Nhà ngoại giao từng ủng hộ đảo chính ông Thiệu qua đời

Thứ Năm, 26 Tháng Tám 20219:03 CH(Xem: 3023)
Nhà ngoại giao từng ủng hộ đảo chính ông Thiệu qua đời
voatiengviet.com

Nhà ngoại giao từng ủng hộ đảo chính ông Thiệu qua đời

Nguyễn Hùng

Với giới ngoại giao Việt Nam Cộng hoà trước đây và Việt Nam ngày nay, ông Frederic Brown là nhân vật quen thuộc.

Giáo sư Brown, người mới qua đời ở thủ đô Washington hưởng thọ 93 tuổi, từng là Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở Đà Nẵng giai đoạn 1971-1973 sau khi giữ vị trí lãnh sự cũng ở Đà Nẵng từ 1968-1970. Sau này ông tham gia đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vai trò Giám đốc phụ trách Việt Nam, Lào và Cam-Pu-Chia ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Con gái ông Brown nói ông có tiền sử bệnh tim và yếu đi trông thấy trong những tuần gần đây. Ông trút hơi thở cuối cùng hôm thứ Bảy, 21/8 tại Bệnh viện Sibley ở thủ đô Washington.

Ủng hộ đảo chính ông Thiệu

Trong cuộc phỏng vấn dài có lưu tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, ông Brown nói ông thường được báo cáo trực tiếp lên Bộ Ngoại giao về tình hình ở Việt Nam Cộng hoà trong giai đoạn 1971-1973 và ông thấy tình hình xấu hơn nhiều so với những gì phía quân đội nhận định.

Ông nói trước khi ông rời Việt Nam hồi tháng 7/1973, ông dặn Tư lệnh Vùng 1 Chiến thuật, Tướng Ngô Quang Trưởng, người ông có dịp cộng tác gần gũi: “Không được tin người Mỹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các ông đang trong quá trình bị bỏ rơi.” Đáp lời, Tướng Trưởng nói: “Tôi biết điều đó.”

Ông Brown nói thêm ông nói với Tướng Trưởng như vậy trong bối cảnh có những phàn nàn rằng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không làm những việc cần thiết để Việt Nam Cộng hoà có thể tự đứng vững mà không cần tới Hoa Kỳ. Người ta cũng bàn tới chuyện liệu sẽ có đảo chính không và nếu có thì ai sẽ thay ông Thiệu. Ông Brown nói ông Trưởng được xem là một trong những nhân vật có thể thay thế ông Thiệu.

Ông Brown nói: “Tôi rất ngưỡng mộ Tướng Trưởng và thường nói với ông ‘Nếu ông định ra tay [đảo chính], ông nên làm sớm đi, vì nước này… Người Mỹ đang bỏ đi. Đừng mong gì Hoa Kỳ quay lại.”

Vị cựu Tổng lãnh sự cũng tin rằng nếu Hoa Kỳ sớm có chính sách đảm bảo đời sống và an ninh cho người dân Việt Nam Cộng hoà bên cạnh giải pháp quân sự, diễn biến ở miền nam Việt Nam có thể đã khác đi.

‘Không dại’ mà chờ Mỹ giúp

Sau biến cố 30/4/1975, ông Brown tham gia đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa Hà Nội và Washington vào nửa cuối năm 1977, lúc Hoa Kỳ đã hết hứng muốn bình thường hoá. Lý do là các nhà lãnh đạo cộng sản đòi hơn bốn tỷ đô la tiền bồi thường chiến tranh. Ông nói đáng ra hai bên đã có thể thiết lập quan hệ ngay trong nửa đầu năm 1977 nếu Hà Nội không nêu ra vấn đề bồi thường.

Sang năm 1978, Hà Nội quay sang ký hiệp ước với Liên Xô, một trong những lý do góp phần dẫn tới Cuộc chiến Biên giới với Trung Quốc trong năm 1979.

Tôi có dịp phỏng vấn ông Brown, người về sau là giáo sư của Trường Cao học Nghiên cứu quốc tế (SAIS) của Đại học Johns Hopkins, hồi tháng 4/2015 nhân kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. Tôi cũng hỏi ông liệu Hoa Kỳ có giúp Việt Nam không nếu lại bị Trung Quốc tấn công. Ông nói: “Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Việt Nam không dại gì mà đề nghị Mỹ giúp Việt Nam trong những tình huống như thế.

“Tôi không nghĩ là có chuyện như thế xảy ra. Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam cần hiểu rõ lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ nằm ở đâu. Chúng tôi không phải là đồng minh ký hiệp ước với Việt Nam và tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc là về sau nữa. Còn Trung Quốc luôn là yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Việt Nam hiểu điều đó.”

Tình báo ở Liên Xô

Ông Brown, người gốc Pennsylvania, tốt nhiệp Đại học Yale, nơi ông học văn, triết học và quan hệ quốc tế, tháng 6/1950, lúc ông 22 tuổi. Theo lời ông, chỉ hai tuần sau khi ông tốt nghiệp Bắc Triều Tiên đưa quân tấn công Nam Triều Tiên. Tháng 9 cùng năm, ông tham gia lực lượng không quân Hoa Kỳ và tại ngũ gần bốn năm trong đó một năm rưỡi phục vụ tại Libya trong vai trò chuyên viên tình báo.

Sau khi rời quân ngũ, ông học lấy bằng thạc sỹ khoa học chính trị tại Đại học Colorado và tốt nghiệp năm 1957. Ông chính thức bước vào con đường ngoại giao từ năm 1958 với chân phụ trách nhân sự, rồi phụ trách quan hệ với Quốc hội trước khi trở thành phó lãnh sự ở thành phố Nice của Pháp trong năm 1960.

Từ Pháp, ông Brown sang đóng ở Thái Lan hồi năm 1962 trong vai trò chuyên gia tuyên truyền cho Khối Hiệp ước Đông Nam Á, một tổ chức chống cộng sản và là tiền thân của ASEAN.

Sang năm 1964, ông trở lại Hoa Kỳ học tiếng Nga với mong muốn trở thành chuyên gia về Liên Xô. Ông sang làm tình báo của Hoa Kỳ tại Liên Xô trong năm 1965, một trong những nhà ngoại giao độc thân hiếm hoi được cử tới Moscow. Ông nói Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sợ rằng các nhà ngoại giao độc thân sang Liên Xô dễ bị dụ dỗ và sập bẫy nhưng cuối cùng đa số những người có gia đình lại sập bẫy vì họ đã có vợ nên sợ lộ khi quan hệ ngoài luồng. Ông nói ông biết bị cơ quan tình báo KGB ghi âm tại nhà riêng và thậm chí ông còn nêu tên cả chỉ huy và dàn nhạc chơi các bản giao hưởng của Mozart và Mahler ông bật những khi cần gây nhiễu để người nghe của KGB tiện theo dõi.

Trong thời gian ở Moscow, công việc chính của ông là tới các hiệu sách mua hàng tấn sách mỗi tháng để gửi về Hoa Kỳ phục vụ nhu cầu tìm hiểu Liên Xô. Ông kể nhiều khi KGB buộc các cửa hàng sách ở các địa phương phải đóng cửa hay giấu đi những sách quan trọng khi tình báo Hoa Kỳ tới. Ông nói một trong những thứ khó kiếm nhất thời đó là danh bạ điện thoại. Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã ‘cầm nhầm’ một cuốn danh bạ từ văn phòng địa phương ở Liên Xô mà ông viếng thăm nhưng KGB đã kịp phát hiện và cho người tới tận khách sạn đòi lại.

Cũng chính tại Moscow ông Brown đã được đọc tới chương trình bình định nông thôn ở Việt Nam Cộng hoà và muốn tới Việt Nam để “cứu thế giới” khỏi nạn cộng sản. Chính những người cộng sản về sau này lại đánh giá cao ông Brown vì ông ủng hộ quan hệ gần gũi giữa hai nước cựu thù. Trong dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Brown đã được trao kỷ niệm chương “vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”. Vị giáo sư là một trong những người giúp Việt Nam hiểu ra họ phải chơi với thế giới chứ không thể tự tạo ra một thế giới riêng và chìm đắm trong đó như trong những năm ngay sau 1975.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn