Chặng đường về Huế của vua Hàm Nghi qua sử sách thật vất vả

Thứ Sáu, 05 Tháng Mười Một 20215:00 SA(Xem: 2762)
Chặng đường về Huế của vua Hàm Nghi qua sử sách thật vất vả
bbc.com

Chặng đường vất vả để về Huế của vua Hàm Nghi - BBC News Tiếng Việt


  • Phạm Cao Phong
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Paris

Ảnh vua Hàm Nghi chụp năm 1896, không rõ tác giả (từ Fonds Capek)

Nguồn hình ảnh, Fonds Capek

Chụp lại hình ảnh,

Ảnh vua Hàm Nghi chụp năm 1896, không rõ tác giả (từ Fonds Capek)

Giữa lúc hai đầu đất nước oằn sức người, sức của chống dịch Covid-19 như chống giặc, một Hội thảo về chủ đề vua Hàm Nghi được mở ra tại Huế do Hội nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế và Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế đứng ra tổ chức vào ngày 03/08/2021.

Sự kiện được cho là nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của vị vua yêu nước (1871-1944).

Ngày giờ tổ chức rơi vào thời điểm nhạy cảm, thời khắc có thể dùng từ quốc nạn với đất nước, khi con số tử vong vì đại dịch từ 35 tăng lên 21.000 và những dòng người di tản chạy khỏi vùng dịch chạy đi tìm sự sống, làm liên tưởng đến những năm tháng chiến tranh đã lùi xa.

Nếu gọi đó là điểm sáng nhân văn của Ban tổ chức thì xét về học thuật còn quá nhiều điểm tập kỷ yếu tỏ ra chới với.

Chuyện sinh và tử của một cá nhân bắc cầu từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 vốn không dễ.

Thẩm định ngày mất của vua Hàm Nghi không quá vất vả, gia đình vẫn còn đông, giấy tờ ở Pháp có mất cũng không thành vấn đề.

Không tìm đến các chuyên gia VN và quốc tế?

Gia đình vua Hàm Nghi ảnh chụp năm 1918 : từ trái qua phải : Nhu Ly, Marcelle, Minh Duc, Nhu May.

Nguồn hình ảnh, Fonds Ham Nghi

Chụp lại hình ảnh,

Gia đình vua Hàm Nghi trong ảnh chụp năm 1918: từ trái qua phải: Nhu Ly, Marcelle, Minh Duc, Nhu May.

Ngày vào đời của Hoàng Đế Hàm Nghi đã được đề cập đến bởi một luận án tiến sĩ của Amandine Dabat bảo vệ thành công tại đại học Sorbonne ngày 3/12/2015, trước hội đồng những nhà khoa học uy tín là Édith Parlier-Renault, Antoine Gournay (hai giáo sư Université Paris-Sorbonne), Philippe Papin (Directeur EPHE), Nora Taylor (giáo sư Học viện nghệ thuật Chicago -SAIC), Vũ Thị Minh Hương (giám đốc Viện Lưu trữ Quốc gia Việt Nam) sao không được nhắc tới? Mà cô Amandine còn là người cháu năm đời cựu hoàng.

Tôi xin bổ khuyết ở đây những tư liệu đó.

Amandine cho là khó thẩm định chính xác ngày tháng năm sinh của Hoàng đế Hàm Nghi. Theo chị, tài liệu do triều đình Huế cung cấp dùng cho việc tổ chức đám cưới của ngài tổ chức tại Alger với bà Marcellle Laloe, cấp ngày 23/08/1904, hiện còn lưu giữ trong tư liệu 'Le Fonds Ham Nghi ' là giấy khai sinh ghi rằng đó là ngày 10/07/1870. (Xem thêm về luận án tiến sĩ của Amandine Dabat tại đây, và một bài đã đăng trên BBC về chủ đề này).

Ngày này được ghi trong nhiều hộ chiếu nước Pháp cấp, sử dụng cho việc di chuyển của ông. Amadine viết tiếp, dữ liệu các sử gia của bộ sách Đại Nam Chính biên Đệ ngũ kỷ viết là Hàm Nghi sinh năm Bính Tý, ngày 17 tháng sáu âm lịch, năm Tự Đức thứ 25. Tính sang dương lịch là 03/08/1871.

Theo nhà sử học Nguyễn Thế Anh, ở Đại Nội Huế không tồn tại sổ sách nào nào ghi về khai sinh của cựu hoàng, mà chỉ dựa theo những nguồn khác nhau của các thành viên gia đình. Do vậy giấy khai sinh do Huế cung cấp nhiều khả năng thiếu chính xác. Dựa trên tên Tử Xuân của Hàm Nghi nghĩa là 'Đứa con của mùa xuân', tiến sĩ Amadine cho rằng ngài phải chào đời vào mùa Xuân.

Đại tá Rheinart, người có mặt tại Huế thời điểm 1880-1890 bên cạnh triều đình Huế cho rằng, Ưng Lịch (tên Hoàng đế khi còn trẻ) sinh vào tháng ba năm 1871. Một trong những bạn bè của Hàm Nghi là Charles Gosselin trong một bức thư gửi cho ông có viết: "Tôi muốn ngài cho biết khi nào là Tết, năm mới của người Annam để gửi cho ngài bức điện mang đến những lời chúc của tôi, đồng thời chúc mừng sinh nhật của ngài.''

Amandine sử dụng cuốn sách tra cứu của tác giả Georges Cordier cho phép đối chiếu ra ngày sinh là ngày 19/02/1871. Tuy nhiên cô vẫn nói ngày sinh chính thức vẫn là ngày 03/08/1871. Chúng ta có thể tham khảo trong bức ảnh chụp hộ chiếu của vua Hàm Nghi sử dụng năm 1935-1937 số A-7566.

Những chi tiết này không có trong hội thảo được gọi là khoa học vừa qua, dù trong giới sử học đều biết đến công trình nghiên cứu đằng đẵng đến 14 năm của người cháu gái mang dòng máu của vua Hàm Nghi.

Một câu hỏi lớn được đặt ra, tại sao trong một sự kiện như thế lại gạt bỏ một công trình nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, phong phú về tư liệu gốc, đầy đủ hơn tất cả các mô tả dạng thầy đồ xem voi về vua Hàm Nghi được in trong chuyên khảo đến gần 400 trang này ?

Vì sao vậy ? Viết về lịch sử giai đoạn này, phải tra cứu, đọc những tài liệu của phía Pháp nếu không muốn dùng từ là phải bắt buộc. Gạt đứa cháu tiến sĩ sử học ra chưa đủ, kỷ yếu cũng ngó lơ những tác phẩm nghiên cứu lịch sử khác của Pháp.

Nên kể ở đây những tư liệu được viết chưa quá xa thời của vua Hàm Nghi, cũng không thấy bóng dáng, dấu tích hay một chữ nào trong kỷ yếu gọi là khoa học ở Huế.

Nguồn hình ảnh, Amadine Dabat

Đó là cuốn sách 'Le Roi proscrit : L'Empereur d' Annam Ham Nghi' (1940-Nhà vua bị lưu đầy nước Nam Hàm Nghi) của sử gia Pháp Marcel Gaultier (1900-1960), hoặc cuốn sách 'L'étrange aventure de Ham Nghi ' (1959- Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Hàm Nghi, hoàng đế Annam) cũng cùng tác giả.

Marcel Gaultier là nhà văn, biên tập viên của Ban dân sự Đông Dương, đồng thời là người nghiên cứu sử học để lại hơn 10 tác phẩm, ngoài hai cuốn sách về Hàm Nghi, ông còn viết vua Gia Long, vua Minh Mạng.

Toàn quyền Đông Dương thời đó là Pierre Pasquier đã viết lời tựa cho tác phẩm 'Vua Gia Long' (1933) của ông vào ngày 31/12/1932 với những dòng chữ cảm động:

"Nhân vì Marcel Gaultier muốn mến tặng tôi tác phẩm này, tôi xin được phép để kết thúc, trình bày một lời chúc. Với tất cả tấm lòng, tôi mong rằng độc giả Annam sẽ xem cuốn sách này như một món quà thành kính của tình thân hữu Pháp quốc dâng lên trước bia mộ Hoàng Đế.''

Tìm hiểu tâm trạng sâu kín của hai đồng tác giả đứng ra chủ trì Hội thảo Huế là ông Nguyễn Đắc Xuân bên Hội nghiên cứu và phát triển văn hóa Huế, và ông Trần Đình Hằng bên phân viện văn hóa nghệ thuật, tôi tìm được những dòng tâm tư này :

''Cho đến nay, sự hiểu biết về vua Hàm Nghi của chúng ta còn rất sơ sài, nhiều thông tin sai lạc, nhất là thời kỳ ông bị lưu đầy và qua đời ở xứ người. Người không biết, viết sai về vua Hàm Nghi còn có thể hiểu được. Điều đáng trách là có người lợi dụng sự thiếu thông tin về vua Hàm Nghi để đặt ra bao nhiêu chuyện không có thật, để viết báo, viết sách, vừa thu lợi, vừa gắn đời mình với ông vua yêu nước để họ trở thành những nhân chứng lịch sử quan trọng. Người đời vốn yêu quý vua Hàm Nghi nên không nghĩ mình đã bị lừa. Nếu tình hình này càng kéo dài, thì giả dần dần sẽ biến thành chân, giới sử học sẽ mang tội với lịch sử.'' (xem nguồn).

Tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã viết những dòng tâm huyết kể trên như để giải thích động cơ hoạt động tích cực của ông. Những người nào chạm đến vua Hàm Nghi theo ông Xuân đều là mượn mầu son phấn lên diễn tuồng. Ông Xuân dành hẳn hai chương viết riêng dưới tiêu đề 'Phản biện và người phản biện' và 'Chuyện đặng chẳng đừng' trong cuốn sách 'Vua Hàm Nghi, một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày'.

Trên bia mộ gia đình vua Hàm Nghi đã khắc chìm tên con gái của vua với hàng chữ 'Nhu May'. Song ông dành cả một bài để lật đổ, dạy rằng, không thể thế được, mà phải viết là 'Như Mai'. Trong bài viết 16 trang này, ông đay nghiến một tác giả đã có công chụp ảnh, khảo cứu về nguồn tin đó:

''Phải chăng Mathilde đã thực hiện một "cú lừa" để đổi tên Công chúa Như Mai thành Công chúa Nhữ Mây?'', '' Nếu Mathilde Tuyết Trần không bảo vệ được cái danh xưng Nhữ Mây mà bà đã áp đặt cho Công chúa trưởng của vua Hàm Nghi thì không những bà phải xin lỗi độc giả của báo Hồn Việt, xin lỗi độc giả của Nxb Trẻ, xin lỗi Nguyễn Phước tộc... mà còn phải đến Thonac - Dordogne thắp nhang xin lỗi hương hồn Công chúa Như Mai, xin lỗi gia đình vua Hàm Nghi. Nếu không thì độc giả Việt Nam sẽ nghi ngờ động cơ nghiên cứu sử Việt của bà.''

Ông viết nguồn tin tên Như Mai là từ ''Bà xã tôi, một cô giáo dạy văn ở Huế, đã từng nghe tên công chúa Như Mai-Trưởng công chúa của vua Hàm Nghi từ thủa mới vào trung học'' (năm nào, ai nói về một cô gái sinh ở Alger châu Phi năm 1905 ? Ông Xuân sinh năm 1937, vợ sinh năm nào không rõ, học trung học năm nào ?)

Cần nhắc thêm rằng trong cuốn sách mới ra của người cháu vua Hàm Nghi, Amadine vẫn bỏ ngoài tai những lời đanh thép của ông, vẫn viết là 'Nhu May', theo bức ảnh số 78, chụp năm 1920, Fonds Ham Nghi. Hàm Nghi Empereur en exil, artister à Alger. Sorbonne Université Presses. 2019, trang 168.

...Tôi hoang mang trước định hướng mà tác giả sử dụng để làm sách ''Đối với những hồ sơ, tài liệu quý hiếm xuất bản trong nước trong hơn ba phần tư thế kỷ qua, khi sưu tập lại trong cuốn sách này, tôi giữ nguyên bản gốc, lỗi chính tả cũng không sửa để bạn đọc được thưởng thức cái không khí 'rin' của nó. Do đó những thông tin trong các thôn tin sai đúng ra sao, bạn đọc tự đánh giá.'' (Trích trang 12, Nguyễn Đắc Xuân 'Chuyện ba vua' NXB. THuận Hóa 1999. Số lượng 1000 cuốn, giá 20.000 đồng).

Cẩm nang soạn sách là như vậy, cứ thu thập những bài viết của các tác giả khác rồi đóng chữ 'biên soạn' và ấn tên mình lên trên là xong?

Nguồn hình ảnh, Pham Cao Phong

Chụp lại hình ảnh,

Bìa tập kỷ yếu khoa học tổ chức tại Huế tháng 8/2021

Trong kỷ yếu Hàm nghi này, Ban Tổ chức cũng hành động tương tự, ghi nhận rõ ràng ' phương pháp Nguyễn Đắc Xuân ', họ đã nhặt nhạnh các bài của các tác giả Nguyễn Ngọc Giao, Phạm ngọc Thạch, Võ quang Yến, Nguyễn Hoàng, Khánh An, Mai Quỳnh Nga, Hùng Phan, Quang Thi, Phạm Trọng Chánh, Thái Thu Lan, Thanh Tùng, Trần Trung Sáng, Trần Viết Ngạc, Tôn Thất Thọ, Hải Lý…chắc đều không có một lời xin phép hay thông báo.

Một sự vi phạm tác quyền tập thể. Chắc kiểu thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng công trình lao động của người khác này ở Việt Nam rất phổ biến nên Ban tổ chức không áy náy, lăn tăn gì?

Kỷ yếu 'khoa học' Hàm Nghi ở Huế này cũng lạm dụng những bài viết và những hình ảnh tôi chụp quanh chủ đề về Hoàng đế Hàm Nghi không hỏi ý kiến, thậm chí cắt một bài tôi viết ra làm đôi, các chú thích ảnh lấy nguồn từ đâu cũng không có một dòng đề tựa.

Nhưng cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra, mục đích của kỷ yếu không chỉ là như vậy. Nó đang bước sang trào lưu mới.

Trang cuối của kỷ yếu ghi những hàng chữ sau: ''Kêu gọi những tổ chức, những cá nhân, những nhà hảo tâm chung tay hưởng ứng chương trình 'Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân' do tạp chí Xưa và Nay tổ chức (Cơ quan của Hội KHLS VN) phát động để có một bức tượng vua Hàm Nghi đặt nơi trang trọng nhất của đền thờ.''

Đã xa rồi thời bao cấp của Tố Hữu che cái nghèo không có tiền dựng tượng bằng câu

''Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn''.

Tôi hy vọng công trình của Amandine Dabat có giấy thông hành về Việt Nam.

Bằng việc tìm sự thật qua sự giao chiếu của các nhân vật, chạm đến cốt lõi của sự việc, rồi đặt mình vào đấy, dũng cảm bỏ đằng sau những sáo ngữ, cung cấp cho bạn đọc khối tài liệu phần lớn chưa được biết đến, Amadine trao lại cho chúng ta chìa khóa sự nhận biết về viễn tổ của chị.

Chắc chắn sẽ có tiếng nói phản đối, nhưng lịch sử chân chính sẽ luôn hiện ra bằng sức mạnh của chính con người, sự kiện thật.

Chặng đường từ Paris về Huế của hoàng đế Hàm Nghi chắc còn xa vời vợi.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Phạm Cao Phong, nhà báo tự do tại Paris, Pháp.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn