Vì sao đế quốc Ottoman thất bại trong chiến tranh Balkan?

Thứ Sáu, 19 Tháng Mười Một 202111:00 SA(Xem: 2256)
Vì sao đế quốc Ottoman thất bại trong chiến tranh Balkan?

"Con bệnh" của Đông Âu

Vào thời điểm ấy, đế quốc Ottoman đã trượt dài khỏi đỉnh cao cường thịnh từ rất lâu, nhưng vẫn chưa chính thức cáo chung. Cơn vật vã đó chỉ thực sự chấm dứt với sự kết thúc của Đệ nhất Thế chiến. Song, khi Chiến tranh Balkan lần thứ nhất bùng nổ, Ottoman đã không ngừng bị các đại cường châu Âu "xâu xé".

Từ Hiệp ước Berlin ký kết ngày 1/7/1878 cho đến đầu thế kỷ XX, lần lượt đã có từng mảnh của đế quốc Ottoman tuyên bố độc lập. Trong đó, với sự hậu thuẫn của những người anh em thuộc chủng tộc Slave ở phía Bắc - nước Nga, có một giấc mơ "Đại Serbia" bắt đầu nhen nhóm, để sau này được cụ thể hóa thành cái tên Nam Tư (Yugoslavia - Nam Slave), đất nước của những người Slave ở Nam Âu theo Chính thống giáo Đông phương.

Có những điều khoản trong Hiệp ước Berlin, điều 23 và điều 62, quy định rằng chính quyền đế quốc Ottoman sẽ phải đối xử bình đẳng với mọi công dân của mình, bất kể tín ngưỡng hay tôn giáo. Song, khi tận tâm nỗ lực làm mọi cách để cải tổ đất nước nhằm đưa Ottoman trở lại thời hoàng kim, Sultan (Hoàng đế Hồi giáo) Abdul Hamid đệ nhị lại phớt lờ nhu cầu (và cũng là xu hướng tất yếu) này. Là một vị vua sùng đạo, ông dĩ nhiên vẫn tuyệt đối ưu tiên các công dân là tín đồ Hồi giáo, trao cho họ mọi đặc quyền, bất kể họ có là thiểu số ở không ít khu vực nằm trong cương thổ đế quốc.

Chính bởi thế, ngày 27/4/1909, khi Abdul Hamid bị cuộc cách mạng khởi phát từ Macedonia, do một nhóm dân tộc chủ nghĩa mang tên Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ (Young Turks) lật đổ, những mầm mống chia rẽ mau chóng biến đế quốc Ottoman thành mồi ngon cho những toan tính địa chính trị, khi quyền cai trị của triều đình trung ương Ottoman tại Constantinople (nay là Istanbul) lung lay đến tận gốc rễ.

Vì sao đế quốc Ottoman thất bại trong chiến tranh Balkan? -0
Ottoman dấn thân vào cuộc chiến mà thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Phía Tây, đế quốc Áo - Hung nhanh chóng hành động, với việc sáp nhập hai tỉnh Balkan là Bosnia và Herzegovina, đồng thời hậu thuẫn Bulgaria độc lập. Vấn đề là, Serbia - vốn coi Bosnia-Herzegovina là một phần lãnh thổ hợp pháp của riêng mình, do có chung nguồn gốc Slave, vô cùng giận dữ về điều này. Trong khi đó, nước Nga Sa hoàng cũng giật mình cảnh giác với những tham vọng không giấu giếm của Áo - Hung.

Bởi vậy, đến mùa xuân 1912, Moskva đã thúc đẩy xong việc thành lập một liên minh Balkan bao gồm Serbia, Bulgaria, Montenegro và Hy Lạp, nhằm giành quyền kiểm soát một số hoặc toàn bộ phần lãnh thổ châu Âu vẫn còn do Đế chế Ottoman chiếm đóng. 

Cho dù vẫn tiềm ẩn không ít mâu thuẫn, các quốc gia Balkan đó vẫn sẵn lòng hợp lực cùng tấn công Ottoman. Đặc biệt là khi Ottoman đã và đang phải căng mình chia sức cho một mặt trận khác: Cuộc chiến tranh với Ý, xoay quanh vùng thuộc địa Bắc Phi - Libya. Montenegro tuyên chiến với Ottoman ngày 08/10/1912, và sau đó chín ngày là Serbia, Bulgaria và Hy Lạp.

Sự hỗn loạn tiếp nối

Kể cả với những điều kiện khách quan và chủ quan như vậy, châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vẫn "sốc" với kết quả của cuộc chiến Balkan lần thứ nhất.

Chỉ trong vòng 1 tháng, liên quân Balkan đánh bật quân Thổ ra khỏi gần như toàn bộ mọi khu vực lãnh thổ của họ ở miền đông nam châu Âu. Nguyên nhân của thất bại toàn diện và chóng vánh này được giới nghiên cứu quân sự chỉ ra những nguyên nhân mấu chốt.

Đầu tiên, quân đội đế quốc Ottoman quá thiếu lực lượng, trong tương quan so sánh với các địch thủ. Họ bắt buộc phải ban hành lệnh tổng động viên vào ngày 1/10/1912, song tiến trình này cũng mới chỉ được hoàn thành một phần, vào lúc chiến tranh bùng nổ: Chỉ có khoảng 580.000 lính Ottoman đối mặt với 912.000 binh sĩ của Liên minh Balkan.

Thứ hai, hệ thống đường đất xuống cấp trầm trọng (nhất là trong điều kiện những cơn mưa mùa thu bắt đầu trút xuống, làm mọi hướng động binh đều trở nên lầy lội) cùng hệ thống đường sắt còn quá sơ khai cũng là một tác nhân cản trở sự suôn sẻ trong mọi kế hoạch vận trù. Tuyển quân chậm, chuyển quân chậm, tiếp vận không thông suốt, đến cả các tân binh lẫn các chỉ huy cũng không có đủ thời gian tối thiểu để hòa nhập với đơn vị mới, không có gì ngạc nhiên khi quân đội Ottoman tham dự cuộc chiến này chỉ còn là cái bóng mờ nhạt, là sự thừa kế đáng xấu hổ của cha ông họ - những chiến binh Hồi giáo với lá cờ nửa vành trăng từng khiến cả châu Âu run sợ vào quãng thế kỷ XVI - thế kỷ VII.

Thứ ba, tuy thực lực không còn, nhưng sự cao ngạo vẫn nguyên đó. Đến cả hai vị tướng soái hàng đầu như Pasha (Thống chế, Đô đốc) Nazim và Pasha Mahmund Muhtar cũng tỏ ra quá lạc quan, nếu không muốn nói là coi thường đối thủ - những kẻ phản loạn. Họ chủ trương tổng tấn công phủ đầu, bất chấp những lời can ngăn của cấp dưới, những đề xuất phòng ngự nhằm bào mòn "sĩ khí" của Liên minh Balkan, cũng như chờ đợi hệ thống tiếp vận được hoàn thiện.

Sâu xa hơn, kể từ khi Sultan Abdul Hamid II lên nắm quyền cai trị, do lo sợ nguy cơ đảo chính, các hoạt động diễn tập quân sự của Ottoman bị hạn chế rất nhiều. Còn sau cách mạng Young Turks 1908, đội quân ấy vẫn chưa thật sự quay trở lại được với quy củ cần thiết.

Do đó, việc thế trận của Ottoman nhanh chóng tan vỡ, dẫn đến việc quyền thống trị của họ ở Đông Nam Âu sụp đổ hoàn toàn là một kết cục bất ngờ, nhưng lại dễ hiểu. Nhìn tổng thể, đó là hệ quả của cả một chuỗi vận động kéo dài đã hơn một thế kỷ.

Một đơn vị Bulgaria ăn mừng chiến thắng, nhưng cuối cùng Bulgaria vẫn là phía thua thiệt.

Vấn đề là, cũng như mọi cuộc chiến khác ở đầu thế kỷ XX - thậm chí là cả Đại chiến thế giới lần thứ nhất, chiến thắng toàn vẹn của Liên minh Balkan không giải quyết hết được các vấn đề mâu thuẫn còn tồn tại, nhất là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ, sắc tộc hay tôn giáo.

Ngay khi các đoàn quân Ottoman bị đánh bật khỏi Balkan, những cường quốc khác đã nhanh chóng lấp vào khoảng trống quyền lực. Anh, Pháp, Đức, Áo-Hung và Nga lập tức lên tiếng, tranh giành quyền kiểm soát khu vực, triệu tập hội nghị với các nước tham chiến ở Luân Đôn vào tháng 12/1912, nhằm phân chia biên giới ở Balkans thời hậu chiến.

Theo hòa ước ký ngày 20/5/1913, Macedonia được đem chia cho bốn cường quốc Balkan chiến thắng. Tuy nhiên, Bulgaria cảm thấy mình bị Serbia và Hy Lạp "chèn ép". Điều này đã khơi mào cho Chiến tranh Balkan lần thứ hai, nổ ra chỉ một tháng sau đó, khi  Bulgaria bất ngờ tấn công hai đồng minh cũ. Mặc dù vậy, Bulgaria vẫn dễ dàng bị đánh bại bởi liên quân Serbia, Hy Lạp, Ottoman và Romania. Theo các điều khoản của Hiệp ước Bucharest, ký ngày 10/08/1913, Bulgaria mất một phần lớn lãnh thổ, còn Serbia và Hy Lạp nhận quyền kiểm soát phần lớn Macedonia.

Những mầm mống hỗn loạn tại Balkan, vì thế, cũng vẫn cứ mãi cháy âm ỉ, đến tận cuối thế kỷ XX - với những cuộc huynh đệ tương tàn giữa Serbia - Croatia - Bosnia khi Liên bang Nam Tư tan rã. Tuy nhiên, vào thời điểm 1912-1913, ý nghĩa lớn nhất của hai cuộc chiến tranh Balkan ấy là sự xác nhận đà suy tàn không thể cưỡng lại của Đế quốc Ottoman một thời lừng lẫy. Việc cái tên đó biến mất khỏi bản đồ thế giới sau năm 1918, và tái sinh thành Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại là điều có thể nhìn thấy trước, từ kết cục của Chiến tranh Balkan.

"Áo - Hung và đồng minh thân thiết là nước Đức không hề muốn Serbia trỗi dậy như một ngọn cờ của sắc dân Slave ở Đông Nam Âu. Trong một bức thư gửi ngoại trưởng Áo-Hung vào tháng 10/1913, báo trước cuộc xung đột toàn cầu tàn khốc sắp xảy ra, Hoàng đế Wilhelm II viết:  "Chiến tranh giữa Đông và Tây về lâu dài là điều không thể tránh khỏi. Người Slave sinh ra không phải để cai trị mà là để phục tùng" - một tiền đề tư tưởng của Đức Quốc xã.

"Chiến thắng của Liên minh Balkan kết thúc năm thế kỷ thống trị của Đế quốc Ottoman ở bán đảo Balkan. Ottoman mất tất cả những lãnh thổ của họ ở châu Âu, trừ vài dải đất nhỏ. Phần lớn Thrace và Đông Macedonia sáp nhập vào lãnh thổ Bulgaria. Serbia chiếm Kosovo cùng các khu vực tây bắc của Macedonia. Hy Lạp chiếm Eripus cũng như các đảo trong biển Aegean. Còn sau Hiệp ước Luân Đôn, khu vực tây nam Macedonia thành lập một nhà nước Albania độc lập.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn