Sắc xanh và những 'lam nhân' của sa mạc Sahara

Thứ Năm, 25 Tháng Mười Một 20213:00 SA(Xem: 1884)
Sắc xanh và những 'lam nhân' của sa mạc Sahara
bbc.com

Những 'lam nhân' của sa mạc Sahara - BBC News Tiếng Việt


  • Juan Martinez
  • BBC Travel

Juan Martinez

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Nếu như trang phục xanh lam của Sahara đang dần trở thành tàn tích của lịch sử thì ở Mauritania, kiểu dáng và sắc màu thời trang truyền thống này vẫn rất sống động và không hề có dấu hiệu giảm bớt.

Áo daraa hay boubou của người vùng Sahara - là loại áo choàng dài, rộng thùng thình - và tagelmust, một kiểu khăn che mặt bằng vải được dùng như khăn quấn đầu, là hai món trang phục chính của những người dân du mục truyền thống vùng Sahara.

Juan MartinezNguồn hình ảnh, Juan Martinez

Chụp lại hình ảnh,

Daraa và tagelmust là hai món đồ trang phục chính của dân du mục vùng Sahara

Thích nghi với thời tiết khắc nghiệt

Kiểu áo choàng truyền thống của vùng Bắc Phi này có từ hàng trăm năm nước, có thể là từ khoảng Thế kỷ thứ 7 đến Thế kỷ thứ 8, cho đến thời kỳ bắt đầu sơ khai có hoạt động giao thương xuyên Sahara, giữa vùng Hạ Sahara và Bắc Phi.

Trong khi chỉ một số người dân địa phương cho rằng bộ quần áo này tượng trưng cho sự dè dặt và khiêm tốn của người mặc, thì hầu hết đều đồng ý với chức năng cơ bản của nó là để chống nắng cũng như những trận bão cát thường xuyên xảy ra trong khu vực.

"Kiểu dáng và hình dạng tấm áo choàng daraa của chúng tôi không chỉ giúp thoáng khí trong những môi trường khắc nghiệt mà còn giúp những người Sahara tránh mất nước khi đi giữa sa mạc," Dahid Jdeidou, hướng dẫn viên địa phương người Mauritania, cho biết.

Ngày nay, khi ngày càng có nhiều người tới sống ở các thành phố lớn và kiểu ăn mặc của họ dần chịu ảnh hưởng từ phương Tây, loại trang phục mà những người đàn ông Sahara từng mặc để băng qua sa mạc nóng bỏng đa phần chỉ còn là tàn dư sót lại của quá khứ.

Tuy nhiên, ở Mauritania, nơi hầu hết đàn ông mặc daraa và choàng tagelmust sắc lam bắt mắt thì loại trang phục này vẫn còn thịnh hành - và có vẻ như nó sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài.

Juan MartinezNguồn hình ảnh, Juan Martinez

Chụp lại hình ảnh,

Kỷ nguyên giao thương buôn bán xuyên sa mạc Sahara đã đưa nhiều nhóm sắc tộc khác nhau tới Mauritania

Thời trang sinh ra từ giao thương buôn bán

Trong kỷ nguyên giao thương xuyên Sahara, các khu vực bán buôn sầm uất mới mọc lên ở rìa sa mạc, và các nhóm sắc tộc khác nhau buôn bán những mặt hàng ăn khách ở Bắc Phi như gia vị, khoáng sản, gia súc gia cầm, đồ may mặc.

Qua nhiều thế kỷ, việc làm ăn buôn bán đã thu hút nhiều nhóm người khác nhau đến Mauritania - từ người du mục Tuareg ở miền đông bắc, người Haratin miền đông nam đến người Haalpulaar ở miền nam.

Khi các nhóm này định cư cạnh những người Berber (dân bản địa gọi là Amazigh) - những người đã sống ở Mauritania từ Thế kỷ thứ 3 - thì đạo Hồi và tiếng Ả Rập đã rất thịnh hành, và rồi những truyền thống văn hóa mới xuất hiện thêm.

Những loại hình kiến trúc mới ra đời, những cuốn sách từ khắp nơi trên sa mạc Sahara được đưa vào các thư viện địa phương và xu hướng thời trang từ khắp Bắc Phi đã hợp nhất để tạo nên một phong cách mới dưới dạng chiếc áo choàng dài vạt rộng.

Sahara - chảo đun nóng chảy

Giống như các loại quần áo kiểu áo vạt dài phủ hông như kimono từ Nhật Bản hoặc kaftan có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà cổ đại, daraa cũng có một vị trí trong lịch sử thời trang.

Kiểu quần áo này được cho là xuất hiện đầu tiên từ Haalpulaar, những người sống dọc theo sông Senegal nằm giữa Senegal ngày nay và Mauritania.

Về sau, dân chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội đều mặc áo daraa, nhưng màu áo phụ thuộc vào thân phận của họ.

Các thương nhân giàu có mặc áo daraa và choàng khăn tagelmust màu phấn trắng, vì họ có tiền để giữ cho trang phục được giặt sạch hàng ngày, trong khi nô lệ thường mặc đồ đen, vì họ thường làm việc trong môi trường dơ bẩn và không có đồ để thay thường xuyên.

Do vùng Sahara hiếm thuốc nhuộm tự nhiên có màu sắc sặc sỡ, những chiếc áo daraa có màu chỉ xuất hiện sau khi người Haalpulaar bắt đầu buôn bán thuốc nhuộm chàm tự nhiên và kỹ thuật nhuộm chàm trở nên phổ biến.

Những chiếc daraa màu xanh lam đậm này quả là vừa ý những người không đủ tiền mua những chiếc daraa màu trắng nhưng lại không muốn mặc đồ màu đen.

'Lam nhân' vùng Sahara

Tuy người Haalpulaar có lẽ đã tạo ra những chiếc daraa màu chàm, nhưng chính người Tuareg mới là người đã khoác lên và phổ biến tấm áo này, và họ được coi là "lam nhân vùng Sahara" - là tên gọi về sau của người Tuareg, do dưới cái nắng gay gắt khiến màu nhuộm áo phai ra, đọng lại màu trên làn da.

Theo Tiến sĩ Anja Fischer, nhà nghiên cứu về Sahara tại Đại học Vienna, sức ảnh hưởng của người Haalpulaar có thể đã dẫn đến những thay đổi lớn lên thời trang của người Tuareg.

"Người Tuareg từng mặc quần áo da, và rồi một lúc nào đó, họ chuyển sang mặc vải màu xanh đặc trưng cho hình ảnh của họ ngày nay."

Người Tuareg, hiện đang sinh sống trên một khu vực rộng lớn trải dài từ Libya đến Algeria, Niger, Mali và Burkina Faso, vốn là một trong những nhóm dân du mục lớn nhất ở Sahara, và có tầm ảnh hưởng trong việc truyền bá đạo Hồi ở châu Phi.

Họ được biết đến trên khắp sa mạc Sahara, và kiểu ăn mặc của họ ở Mauritania đã được công nhận trên khắp Bắc Phi và sau đó là trên toàn thế giới.

Cho đến ngày nay, phong cách thời trang thể hiện rõ nét văn hóa và truyền thống du mục của họ.

Tiêu chuẩn mới cho màu xanh lam

Trong những thập kỷ gần đây, với sự xuất hiện của thuốc nhuộm hóa học từ châu Á và châu Âu cùng các kỹ thuật nhuộm chi phí thấp như nhuộm bale (một quy trình dễ dàng trong đó vải được ngâm xả qua bồn nước lạnh), việc nhuộm ra nhiều kiểu sắc xanh đã trở nên khả thi.

Cùng với sự vươn lên của tầng lớp trung lưu ở các thị trấn và thành phố của Mauritania, người dân ngày càng ưa thích áo daraa màu xanh nhạt vì chúng tương đồng với áo trắng truyền thống và địa vị xã hội mà chúng tượng trưng.

"Một tấm áo daraa màu xanh nhạt trông giống như màu trắng, nhưng phải ba đến bốn ngày mới cần giặt một lần mà nhìn vẫn sạch," Jdeidou nói.

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều mặt hàng may mặc màu xanh lam được bày bán ở khu chợ trung tâm tại Nouakchott

Một thế giới màu lam

Khu chợ trung tâm ở thủ đô Nouakchott của Mauritania đúng nghĩa là một thế giới màu xanh lam.

Nhiều người bán hàng chỉ kinh doanh quần áo màu xanh lam, và cứ bốn người đàn ông thì có ít nhất một người mặc một chiếc daraa màu lam.

Ở Mauritania, màu xanh lam không chỉ xuất hiện trên quần áo mà còn có thể được tìm thấy trong chăn mền và ô che trong quầy hàng, và cả trong các chi tiết kiến ​​trúc như cửa ra vào, trần nhà và hàng rào.

Mặc dù màu xanh lam đại diện cho bầu trời và thần thánh trong Kinh Qur'an, người Mauritanie địa phương sử dụng nó vì một lý do thiết thực hơn: đó là màu sắc hoàn hảo để bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời.

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều tấm áo daraas ở Mauritania được tô điểm bằng những đường thêu màu vàng kim loại và trắng

Phong cách tạo ấn tượng

Những chiếc daraa đầu tiên được làm bằng lụa, nhưng sau này chúng bị coi là đồ haram, tức là đồ "bị cấm" trong tiếng Ả Rập theo luật Hồi giáo.

Ngày nay, tại các cửa tiệm ở Nouakchott, người ta thường thấy những chiếc daraa được làm từ vải sợi tổng hợp, vải muslin và sợi len dệt từ lông lạc đà và dê bên cạnh loại bằng lụa dành cho những người không theo đạo Hồi.

Nhiều chiếc daraa ở Mauritania còn được tô điểm bằng những đường thêu màu vàng kim loại và trắng, và một số thậm chí còn có các túi bên trong và bên ngoài - những chi tiết vốn hiếm khi xuất hiện trong những thế kỷ trước nhưng rất hữu ích trong thế giới đô thị hiện đại ngày nay.

Đã có những nỗ lực nhằm đưa thêm trang phục phương Tây đến với Mauritania, tuy nhiên hầu hết đều thất bại.

Theo Hademine Ahmedou, một hướng dẫn viên địa phương đến từ thị trấn Zouérat, các giáo viên nơi đây từng được yêu cầu hạn chế mặc áo daraa khi làm việc và tập ăn mặc theo văn hóa trang phục chỉnh tề kiểu châu Âu hay Bắc Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người Mauritanie không thể chịu được việc bỏ chiếc daraa truyền thống và tầm quan trọng của nó trong nền văn hóa của họ.

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Chụp lại hình ảnh,

Những người đàn ông tự hào khoác lên mình tấm áo daraas màu xanh ở Nouakchott

Niềm tự hào di sản du mục

Trong khi các yếu tố của trang phục truyền thống đã biến mất ở hầu hết các thành phố trên sa mạc Sahara, những người đàn ông vẫn tự hào mặc những chiếc áo daraa màu xanh lam của họ ở Nouakchott.

Chúng đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Mauritania, đến nỗi ngay cả những doanh nhân mặc vest lịch sự cũng choàng daraa truyền thống thay vì mặc áo khoác ngoài.

"Mặc nó rất dễ chịu, dễ làm sạch và trông đẹp," Jdeidou (trong hình) cười, nói.

Nguồn hình ảnh, Juan Martinez

Chụp lại hình ảnh,

Ở Mauritania, thế hệ trẻ thường xuyên mặc áo daraa màu xanh lam

Xu hướng cho các thế hệ sau

Trong khi hầu hết các quốc gia Sahara hiện đang hướng về phương Tây để tìm kiếm các xu hướng thời trang, thì ở Mauritania, sự thay đổi dường như còn lâu mới bắt đầu. Các thế hệ trẻ cũng tự hào về truyền thống quý giá này và thường xuyên mặc áo daraa.

Ngoài ra còn có những gợi ý về quần áo xuất hiện trong thế giới thời trang hiện đại.

Gần đây, các phiên bản của tagelmust ở Sahara đã truyền cảm hứng cho những chiếc khăn quàng cổ thời thượng ở châu Âu. Và năm nay, nhà tạo mốt thời trang sang trọng Valentino của Ý đã lấy cảm hứng từ tấm áo choàng daraa truyền thống của Sahara trong thiết kế bộ sưu tập xuân hè 2021 của mình.

Khi ngày càng có nhiều truyền thống văn hóa đang dần dần mai một trong thế giới hiện đại luôn thay đổi chóng mặt, thì tấm áo choàng daraa và khăn quấn đầu tagelmust màu xanh lam - cùng với những truyền thống lâu đời mà chúng đại diện - vẫn tiếp tục tỏa sáng từ Sahara đến phần còn lại của thế giới
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn