• Ronan O'Connell
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Đó là một biểu tượng trông hoàn toàn không đúng chỗ. Ở trung tâm Thượng Hải, gần cụm những cao ốc lấp loáng, tôi nhìn thấy một tòa nhà gạch nhuốm màu thời gian được trang trí với một Ngôi sao David.

Biểu tượng Do Thái này quá nhỏ, đến nỗi chỉ có vài người qua đường nhận thấy. Tuy nhiên, nó làm chứng cho một trong những câu chuyện phi thường nhất trong lịch sử Thượng Hải, vốn diễn ra trong khu Đề Lam Kiều (Tilanqiao) này.

Chạy trốn đàn áp

Đối với hàng ngàn người tuyệt vọng trong thập niên 1930, đô thị Trung Quốc này là cứu cánh cuối cùng.

Khi ấy, hầu hết các quốc gia và thành phố trên thế giới đã hạn chế nhập cảnh đối với người Do Thái tìm cách chạy trốn sự đàn áp bạo lực của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, Thượng Hải thì không.

Ốc đảo đa văn hóa này - bao gồm cư dân Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Iraq - là một trong số rất ít nơi dân tị nạn Do Thái đảm bảo được chấp nhận, không cần xin thị thực.

Mặc dù Thượng Hải cách nhà của họ ở Đức, Ba Lan và Áo hơn 7.000 km, hơn 20.000 người Do Thái vô tổ quốc đã chạy đến thành phố lớn nhất Trung Quốc để trốn thoát nạn diệt chủng trong thời gian từ 1933 đến 1941.

Thượng Hải không chỉ là nơi trú ẩn an toàn. Nó cũng là thành phố hiện đại với một cộng đồng Do Thái Nga vững chắc, mà một thập kỷ trước đó đã xây dựng tòa nhà có Ngôi sao David: Giáo đường Ohel Moshe.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Một Ngôi sao David trên ngôi nhà gạch cũ ở Thượng Hải là dấu tích ghi nhận quá khứ đáng nhớ của người Do Thái tại thành phố này

Lúc đầu, cuộc sống ở Thượng Hải rất yên bình cho những cư dân mới nhất này. Những người tị nạn Do Thái được người dân Thượng Hải chào đón và họ đã tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ với các trường học và khung cảnh xã hội sống động. Một số người tị nạn bắt đầu làm nha sĩ và bác sĩ, còn những người khác mở cửa hàng, quán cà phê và câu lạc bộ trong khu vực.

Điều mà người tị nạn không thể lường được là họ chạy khắp thế giới để cuối cùng rơi vào nanh vuốt của đồng minh mạnh nhất của Đức Quốc xã.

Năm 1941, Nhật chiếm Thượng Hải. Theo hướng dẫn của Đức Quốc xã, quân đội Nhật đã tập hợp tất cả người Do Thái của thành phố và nhốt họ ở Đề Lam Kiều. Khu ổ chuột Do Thái ở Thượng Hải ra đời từ đó.

'Thiếu thốn và trầm uất'

Lịch sử đen tối này xoáy trong tâm trí tôi khi tôi dừng lại trước một tấm biển đá trong Công viên Hoắc Sơn (Huoshan) của Đề Lam Kiều, không gian xanh nhỏ và thanh bình với những lối đi quanh co qua cây cối sum suê.

Một nhóm cụ ông Trung Quốc ngồi trên băng ghế nhìn tôi với vẻ mặt khó hiểu khi tôi chụp ảnh tấm bảng.

Tuy lịch sử Do Thái của Đề Lam Kiều thu hút một lượng nhỏ du khách quốc tế, nhưng khu vực này vẫn nằm ngoài tuyến du lịch chính của thành phố.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Như tấm bảng giải thích (bằng tiếng Anh, tiếng Quan Thoại và tiếng Do Thái), khu vực xung quanh Công viên Hoắc Sơn này là địa điểm của khu ổ chuột Do Thái.

Phía bắc giáp đường Chu Gia Chủy (Zhoujiazui Road), phía nam giáp đường Huệ Dân (Huimin Road), phía đông giáp đường Thông Bắc (Tongbei Road) và phía tây giáp đường Công Bình (Gongping Road), khu ổ chuột có kích thước khoảng 1 dặm vuông.

Hơn 15.000 người Do Thái sống bên trong những ranh giới đó vào đầu những năm 1940, và Công viên Hoắc Sơn có vai trò như một dạng phòng khách công cộng nơi nhiều người Do Thái tụ tập vào ban ngày.

Không giống như một số khu ổ chuột Do Thái ở châu Âu vào thời điểm đó, Đề Lam Kiều không bị rào lại. Tuy nhiên, đó là một nơi thiếu thốn và trầm uất, theo Dvir Bar-Gal, nhà báo Israel và chuyên gia về lịch sử Do Thái ở Thượng Hải, vốn đã hướng dẫn các tour du lịch đến Đề Lam Kiều từ năm 2002.

"Hãy tưởng tượng một bác sĩ, luật sư hoặc nhạc sĩ sống ở Vienna đột nhiên bị thất nghiệp ở khu ổ chuột của Thượng Hải," Bar-Gal giải thích.

"Vì vậy, đó không phải là nơi hạnh phúc. Nhưng họ cố gắng duy trì nếp sống Do Thái bằng cách thực hành các truyền thống như sân khấu và âm nhạc. Họ kiếm được chẳng bao nhiêu với những công việc này nhưng cuộc sống Do Thái đã được phát huy ở Đề Lam Kiều vào thời thập niên 1930."

Theo Bar-Gal, ngay cả trước cuộc xâm lược của Nhật, nhiều người tị nạn Do Thái ở Đề Lam Kiều sống trong nghèo đói so với cuộc sống thoải mái của họ ở châu Âu.

Điều kiện sống trở nên tồi tệ hơn rất nhiều sau khi lính Nhật Bản gom lại người Do Thái từ khắp Thượng Hải và bắt toàn bộ bọn họ phải sống trong phạm vi khu ổ chuột mới được thành lập này.

Người Do Thái bị cấm ra khỏi địa phận, thậm chí là để làm việc, trừ khi họ nhận được các sĩ quan Nhật cho phép, vốn hiếm khi xảy ra.

Bệnh tật và suy dinh dưỡng hoành hành những ngôi nhà tập thể đông đúc ghê gớm. "Nó đã từ một khu phố nghèo trở thành khu phố cực kỳ nghèo," Bar-Gal nói. "Nhiều người không có việc làm và sống trong nhà tập thể có nhiều giường với phòng tắm và nhà bếp chung. Họ không có sự riêng tư và hầu như không có thức ăn."

'Con tàu Noah'

Tuy nhiên, trong khi sáu triệu người Do Thái bị sát hại trong nạn diệt chủng và có tới 14 triệu quân, dân Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc chiến với Nhật Bản từ năm 1937 đến năm 1945, thì đa số người tị nạn Do Thái ở Thượng Hải sống sót.

Kỳ tích này được nhà sử học David Kranzler mô tả là 'Phép lạ Thượng Hải', và theo Bar-Gal, họ sống sót vì người Do Thái không phải là mục tiêu chính của quân đội Nhật.

Năm 1945, khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc với thất bại của Nhật và Đức Quốc xã, quân đội Nhật rút lui và hầu hết người Do Thái ở Thượng Hải nhanh chóng rời đi, chuyển đến những nơi như Mỹ, Úc và Canada.

Nhưng nếu Thượng Hải không nhận những người tị nạn này, nhiều người trong số hơn 20.000 người Do Thái này có lẽ đã không thể sống sót được trước các biệt đội tử thần của Đức Quốc xã.

Ngày nay, Đề Lam Kiều là một khu hoàn toàn Trung Quốc và hầu như không có ai là người nước ngoài.

Chưa tới 2.000 người Do Thái hiện đang sống ở Thượng Hải, giảm từ khoảng 4.000 người trước đại dịch virus corona, Bar-Gal cho biết.

Không ai trong số họ, theo như ông biết, là họ hàng của những người tị nạn đã từng sống trong khu ổ chuột này. Nhưng nhiều hậu duệ của những người đã ẩn náu ở đây - những người nếu không có khu ổ chuột này thì đã không được ra đời - đã đến thăm Đề Lam Kiều.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hồi thập niên 1930, Thượng Hải là một trong số ít những nơi trên thế giới cưu mang người Do Thái chạy trốn Phát xít Đức

Trước đại dịch, Bar-Gal thường cho du khách Do Thái thấy nơi sống của tổ tiên họ giữa nhiều ngôi nhà thấp, xiêu vẹo ở Đề Lam Kiều.

Ông có cảm giác nhớ trải nghiệm này, sau khi tạm ngưng các tour du lịch và rời Thượng Hải vào năm ngoái do bùng phát dịch.

Tuy nhiên, khi ông vắng mặt, câu chuyện về khu ổ chuột Do Thái khó tin này không hề nhạt nhòa, nhờ vào Bảo tàng Người tị nạn Do Thái Thượng Hải, nằm trong khuôn viên Giáo đường Ohel Moshe.

Nơi thờ phụng Do Thái này đóng vai trò là tụ điểm cộng đồng của Đề Lam Kiều trong Đệ nhị Thế chiến.

Sau đó, vào năm 2007, nó đã được chuyển đổi thành bảo tàng và được mở cửa trở lại vào tháng 12 năm ngoái, sau một đợt mở rộng lớn và được dành riêng để gìn giữ câu chuyện ít được biết đến về làm cách nào Thượng Hải trở thành như 'Con tàu Noah' thời hiện đại đối với người Do Thái, như trình bày trên trang web của bảo tàng.

Sự khoan dung của Thượng Hải

Phòng cầu nguyện của giáo đường có vai trò như là cổng vào bảo tàng, và không bị thay đổi do nó được sử dụng thường xuyên.

Các hiện vật cho thấy cộng đồng Do Thái ở Đề Lam Kiều đã hình thành như thế nào, cũng như những câu chuyện cá nhân gần gũi về người tị nạn Do Thái, theo Sophia Tian, giám đốc Phòng Triển lãm và Nghiên cứu của bảo tàng.

Tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện của tiến sĩ Jacob Rosenfeld.

Là người tị nạn Do Thái, ông đến Thượng Hải từ Áo vào năm 1939 và sau đó gia nhập quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Nhật, làm bác sĩ ngoài chiến trường và cứu sống nhiều binh sĩ Trung Quốc bị thương.

Sau khi được quân đội Trung Quốc trao một số huy chương, Rosenfeld trở về Áo vào năm 1949 để đoàn tụ với gia đình. Một hiện vật khác thể hiện hồi ức đầy cảm xúc của Jerry Moses, vốn chỉ mới sáu tuổi khi ông và gia đình chạy trốn từ Đức đến Thượng Hải vào năm 1941.

"Nếu người dân Thượng Hải không khoan dung như vậy, cuộc sống của chúng tôi sẽ khốn khổ," Moses được dẫn lời nói. "Ở châu Âu, nếu một người Do Thái trốn thoát, họ phải lẩn trốn, còn ở Thượng Hải này, chúng tôi có thể nhảy múa, cầu nguyện và làm ăn."

Bảo tàng cũng khuyến khích các tour đi bộ tự khám phá khu ổ chuột Do Thái bằng cách cung cấp các quyển hướng dẫn chi tiết giải thích và vẽ bản đồ các di tích lịch sử của người Do Thái ở Đề Lam Kiều, với các biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh.

Lang thang trên các đường phố ở đây cho phép tôi tưởng tượng Đề Lam Kiều trông như thế nào hồi 80 năm trước, khi quân đội Nhật tràn ngập Thượng Hải.

Dấu tích còn lại

Công trình đầu tiên tôi bắt gặp là Nhà tù Đề Lam Kiều cũ đồ sộ.

Trong Đệ nhị Thế chiến, quân Nhật đã tống giam hàng chục người tị nạn Do Thái và những người Trung Quốc chống đối trong những bức tường đá dày ở đây.

Sự tàn bạo của người Nhật đã đem đến cho người Do Thái và người Trung Quốc một kẻ thù chung và trải nghiệm giống nhau. Kết nối này vẫn còn mạnh mẽ, theo Tian.

"Cộng đồng Do Thái đã thiết lập một mối quan hệ, sự hợp tác và tình cảm nhất định với người dân Thượng Hải," bà nói. Họ mang văn hóa châu Âu đến Thượng Hải và sống hòa hợp và hòa nhập với cư dân địa phương về văn hóa.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khu vực nằm quanh các phố Hoắc Sơn và Chu Sơn từng là nơi hoạt động chính của cộng đồng người Do Thái ở Thượng Hải

Tiếp theo, trên đường Trường Dương (Changyang Road), tôi đi qua một trong những khu nhà ở của người tị nạn Do Thái trước đây. Bây giờ chủ yếu là căn hộ, bảy tòa nhà nhiều tầng này chứa hơn 3.000 người Do Thái vào đầu những năm 1940.

Gần đó, khu vực dọc theo đường Hoắc Sơn và Chu Sơn (Zhoushan) là nơi từng được gọi là Tiểu Vienna và là nơi thịnh vượng nhất trong khu Do Thái Đề Lam Kiều.

Vào cuối thập niên 1930, những con đường này là xương sống của cộng đồng Do Thái ở Thượng Hải, tràn ngập các cơ sở kinh doanh Do Thái và các sự kiện xã hội thường xuyên tại Vườn Sân thượng Mascot bên trên Nhà hát Broadway cũ.

Tòa nhà theo phong cách art deco duyên dáng đó, hiện đang hoạt động như một khách sạn nhỏ, là nguồn vui cho người Do Thái ở đây trước Đệ nhị Thế chiến.

Tình bằng hữu đó chính là chìa khóa để duy trì tinh thần của cộng đồng Do Thái ở Thượng Hải, nhiều người trong số đó lúc đó vẫn còn thân nhân trong cảnh hiểm nghèo ở châu Âu.

Vào lúc các doanh nhân có triển vọng trên khắp thế giới tìm cách làm giàu đã biến Thượng Hải từ một làng chài nghèo nàn trở nên thành phố lớn thứ năm thế giới, Đề Lam Kiều không đem đến cho người tị nạn Do Thái sự giàu có hay sang trọng, mà là một thứ quý giá hơn nhiều: sự an toàn.

Tuy nhiên, bây giờ, tám thập kỷ sau, thế giới đang nghe những câu chuyện làm thức tỉnh về sự sinh tồn vốn diễn ra ở đây.

Và nếu bạn tìm kiếm một Ngôi sao David đơn độc, hãy tìm một tấm bảng đá nhỏ và bước vào một giáo đường Do Thái thiêng liêng vẫn còn đứng đó, bạn có thể tìm hiểu câu chuyện đầy cảm hứng về làm thế nào mà Trung Quốc chứa chấp những người Do Thái đang kinh sợ, không có quyền và tuyệt vọng trên quê hương họ.