Nguyễn Văn Tuấn - Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 03 Tháng Mười Một 20216:00 CH(Xem: 2567)
Nguyễn Văn Tuấn - Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh

AVvXsEgiPdW-wO_OwFD31mLR_Owpp623wRsiX6K1eXCPOm4ZXp-I3LlZwOX38ulcAuY0AVSg5ZlawXiYpZyqJNs-F0DApyXk_UnmiJbEVPaWCYBnV4aVGmnrIYzZ104QteJFuIolfTInx3UCAuIz_a45zb4pAhgSshu6wZ2U8TuCjsLyhmGfy65n88hY4rcsrw=w400-h225

 

Có lẽ ít bạn trẻ để ý là ngày hôm qua (2/11) là một ngày lịch sử: ông Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị giết chết, và theo sau là một cuộc đảo chánh đẫm máu, kết thúc nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Ít ai biết rằng ông Ngô Đình Diệm từng gặp ông Hồ Chí Minh một lần, và có một đối thoại thú vị.

Trong cuốn "Việt Nam 1945-1975", Gs Lê Xuân Khoa có đề cập đến cuộc gặp mặt đó qua lời kể của Stanley Karnow (tác giả sách Lịch sử Việt Nam (Viet Nam a history). Cuộc gặp mặt xảy ra vào tháng 9/1945.

Trước đó chừng một tháng tại Huế, cấp dưới của ông Hồ Chí Minh giết chết học giả Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Khôi (anh ruột ông Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai ông Khôi). Trên đường từ Sài Gòn ra Huế, ông Ngô Đình Diệm bị cấp dưới của ông Hồ Chí Minh bắt. Ông Hồ ra lệnh đưa ông Diệm về Hà Nội với mục đích mời ông Diệm tham gia chánh phủ liên hiệp. Cuộc đối thoại như sau:

Bắt đầu trích:

“Ông Diệm: Ông muốn tôi làm gì?

Ông Hồ: Tôi muốn ông làm chuyện ông vẫn muốn tôi làm, tức là hợp tác để tranh đấu cho đất nước được độc lập. Chúng ta cùng theo đuổi một mục đích, chúng ta cần phải làm việc với nhau.

Ông Diệm: Ông có tội… ông đã bắt giam tôi.

Ông Hồ: Tôi xin lỗi về chuyện đáng tiếc đó. Khi dân chúng bị ức hiếp nổi dậy, lỗi lầm không thể tránh được và chuyện bi thảm xảy ra. Nhưng tôi vẫn luôn luôn tin rằng, hạnh phúc của nhân dân vượt lên trên những lỗi lầm đó. Ông có những điều oán hận chúng tôi, ta hãy nên quên đi.

Ông Diệm: Ông muốn tôi quên những người của ông đã giết chết anh tôi sao?

Ông Hồ: Tôi không biết gì về chuyện đó. Tôi không dính dấp gì đến cái chết của anh ông. Tôi cũng buồn phiền như ông về những chuyện quá đáng ấy. Làm sao tôi có thể làm một chuyện như thế khi tôi cho mời ông đến đây? Không những thế … tôi muốn mời ông giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ.

Ông Diệm: Anh tôi và cháu trai tôi chỉ là hai người bị giết… Sao mà ông dám mời tôi làm việc với ông?

Ông Hồ: Đầu óc ông chỉ nghĩ đến chuyện đã qua, ông hãy nghĩ tới tương lai, chuyện giáo dục, chuyện cải thiện mức sống nhân dân.

Ông Diệm: Tôi làm việc vì lợi ích của quốc gia nhưng không chịu áp lực. Tôi là một người tự do. Tôi sẽ luôn luôn là người tự do. Ông nhìn… tôi coi. Tôi có phải hạng người sợ áp bức hay sợ chết không?

Ông Hồ: Ông là một người tự do."

Hết trích.

Sau đó, ông Hồ Chí Minh đã trả tự do cho ông Ngô Đình Diệm.

Câu chuyện cho thấy ông Hồ là người lịch thiệp, biết kính trọng ông Diệm. Ông Hồ có lẽ nhận ra rằng hai người không chia sẻ chung về lý tưởng tự do, nên mỗi người một hướng. Những gì xảy ra sau đó đã là lịch sử. Ông Diệm thành tổng thống trong Nam, và trong vòng 5 năm ngắn ngủi đã làm được khá nhiều việc như định cư gần 1 triệu người từ miền Bắc; cải cách điền địa; phát triển kỹ nghệ, ngân hàng; phát triển hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường bộ, hàng không; và nhứt là giáo dục và đào tạo.

Trong cuốn "Bên giòng lịch sử" của Linh mục Cao Văn Luận có kể lại rằng ông Diệm rất quan tâm đến giáo dục, nên ông thiết lập nhiều đại học vào thời đó. Thật ra, tất cả các đại học lớn ở miền Nam (từ Huế, Đà Lạt, đến Sài Gòn) là được thành lập vào thời ông Diệm.

Tôi không lớn lên vào thời đó nên không phải là chứng nhân để bình luận những nhận xét. Nhưng quả thật các bậc cha chú sống vào thời đó (ở dưới quê) ai cũng công nhận đó là cái thời thanh bình nhất, thanh bình hơn thời đệ nhị Cộng Hòa. Đến khoảng thập niên 1960 thì tôi có thể nói rằng cái không khí thanh bình vẫn còn. Đi từ Rạch Giá về quê tôi, hai bên đường ruộng lúa xanh rì hay vàng ươm lúc mới gặt, nó y chang như lời ca của bài "Khúc ca ngày mùa" của Nhạc sĩ Lam Phương, một ca khúc theo tôi cùng năm tháng cho đến nay.

Sách vở ngày nay không tiếc lời miệt thị và xúc phạm ông Diệm và gia đình ông. Rất nhiều người trong giới trẻ cũng hiểu lầm vì có lẽ chịu ảnh hưởng của tuyên truyền sai lệch. Nhưng lịch sử lúc nào cũng công minh; ngày nào chữ viết còn và còn người viết, thì danh dự sẽ trả về cho ông ấy, như ông Hồ đã trả tự do cho ông ấy.

NGUYỄNVĂN TUẤN 03.11.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn