Kumamoto, tòa thành định hình lịch sử Nhật Bản

Chủ Nhật, 25 Tháng Hai 20184:00 SA(Xem: 5872)
Kumamoto, tòa thành định hình lịch sử Nhật Bản
bbc.com
Mike MacEacheran BBC Travel

Sean Pavone / Alamy Stock Photo Bản quyền hình ảnh Sean Pavone / Alamy Stock Photo
Image caption Lâu đài Kumamoto trước khi bị trận động đất năm 2016 phá hủy. Hình chụp 9/12/2015

Ở công viên trung tâm thành phố Kumamoto - một nơi vốn có ít người ghé thăm trên đảo Kyushu, hòn đảo nằm về cực phía tây nam trong các hòn đảo chính của Nhật Bản, một nhóm người địa phương đang vất vả tìm cách hoàn thành cái có thể được gọi là trò chơi ghép hình khó nhất thế giới.

Trò ghép hình này lớn đến nỗi các miếng ghép có thể chiếm cả diện tích một sân bóng đá. Một trò chơi thách đố đến mức họ phải mất tới khoảng 20 năm để hoàn thành.

Công việc khó khăn

Với những ngón tay dính đầy phấn, họ tỷ mẩn đánh số hàng trăm tảng đá được trục vớt, sắp xếp như hình bàn cờ. Họ chụp hình lại từng tảng và cố gắng xác định vị trí chính xác của từng mảng ghép.


Thường làm việc dưới cái nóng chảy mỡ, họ khảo sát từng hàng một trong sự im lặng gần như tuyệt đối. Đầu họ cúi xuống một cách thành khẩn như thể đang cầu nguyện.

Đối với những cặp mắt bình thường thì đây có vẻ là một trò chơi. Tuy nhiên, đó thật sự là một sứ mạng mà mục đích cuối cùng là lắp ráp các khối đá trở lại thành những đường nét của một trong những công trình mang tính biểu tượng nhất của thành phố: lâu đài Kumamoto, một pháo đài được biết đến trên khắp nước Nhật bởi màu sắc đặc trưng của nó: màu đen.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một góc tòa thành Kumatomo sau trận động đất hôm 16/4/2016

Việc hoàn tất quá trình này, gồm việc đưa những tảng đá về chỗ cũ với sự chính xác được tính toán kỹ lưỡng, và sửa chữa những bức tường bao quanh, khiến chúng ta phải kính nể. Bởi vì khi mảnh ghép cuối cùng được đưa vào vị trí thì một trong những tòa lâu đài lừng lẫy nhất của Nhật Bản sẽ được hồi sinh trở lại từ cõi chết.

"Tôi rất buồn khi nhìn thấy cảnh này," cô Shoko Taniguchi, hướng dẫn viên địa phương, nói trong khi chỉ cho tôi thấy địa điểm tái thiết, bàn tay của cô rê trên mặt một phiến đá.

Trước mặt cô là những người thợ dày dạn sương gió với những cặp mắt tinh tường. Một số người đội mũ cứng, một số đeo mặt nạ phẫu thuật để tránh hít phải bụi. Tất cả đều cúi người xuống thấp và khảo sát hơn một chục dãy các phiến đá sâu ít nhất 50 feet.

"Tòa lâu đài này có ý nghĩa hơn cả là một biểu tượng của Kumamoto. Nó quan trọng với toàn thể Nhật Bản. Nhưng ngày nay nó chỉ là một bãi tha ma của những bia mộ bị mạo phạm."

Trận động đất kinh hoàng

Ngày nay, gần như ta không thể đi thăm Nhật Bản mà không gặp phải ít nhất một lâu đài. Lâu đài trắng đến chói mắt Hakuro-jo của Himeji đã được Unesco vinh danh nhờ vào hệ thống pháo đài gồm hơn 80 tòa tháp phòng thủ.

Ngoài ra còn có lâu đài Karasu-jo đen bóng, hay lâu đài 'Quạ đen', pháo đài lâu đời nhất còn tồn tại của Nhật Bản được xây vào năm 1504.

Tokyo, Osaka, Nagoya và các thành phố nhỏ hơn, gồm Odawara, Hikone, Takeda, Matsuyama, Kanazawa, Okayama và Gifu mỗi thành phố đều có một lâu đài.

Những lâu đài này có hào nước khô, bên trong bụi bặm và ánh sáng lờ mờ. Mái ngói lộng lẫy và hình đắp nổi mờ mô tả các anh hùng dân gian.


Nếu các lâu đài là chuyện lớn ở Nhật Bản thì lâu đài Kumamoto lại càng đặc biệt lớn chuyện.

Sau trận động đất mạnh 7,3 độ richter làm rung chuyển thành phố vào ngày 16/4/2016, tòa lâu đài biểu tượng của thành phố bị đổ gần như tan tành.

Cơn địa chấn không chỉ phá hủy trường học và công sở, giết chết 225 người và làm bị thương hơn 3.000 người khác mà các dư chấn còn đe dọa phá sập 190.000 căn nhà.

Nó biến các bộ phận của tòa lâu đài đen, một pháo đài chưa từng bị hư hại qua các biến cố trong lịch sử 400 năm của nó, thành một đống hỗn độn.

Bản quyền hình ảnh Mike MacEacheran

Những tháp canh đồ sộ và những bức tường đá cong sụp đổ, và phần ấn tượng nhất của lâu đài, phần tháp chính, vẫn còn đó những tàn phá của trận động đất.

Mà đó chỉ mới là khởi đầu: mái ngói đổ nát, nền móng sụp và những linh vật shachihoko trang trí (sinh vật dân gian với đầu cọp và mình cá chép) rơi xuống.

Ngày nay, tòa thành trì đã xuống cấp, đổ dồn về ngoài rìa với gạch đá đổ nát, với huy hiệu trơ ra những khe hở.

"Tôi không thể tưởng tượng được là phục hồi tòa lâu đài lại phức tạp đến như vậy," Taniguchi nói và nhìn về phía tòa tháp năm tầng giờ đây nằm bên dưới giàn giáo. "Có lẽ một ngày nào đó sự nhiệm mầu của nó sẽ quay trở lại."

Lịch sử thăng trầm

Cảm giác tự hào không có gì lay chuyển về vùng đất địa phương và phương pháp bảo vệ di sản cực kỳ khắt khe của người Nhật đã dẫn đến nỗ lực tái thiết khổng lồ, một dự án mà tính tổng cộng sẽ khiến Chính phủ Nhật Bản tiêu tốn 63,4 tỷ yên.

Theo Kế hoạch Trùng tu Tổng quát Lâu đài Kumamoto, các phần việc chính sẽ bắt đầu vào năm 2018, với sân lâu đài sẽ mở cửa trở lại từng phần một khi mà những khu vực hoàn thành được xác nhận là an toàn cho khách tham quan. Trong khi đó, sự trợ giúp đổ về từ khắp nơi trên khắp Nhật Bản.

"Tòa lâu đài đã bị hư hại hết sức nặng nề trong trận động đất, do đó mà việc sửa chữa cần rất nhiều thời gian, tiền bạc, kiến thức chuyên môn, công nghệ và nhân lực," ông Issei Kanada, người quản lý Cơ quan Bảo vệ Tài sản Văn hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Lâu đài Kumamoto, nói với tôi.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

"Xét đến giá trị văn hóa nội tại của lâu đài, cùng với tầm quan trọng của nó như là một điểm đến du lịch, chúng tôi dự định sẽ sửa chữa một cách nhanh nhất nhưng cũng hiệu quả nhất có thể."


Bất chấp những kinh hoàng của trận động đất, lâu đài Kumamoto cũng đã chứng kiến đủ những thăng trầm qua nhiều thế kỷ.

Tòa pháo đài đen này có từ thời kỳ của các samurai, thời đại mà nước Nhật chìm trong chiến tranh loạn lạc giữa các vương triều và các bang quốc, và câu chuyện của tòa lâu đài là một dạng chuyện gần như khó tin.

Trước khi tòa lâu đài được xây dựng vào năm 1607, Kyushu đang chao đảo trong cuộc cách mạng tiền công nghiệp với các lãnh chúa samurai tranh giành quyền lực và ảnh hưởng trong một loạt các cuộc chiếm lãnh thổ.

Vào lúc đó, nước Nhật trải qua những đổi thay.

Ở Satsuma về phía nam (ngày nay là Kagoshima), cái chết của tướng quân Toyotomi Hideyoshi, một samurai và một chính khách được tôn kính, vào năm 1598, đã dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa các phe phái kình chống nhau.

Trong số đó có dòng họ Shimazu, một trong những gia tộc quyền lực nhất của Nhật Bản và là lực lượng đối lập hùng mạnh.

Nhằm bảo vệ Kumamoto trước các cuộc xâm lược, tướng Kato Kiyomasa, tư lệnh quân đội của Hideyoshi, đã cho xây tòa lâu đài.

Hiểu rõ tinh thần võ sĩ đạo thà chết trong danh dự, Kiyomasa biết rằng tòa lâu đài cần phải có khả năng bất khả công phá một khi bị đối thủ tấn công.

Quyết định xây dựng thành lũy phòng vệ cuối cùng, ông đã cho dựng nên một tòa thành kiên cố gồm 49 tháp, 18 cổng thành và 29 cổng.

Sẽ không ai dám tấn công đánh chiếm nó cả. Hay ít nhất đó là Kiyomasa nghĩ thế.

Khởi nghĩa Satsuma

Khoảnh khắc then chốt trong lịch sử của tòa lâu đài xảy ra hai thế kỷ sau đó trong cuộc khởi nghĩa Satsuma, đỉnh cao của một thời kỳ dài các cuộc nổi dậy và cải cách khi mà nước Nhật chuyển từ thời kỳ các lãnh chúa sang Cải cách Minh Trị - và cuối cùng chấm dứt luôn thời võ sỹ đạo.

Vào năm 1877, sau khi sự thù nghịch giữa vùng Satsuma và Hoàng đế Minh Trị ở Tokyo tăng đến mức khủng hoảng, tướng Saigo Takamori, một thủ lĩnh võ sỹ đạo ở Satsuma sau trở thành anh hùng trong các câu chuyện dân gian, muốn tiến quân về Tokyo để quét sạch chính quyền tham nhũng.


Nhưng do đường tiến quân của ông phải đi qua Kumamoto mà vào lúc đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Thiên hoàng và là nơi đặt lực lượng trú đóng đông đảo nhất của Đạo quân Thiên hoàng trên đảo Kyushu, ông biết chuyện gì sẽ phải xảy ra. Tòa lâu đài này cần phải sụp đổ.

Chính quyền Minh Trị cũng ý thức được điều này.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Với 20.000 võ sỹ đạo tề tựu lại dưới lá cờ của Satsuma, lâu đài Kumamoto sắp trở thành chiến địa. Nếu đạo quân ở đây không giữ được tòa thành, cuộc khởi nghĩa sẽ lan rộng khắp cả nước Nhật nhanh như đám lửa.

Do đó mà Thiên hoàng biết rằng cần phải tránh để thua trận bằng mọi giá.

"Đạo quân giữ thành đã cầm chân quân địch trong khoảng hai tháng - từ ngày 19/2 cho đến ngày 12/4/1877 - mà không để cho bất cứ ai có thể thâm nhập," Kanada kể.

"Chính quân đội đã đốt nhà dân và giết tổ tiên chúng tôi trong trận chiến - và cho tới giờ mọi người vẫn có cảm xúc lẫn lộn về thời kỳ này. Tuy nhiên điều mà không ai tranh cãi là vai trò của tòa lâu đài: nó đã chứng minh khả năng phòng thủ trong trận chiến. Và đó là điều hiếm khi xảy ra đối với các lâu đài ở Nhật Bản."

Câu chuyện chưa dừng ở đó. Một hỏa hoạn tình cờ trong trận bao vây đã thiêu cháy một phần tòa tháp thành tro bụi, đến nay nguyên nhân của trận hỏa hoạn vẫn không rõ.

Theo lời của Kanada thì một cách giải thích là đạo quân đồn trú đã chủ động phóng hỏa một cách có kiểm soát để làm cho tòa lâu đài trở nên khó tấn công trước hỏa lực đại bác qua màn khói. Người khác thì cho rằng một kẻ tạo phản đã phóng hỏa.

Như lịch sử hiện đại đã chứng minh, những gì xảy ra tiếp theo đã giúp định hình cuộc Cải cách Minh Trị, một giai đoạn đã khôi phục lại quyền cai trị của Thiên hoàng vào 150 năm trước.

Các samurai suy sụp tinh thần đã bỏ chạy về phía Satsuma trước khi kháng cự trong trận đánh cuối cùng ở Chiến trường Shiroyama vào tháng 9/1877 (một phần câu chuyện đã được thể hiện qua bộ phim Hollywood, Võ sĩ cuối cùng - The Last Samurai, với sự diễn xuất của Tom Cruise và Ken Watanabe).

Nếu lâu đài Kumamoto không đủ mạnh để thắng cuộc chiến đó thì Kyushu, và có lẽ là toàn bộ Nhật Bản, ngày nay có lẽ đã khác đi nhiều.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn