Ba gương mặt Pháp góp phần bảo tồn công lao người lính Việt Nam ở vùng Provence

Chủ Nhật, 21 Tháng Mười Một 20211:00 SA(Xem: 2464)
Ba gương mặt Pháp góp phần bảo tồn công lao người lính Việt Nam ở vùng Provence
rfi.fr

Ba gương mặt Pháp góp phần bảo tồn công lao người lính Việt Nam ở vùng Provence

Thu Hằng

Vùng Provence, ở miền nam, còn giữ rất nhiều di tích ghi dấu chân những người lính thợ Việt Nam tình nguyên hoặc bị cưỡng chế đến Pháp trong hai Thế Chiến, từ ngôi chùa Hồng Hiên ở Fréjus đến những đài tưởng niệm những người « Chết vì nước Pháp »

Cuộc sống, công lao, mất mát thiệt thòi của họ đã được đề cập trong nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu khoa học. Nhưng trên thực địa, vẫn có những người thầm lặng bảo tồn, phổ biến lịch sử trong khi tại nhiều nơi vết tích đang dần mai một.

Nếu hỏi chuyên gia về lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến I của đại học Aix-Marseille, người ta sẽ nhắc đến nhà nghiên cứu Brigitte Sabattini. Còn hỏi về người đấu tranh nhiệt tình nhất để bảo vệ công lao của lao động Việt Nam trong hai Thế Chiến ở Saint-Chamas, chắc chắn đó là nhà giáo Jacques Lemaire. Còn anh em nhà Trịnh, con của một phiên dịch người Việt trong Thế Chiến II, được cả xã Salin-de-Giraud biết đến. Ba người sống ở ba nơi khác nhau, làm những nghề khác nhau, nhưng « những người lính thợ Đông Dương » đã kết nối họ với nhau.

Lập danh sách những người lính Việt Nam chết ở vùng Provence

Bà Brigitte Sabattini là giảng viên đại học Aix-Marseille. Chuyên môn của bà là cổ sử nhưng vô tình lại gắn bó với một phần lịch sử Đông Dương :

« Năm 2014, nhóm sinh viên của tôi thực hiện chủ đề « Origine » (tạm dịch : Nguồn gốc). Trước đó năm 2013, tôi cũng đã có nhiều sinh viên nghiên cứu về Hồng Hiên Tự ở Fréjus. Tôi đã gợi ý họ tìm hiểu về những người Đông Dương đến Pháp trong Thế Chiến I, chết vì nước Pháp và yên nghỉ ở nghĩa trang Luynes và sau đó chúng tôi phát hiện ra công trình tưởng niệm Aix.

Chúng tôi phát hiện ra rằng ngoài những lính tập, chủ yếu được điều từ Fréjus đến và yên nghỉ ở nghĩa trang Luynes, còn có nhiều lính thợ. Vì thế, tôi đã liên lạc với các địa phương nơi có những nhà máy mà lính thợ làm việc trong thời chiến, trong đó có thành phố Saint-Chamas, một trong những nơi sản xuất quan trọng. Hiện giờ, cùng với Jacques Lemaire, đối tác của chúng tôi ở Saint-Chamas, chúng tôi sắp hoàn thành việc lập chân dung những người đã chết ».

Bà Brigitte Sabattini và ông Jacques Lemaire tại bảo tàng Paul Lafran, Saint-Chamas, Pháp, ngày 09/08/2021.
Bà Brigitte Sabattini và ông Jacques Lemaire tại bảo tàng Paul Lafran, Saint-Chamas, Pháp, ngày 09/08/2021. © RFI / Thu Hằng

Lập bia tưởng niệm lính thợ Việt Nam trong Thế Chiến II ở Saint-Chamas

Ông Jacques Lemaire được bà Brigitte Sabattini nhắc tới lại đặc biệt hơn. Ông là người miền bắc Pháp, theo vợ xuống miền nam và dạy học ở trường cấp II. Thời gian đầu ông cứ thắc mắc về những tên nước ngoài ghi trên mộ ở nghĩa trang, sau này ông được biết là những « người An Nam » chết ở Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas. Ông bị cuốn theo đam mê của bố vợ Paul Lafran, một người chuyên nghiên cứu khảo cổ trong vùng và lịch sử của Nhà máy thuốc súng bị đóng cửa vào năm 1974. Hiện giờ ông Jacques Lemaire là chủ tịch bảo tàng Paul Lafran, được đặt theo tên bố vợ của ông.

« Bảo tàng còn giúp khách tham quan khám phá những bộ sưu tập khác của chúng tôi, trong đó có bộ sưu tập khảo cổ, nhân chủng học, dành một phần dành nói về lịch sử Nhà máy thuốc súng và những kỉ vật gắn kết chúng tôi với những người Việt từng sống ở đây. Chúng tôi có mô hình một chiếc thuyền buồm do ba công nhân người Việt tự làm. Chúng tôi còn có bức họa chân dung một thanh niên, thời đó gọi là « người Đông Dương » do một họa sĩ gốc vùng Provence và nổi tiếng thế giới vẽ, đó là họa sĩ René Seyssaud, người được coi là nhà tiên phong của trường phái dã thú ».

Ông Lemaire nhớ lại cuộc gặp bất ngờ và không thể quên với một người phụ nữ, sau này ông được biết là Danielle, con gái của một người lính thợ Việt Nam làm việc ở Nhà máy thuốc súng trong Thế Chiến II :

« Tôi dẫn cô ấy đến bảo tàng và khi nhìn thấy mô hình con tầu, cô ấy thốt lên : « Cha tôi là người làm cái này với hai công nhân khác ». Sau đó tôi tìm lại được bức ảnh cha của Danielle chụp chung với cô, lúc còn nhỏ. Thật ngoài sức tưởng tượng. Lúc đó tôi rất xúc động.

Cha của Danielle làm việc ở nhà máy thuốc súng. Lúc đó sắp hết chiến tranh, ông tìm được tình yêu với một phụ nữ duyên dáng. Họ kết hôn và có ba người con, Danielle, một cô con gái khác và một cậu con trai. Cha của họ yêu cầu được tiếp tục làm việc ở nhà máy thuốc súng vào năm 1946. Vào khoảng đầu năm 1947, để cảm ơn ông giám đốc vì đã quan tâm đến đội ngũ thợ, họ quyết định làm mô hình con tầu này để tặng giám đốc.

Trong thời gian dài, bản ma-ket này được bày trong văn phòng giám đốc. Nhưng khi nhà máy đóng cửa (năm 1974), họ đã cất mô hình đó vào kho, may là họ không vất đi. Khi chúng tôi tìm thấy mô hình con tầu, nó bị hỏng khá nặng. Nhưng may mắn là chúng tôi lấy lại được và chúng tôi hài lòng về nó ».

Mô hình con tầu được Vo Van Doi và hai đồng nghiệp làm tặng giám đốc Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas vào khoảng năm 1947 hiện được trưng bày ở bảo tàng Paul Lafran, Saint-Chamas, Pháp. Ảnh do ông Jacques Lemaire cung cấp.
Mô hình con tầu được Vo Van Doi và hai đồng nghiệp làm tặng giám đốc Nhà máy thuốc súng Saint-Chamas vào khoảng năm 1947 hiện được trưng bày ở bảo tàng Paul Lafran, Saint-Chamas, Pháp. Ảnh do ông Jacques Lemaire cung cấp. © RFI / Jacques Lemaire

Ở thành phố Saint-Chamas hiện chỉ có bia tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương chết trong Thế Chiến II được gắn trên tường nhà triển lãm trong khu bảo tồn La Poudrerie de Saint-Chamas. Tuy nhiên, ông Jacques Lemaire và bà Brigitte Sabattini đang cố gắng để vào năm 2022 gắn bên cạnh đó một tấm bia khác ghi công những người lính thợ Đông Dương phục vụ nước Pháp trong Thế Chiến I.

« Vì chúng tôi quan tâm đến cùng chủ đề nghiên cứu, bà Brigitte Sabattini giải thích, nên chúng tôi trao đổi thông tin với nhau. Yves Shao là con của một người Hoa, ông ấy nghiên cứu về lính thợ người Hoa trong Thế Chiến nên có những tài liệu liên quan đến lính thợ mang quốc tịch khác. Chính ông là người gửi cho tôi một bản báo cáo về lính thợ Đông Dương ở Saint-Chamas.

Chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ gồm những nhà nghiên cứu và đam mê hồi ức, tưởng nhớ và cố gắng làm hồi sinh sự quan tâm này đối với người Đông Dương đến Pháp trong Thế Chiến I và II. Dĩ nhiên thời Thế Chiến II được biết đến hơn ».

Công đoạn cuối cùng của hai nhà nghiên cứu là đối chiếu với Sổ hộ tịch được lưu ở tòa thị chính tên những người Việt qua đời ở Saint-Chamas. Nhờ ông thị trưởng can thiệp, họ đã có thể tra cứu ba bản gốc, chữ viết bắt đầu nhòe và giấy ố vàng.

« Thật là xúc động khi được chạm vào những cuốn Sổ hộ tịch này vì trước đó tôi chỉ tra cứu được trên microfilm, khó mà so sánh được. Cuối cùng tôi có thể sẽ hiểu được những gì được viết vì có những họ tên mà tôi không thể hiểu nổi ».

Bia tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II trong khu bảo tồn La Poudrerie de Saint-Chamas, ngày 09/08/2021.
Bia tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương trong Thế Chiến II trong khu bảo tồn La Poudrerie de Saint-Chamas, ngày 09/08/2021. © RFI / Thu Hằng

Dựng đài tưởng niệm ở Salin-de-Giraud

Tương tự với Saint-Chamas, xã Salin-de-Giraud cũng hai năm một lần tổ chức lễ tưởng niệm những người lính thợ Việt Nam tại Pháp trong Thế Chiến II. Ông Jacques Lemaire đã gặp ông Claude Trịnh trong một dịp như vậy. Công trình kỉ niệm khắc hình một người lính thợ chân ngập trong bùn, đầu cuốn khăn ngăn nắng hè vùng Provence là cả một chặng đường đấu tranh của hội M.O.I (Nhân lực Đông Dương), trong đó anh em nhà họ Trịnh đóng góp nhiều công sức. Ông Claude Trịnh giải thích :

« Khi chúng tôi dựng công trình kỉ niệm này, có nhiều con cháu của lính thợ Đông Dương không đồng tình, một số thì có ý tưởng khác. Dĩ nhiên là không phải tất cả mọi người có chung cách nhìn. Còn chúng tôi nghĩ rằng công trình kỉ niệm thì mãi ở đó, trong khuôn viên của chi nhánh thị chính và phòng du lịch, hàng năm có hàng nghìn khách du lịch tham quan vùng Camargue và Salin-de-Giraud.

Khi tôi còn nhỏ, trong nghĩa trang của làng có những ngôi mộ được xây theo phong cách Việt. Chúng tôi cứ thắc mắc về chúng. Ngay cả bố tôi lúc đó cũng không biết tại sao lại có những phần mộ đó. Bởi vì lịch sử bị phai dần, vì thế, công trình kỉ niệm cho phép lưu lại và nhắc lại lịch sử ».

Ông Claude Trịnh, hội M.O.I., một trong những người thực hiện dự án dựng công trình tưởng nhớ công lao của lính thợ Việt Nam tại Salin-de-Giraud, Pháp, ngày 10/08/2021.
Ông Claude Trịnh, hội M.O.I., một trong những người thực hiện dự án dựng công trình tưởng nhớ công lao của lính thợ Việt Nam tại Salin-de-Giraud, Pháp, ngày 10/08/2021. © RFI / Tiếng Việt / Thu Hằng

Như lời ông Claude Trịnh nói, một số vết tích còn lại từ Thế Chiến I ở Salin-de-Giraud có nguy cơ bị san bằng, như những dãy nhà vòm nằm trong khu vực trước đây là nhà máy thuốc súng.

« Trong chiến tranh 1914-1918, đây là những nhà kho chứa bom được sản xuất ở Nhà máy thuốc súng và một vài dãy nhà dùng để chứa súc vật, có thể nói là chuồng ngựa vì mọi di chuyển trong nhà máy đều dùng xe ngựa.

Những chủ sở hữu những khu đất này đang bỏ mặc vì họ thấy không có ích gì. Lý tưởng là biến khu vực này thành di tích lịch sử, nhưng buồn là không ai muốn làm. Còn hiện giờ chúng tôi chỉ biết tranh thủ ngắm những tàn tích từ thời Thế Chiến. Trong Thế Chiến I, có khoảng 700 lính thợ Đông Dương làm việc ở Nhà máy thuốc súng Salin-de-Giraud ».

Một dãy nhà trước đây là kho chứa bom của nhà máy thuốc súng Salin-de-Giraud trong Thế Chiến I hiện được cải tạo thành nhà thờ Chính thống Hy Lạp, Salin-de-Giraud, ngày 10/08/2021.
Một dãy nhà trước đây là kho chứa bom của nhà máy thuốc súng Salin-de-Giraud trong Thế Chiến I hiện được cải tạo thành nhà thờ Chính thống Hy Lạp, Salin-de-Giraud, ngày 10/08/2021. © RFI / Thu Hằng

Sau hơn 10 năm tích cực bảo vệ công lao của thế hệ trước, anh em nhà họ Trịnh rút dần vào hậu trường, giao lại trọng trách cho thế hệ mới. Con gái của ông Lê Hữu Thọ, người đưa ra ý tưởng khôi phục sự thật về công lao của lính thợ Việt Nam ở vùng Camargue và là tác giả cuốn Histoire d’un Petit mandarin, hiện giữ chức chủ tịch hội M.O.I.

« Tại sao chúng tôi lại chọn tên M.O.I ? Vì ban đầu chúng tôi nói đến Lao động Đông Dương (Travailleurs Indochinois), sau đó là Nhân lực Đông Dương (Main d’œuvre Indochinoise, M.O.I.) và từ này cũng được chính phủ Pháp sử dụng. Sau đó, khi chúng tôi vận động xây dựng công trình kỉ niệm những người lính thợ Đông Dương, chúng tôi lấy tên là Mémorial des Ouvriers Indochinois. Và khi công trình đã được hoàn thành thì phải tưởng nhớ đến những người lính thợ, nên chúng tôi lấy tên là Mémoire des Ouvriers Indochinois ».

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn