Dự án Thủ Thiêm trước 1975

Thứ Hai, 24 Tháng Giêng 20222:00 SA(Xem: 2204)
Dự án Thủ Thiêm trước 1975

Trước 1975, Quận 9 hay bán đảo Thủ Thiêm rộng 800 hécta, còn là một vùng đất thưa vắng dân cư, duy nhất có bến phà Thủ Thiêm và con đường đất dưới chân cầu Sài Gòn dẫn vào Thủ Thiêm. Thủ Thiêm từng có nhiều dự án xây dựng phát triển khu vực này vào thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà, nhưng đều không thực hiện được.

du-an-thu-thiem-truoc-1975

Bán đảo Thủ Thiêm năm 1970 (Ảnh: Tài liệu)

 

Từ thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, vào năm 1958 đã có dự án Hoàng Hùng xây dựng Thủ Thiêm thành khu ngoại giao, hành chính để nới rộng đô thành. Nhưng do địa hình bị bao bọc trong khúc sông Sài Gòn lượn tròn, nhiều chỗ còn rậm rạp hoang vu, khó bảo vệ an ninh, nên dự án không được tiếp tục nghiên cứu.

Tạp chí Xây Dựng Mới, số đặc biệt về gia cư ra ngày 10-07-1967 viết: “Năm 1939 dân số của Sài Gòn ước lượng là 240.000 người. Hiện nay gồm cả Chợ Lớn đã lên tới 2.400.000 chưa từng ở đâu trên thế giới có sự gia tăng dân số quá nhanh trong khoảng thời gian quá ngắn ấy. Bởi Việt-Nam trong thời gian ấy phải chịu ảnh hưởng của một trận thế chiến, một trận giặc tái chiếm thuộc địa, một trận nội chiến và một trận du kích chiến, nên một mặt bị tiêu mòn sinh lực, thiếu hụt nhân công, một mặt mất mát tài nguyên, và mặt khác dân chúng ở miền Bắc và các vùng quê mất an ninh nhào về Sài Gòn, khiến cho Sài Gòn bị thiếu hụt nhà ở một cách kinh khủng. Thêm số sinh sản mỗi năm mỗi tăng lại thiếu đất để mở mang, giá đất để làm nhà cao lên vùn vụt, đồng tiền kiếm khó khăn, số vốn đầu tư vào việc xây nhà của tư nhân hết sức hạn chế. Vì vậy mà các xóm nhà lá chen chúc, những người sống bên những cống rãnh dơ bẩn, thiếu điện nước, khí trời, thiếu mọi điều kiện vệ sinh, không thể tưởng tượng được thế nào tồi tệ hơn nữa. Nạn cháy nhà thường xuyên đe doạ cả một vùng hàng ngàn căn trở lên. Và những bệnh truyền nhiễm cũng hết sức ghê sợ”.

Dự án Hoàng Hùng không thực hiện được do còn hạn chế công tác thực địa, chưa nghiên cứu kỹ địa hình địa chất thuỷ văn của khu vực cũng như phát triển cơ sở hạ tầng. Việc lấy Thủ Thiêm làm khu ở cho các đoàn ngoại giao nước ngoài, cơ quan hành chánh cũng là một điều khó thực hiện trong khi người dân cần có công ăn việc làm, tức là cơ sở hạ tầng sản xuất công nghiệp.

Sang năm 1964, dự án thứ hai của tư nhân mang tên Trần Lê Quang được đệ trình cho chính quyền Đô thành Sài Gòn. Xây dựng nhà dân cư 2 tầng giá rẻ bên Thủ Thiêm nhằm  dời cư dân trong các quận quá đông đúc về nơi ở mới. Dự án này cũng chết yểu nhanh chóng vì đây chỉ là dự án phát triển dân cư lao động, không tính đến những vấn về khác phát sinh trong khi Thủ Thiêm cần có kế hoạch phát triển toàn diện để trở thành một thành phố nhỏ trong tương lai.

Qua năm 1965 – kế hoạch Doxiadis – dùng Thủ-Thiêm làm thí điểm cho một kế hoạch gia cư để thực hiện chương-trình tổng quát và dài hạn chỉnh trang chung cả toàn vùng Sài Gòn và lân cận. Tạp chí Xây Dựng Mới viết: “Thủ Thiêm được lựa chọn làm thí điểm đầu tiên cho việc chỉnh trang Đô thành là vì nơi đây nằm gần vùng khuếch trương kỹ nghệ Thủ Đức và bến tàu Sài Gòn, đất rộng (800 ha) tương đối còn thưa thoáng, gần trung tâm thành phố (độ 2km đường chim bay) gần hệ thống cung cấp điện nước, đất tuy thấp nhưng chỉ cần đắp thêm 0m80, ở nội địa lại có sẵn hồ ao sông đào. Kế hoạch này nhằm mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu cấp thời; cung cấp cho các chuyên viên kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật xây cất và sử dụng vật liệu xây cất; huy động các tài nguyên với mục đích phát triển kỹ nghệ sản xuất vật liệu, và chuyên viên hoá một số công nhân về ngành xây cất. Ngoài ra còn mục tiêu xã hội và hành chánh nữa để tổ chức dân sinh theo nguyên tắc căn bản liên gia, khóm, phường, như tổ chức hành chánh các quận hiện hữu”.

Đây là một dự án phát triển đô thị khả thi của công ty tư vấn Doxiadis Associates (DA) của Kiến trúc sư Hy Lạp Constantinos Apostolou Doxiadis được Nha Kiến Thiết (Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa) giao hai trọng trách: đề xuất một kế hoạch phát triển cho vùng đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trong vòng 20 – 30 năm; và nghiên cứu mô hình nhà ở phù hợp với điều kiện của miền Nam Việt Nam để  khai  triển dự án thí điểm xây dựng 1,000 căn nhà. Nhóm tư vấn đã lựa chọn bán đảo Thủ Thiêm là dự án tiên phong để phát triển nhà ở trong thành phố.

Tuy nhiên, mô hình phát triển do Doxiadis đề xuất quá áp đặt và dồn lưu lượng giao thông theo tuyến vượt sông Sài Gòn xuyên bán đảo. Đồ án đề xuất thành phố tiếp tục những gì thực tiễn đang phản ảnh: phát triển dọc trục Đông-Bắc dọc theo mảng đất cao và ổn định. Dự án này dựa vào một số thuận lợi phát triển cơ sở hạ tầng mà cơ quan viện trợ Mỹ giúp cho VN đã thực hiện như xa lộ Biên Hoà, làng đại học Thủ Đức, khu công nghiệp làm cho bộ mặt Sài Gòn được sinh động, sung túc và thuận lợi hơn. Tức là dự án dựa vào những hạ tầng hiện có để phát triển theo trục Đông-Bắc. Cho nên Nha Kiến Thiết cùng công ty Doxiadis tiếp tục nghiên cứu thêm vai trò Thủ Thiêm như một đô thị vệ tinh theo hướng Đông của Sài Gòn.

du-an-thu-thiem-truoc-1975b

Bản vẽ quy hoạch sử dụng đất trong đồ án quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972. Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmons Architects and Planners (1972)

Qua năm 1972, dự án Thủ Thiêm được tiếp tục mang ra thực hiện. Người trong ngành gọi là dự án Sài Gòn II. Dựa trên những nghiên cứu về giao thông và giá trị đất đai, đồ án yêu cầu thành phố sớm hoàn thành tuyến đường vành đai về phía Nam để giảm lưu lượng giao thông xuyên qua trung tâm và kết nối với sân bay tương lai, dời Tân Cảng và Xưởng đóng tàu Hải Quân (Ba Son) để xây cầu thấp kết nối trực tiếp đại lộ Hàm Nghi và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm sang Thủ Thiêm. Cuối cùng, trong nhiều chính sách được đề xuất, nổi bật là việc đề nghị đưa vào hệ thống thuế dựa vào giá trị bất động sản, mở rộng địa giới đô thị để bao gồm vùng nông thôn xung quanh và 20% đất ở khai triển bởi Cơ quan Phát triển Điền địa. Cất nhà cho người thu nhập thấp thuê và trợ giá 50%.

Dự án khởi đầu thực hiện bằng hơn trăm căn nhà tiền chế xây bằng gạch block theo kiểu bán nông thôn, mái lợp fibro xi măng bên phía bờ sông đối diện với Ba Son. Tuy nhiên, mỗi khi triều cường, nơi này nước ngập đến đầu gối. Cùng lúc, ngân sách của dự án cũng chưa được giải ngân vì viện trợ của Mỹ cho VN cắt giảm rất nhiều. Cuối cùng dự án dừng lại. Tất cả bản đồ, mô hình của dự án cất vào kho của Sở Xây Dựng và Nha Kiến Thiết Đô thị cho đến sau năm 1975, chuyển sang kho thư viện bản đồ của Viện Quy Hoạch thành phố để tiếp tục nghiên cứu thực hiện.

Điều quan trọng khi thực hiện dự án Sài Gòn II là công việc đền bù khi giải toả đất đai đụng chạm đến quyền tư hữu của dân chúng cũng được hoạch định một cách công bằng. Tạp chí Xây Dựng Mới viết: “Chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp để khiến cho dân được hưởng nhiều tiện nghi mà không ai bị thiệt thòi nhiều. Chẳng hạn như chính quyền có thể mua đất của tư nhân để làm đường theo một giá biểu tương thuận, rồi những phí tổn về công tác hạ tầng cơ sở sẽ quản phần cho các diện tích đất đai còn lại phải chịu, theo danh nghĩa thuế thặng dư giá trị. Người bị mất phần đất nào để làm đường và lộ giới thì được bồi thường khoản ấy, còn diện tích đất còn lại bao nhiêu người ấy sẽ phải chiếu theo số lượng ấy mà chịu phí tổn. Trường hợp những chủ bị mất hết đất vì đường và lộ giới, nhận được số tiền bồi thường trong tay, nhưng không chủ nào được chỗ khác chịu bán đất cho, hoặc có bán cũng sẽ bán theo giá đầu cơ, thì đó là cả một sự rắc rối lớn. Có lẽ vì vậy mà chính quyền cần phải can thiệp bằng một đạo luật ấn định cho mỗi chủ gia chỉ được phép giữ một lô đất để ở, còn số dư phải sang nhượng cho những chủ đất kém may mắn khác. Cùng trường hợp này, nếu chủ đất nại cớ giữ đất lại cho con cháu không chịu bán thì theo luật định, chỉ được giữ lại tối đa là 66%, còn lại phải nhường cho chính quyền để mở đường và xây cất các cơ sở công cộng. Thêm nữa, nếu người ta cứ giữ đất đấy không làm nhà, nại cớ chưa đủ tiền, trong khi người khác có tiền, có thể làm nhà ngay thì lại không có đất. Chính quyền phải trù liệu những biện pháp thuế khóa đủ nặng để đánh vào những đất trống nếu quá một thời hạn 3 năm không xây dựng hoặc giả để cho tư nhân tự lo liệu lấy việc xây dựng theo kiểu mẫu tiêu chuẩn”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn