Cám dỗ dân tuý tại Ả rập Xê-út

Thứ Ba, 27 Tháng Hai 201810:00 CH(Xem: 5099)
Cám dỗ dân tuý tại Ả rập Xê-út

saudi

Nguồn: Ishac Diwan, “Saudi Arabia’s Populist Temptation”, Project Syndicate, 15/11/2017.

Biên dịch: Lê Xuân Thuận | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Hầu hết những nỗ lực tìm hiểu xung lực đằng sau cơn địa chấn chính trị đang diễn ra tại Ả rập Xê-út đều tập trung vào phân tích tâm lý của vị Thái tử trẻ tuổi, Mohammed bin Salman. Nhưng cũng có một vài lý do về mặt cấu trúc (xã hội) hình thành nên tư tưởng dân tuý của Thái tử Mohammed. Việc hiểu được các lý do đó là chìa khoá để tìm ra một hướng đi tốt hơn.

Trong quá khứ, sự ổn định chính trị tại Ả rập Xê-út dựa trên 3 thoả hiệp riêng rẽ: giữa nội bộ Hoàng gia; giữa Hoàng gia và giới quý tộc truyền thống; và giữa chính quyền và người dân.

Thoả hiệp trong nội bộ Hoàng gia bắt nguồn từ asabiyya– hay khả năng của một bộ tộc trong việc đoàn kết với nhau nhằm độc quyền việc nắm giữ quyền lực. Nhưng Hoàng tộc đã mở rộng ra rất nhiều và trở nên quá chia rẽ để có thể biện minh cho cái giá phải trả cho việc duy trì sự đoàn kết nội bộ. Tính sơ, khoảng 5.000 các hoàng tử thế hệ thứ ba và người thân tiêu tốn khoảng 30 tới 50 tỷ USD mỗi năm.

Thoả hiệp trong giới quý tộc truyền thống cũng bắt nguồn từ sự hình thành của Vương quốc Ả rập. Những gia đình có địa vị được khuyến khích tích luỹ quyền lực kinh tế. Đặc quyền tiếp cận các hợp đồng của chính phủ, tiền trợ cấp, nguồn vốn, bảo vệ trước sự cạnh tranh và quyền được nhập khẩu lao động dễ dàng đã đưa công ty của những gia đình này thâm nhập sâu vào nền kinh tế.

Đóng góp của các công ty tư nhân sở hữu bởi giới quý tộc này vượt quá 50% GDP của Ả rập Xê-út. Nhưng các công ty này phần lớn được vận hành bởi người nước ngoài, chúng không tạo ra lợi ích lan toả cho người dân địa phương mà chỉ đem lại các ảnh hưởng ngoại biên tiêu cực.

Trong khi đó, người dân được đảm bảo kinh tế để đổi lấy sự trung thành – một dàn xếp được thể chế hoá qua mạng lưới bảo trợ với những công việc công chức có mức lương cao và một loạt các loại tiền trợ cấp xã hội cũng như trợ cấp tiêu dùng hào phóng. Kết quả là hơn 75% công dân Ả rập Xê-út làm việc cho nhà nước, và hầu hết ngân sách còn lại được chi cho các phúc lợi xã hội trọn đời.

Nhưng với mức doanh thu bình quân đầu người từ xuất khẩu dầu hiện tại chỉ vào khoảng 5.000 USD mỗi năm cho 20 triệu người dân Ả rập Xê-út thì hệ thống này đã trở nên quá tốn kém. Thách thức với Thái tử Mohammed là giám sát quá trình chuyển tiếp sang một trật tự chính trị ít tốn kém hơn, trong khi vẫn tạo ra hiệu quả kinh tế để ngăn chặn bất ổn xã hội phát sinh từ các điều chỉnh cần thiết.

Các chế độ chuyên chế khác tại khu vực, với dân số đông hơn và trữ lượng dầu ít hơn – như      Iraq, Ai Cập, Algeria và Syria – theo đuổi một “chiến lược cộng hoà” nhằm thoả mãn người nghèo với nhiều hình thức bảo trợ, đồng thời kiềm chế giới tinh hoa kinh tế. Điều này ngăn chặn sự nổi dậy của bất kỳ thế lực đối lập khả dĩ nào nhưng lại tạo ra một nền kinh tế nhạt nhoà, phần lớn không chính thức và dựa vào tiêu dùng.

Một cách tiếp cận theo kiểu Venezuela có thể hấp dẫn Thái tử Mohammed vì tinh thần dân tuý phù hợp với các cuộc thanh trừng giới quý tộc đồng thời làm vô hiệu hóa bất kỳ lực lượng đối lập đáng kể nào. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp nhà nước có thể thay thế các công ty của các nhân vật có chức quyền trong việc cung cấp các dịch vụ tư nhân cần thiết. Và cán cân thanh toán sẽ trở nên ổn định với nhập khẩu và tiêu dùng giảm, đặc biệt là chi tiêu của người giàu và Hoàng gia.

Vấn đề với cách tiếp cận này là nó sẽ chỉ làm trì hoãn thách thức cốt yếu trong việc nâng cao năng suất lao động. Trong khi các nhà chuyên chế đang gặp áp lực khác, như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hay Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chọn hướng đi ngắn hạn này, hi sinh lợi ích của khu vực tư nhân đổi lấy sự tồn tại của chế độ, thì Ả rập Xê-út có thể làm tốt hơn nhờ vào các tài sản sẵn có của mình.

Lựa chọn thay thế cho một liên minh cầm quyền độc đoán của giới quý tộc truyền thống thậm chí còn kém hấp dẫn đối với các lãnh đạo hiện tại của Ả rập Xê-út, vì nó sẽ kéo theo mức tiêu dùng giảm sút của dân thường và, do đó, nhiều khả năng là mức độ đàn áp gia tăng. Xung đột trong nước là điều cuối cùng mà vị Thái tử mong muốn.

Một hướng đi khác tốt hơn đòi hỏi phải có sự cân bằng và phối hợp tốt hơn. Các phí tổn của sự điều chỉnh nên được chia sẻ đồng đều giữa các nhóm, và cải cách nên tập trung nhiều vào việc mở rộng chiếc bánh kinh tế.

Hướng đi này có tính khả thi nhờ vào một loạt những điều kiện thuận lợi có sẵn của Ả rập Xê-út: một xã hội có dân số trẻ khát khao được giải phóng về mặt xã hội, những người phụ nữ được giáo dục tốt hơn muốn tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, và hàng triệu việc làm vốn dành cho người nước mà công dân nước này có thể đảm nhiệm.

Điều cản trở viễn cảnh này là năng suất thấp của các công ty tư nhân của tầng lớp quý tộc. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Ả rập Xê-út cần phải dân chủ hoá nếu không về chính trị  thì ít nhất cũng là về thị trường bằng cách dựa nhiều hơn vào nền pháp quyền và cạnh tranh công bằng. Nhìn từ quan điểm này, chiến dịch chống tham nhũng gần đây của Thái tử Mohammed cần phải được tiếp nối bởi các nỗ lực nhằm thiết lập những luật lệ bao trùm hơn cho lĩnh vực tư nhân.

Nếu lĩnh vực tư nhân của Vương quốc có thể thành công, thì thách thức kinh tế sẽ được giảm thiểu. Khoảng 200.000 thanh niên gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Nếu từng đó việc làm cũng cần được tạo ra để cho phép phụ nữ tham gia thị trường lao động và để thu hẹp lĩnh vực công thì trong vòng 5 năm tới sẽ cần khoảng 2 triệu việc làm mới. Để thấy điều này khả thi, cần biết rằng hiện có khoảng 9 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Ả rập Xê-út.

Thay vì dành những khoản đầu tư khổng lồ vào công nghệ cao, lộ trình đầy khó khăn của chính sách “Xê-út hoá” được khởi xướng từ một thập niên trước có thể thực hiện được từng bước nếu có thêm sự ủng hộ dành cho cạnh tranh cũng như cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng khởi điểm lại đầy thách thức khi thu nhập của công chức nhiều gấp 3 lần nhân viên làm việc trong lĩnh vực tư nhân. Để hợp nhất thị trường lao động, một mục tiêu trung hạn là giảm lương của một phần ba số lao động, đồng thời tăng năng suất cho một phần ba, và trợ cấp cho phần còn lại từ ngân sách nhà nước.

Cám dỗ dân tuý ở mức tốt nhất cũng chỉ hứa hẹn mang lại một nhà nước chuyên chế với mức phúc lợi trung bình. Ả rập Xê-út sẽ có nhiều lợi ích hơn nếu có một chiến lược kinh tế và xã hội mang tính bao trùm, mở rộng cơ sở ủng hộ chính trị qua việc thuyết phục các nhóm có ảnh hưởng – như người trong hoàng tộc, tầng lớp tinh hoa cũng như dân thường – để họ coi những tổn thất ngắn hạn như là một sự đầu tư cho tương lai của Ả rập Xê-út.

Ishac Diwan là giáo sư thỉnh giảng tại Khoa các Vấn đề công và Quốc tế tại Đại học Columbia.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Saudi Arabia’s Populist Temptation

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn