Tàn tích kinh đô của đế quốc Mông Cổ

Thứ Ba, 16 Tháng Mười Một 20211:00 SA(Xem: 3340)
Tàn tích kinh đô của đế quốc Mông Cổ

Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên lập bản đồ chi tiết kinh đô do Thành Cát Tư Hãn xây dựng ở miền trung Mông Cổ cách đây 800 năm.

Tu viện Phật giáo được xây dựng phía trên tàn tích của Karakorum. Ảnh: Aloxe/Wikimedia

Tu viện Phật giáo được xây dựng phía trên tàn tích của Karakorum. Ảnh: Aloxe/Wikimedia

Tàn tích của Karakorum, kinh đô vào thế kỷ 13 của đế quốc Mông Cổ, vẫn tồn tại trên bề mặt Trái Đất. Tuy nhiên, mô tả về kinh đô nằm ở trung tâm Mông Cổ ngày nay phần lớn nằm trong ghi chép của khách lữ hành châu Âu. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Antiquity hôm 4/11, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng phương pháp địa vật lý tiên tiến để lập bản đồ chi tiết của Karakorum, giúp mở rộng hiểu biết về thành phố bị lãng quên này.

Karakorum hình thành vào khoảng năm 1220 khi Thành Cát Tư Hãn dựng lều trại ở nơi thung lũng sông Orkhon tiếp giáp với vùng đồng cỏ bằng phẳng. Là một nhà lãnh đạo kỳ cựu, ông nhận thấy vị trí dựng lều có tầm quan trọng chiến lược. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời năm 1227, con trai ông là Oa Khoát Đài cũng chọn nơi này làm kinh đô của đế quốc. Tại Karakorum, Oa Khoát Đài và những đại hãn tiếp theo xây dựng một cung điện tráng lệ để tiếp đón các sứ thần, thương nhân, thợ thủ công và lữ khách dọc theo Con đường Tơ lụa.

Trưởng nhóm nghiên cứu Jan Bemmann, nhà khảo cổ học ở Đại học Bonn và cộng sự, dành 52 ngày khảo sát khu vực rộng 465 hecta bằng SQUID (thiết bị giao thoa lượng tử siêu dẫn). Đây là công nghệ chuyên đo địa hình và từ trường dưới lòng đất để lập bản đồ tàn tích chưa khai quật bên dưới mặt đất. Sau đó, nhóm nghiên cứu kết hợp dữ liệu thu được với ảnh chụp từ trên cao, ghi chép lịch sử và kết quả khảo sát trước đó để tạo ra hình ảnh chi tiết về mật độ và cấu trúc của Karakorum.

Theo Bemmann, bản đồ mới cho phép các nhà nghiên cứu nhận biết vị trí của những tòa nhà gạch lớn và con đường chạy qua địa hình. Họ cũng có thể xác định nơi ở của tầng lớp thượng lưu bên trong tường thành. Nhóm của Bemmann phát hiện kinh đô của đế quốc Mông Cổ trải rộng hơn nhiều trong thung lũng sông Orkhon.

William xứ Rubruck, một tu sĩ dòng Francisco, từng tham quan Karakorum năm 1254 và ghi chép về chuyến đi. Theo Đại học Washington, bản chép tay của ông là một trong những mô tả lâu đời và kỹ lưỡng nhất về đế quốc Mông Cổ từ góc nhìn phương Tây. Vị tu sĩ bị cuốn hút bởi sự tráng lệ của cung điện lớn ở Karakorum.

Bemmann giải thích binh lính Mông Cổ bắt những người thợ tay nghề giỏi nhất ở Trung Á và đưa họ tới miền trung Mông Cổ để xây dựng kinh đô. Người Mông Cổ là dân du mục và không giỏi phát triển thành phố, vì vậy họ phải dựa vào tù nhân. Vào thế kỷ 15, Karakorum bị bỏ hoang. Các chuyên gia phát hiện vị trí chính xác của thành phố năm 1889, nhưng trong vài thập kỷ sau đó công tác khảo cổ ở đây rất thưa thớt.

An Khang (Theo Smithsonian)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn