt Nam.

 Với các danh tính được ghi rõ trong thư tịch cổ đã cho chúng ta thấy được họ, tên của các nhân vật lịch sử là Anh hùng Dân tộc đã hy sinh vì Độc lập – Tự do của dân tộc. Đồng thời cũng cho thấy từ thời xa xưa trong nền văn minh Lạc Việt, người Việt đã có họ tên đầy đủ, rõ ràng. Đây là các cứ liệu Lịch sử bác bỏ quan điểm sai lầm, nô dịch của một số sách Sử và cả một số Sử gia đương thời cho rằng trước và sau Công nguyên người Việt không có họ, họ là do người Hán đưa vào.

 Sử liệu về hai anh em của Ngài Vũ Công Bách, Vũ Công Điền sinh vào thời Hùng Vương, đánh quân Tần xâm lược Lạc Việt.  Thánh tích, Thần tích, sắc phong và bia ký của các Vị Thánh Quý Minh Đại Vương Vũ Công Bách, Thánh Cao Sơn Đại Vương Vũ Công Điền rất linh thiêng được thờ nhiều nơi ở khắp miền Bắc Việt nam. Sau đó các Ngài lại cùng Cao Lỗ Đại Vương giúp An Dương Vương đánh bại Triệu Đà. Các thần tích, ngọc phả, sắc phong và truyền thuyết nói rằng sau khi hóa, Cao Lỗ Đại Vương hiển linh là Đức Thánh Vương Quan đệ Ngũ trong Đạo Thánh Mẫu Việt Nam.

 Cao Lỗ vương là một nhân vật lịch sử đã được ghi trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngoại kỷ quyển I – Kỷ Nhà Thục như sau:“Vua ( An Dương Vương) sai bề tôi là Cao Lỗ (Có bản chép là Cao thông) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy nỏ, đặt tên là Linh quan kim trảo thần nỏ”. Theo các chứng cứ này, đối chiếu thư tịch thì Cao Lỗ (Chưa rõ họ và năm sinh – mất 179 trước Công nguyên, có một số thư tịch cổ lại ghi tên ông là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Thần Đô Lỗ Thạch Thần) là một Đại thần – Danh Tướng của Thục Phán An Dương Vương.

 Cao Lỗ Vương họ Cao tên Lỗ, lại có tên là Thông, sinh tại thôn Sỹ Lộ, trang Đại Than, tổng Vạn Tỵ, huyện Gia Bình, phủ Thuận Thành ( Nay là tỉnh Bắc Ninh, thời Hùng Vương là bộ Vũ Ninh, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ là đất của hai huyện Long Biên và Luy Lâu. Qua nhiều triều đại đổi tên khác nhau. Xem bản đồ Hồng Đức năm thứ 21 ghi là xứ Kinh Bắc, sau đổi là Trấn.Năm Minh Mệnh thứ 3 đổi làm trấn Bắc Ninh. Minh mệnh năm thứ 13 gọi là Tỉnh Bắc Ninh).Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học, khi trưởng thành văn võ đều hơn người và được người dân địa phương tôn làm Đô Lỗ. Ông là người chế ra nỏ liên châu một phát được nhiều mũi tên nên truyền thuyết  gọi là nỏ thần. Truyền rằng, nỏ do tướng quân Cao Lỗ chế tạo cực mạnh, có thể bắn một phát hàng trăm mũi tên, tiêu diệt được hàng trăm tên giặc, do đó được gọi là Linh Quang thần nỏ.

  Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, An Dương Vương giao cho Cao Lỗ tìm đất đóng đô và xây thành Cổ Loa. Xưa xã Cổ Loa thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, sử viết thành Cổ Loa rộng ngàn trượng (1 trượng bằng 1,65m, như vậy chiều rộng khoảng 1,650.mét)  quanh co như hình trôn ốc nên gọi là Loa Thành, lại có tên là Tử Long Thành. Người Trung quốc gọi là Côn Lôn thành vì thành rất cao – theo Đại Nam nhất thống chí, sách đã dẫn. Sách Thủy kinh chú viết:” Nay ở huyện Bình Đạo hiện còn thấy chỗ cũ cung thành của An Dương Vương”, sách Tần Thái khang địa chí giải thích:” Huyện ấy thuộc quận Giao Chỉ”. Chữ Việt Vương cố thành đầu tiên được sách Tùy Thư viết, An Nam chí lược ( Thế kỷ XIV sau CN) viết:” Thành Việt Vương tục gọi là thành Khả Lũ. Có ao hồ. Người trong nước mỗi năm tìm được ngọc châu dùng nước ao ấy rửa thì sắc ngọc tươi đẹp”.Đại Việt Sử lược ghi:” Phán đắp thành ở Việt Thường, xưng hiệu là An Dương Vương”. Trong các thư tịch cổ, đến thế kỷ XV mới thấy tên Loa Thành. An Nam chí nguyên và Việt Kiều thư ghi:” Việt Vương thành ở huyện Đông Ngạn, còn gọi là Loa Thành. Vì An Dương Vương đóng đô ở đất Việt nên người đời sau gọi là Việt Vương thành, có tên là Loa thành vì thành ấy quanh co như hình con ốc”.

 Nam Việt Vương Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc, An Dương Vương nhờ có nỏ Linh Quang Kim trảo thần nỗ mà đánh lui được mọi cuộc tấn công của quân giặc. Quân Triệu Đà nhiều lần thua trận, phải rút về nước, trong lòng rất căm giận. Sau khi cầu hòa, Triệu Đà sai con trai là Trọng Thủy sang giả cầu hôn với Mỵ Châu để tìm hiểu bí mật quốc phòng Âu Lạc. Biết được âm mưu này của giặc, Cao Lỗ đã nhiều lần can ngăn Vua không nên gả Mỵ Châu cho Trọng Thủy mà mắc gian kế của Triệu Đà. An Dương Vương Thục Phán không nghe, còn nghi ngờ vì ông đem lòng yêu Mị Châu nên ly gián. Lại thêm quan trong triều ghen ghét  xúc xiểm, An Dương Vương cách hết chức Cao Lỗ đầy ra biên ải Lạng Sơn, phẫn uất, Cao Lỗ đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn rồi hiển linh tại Ninh Giang, Hải Dương.

 Cao Lỗ đã thề lấy cái chết để rõ mình vô tội và nhẩy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn vào ngày 25/5 năm Nhâm Thân 179 Tr.CN rồi hiển linh tại bến Tranh xã Ninh Giang, huyện Vĩnh Lại nay là Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Sau khi ông chết, triều đình chia rẽ. Vào năm Giáp Tý (năm 177 Tr.CN) quân đội Âu Lạc không có Cao Lỗ thống lĩnh đã thất bại hoàn toàn trước sức tấn công của quân Nam Việt của Triệu Đà. An Dương Vương thua chạy đem theo con gái Mị Châu. Trên đường trốn chạy, Mị Châu đã rắc lông ngỗng để báo cho Trọng Thủy, vì vậy An Dương Vương không thể thoát. Trước khi chết, An Dương Vương đã chém Mị Châu. Đây chính là truyền thuyết Mị Châu -Trọng Thủy nổi tiếng trong văn học dân gian Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay. Nước Âu Lạc bị diệt, rồi bị chiếm nhập vào Nam Việt của Triệu Đà mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất trong lịch sử Việt Nam. Sách cổ đầu tiên ghi lại việc Trọng Thủy lừa Mị Châu là sách Giao châu ngoại vực ký do Thủy Kinh chú đã dẫn tại quyển 14. Sách Cựu Đường thư thời Ngũ Đại ( 907 – 959 sau CN) có ghi tương tự:” Úy Đà từ Phiên Ngung phái quân đến đánh. An Dương vương có nỏ thần, bắn một phát giết vạn người, Triệu Đà giảng hòa với An dương Vương rồi cho con trai là Thủy sang làm con tin. An Dương Vương gả Mỵ Châu cho Thủy. Thủy tìm được nỏ, phá hủy đi.”. Về sự tích Mỵ Châu – Trọng Thủy trong thư tịch cổ cũng như trong truyền thuyết có những dị bản, tuy nhiên về cốt lõi là sự thật lịch sử.

 Cùng với Thần phả, hiện tại đền thờ Cao Lỗ Vương vẫn còn bảo lưu được 20 đạo sắc phong do các triều Vua ban tặng. Sắc phong cổ nhất còn lưu lại có niên đại Cảnh Hương 4 (1796), sắc phong cận đại nhất có niên đại Khải Định 9 (1924). Đại Nam nhất thống chí ghi về tỉnh Bắc Ninh có Đền Cao Công:” Ở bờ sông xã Đại Than, huyện Gia Bình, bên cạnh đền có tảng đá lớn dựng đứng. Ngoại kỷ Sử ký ghi đời Đường, Cao Biền đi đánh phương Nam qua châu Vũ ninh, đêm mộng thấy thần về xưng là Cao Lỗ nói ngày trước ta giúp An Dương Vương chế nỏ thần gọi là Linh quang kim trảo thần nỗ, có công đánh lui giặc, rồi bị Lạc Hầu gièm pha, sau khi mất, Thượng Đế thương là người trung nghĩa cho cai quản ở đây. Cao Biền tỉnh dậy đem việc ấy nói với thuộc hạ rồi đề thơ ở miếu. Sách Tục bác vật chí viết An Dương Vương có thần nhân là Cao Thông chế nỏ mỗi lần bắn giết được 200 người”.

 Có sự nhầm lẫn về nguồn gốc, tên thật của Cao Lỗ Đại Vương – Đức Vương Quan đệ Ngũ Tuần Tranh từ một số truyền thuyết và bài hát văn chầu hiện nay về lễ Đức Thánh Quan Lớn Tuần Tranh cho rằng Ngài sinh ra tại Ninh Xá, Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Theo thuyết này cho rằng ông là quan văn lĩnh chức Thái thú  ở Hồng Châu, có vợ là Dương thị, mà cơ sở là lấy từ truyện “ Chuyện đối tụng ở Long cung” trong sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ viết vào thời nhà Mạc.

 Đền Tranh hay đền Quan Lớn Tuần Tranh thuộc xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế. Thời Lê và thời Nguyễn gọi là huyện Vĩnh Lại thị trấn Ninh Giang hiện nay. Hơn hai nghìn năm qua, hàng năm có lễ hội rất lớn ngày sinh của ông là ngày 14/2 Âm lịch, và ngày giỗ kỵ 25/5 Âm lịch. Ông hiển Thánh là một Vị quan lớn là Đức Thánh Vương quan đệ Ngũ của Đạo Thánh Mẫu Việt. Các giá hầu đồng về ông đều mặc áo bào mầu tím và cầm thanh đại đao như khi ông còn sinh thời đánh giặc ngoại xâm.

Khảo sát nghiên cứu lịch sử Đền Tranh trong những năm 2000 được một số người già cả tại Tranh Xuyên cho biết cuốn Thần phả Vương Quan đệ Ngũ Tuần Tranh đã bị thất lạc thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1955 và phong trào bài trừ mê tín dị đoan sau đó. Cũng theo sự kể lại thì sách có ghi Thần họ Đỗ, quê ở Bắc Ninh, không phải người Ninh Giang.

Untitled

Cổng đền hướng ra sông Đuống bao quanh là trời mây, sông nước.

Câu chuyện truyền thuyết về: “ Truyện ông Dài, ông Cụt” – Sự sai lầm này xuất phát từ việc lấy truyện của Nguyễn Dữ ( thời nhà Mạc) rồi một số cổ nhân không xét kỹ lại gán ghép vào lịch sử Quan Lớn Tuần Tranh kể rằng: “Tương truyền, Quan lớn Tuần Tranh là viên quan phủ Ninh Giang. Ngày xưa, tại bến sông Tranh, có hai con rắn dữ thường nổi lên quấy phá, một con dài, một con bị cụt đuôi nên gọi là Ông Dài, Ông Cụt. Có hai vợ chồng họ Trịnh đi thuyền qua đó, ông Cụt thấy Dương Thị nhan sắc xinh đẹp, muốn bắt về làm vợ, Nhưng rồi ông Cụt thừa một đêm mưa gió, bắt Dương Thị đem về Thủy Phủ. Sáng ngày, người chồng theo dấu ra đến bờ sông chỉ còn thấy quần áo của vợ trút bỏ lại đó. Người chồng đi tìm người phép thần thông để trừ ông Cụt. Rồi họ Trịnh gặp một ông già ngồi bói ở chợ kết thân, hỏi biết là Bạch Long Hầu. Bạch Long Thần rẽ nước mời họ Trịnh xuống biển, giúp kiện ông Cụt lên Long Vương. Họ Trịnh đưa cái thoa của vợ nhờ Bạch Long hầu tìm Dương Thị ở dưới Thủy Phủ. Khi đã liên lạc được với Dương Thị, họ Trịnh bèn cậy Bạch Long Hầu đưa đến Long Vương để tố cáo ông Cụt cướp vợ mình. Long Vương cho đòi ông Cụt tới. Ban đầu ông Cụt còn chối cãi, đến khi Dương Thị ra kể bị ông Cụt bắt cóc, ép duyên, thì họ Trịnh được kiện. Long Vương xử cho Dương Thị trở về mặt đất với họ Trịnh, con của nàng sinh với ông Cụt thì giao lại cho ông Cụt. Ông Cụt bị đày đến ở sông Kỳ Cùng, thuộc về Lạng Sơn ngày nay. Nhân dân nhớ ơn vị quan phủ mà lập đền thờ, tôn là vị thần bảo vệ khúc sông”. Tích này lấy nguyên văn từ “Chuyện đối tụng ở Long cung” trong sách Truyền Kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ – Là một thể văn sáng tác, lại thêm thắt sự lưu truyền dân gian đã làm sai lệch rất nhiều sự nghiệp, công danh, uy linh của Ngài Cao Lỗ – một trong 3 vị Anh hùng (Nam giới) đầu tiên chống ngoại xâm của Dân tộc Việt nam.

cao lo

Tượng Cao Lỗ Vương

Trải hơn hai nghìn năm với vô cùng các biến cố đã phần nào che lấp sự thật về Cao Lỗ, một trong ba vị Anh hùng đầu tiên chống ngoại xâm trong lịch sử Dân tộc Việt Nam.

 Tuy bị sai lệch, nhưng nhiều câu trong các bài văn lễ Quan Lớn Tuần Tranh cũng còn cho thấy dấu ấn sự thật lịch sử như: “Trừ tà sát quỷ nổi danh tướng tài”, cho ta thấy đây không những là một vị Tướng, mà còn là tướng tài. Hình ảnh của Vị Tướng tài này càng rõ hơn với những câu:” Gương anh hùng muôn đời soi tỏ, Thanh long đao năm xưa cứu nước, anh hùng là ai? Chỉ có thanh long đao Quan đệ ngũ,…” chính những câu này làm rõ hơn hình ảnh một vị Võ Tướng, trái ngược truyền thuyết về Ngài nguyên xưa là Quan văn – huyện lệnh Ninh Giang. 

 Có lẽ một số cổ nhân không tra xét lịch sử đã suy diễn từ “ Chuyện đối tụng ở Long cung” của Nguyễn Dữ người làng Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là làng Đỗ Lâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (Có sách lại ghi ông là con Thượng thư Nguyễn Tường Phiêu ở huyện Gia Lộc, Hải Dương. Nguyễn Dữ đỗ hương tiến đời Lê, làm Tri huyện Thanh Tuyền, được mười năm thì về nuôi mẹ – Sách Đại Nam Nhất thống chí). Ngay truyện “ Đối tụng ở Long Cung” Nguyễn Dữ cũng không tra xét đến sự thật lịch sử mà ghi là: “ Về đời vua Minh Tông nhà Trần, có quan Thái thú họ Trịnh làm quan ở Hồng Châu, vợ là Dương thị”. Thờ Trần Minh tông (từ năm 1314 đến 1329 sau CN ) không có chức quan Thái thú. Chức vị này chỉ có trong thời Bắc thuộc lần thứ nhất dưới sự thống trị của nhà Tây Hán và Đông Hán, đến thời Tam quốc, nước ta thuộc về nhà Đông Ngô (Ngô Cam lộ năm thứ 1 – Ất Dậu 265 sau CN) là còn gọi là Thái Thú. Năm Mậu Tý (năm 265 sau CN – Ngô Bảo đình năm thứ 3) Nước Ngô lấy Lưu Tuấn làm Thứ sử Giao châu, từ đó về sau thời Tấn, Tống, Tê, Lương,.. kết thúc năm Canh Thân ( năm 540 sau CN) cộng lại 314 năm gọi chức quan này là Thứ sử. Sau từ thời Bắc thuộc lần thứ 3 dười các triều Tùy, Đường,… từ năm Quý Hợi ( năm 603 sau CN) đến năm Đinh Mão ( năm 907 sau CN) tổng cộng là 304 năm và 32 năm Nam Bắc phân tranh ở Trung Quốc thì chức quan này gọi là Đô hộ phủ, Tiết độ sứ, …không gọi chức quan này là Thái thú. Vậy nên nếu xét về sự thật lịch sử

Chuyện đối tụng ở Long cung” của Nguyễn Dữ không có giá trị gì về lịch sử, chỉ có thể là về văn học sáng tác mà thôi.

Trong các câu hát văn cổ vẫn còn nhắc lại thời Văn Lang Hùng Vương và Thục phán An Dương Vương của nước Âu Lạc, đó là những hiện thực lịch sử thời đại của Người anh hùng Cao Lỗ cùng các Đại tướng của Hùng Vương là Vũ Công Bách và Vũ Công Điền lãnh đạo quân Việt kháng chiến đánh thắng quân 50 vạn quân xâm lược của nhà Tần, kế tiếp theo là thời kỳ đầu đánh thắng quân xâm lược Triệu Đà. Sau Cao Lỗ vì bị án tình oan mà phải chết. Xin trích một số câu hát văn cổ còn lại tàn dư lịch sử của Vị Anh hùng Cao Lỗ:

“Nước Văn Lang và đời Thục Phán,

Công hộ quốc gia phong thượng đẳng,

Đất Văn Lang thiên cổ anh linh,

Quan oan vì tuyết nguyệt, bởi lòng ái ân.

Trước cung điện, triều đình xét hỏi,

Quan lớn Tuần oan vì ong bướm lả lơi,

Người anh hùng cổ mang nặng xiềng gông.

Ngày hai nhăm tháng năm, Quan lớn bị bắt giam ở chốn Kỳ Cùng 

Sau hơn 2,180. năm sau khi vị Anh hùng chống ngoại xâm của Dân tộc Việt Nam Cao Lỗ chết oan, danh tính chính thức tên ông mới được xác nhận qua nhiều Thánh Lễ hầu đồng riêng biệt của Đạo Thánh Mẫu Việt. Tên của Ngài – Cao Lỗ đã hy sinh vì Nước rồi hiển linh là một trong 72 Vị Thánh trong Đạo Thánh Mẫu Việt đã làm vinh danh cho tinh thần quật khởi chống ngoại xâm dân tộc, cho nền Triết học – Văn hóa rực rỡ của Dân tộc Việt Nam. Sự xác nhận chính danh của  Quan Lớn Tuần Tranh là Cao Lỗ đã làm rạng rỡ thêm cho lịch sử – truyền thuyết của một trong ba Vị Anh Hùng (Nam giới) cứu nước đầu tiên của Dân tộc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm này là cơ sở để xác nhận chính xác nguồn gốc họ tên, thánh tích của Quan đệ Ngũ Tuần Tranh Cao Lỗ Vương – Vị Anh Hùng Dân tộc  đã hiển Thánh trong Đạo Thánh Mẫu Việt Nam, đồng thời cũng là thực hiện tâm nguyện của các bậc Tiên Liệt là không có ai là người Anh hùng vô danh. 

Đền thờ Cao Lỗ Vương đã được UBND tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc cũ) xếp hạng từ năm 1988, đến năm 2005 được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2005 Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã lấy tên Ngài đặt cho một trong những đường phố lớn nhất tại Đông Anh, Hà Nội. Lịch sử Dân tộc Việt Nam là một Thiên trường ca bất tận, vừa bi tráng, vừa hào hùng trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

 Trích từ bộ Việt Nam Sử Liệu 1,600 trang của cùng tác giả

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn