• Mike MacEacheran
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Xuyên qua vùng Yorkshire, đi qua quận Richmond có từ thời Norman tới tu viện và các phố thị sầm uất Ripon, York, Selby và Rotherham nằm bên rìa là đường cao tốc chạy từ xứ England lên xứ Scotland, Great North Road, vốn là con đường cổ được xây dựng từ thời La Mã.

Đi trên cung đường này, bạn sẽ bị mê hoặc bởi dấu ấn của quá khứ.

Vẫn giữ nguyên vẻ lãng mạn dù đã cũ nát hoang tàn, Lâu đài Richmond là điểm đến mơ ước với bất kỳ ai đam mê lịch sử.

Đài phun nước Abbey gần Ripon đưa bạn trở về thời Trung cổ, trong khi Tu viện York lại là một công trình tuyệt mỹ của thị trấn vốn được coi là biểu tượng của niềm tự hào xứ Anh (England).

Bên trong thành phố được những bức tương bao quanh này, bạn có thể tản bộ trên con phố lịch sử Stonegate, nơi sinh ra kẻ khủng bố nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Anh. Hắn thường được biết đến với tên gọi Guy Fawkes.

Trong lúc đi, bạn có thể sẽ nghe được những câu chuyện ly kì, những truyền thuyết lâu đời và những luật lệ kỳ quặc.

Chẳng hạn như có điều luật cổ gây tranh cãi, theo đó nói rằng tại York, việc đứng trên bức tường thành dùng cung tên bắn một người Scotland được xem là hợp pháp, trừ khi việc bắn người diễn ra trong Chủ nhật.

Nhưng có một điều kỳ lạ ít được biết đến hơn, đó là thị trấn Doncaster, một thị trấn cũng có tu viện lớn và là nơi pháo đài cổ thời La Mã được xây dựng lên từ đất sét và sỏi đá, lại không phải là thị trấn của xứ Anh mà là của xứ Scotland.

Gọi đây là một bí mật buồn cười hay một sự kiện lịch sử bất thường đều được, nhưng chuyện này đã tồn tại từ năm 1136, dưới thời Vua Stephen của xứ Anh, khi thị trấn được tặng cho Vua David Đệ Nhất của Scotland theo Hiệp ước Durham đầu tiên.

Và về mặt chính thức mà nói, thị trấn này chưa từng được trao trả lại kể từ đó.

Truyền kỳ kể vậy.

Nguồn hình ảnh, Mike MacEacheran

Chụp lại hình ảnh,

Dấu ấn Scotland xuất hiện đây đó ở khắp Doncaster

Gần chín thế kỷ sau, theo dấu ngựa những vị vua thời Trung cổ với những cuộc chiến tranh xung đột liên miên giữa Anh và Scotland, tôi đến Doncaster tìm cách gỡ những nút thắt rối rắm trong câu chuyện bán tín bán nghi vốn đã bị vùi lấp trong các dẫn chứng học thuật về lịch sử Liên hiệp Vương quốc Anh.

Tôi bắt đầu bằng việc liên hệ với Tiến sỹ Charles Kelham, nhà lưu trữ làm việc cho hội đồng thành phố và có bằng tiến sỹ về lịch sử Scotland, với hy vọng ông có thể giúp tôi làm sáng tỏ giai thoại có tên "Bonny Donny" này.

"Câu chuyện đó hay đấy chứ?" ông nói với tôi khi chúng tôi gặp mặt tại Phòng trưng bày, Thư viện và Bảo tàng Danum mới được hoàn thành, nơi chứa đựng di sản của thành phố và được đặt tại nơi từng là Trường Nữ sinh Doncaster.

"Câu chuyện này quả là dị thường, nó không yên bình và có thể dấy lên tranh cãi khi được đem ra thảo luận, nhất là khi nói tới chuyện tự trị cho xứ Scotland. Tuy nhiên cũng có một phần sự thật trong đó."

Bảo tàng Danum mở ra cơ hội để suy tư kỹ càng hơn về lịch sử của thành phố và lẫn trong dòng lịch sử đó, cho thấy trái tim và hồn cốt của Doncaster, với câu chuyện về thị trấn không thể thiếu vắng đường ray xe lửa, đua ngựa (thị trấn này là quê hương của St Leger, trường đua ngựa cổ nhất Anh Quốc), khai mỏ và sự chiếm đóng của người La Mã.

Mặt khác, bảo tàng lại không có nhiều mô tả về giai đoạn thị trấn bị đặt dưới quyền sở hữu của Scotland.

Trên thực tế, tài liệu xưa nhất trong kho lưu trữ 50 ngàn tư liệu của bảo tàng là Hiến chương về Quận Hoàng gia của Vua Richard Đệ Nhất xứ Anh ký ngày 22/5/1194 và được viết tay bằng tiếng Latin trên da cừu.

Các bản Hiến chương được sử dụng từ thời Trung cổ để quy định hoa lợi và đặc quyền cho các thị trấn, địa hạt và các thành phố. Đây cũng là bằng chứng đầu tiên về việc Doncaster về mặt chính thức là thuộc sở hữu của xứ Anh, tính đến thời gian đầu thế kỷ 13.

"Thực tế là từ năm 1136 đến năm 1156, thái ấp Doncaster nằm trong tay vương triều Scotland," Tiến sỹ Kelham khẳng định. "Đáng tiếc là các ghi chép về nơi này chỉ có từ thế kỷ 12 - và buồn thay, bản hiến chương Scotland thì lại bị thất lạc."

Bất chấp tất cả sự phức tạp của thời phong kiến, những cơn bốc đồng phi lý và khuynh hướng trở mặt như trở bàn tay của các vương triều thời đó, đúng là Vua David Đệ Nhất trên đường đi chinh phạt đã chiếm được phần lớn miền Bắc xứ Anh (North England) sau các cuộc đánh chiếm.

Quả là để tránh xảy ra thêm xung đột vũ trang, xứ Anh đã phải tặng vua David Đệ Nhất xứ Scotland vùng đất Doncaster để giảng hòa, và tặng thêm một phần đất thuộc các vùng Cumberland và Lancashire, và quả là con trai vua David, Hoàng thái tử Henry của Scotland, được ghi công trong việc chuyển Doncaster thành một quận thuộc Scotland.

Cùng lúc đó, quả là vua David vẫn tiếp tục gây chiến ở miền bắc xứ Anh - phá vỡ thỏa thuận giảng hòa trong hiệp ước ban đầu - và vua Henry Đệ Nhị của xứ Anh, lên ngôi thay vua Stephen, đã chiếm lại được Doncaster khoảng 21 năm sau đó, vào năm 1157, sau khi cả vua David lẫn vua Henry đều băng hà vào đầu thập niên 1150.

Tất cả những điều này cho thấy Doncaster vẫn chính thức thuộc về Scotland mặc dù người Anh đã chiếm lại.

Rối trí không? Bạn hoàn toàn có quyền rối trí trong chuyện này.

Nguồn hình ảnh, Mike MacEacheran

Chụp lại hình ảnh,

Doncaster là một thị trấn có tu viện, giống như Ripon, York, Selby và Rotherham

Còn một vấn đề nữa, Tiến sỹ Kelham nói với tôi, đó là sự phát triển thịnh vượng của nền nông nghiệp Doncaster thời thế kỷ 18 khiến cho có rất ít di tích lịch sử còn tồn tại.

"Rất khó để tìm thấy bất kỳ thứ gì liên quan đến thời Trung cổ, do thị trấn đã khác xa so với chính nó ngày xưa," ông nói. "Các ngôi nhà có khung gỗ đã được trùng tu lại theo phong cách kiến trúc Georgia của thời thế kỷ 18-19, làm thay đổi nét đặc sắc của thị trấn và giải thích tại sao nó lại khác biệt đến vậy so với York."

Thường bị du khách bỏ qua để chọn đến thăm York, thành phố phương bắc nổi tiếng hơn nhiều, nhưng Doncaster vẫn là điểm đến thú vị để bạn lang thang.

Các thị trấn khác ở Anh đều có cùng kiểu nhà ga xe lửa theo kiến trúc thời Victoria, kết nối với các khu mua sắm và các khu công nghiệp nội thành, nhưng Doncaster có điểm nhấn riêng giúp đưa thị trấn này đứng ngang hàng với các thị trấn xinh đẹp khác của vùng Yorkshire như Harrogate và Ripon.

Có những đỉnh tháp hình ngọn lửa làm bằng đá ngà mạ vàng của tu viện Doncaster xây theo phong cách Gothic, do George Gilbert Scott, kiến trúc sư Gothic thời Victoria, thiết kế.

Có những phòng lớn được trang hoàng lộng lẫy của tòa nhà Corn Exchange và kiến trúc khung thép của khu chợ Wool Market.

Và trên hết là Hội trường Brodsworth với kiến trúc như Tu viện Downton Abbey, chưa từng được tu sửa kể từ thập niên 1860 tới nay và là một trong rất nhiều kho tàng kiến trúc các lâu đài nông thôn kiểu Anh, bị bao phủ bởi lịch sử chiếm đóng thuộc địa tăm tối gắn liền với chế độ sở hữu nô lệ.

Nhưng cũng có một vài địa điểm ở Doncaster có sự gắn kết rõ ràng với Scotland, và đôi khi nó cho ta cảm giác ký ức về những mảnh lịch sử lẻ loi vẫn lóe lên ở gần như mọi ngóc ngách.

Đây là nơi mà đoàn tàu nổi tiếng chạy bằng đầu máy hơi nước nắm kỷ lục thế giới Flying Scotsman được hoàn thành vào năm 1923 tại Nhà máy Xe lửa Doncaster và là nơi đặt quảng trường vinh danh Huân tước Nigel Gresley, kỹ sư người Edinburgh, thủ phủ Scottland.

Nằm về hướng tây nam của thành phố, phía trên cao khúc quanh của sông Don, là Lâu đài Conisbrough khơi gợi trí tưởng tượng. Nhưng với những tay môi giới mua bán xe hơi cũ tập trung quanh khu đồi bằng đá vôi này, thì tàn tích rệu rã từ thế kỷ 11 này trông như xứ Aberdeenshire xa xôi, hay như bên hồ Loch Ness. Nó sừng sững và có từ thời Trung cổ giống như lâu đài Dunnottar, có tháp canh xây cao đã bị sụp như ngôi làng Urquhart.

Trên thực tế, lâu đài này đậm chất Scotland đến nỗi nó trở thành cảm hứng cho tiểu thuyết gia sử học người Scotland, Huân tước Walter Scott, viết nên tác phẩm về người hùng Ivanhoe trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, trong đó lâu đài này được gọi là lâu đài Conisburgh.

"Ở một vùng quê thanh bình xứ Anh nơi sông Don chảy qua, là một khu rừng lớn có từ thời cổ đại… và thị trấn xinh đẹp Doncaster," Walter Scott viết, và những dòng chữ này được chạm khắc trang trọng trên tường sảnh tiếp khách của bảo tàng Danum, nơi hiện vẫn là cửa ngõ duy nhất dẫn tới giai đoạn lịch sử giữa thế kỷ 11 của Doncaster.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Giờ chỉ còn là đống hoang tàn, nhưng Lâu đài Conisbrough từng là nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết Ivanhoe

Để đến được đó, tôi thậm chí đã đi bộ dọc theo con đường Scot Lane.

Tôi tự hỏi phải chăng tất cả những mô-típ này đánh thức từ sâu trong tiềm thức chúng ta mong muốn được thấm đẫm hình hài thị trấn với dáng dấp Scotland ẩn hiện, dù chỉ là theo những phong cách chấm phá.

Trước chuyến thăm Doncaster, tôi cũng đã quyết định trò chuyện với những bộ óc sắc sảo nhất của giới sử học Trung cổ Anh quốc để tìm hiểu góc nhìn của họ về câu chuyện đầy tranh cãi xung quanh thị trấn. Tôi đã tìm gặp các giáo sư, giới học thuật và cả Bảo tàng Quốc gia Scotland.

Đối với việc đánh giá lại mối quan hệ giữa vua Stephen và xứ Anh, và mối quan hệ giữa vua David và Scotland, dường như có một trường phái thắng thế, theo đó cho rằng câu chuyện đó quả thực rất kỳ lạ, nhưng cũng là chuyện khiến người ta bán tín bán nghi.

"Dù rằng về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng xứ Scotland chưa từng chính thức trao trả lại Doncaster về cho xứ Anh, nhưng thực ra nơi này cũng chưa từng thuộc về Scotland," Tiến sỹ Stephen Marritt, chuyên gia nghiên cứu về triều đại Vua Stephen, từ Đại học Glassgow, nói với tôi.

"Trong khoảng thời gian này, người Norman thực sự mới chỉ đến vùng Cumbria ngay trước năm 1100, và ngay ở phía bên kia biên giới thì ít nhiều gì đó cũng là một xã hội có nhiều điểm tương đồng với vùng này hơn so với những nơi khác của xứ Anh hay xứ Scotland. Việc phân định ranh giới rạch ròi là điều còn nhiều tranh cãi, và chuyện lãnh thổ Scotland dừng ở đâu, xứ Anh bắt đầu từ chỗ nào, là chuyện không nhất thiết đã được phân định rõ ràng."

Giáo sư Richard Oram, chuyên giảng dạy về thời Trung cổ và lịch sử môi trường tại Đại học Stirling, lại có cách hiểu khác về sự việc.

"Chuyện về vua David Đệ Nhất và vua Henry là câu chuyện khá thú vị, ngay cả khi đáng buồn mà nói việc cho rằng 'Doncaster vẫn thuộc về Scotland' không hợp lý chút nào," ông trả lời qua email.

"Toàn bộ đất đai mà vua Stephen tặng cho vua David và Henry theo Hiệp ước Durham thực chất được coi là các thái ấp của Vương triều xứ Anh chứ không phải là phần lãnh thổ mở rộng của Scotland, và việc tặng đã bị xoá bỏ hiệu lực khi David và Henry phá vỡ Hiệp ước vào năm 1138 (khi họ hai lần tiến hành xâm lược vùng bắc Anh). Và có những câu hỏi "nếu như" to tướng phủ bóng lên giai đoạn lịch sử này. Điều gì sẽ xảy ra nếu như vua David Đệ Nhất chiếm được York, điều mà ông suýt nữa đã làm được? Hay là nếu như vua Henry Đệ Nhị của Anh giữ lời và để cho vua Scotland kiểm soát miền bắc England? Vậy nên, toàn bộ giai thoại này được xây dựng trên việc lầm tưởng về những gì xảy ra sau năm 1138."

Trên chuyến tàu rời Doncaster, tôi vò đầu bứt tai với những câu hỏi 'nếu như' và 'tại sao không'. Điều tôi muốn từ thị trấn này là câu trả lời rõ ràng, nhưng tôi chỉ nhận lại một loạt các giả thuyết rối rắm với rất nhiều điều khó lý giải về mặt thời gian.

Để có thể tóm gọn lại, thì câu chuyện dai dẳng này không nên là một dẫn chứng trong sử sách.

Với những ai muốn đào sâu tìm hiểu về lịch sử Anh Quốc, có thể coi đây là lời dẫn trong câu chuyện về xứ Anh và xứ Scotland giai đoạn thế kỷ 12, về các nam tước, chế độ sở hữu đất đai và thái ấp, cuộc nội chiến dưới triều đại vua Stephen và chiến tranh liên miên ở miền bắc Anh.

Và có lẽ đó là cách hay nhất để hiểu về truyền thuyết này.