Quân Khuyển Mỹ ( con chó đen thứ 2, mặt dơi giống bác Hồ )

Thứ Năm, 01 Tháng Ba 20186:00 SA(Xem: 9371)
Quân Khuyển Mỹ ( con chó đen thứ 2, mặt dơi giống bác Hồ )

Chó nghiệp vụ trước đây chỉ dùng để đưa thư như ở các nước Á Đông dùng ngựa hay chim bồ câu, sau đó dùng để làm chó bảo vệ và dùng trong cảnh sát. Từ Thế Chiến II, nước Mỹ bắt đầu dùng chó trong quân đội. Những con chó này cũng được huấn luyện gian khổ như những người lính, cũng được gắn những huy chương anh dũng cho những hy sinh ở chiến trường, đôi khi được mai táng như một người lính.

quan-khuyen-my5
Quân Khuyển Mỹ

Nói đến chó nghiệp vụ và chó trong quân đội người ta biết ngay đó là những con chó của nước Đức. Chó Đức nổi tiếng về thông minh, nhanh nhẹn và sức mạnh, sự chịu đựng dẻo dai. Chúng cũng nổi tiếng về sự dũng cảm và lòng trung thành. Chúng chịu đựng được những huấn luyện khắc nghiệt. Chó nghiệp vụ đã giúp cảnh sát truy tìm chứng cớ, tìm ra được rất  nhiều những nơi chôn giấu ma túy. Chó quân đội giúp những người lính tránh được những hố bom, bãi giấu mìn. Khứu giác vô cùng mạnh nên những giống chó này là một chiếc máy đi tìm những vụ án mạng được giấu kín trong những hố sâu, rừng rậm. Chúng là những radar đánh hơi bom đạn thật xa, thật sâu. Chúng còn hy sinh dùng cả thân mình làm lá chắn cho những người lính.

Bộ tứ khuyển của Đức là:Berger(German Shepherd), người Đức trước dùng để chăn cừu, nhưng vì độ gan dạ, dũng cảm, nó được huấn luyện dùng cho cảnh sát và chó bảo vệ.

quan-khuyen-my4
Cùng vào sinh ra tử

Labrador thuộc chó kiểng quý tộc nhưng với khả năng đánh hơi giỏi nó có thể phát hiện con mồi trong vùng ngập nước, do đó nó được tuyển vào quân đội, ngoài ra nó lại rất hiền lành và thân thiện với loài người.

Rottweiler là giống chó đầu tiên trên thế giới được huấn luyện để phục vụ quân đội và cảnh sát ở Âu Châu.

Golden Retriever tinh ranh, khôn ngoan, dễ dạy, thân thiện và khả năng đánh hơi rất nhạy bén, nên nó được huấn luyện để vừa là thú cưng trong nhà vừa là chó nghiệp vụ.

Tưởng nhớ

Steve ngồi gọn trong chiếc ghế của bộ bàn tròn bằng sắt kê dưới gốc cây thông ngoài vườn. Chiếc chân cụt thu rút trong lòng ghế, ống quần jeans thừa ra đong đưa buông thõng. Lon bia mở trên bàn, điếu thuốc lá cháy một nửa, đốm lửa nhỏ nhoi thả lên một sợi khói yếu ớt, mong manh. Nắng tháng hai ròn tan lấp lánh trên chiếc chân còn lại của anh. Con Oscar ngoan ngoãn nằm dưới chân ghế, thỉnh thoảng nó lại kêu ư ư khe khẽ trong cuống họng nhắc chủ. Steve bẻ một miếng bacon nhỏ vứt cho nó:

“Thôi nhé, ba miếng rồi đấy.”

Con Oscar là con chó thứ tư anh nuôi từ ngày anh trở về từ mặt trận Việt Nam. Cái mặt trận khốn khổ bi thương đó đã lấy mất của anh một cái chân. Con chó thân yêu của anh phải bỏ lại. Anh không có đủ điều kiện đem nó về theo.

quan-khuyen-my3
Nhớ mãi nụ hôn ngày ấy.

Steve giơ tay vuốt mái tóc hoa râm của mình nhớ lại thời điểm xa lắc xa lơ đó, cũng hơn 40 năm rồi.

Cuộc chiến đó có nhiều người Mỹ đến Việt Nam làm chính trị rồi trở về an bình như đi xe đạp trong thành phố của họ. Cũng có người về thể xác nguyên một mảnh nhưng đầu óc bay tung như những nhánh hoa lau mùa hạ. Có người trở về nằm thẳng hàng trong một cái túi vải. Nhưng có một số binh lính đã phục vụ một cách vô cùng dũng cảm và cứu được rất nhiều đồng đội mà bị đồng đội bỏ rơi phút chót. Đó là những chú “Quân Khuyển”, những quân khuyển anh hùng này bị coi là “ thiết bị dư thừa” vào cuối cuộc chiến.

Steve thường hay đi họp mặt với những cựu chiến binh Việt Nam. Có người cùng đơn vị, cũng có người không cùng một chỗ nhưng cùng một thời điểm với anh. Họ cùng đồng ý rằng: nếu không có 4,000 quân khuyển phục vụ trong cuộc chiến thì bức tường đá đen ở Washington sẽ có thêm 10,000 tên nữa được khắc lên. Đó là ước tính của ai đó về tính mạng người lính được những con chó cứu sống. Trong 4,000 con chó đã có 1,000 con hy sinh về súng đạn trực tiếp hay khí hậu, rắn cắn, hỏa nhiệt, bệnh tật, tai nạn, tuổi già v.v…

Anh nuôi đến mấy con chó khác nhau, cũng không con nào thay thế nó được. Anh mang tên nó (cũng do anh đặt cho) vào những con chó sau này.

Anh nhớ nó luôn luôn đi trước anh dò đường. Nó là một con chó khôn ngoan và điềm tĩnh. Khi anh vào quán uống bia, nó nằm ngay dưới chân yên lặng, không gây phiền phức với người chung quanh nhưng luôn luôn cảnh giác và bảo vệ anh. Chao ơi là anh nhớ!

Bảo vệ con chó của mình

Paul ra chiến trường Afghanistan, anh có con chó Tootsie đi hành quân với anh vào một ngôi làng nhỏ, ngôi làng chưa tới 20 căn nhà. Điều đầu tiên anh nghĩ tới: Chúa ơi, nếu con chó của con nó bị thương thì sao !

Đó là một cuộc tấn công nhỏ, đạn tới từ phía trước mặt, đạn bay ngang cạnh sườn, giữa đường lộ có một cái hố nhỏ, anh ôm con Tootsie vật nó xuống, lăn nó vào cái hố và dùng thân anh nằm đè lên nó. Cuộc hành quân đó cả hai cùng trở về bình an.

quan-khuyen-my2
Đôi bạn

Paul được học ở quân trường rằng: Tốt hơn để con chó giẫm lên quả bom thay vì một người lính Mỹ (They tell us it’s better for a dog to step on a bomb than an US soldier.) Sự thật là không riêng gì anh mà bất cứ một người lính nào cũng sẵn sàng nhận tai nạn thay cho con chó của mình.

Paul và Tootsie đi cạnh nhau như hai người bạn, ăn chung, tắm chung, ngủ chung. Paul so sánh những lần anh bảo vệ Tootsie, thấy thật quá nhỏ so với những lần Tootsie bảo vệ anh và đồng đội anh. Khi con chó đi trước đánh hơi bom, mìn, chôn giấu nó không biết cái nguy hiểm nào chờ nó, nhưng anh biết.

Đạn bom luôn luôn kề cận, quân địch từ lâu đã biết giống chó này quan trọng với người lính Mỹ và khả năng đánh hơi bom của nó tài giỏi và thành công như thế nào. Paul nói, có ba lần tôi biết họ nhắm thẳng bắn vào nó nhưng cả ba lần tôi đều lăn trên nó và thì thầm vào tai nó trấn an và may mắn thay, lần nào cũng tránh đạn được cho cả hai.

Khi mãn nhiệm lính, anh và các bạn phải rời bỏ căn cứ trở về nhà. Tất cả chúng tôi đứng nhìn đàn chó của mình và những dụng cụ của chúng xếp vào xe. Chúng tôi được ôm đầu, vỗ về con chó của mình, rồi nhìn chúng lên xe. Không ai muốn là người khóc trước, Nhưng chỉ mấy phút thôi, nước mắt chúng tôi nhạt nhòe trên mọi khuôn mặt, đứng nhìn theo đám khói xe bay mất hút ở cuối đường. 

Về gia đình mới

Chắc chỉ nước Mỹ mới có đủ tấm lòng và tài chánh để làm một việc biểu trưng cho tình cảm giữa con người và súc vật.

Justin là một chiến binh ở mặt trận Iraq. Trước khi tử trận một tuần lễ, anh và các bạn tìm thấy trong trại lính của mình một đàn 5, 6 con chó con dưới cái nhà vệ sinh di động. Các bạn anh chia nhau mỗi người ôm một con đứng chụp hình. Sau khi anh tử trận, xác mang về thành phố gia đình. Hành lý của anh cũng được gửi theo về, cha mẹ anh tìm thấy tấm hình anh ôm con chó, họ ngỏ ý nhờ đơn vị của anh tìm con chó đó gửi về để họ tìm một chút an ủi thay thế sự vắng mặt của anh.

quan-khuyen-my
Huấn luyện để tấn công đối phương.

Bằng tất cả cố gắng những bạn cùng đơn vị của anh đã tìm ra con chó đó, và quân đội chấp nhận, đóng thùng từ Iraq gửi về quê nhà của người lính yêu thương nó. Con chó nhỏ chưa hề làm quân khuyển ngày nào, đã được thay thế người lính trẻ hiện diện trong gia đình.

Quân Đội không ngại tốn kém, truyền thông tới tận nhà người anh hùng tử sĩ của thành phố quay phim con chó của anh. Nó cũng được đặt tên là “Hero”. Người dân trong thành phố đó mỗi lần nhìn thấy nó, họ nhớ đến anh như một “Anh hùng của thành phố”.

Con Hero được cha mẹ anh dắt ra nghĩa trang thăm chủ của nó cùng với gia đình trong những ngày vui, ngày buồn. 

Cựu chiến binh quân khuyển

Cũng giống như những người lính trở về sau một cuộc chiến phải vào những trung tâm Rehabilitation (Trung Tâm Phục Hồi) cho Cựu Chiến Binh. Những con chó không bị bỏ rơi, may mắn được trở về từ mặt trận Iraq cũng bị rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng Post-traumatic Stress Disorder – PTSD

quan-khuyen-my1
Cô đơn

Quân Khuyển được sử dụng trong những cuộc hành quân hay chó bảo vệ từ nhiệm sở, khi trở về nhà chúng đã phải chịu những sự kiện chấn thương thể xác và mang những vết sẹo tâm hồn tựa như bất kỳ người lính nào sau nhiệm vụ. Chúng cũng giống như người sống cô đơn hoang mang, hốt hoảng và thất lạc. Nhưng khác con người, chúng không thể nói ra những gì chúng đã chứng kiến, do đó cần được đối xử đặc biệt và cẩn thận với những gì chúng đã trải qua. Các bác sĩ phải thận trọng tìm hiểu những tiếng động như tiếng súng có làm chúng hoảng loạn, hay tiếp cận với người có làm chúng sợ hãi. Họ tìm đủ cách để chữa cho những con chó cựu chiến binh này.

Sự chấn thương tinh thần của quân khuyển cũng như sự chấn thương của các cựu chiến binh. Chúng ta khó lòng mà băng bó, bôi thuốc được trên những vết thương vô hình này.

Một cựu chiến binh bị trầm cảm. Đôi khi nếu được gặp đúng người cảm thông anh, anh có thể mở vết thương trong lòng trí anh ra chia sẻ. Một cựu quân khuyển bị trầm cảm nó không biết nói, không biết làm sao để con người hiểu được những gì trong nó đang bị gánh chịu. Chỉ có chính những người “bạn” người “chủ” của nó hiểu được nó. Bất hạnh thay người đó đã tử trận.

TMT

Xuân Mậu Tuất -Tháng 2/2018

(*) Tài liệu và hình ảnh trên mạng. Những tên người và vật đã được thay đổi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn