Lịch sử: Churchill từng lên kế hoạch 'Unthinkable' để đánh Liên Xô năm 1945

Thứ Hai, 11 Tháng Mười 20211:00 SA(Xem: 1982)
Lịch sử: Churchill từng lên kế hoạch 'Unthinkable' để đánh Liên Xô năm 1945
bbc.com

Lịch sử: Churchill từng lên kế hoạch đánh Liên Xô ra sao?


  • Nguyễn Giang
  • bbcvietnamese.com

Winston Churchill, Franklin Roosevelt and Joseph Stalin

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tại Yalta (2/1945), Roosevelt (giữa) đã rất yếu vì bệnh và chết sau đó vài tháng, chỉ có Churchill muốn giành lại gì đó từ Stalin cho Đông Âu

Tuần cuối tháng 7/2021, kênh BBC Four ở Anh chiếu lại phim "World War II: Behind Closed Doors" (phát sóng lần trước 2011), về những ngày cuối của Thế Chiến 2 tại châu Âu năm 1945.

Phim có tư liệu điện ảnh lồng vào các cảnh 'drama' với diễn viên nói tiếng Nga đóng Joseph Stalin, và diễn viên tiếng Anh vào vai Winston Churchill và Franklin Roosevelt ở hội nghị Yalta.

Người ở Anh có thể xem lại các tập của phim trên iPlayer nhưng ai sống ở nước ngoài thì không xem được, nên tôi xin chia sẻ một câu chuyện thú vị về bộ phim nói tới.

Đó là kế hoạch của thủ tướng Anh muốn tấn công Liên Xô khi Thế Chiến 2 sắp kết thúc ở vì coi hành vi của Stalin "quá ghê sợ và nguy hiểm cho trật tự châu Âu hậu chiến".

Mới đây, chuyện được nhắc lại để giải thích rằng những gì xảy ra bây giờ quanh Ukraine, Biển Đen, các vụ gián điệp etc., có căn nguyên ít ra là từ thời Churchill.

Bài của Giles Milton trên Telegraph (23/05/2021) trích lời đại sứ Liên Xô tại Anh, Andrey Kelin, nói rằng quan hệ London - Moscow nay "gần đạt độ đóng băng" (close to frozen).

Nhưng đã có lúc quan hệ đó đã "rất nóng": Anh tuy nhỏ và yếu hơn dám lên kế hoạch tối mật để tấn công quân Liên Xô, bài "Operation Unthinkable: Churchill's top secret plan to invade Russia" viết.

Hồ sơ đã giải mật tại National Archives còn lưu toàn bộ kế hoạch "Operation Unthinkable" (Chiến dịch Điều không dám nghĩ tới, ngày 22/05/1945).

Đó là thời điểm chưa đầy hai tháng trước ngày châu Âu mừng chiến thắng V-Day chống phát-xít Đức (9/07).

Ta hãy xem Anh Quốc dự tính những gì.

Về các bước chuẩn bị, Quân lực Hoàng gia Anh trông đợi nhận được "sự ủng hộ toàn diện, tuyệt đối của quân lực Hoa Kỳ, các quân đoàn Ba Lan (thuộc phe Đồng Minh ở Tây Âu), một phần nhân sự của Đức đã bại trận, và tiềm năng công nghiệp của Đức".

Với các nước thuộc phe dân chủ chống phát-xít, Churchill muốn căn cứ của họ được mở cho liên quân sử dụng.

Về phía "quân địch", Churchill dự đoán Nga sẽ liên minh với Nhật Bản.

Văn bản tiếng Anh viết rõ là Nga (Russia), chứ không dùng danh từ Liên Xô và Anh dự tính khai hỏa đánh vào Hồng quân tại châu Âu ngày 01/07/1945.

Chiến dịch 'trên giấy' của Churchill không loại trừ khả năng liên quân tiến lên "chiếm đóng các vùng trọng yếu của Nga" và đặt một mục riêng 'Occupation of Vital Areas of Russia'.

Churchill trông đợi khi quân Nga kháng cự, một cuộc chiến thần tốc, như Đức đánh Liên Xô năm 1940, sẽ làm thổi lên cách mạng chống chính quyền Moscow.

Người ta có thể nghĩ Churchill đã hoang tưởng, khi Liên Xô có 228 sư đoàn bộ binh ở châu Âu, không kể thiết giáp, trọng pháo, còn Anh - Mỹ chỉ có 80 sư đoàn bộ binh: tỷ lệ 3:1.

Nhưng ông tin là cuộc tấn công chớp nhoáng sẽ đạt thắng lợi chiến thuật, bất chấp phản đối từ các tướng Anh.

Thống chế Sir Alan Brooke cho rằng nếu lâm chiến với Nga, quân Đồng minh sẽ rơi vào cuộc chiến trường kỳ, khó thắng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tấm biển trước Khu vực chiếm đóng của quân Anh ở Berlin sau khi chế độ Nazi bị đánh bại

Tướng Hastings Ismay thì phản đối việc dùng lại quân SS và Wehrmacht - dự kiến tám sư đoàn thiện chiến - và nói đây là điều "không thể chấp nhận được cho các lãnh đạo khối dân chủ".

Ông nói đánh đồng minh Liên Xô sau khi họ chịu đau khổ, hy sinh vô vàn trong cuộc chiến chống Hitler là điều sai trái.

Tất cả những ý kiến này không làm Churchill lung lay.

Câu chuyện chỉ khép lại khi cử tri Anh không hề biết về kế hoạch táo bạo này đã hạ bệ Churchill trong cuộc bầu cử 1945.

Chính phủ kế nhiệm của Đảng Lao động Anh xếp kế hoạch đánh Liên Xô vào xó tủ.

Địa chính trị và vị thế Đế quốc?

Nay nhìn lại, ta dễ thấy Operation Unthinkable tiết lộ các tính toán của Churchill về ngoại giao và địa chính trị hơn là quân sự thuần tuý.

Ông muốn đổi cục diện châu Âu làm sao có lợi nhất cho Anh qua việc phục hồi Ba Lan và Đức.

Chiến dịch đặt mục tiêu:

"Áp đặt ý chí của Hoa Kỳ và Đế quốc Anh lên nước Nga. Và dù rằng ý chí đó có thể được định nghĩa như yêu cầu không hề quá mức để có một thỏa thuận công bằng cho Ba Lan (a square deal for Poland), nó không nhất thiết phải hạn chế vào quân sự. Một thắng lợi nhanh chóng sẽ buộc người Nga chịu chấp nhận ý chí của chúng ta vào thời điểm trước mắt, hoặc họ không muốn như vậy. Đó sẽ tùy vào quyết định của người Nga. Nếu họ muốn một cuộc chiến toàn diện, họ sẽ phải đón nhận nó."

Churchill, theo phim của BBC Four, đã phản ứng mạnh sau khi Liên Xô chiếm Berlin và làm chủ lãnh thổ Ba Lan vào tháng 5/1945.

Trước đó, lúc Hitler đánh Ba Lan tháng 9/1939, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức để bảo vệ Ba Lan nhưng không làm được gì, vì "nước xa không cứu được lửa gần".

Chiến tranh tàn sát của Đức ở Ba Lan và cuộc diệt chủng cộng đồng Do Thái tại đây góp thêm vào "món nợ" mà Anh, do Churchill lãnh đạo, muốn trả cho người Ba Lan.

Chụp lại hình ảnh,

Biên giới CH Ba Lan trước năm 1939 và sau 1945

Nhưng nỗ lực của ông bảo vệ độc lập cho Ba Lan vấp phải tính toán sâu xa mà Stalin đã đặt ra cho Đông Âu sau Thế Chiến.

Tại Yalta (2/1945), Roosevelt đã rất yếu vì bệnh- ông chết sau đó vài tháng - và giữ thái độ thờ ơ trước các vấn đề châu Âu.

Nhờ Churchill gây sức ép mà Stalin hứa "sẽ tôn trọng bầu cử tự do sau chiến tranh ở Ba Lan".

Vấn đề là chính phủ Ba Lan dân chủ đóng tại London, còn 'chính quyền nhân dân' do Liên Xô dựng lên ở Lublin (sau chuyển về Warsaw) làm chủ cả nước trên thực địa.

Liên Xô cho mời về Warsaw đại diện của 14 đảng phái CH Ba Lan từ Tây Âu "bàn thảo bầu cử chung", nhưng đã lừa và bắt họ về Moscow xử án với tội "phản lại nhân dân Ba Lan".

Tại Hungary, quân Liên Xô sau khi đẩy hết phát-xít Đức ra lãnh thổ, đã hành xử thô bạo với người địa phương, kể cả các "đồng chí cộng sản Hungary", theo bộ phim trên BBC Four.

Khi Đảng Cộng sản Hungary viết thư khiếu nại với Liên Xô về các vụ hiếp dâm tập thể lính Nga gây ra với phụ nữ và các bé gái Hungary, Liên Xô đã trừng phạt thẳng tay những người dám lên tiếng.

Những hành vi này của Liên Xô khiến Churchill tin rằng cần tấn công khi quân Liên Xô còn chưa củng cố được vị thế tại Đông Âu, nơi người dân chờ quân Anh-Mỹ đến cứu giúp họ.

Vấn đề thứ nhì là nước Đức hậu chiến.

Kế hoạch của Churchill dự kiến trong bước một, để tập trung lực lượng đánh Nga, liên quân sẽ cần "nhân sự của Đức".

Nhưng nếu xảy ra chiến tranh lâu dài và toàn diện, Anh có ý định cung cấp lại phương tiện, và tái tổ chức nhân sự, sức người của Đức và các đồng minh Tây Âu.

Văn bản chỉ ghi 're-equipment and re-organisation of German manpower', không nói là tái vũ trang nước Đức.

Thế nhưng những gì xảy ra trên vào thập niên 1950s cho thấy khối Nato đã làm như Churchill vạch ra: tái lập quân đội cho Tây Đức để chống lại Đông Đức và Liên Xô.

Xét về mặt nào đó, viễn kiến của Churchill đã góp phần hình thành thế trận Đông - Tây ở châu Âu trong nhiều năm, từ 1945 đến 1989.

'Operation Unthinkable' cũng không phải là "hoang tưởng".

Sau khi tướng Geoffrey Thompson trình kế hoạch lên Bộ Tổng tham mưu, kết luận của lãnh đạo Anh là "chiến thắng Nga bằng quân sự với kết quả lâu dài (lasting result) là điều bất khả".

Mục tiêu của Anh thực ra là đánh để người Nga phải nghị hòa, và làm sao đảm bảo phe dân chủ không mất toàn bộ Đông Âu cho Moscow.

Churchill có tầm nhìn xa nhưng quốc gia ông lãnh đạo lúc đó là Anh đã sức cùng lực kiệt sau Thế Chiến 2, phải nuôi dân bằng chế độ tem phiếu.

Nguồn hình ảnh, Galerie Bilderwelt

Chụp lại hình ảnh,

Thống chế Bernard Law Montgomery của Anh (giữa), sau lễ trao huân chương và tước hiệp sỹ cho hai Nguyên soái Liên Xô, Georgy Zhukov (trái) và Konstantin Rokossovsky (phải, người Ba Lan), trước Cổng Brandenburg, Berlin, tháng 7/1945. Cùng thời gian, các xung khắc giữa Liên Xô và phe Đồng minh Tây Âu đã dần bộc lộ

Mặt khác, gần đâu có những sử gia như Richard Overy nêu cái nhìn trái chiều về Thế Chiến II, cho rằng Anh - Mỹ và Pháp Tự do nêu khẩu hiệu vì Tự do để chống lại phe phát-xít nhưng phe Đồng minh cũng muốn duy trì thuộc địa và vùng ảnh hưởng trên thế giới.

Churchill cũng vậy. Tham vọng của ông mong bảo tồn Đế quốc Anh nhưng bị thực tế của phong trào chống thực dân phá tan.

Sân khấu chính trị mà Anh còn tác động được sau Thế Chiến II chỉ là châu Âu.

Theo cảm nghĩ riêng của tôi, Churchill muốn "nhân định thắng thiên" nhưng sự khắc nghiệt của địa chính trị châu lục vừa gần, vừa xa này không cho phép ông thành công khi còn sống.

Kết quả của Chiến tranh Lạnh

Dù vậy, xét cho cùng, Phương Tây đã đạt được cả hai mục tiêu ông đề ra nhiều năm sau, khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Hai hồ sơ lớn Churchill muốn giải quyết được Margaret Thatcher quyết tâm hoàn tất.

Bà đã thuyết phục được Ronald Reagan và Francois Mitterand - lãnh đạo các nước đồng minh từ 1945 - đồng ý ủng hộ Helmut Kohl thống nhất nước Đức.

Bà cũng và kêu gọi tổng thống Mỹ kế nhiệm là George Bush (cha) không bỏ qua vấn đề Ba Lan, dẫn tới việc ông Bush có chuyến thăm biểu tượng tới Gdansk, cái nôi của phong trào công nhân chống chủ nghĩa xã hội vào tháng 7/1989.

Sang tháng 8 năm đó, Ba Lan lập được chính phủ liên hiệp gồm hai phái gốc cộng sản và tân dân chủ, tách khỏi quỹ đạo của Moscow.

Ngày nay thì sao?

Chiến tranh Lạnh kết thúc đem lại thắng lợi toàn diện cho Phương Tây ở châu Âu.

Nhưng sau 30 năm, một 'thế trận mới' đang hình thành.

EU và Anh, Mỹ đang nói về "mối đe dọa từ Nga" đối với các đồng minh "tuyến đầu" ở ở Đông Âu và Baltic.

Cùng lúc, viễn cảnh "Nga xâm lăng Anh" là chuyện khó tưởng tượng, theo chuyên gia về tình hình Nga, Mark Galeotti nói với báo Anh vào tháng 4/2021.

Tuy thế, Nga lo ngại trước các cải tổ quân sự tại Anh.

Ông Galeotti cho rằng Tổng thống Vladimir Putin e ngại khả năng "triển khai nhanh và chiến thuật của quân Anh".

Vì thế, dù Anh cắt giảm quân số trong bộ binh truyền thống, và Nga vẫn duy trì trên 3 triệu quân, Moscow dè chừng quân Anh "triển khai nhanh không quân, hải quân và đặc nhiệm một cách hiệu quả tới các chiến trường xa".

Mới nhất, Nga cho hay nếu chiến hạm Anh tiếp tục có chuyến hải hành như tàu HMS Defender tại Hắc Hải (vào gần căn cứ Sebastopol 1,6 hải lý), thì Nga "sẽ ném bom".

Về phía mình, Anh vẫn coi tàu của họ di chuyển trong vùng biển của Ukraine ngoài khơi Crimea - trên thực tế bị Nga chiếm sau 2014 - và sẽ tiếp tục hành động đề cao các giá trị chung về tự do, cũng như để thể hiện tinh thần sẵn sàng vì đồng minh.

Đây cũng là tinh thần mà Churchill thể hiện trong và sau Thế Chiến 2 với các đồng minh ký hiệp ước tương trợ quân sự ở Đông Âu.

Kể từ sau vụ tấn công 9/11, giới chức an ninh Anh, Mỹ đặt trọng tâm hoạt động vào việc chống lại 'chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan' (radical Islamism).

Có người, như cựu Thủ tướng Tony Blair kêu gọi rằng để làm điều có, cần "tạo chiến tuyến với cả Nga và Trung Quốc".

Nhưng sau cuộc rút quân Nato khỏi Afghanistan, các bình luận lại nói nhiều đến Nga và Trung Quốc như "mối đe dọa" đối với Phương Tây (xem thêm bài của Lauren Turner, BBC News).

Mới đây, hôm 23/09/2021, tin từ Bắc Âu cho hay Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch cùng ký một thỏa thuật thắt chặt quan hệ quốc phòng để đề phòng nước Nga.

Những gì xảy ra tới đây tại vùng biển Thái Bình Dương, sau hiệp ước Aukus, và tại khu vực châu Âu liên quan tới Nga, sẽ là điều không dễ dự đoán, nhưng các bài học từ thời Churchill luôn luôn là thứ chính giới Anh Quốc nhắc tới mỗi khi họ bàn về chiến lược an ninh, quốc phòng của Vương quốc từng thống trị bốn bể.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn