Trò chơi chiến tranh nguy hiểm của Thái tử Saudi

Thứ Ba, 20 Tháng Hai 20185:00 CH(Xem: 5831)
Trò chơi chiến tranh nguy hiểm của Thái tử Saudi

syria-lebannon

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, The Saudi Prince’s Dangerous War Games”, Project Syndicate, 17/11/2017.

Biên dịch: Trịnh Ngọc Thao | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hàng loạt các diễn biến bất ngờ về chính trị khởi nguồn từ Ả-rập Saudi đang làm tệ hơn tình hình bất ổn tại Trung Đông. Phải chăng một trận đại chiến mới sắp xảy ra?

Mohammed bin Salman (thường được gọi tắt là MBS), vị Thái tử 32 tuổi đầy tham vọng của Ả-rập Saudi, người đang giám sát quá trình chuyển đổi kinh tế mang tính lịch sử (và gây bất ổn) của Vương quốc này, đã ra lệnh bắt giữ một loạt các hoàng tử và quan chức có quyền lực cao nhất của nước này. Dù có vỏ bọc là đấu tranh chống tham nhũng, động thái đó rõ ràng nhằm củng cố quyền lực cho vị thái tử.

Nhưng các tham vọng của MBS đã vượt xa ngoài biên giới quốc gia. Cùng ngày với vụ bắt giữ tại Ả-rập Saudi, Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tuyên bố từ chức trên sóng truyền hình trực tiếp từ Riyadh, cáo buộc Iran “phá hoại và gây hỗn loạn” bằng việc can thiệp vào các nước khác.

Vài ngày sau, khi lực lượng nổi dậy Houthi với sự chống lưng của Iran tấn công Riyadh bằng tên lửa tầm xa phóng từ Yemen, Ả-rập Saudi đã ngay lập tức cảnh báo Iran về khả năng chiến tranh. Các lãnh đạo Saudi cũng lên án tổ chức Hezbollah – tổ chức phiến quân người Shia được Iran hậu thuẫn tại Lebanon – đã giúp sức cho lực lượng Houthi. Viện dẫn sự tham gia của các thành viên Hezbollah trong Chính phủ Lebanon, Ả-rập Saudi cáo buộc Lebanon đã tuyên chiến với mình, và ra lệnh cho tất cả công dân rời khỏi Lebanon.

Rõ ràng, MBS hy vọng biến Ả-rập Saudi thành bá chủ duy nhất tại Vịnh Ba Tư, và là người bảo vệ cho Hồi giáo Sunni trên khắp vùng Trung Đông. Nhưng các nỗ lực của ông ngày càng giống với hành vi của một con bạc thiếu chín chắn.

Ả-rập Saudi đã nhận thất bại bẽ mặt khi cố phong tỏa Qatar, đó là chưa kể đến hai nỗ lực bất thành trong việc ngăn chặn bước tiến của Iran tại Syria và Yemen. Thêm vào đó, cuộc thanh trừng chính trị vụng về của MBS và việc leo thang tại Lebanon có thể được xem như một canh bạc liều lĩnh.

Nhưng khiêu khích Iran chắc chắn không đem lại lợi ích tốt nhất cho Ả-rập Saudi. Cũng như MBS đã biết rõ, Ả-rập Saudi không thể bì lại sức mạnh quân sự của Iran. Và kế hoạch dự phòng của ông ta – tăng cường hợp tác an ninh với Israel – có thể sẽ không hiệu quả như mong đợi.

Đúng là Tham mưu trưởng quân đội Israel, Tướng Gadi Eisenkot, đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với một tờ báo Saudi về “nhiều lợi ích chung” giữa hai nước. Hơn nữa, Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman đã cảnh báo rằng Israel sẽ không cho phép củng cố một “trục ma quỷ của người Shia tại Syria.” Và Thủ tướng Binyamin Netanyahu nói rõ rằng Israel sẽ không để Iran đưa được bộ binh và hải quân vào Syria.

Nhưng thật điên rồ khi cho rằng Israel sẽ tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện ở biên giới phía Bắc chỉ để phục vụ lợi ích của Ả-rập Saudi. Thậm chí đây không phải lần đầu tiên Israel từ chối ý tưởng của Ả-rập Saudi về việc can thiệp quân sự. Năm 2012, Netanyahu đã không thực hiện lời đe dọa tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Mới đây hơn, Israel đã từ chối can thiệp vào nội chiến Syria chống lại chế độ Alawite – một nhánh của người Shia – của Tổng thống Bashar al-Assad. Thực tế, Israel đã cố tránh bị kéo vào cuộc xung đột đó, ngay cả khi nước này gia tăng các cuộc không kích vào các đoàn xe chở vũ khí hướng về phía Hezbollah, vốn nhằm để mở mặt trận thứ hai chống lại Israel tại cao nguyên Golan.

Thế nhưng nếu từ bỏ hoàn toàn ý tưởng tham chiến cùng Ả-rập Saudi là vô trách nhiệm. Xét cho cùng, chiến tranh ở mặt trận biên giới phía Bắc Israel không phải luôn được dự tính trước. Và một Assad ngày càng tự tin sẽ không còn chấp nhận đòi hỏi của Israel về hoạt động tự do của không quân ở Syria và Lebanon: các đơn vị phòng không của Assad đã bắt đầu đáp trả các chuyến bay quân sự của Israel qua không phận Syria. Vào ngày 11/11, quân đội Israel đã bắn rơi một máy bay không người lái của Syria.

Hơn nữa, Israel đã thiết lập một ranh giới đỏ ở Syria: đó là sự bảo vệ cho cộng đồng Druze tại Syria, những người có quan hệ gần gũi với những công dân Druze trung thành của Israel. Vào ngày 3/11, sau khi lực lượng nổi dậy giết 9 người ở một ngôi làng của người Druze tại Syria, quân đội Israel cảnh báo là sẽ can thiệp để ngăn chặn việc phiến quân chiếm giữ ngôi làng.

Mặc dù Israel không hứng thú bắt đầu một cuộc chiến tổng lực, nhưng kịch bản đó vẫn không phải hoàn toàn bị bác bỏ. Vào tháng 9, nước này đã tiến hành đợt diễn tập quân sự với quy mô lớn nhất trong hai thập niên qua, với sự tham gia của không quân, hải quân và bộ binh kéo dài trong hai tuần mô phỏng tình huống xung đột trên cả hai mặt trận Syria và Lebanon. Ngoài ra họ còn diễn tập sơ tán dân thường trên diện rộng ở phía Bắc Israel. Không giành thắng lợi sau hai cuộc chiến với Hezbollah, Israel đã làm rõ rằng trong bất kỳ cuộc xung đột nào khác với lực lượng này, mục tiêu của họ là một chiến thắng dứt khoát.

Hezbollah, bị kiệt quệ vì nỗ lực giúp Assad trong nội chiến Syria, hiện không còn hứng thú đối đầu với Israel. Về phần mình, Iran cũng tránh phá vỡ sự ổn định của Lebanon cũng như thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Lebanon với Israel, để cho phép Hezbollah tập trung vào Syria.

Nhưng Ả-rập Saudi lại muốn một cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah, tin rằng nó chắc chắn sẽ dẫn tới đối đầu giữa Israel và Iran. Điều đó hiện rất có cơ sở: do cuộc chiến tại Syria lắng xuống, những người Hồi giáo Sunni do Saudi lãnh đạo mong muốn giành lại những gì đã mất, và do đó sẽ đẩy Lebanon thành chiến trường tiếp theo.

Hiện tại, Lebanon vẫn bị chia cắt giữa lực lượng Hezbollah ủng hộ Syria và thân Iran, bao gồm Tổng thống Michel Aoun,  với nhóm “Liên minh 14 tháng 3” người Sunni của Hariri, cùng các nhóm chống Syria mà Ả-rập Saudi muốn đẩy vào cuộc xung đột. Dĩ nhiên, tham gia vào một cuộc chiến được dẫn dắt bởi các thế lực chỉ xem Lebanon như một mảnh ghép nhỏ trong bàn cờ chiến lược lớn sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho nước này.

Nó cũng không phục vụ lợi ích tốt nhất của Hariri. Rốt cuộc, cuộc xung đột đó sẽ phá hỏng cơ hội giành được các hợp đồng béo bở để tái thiết Syria cho các công ty xây dựng của gia đình Hariri. Thực tế, dường như Hariri đang ở Riyadh trái với mong muốn của mình.

Khi MBS đang đùa với lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ủng hộ ông ta, vì bản thân Trump cũng thù địch với Iran, và có lẽ cũng vì hy vọng rằng Ả-rập Saudi sẽ ủng hộ kế hoạch hòa bình do Mỹ dẫn dắt tại Palestine. Nhưng cần khẩn trương tìm ra một nguyên nhân ôn hòa hơn. Xét cho cùng, như xung đột tại Syria đã cho thấy rõ, các cuộc chiến thường đi ngược lại mục tiêu của chính mình.

Shlomo Ben-Ami, cựu Ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Toledo vì Hòa bình. Ông là tác giả cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israel-Arab Tragedy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn