Từ Afghanistan đến Sài Gòn, bài học cay đắng sau khi Mỹ rút quân

Thứ Ba, 13 Tháng Bảy 202111:50 SA(Xem: 4659)
Từ Afghanistan đến Sài Gòn, bài học cay đắng sau khi Mỹ rút quân
rfi.fr

Từ Afghanistan đến Sài Gòn, bài học cay đắng sau khi Mỹ rút quân

Thụy My

Gần 20 năm sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín 2001, Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Afghanistan, để lại phía sau người dân trước đà tiến của quân Taliban. Trong bài « Các bài học đắng nghét của Afghanistan » đăng trên Les Echos, tác giả Dominique Moïsi không khỏi liên tưởng đến tình cảnh Sài Gòn sau khi Mỹ rút quân và rơi vào tay Bắc Việt.

Taliban như quân Bắc Việt ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975

Taliban sắp tràn vào Kaboul, như quân Bắc Việt ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975 ? Đà tiến của phe này nhanh hơn cả những nhà quan sát bi quan nhất có thể nghĩ. Hơn một ngàn binh lính của quân đội Afghanistan vừa bỏ ngũ, mang theo vũ khí và hành lý chạy sang Tadjikistan. Không còn ưu thế từ không lực Hoa Kỳ, không được tình báo hỗ trợ, họ trở nên yếu thế trước một Taliban đầy kiên quyết.

Thêm một lần nữa, Afghanistan xứng đáng với biệt danh « nghĩa trang của các đế quốc ». Bây giờ sẽ đến lượt ai ? Trung Quốc sẽ tiếp nối Hy Lạp, Mông Cổ, Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ và các đồng minh chăng ? Bắc Kinh nhìn sang Afghanistan khi Mỹ triệt thoái, vừa thèm thuồng vừa lo ngại. Washington đã mệt mỏi và muốn giữ khoảng cách với một Trung Đông quá tốn kém mà chẳng mang lại lợi lộc gì trong 20 năm qua. Gần đến ngày kỷ niệm 11 tháng Chín, Mỹ cho rằng đã đến lúc phải « đóng cửa tiệm », dù nhiệm vụ chưa hoàn thành cũng chẳng sao.

Anh nhà giàu mới nổi Trung Quốc muốn lấp khoảng trống người Mỹ để lại, đồng thời tránh được sai lầm của những người đi trước. Bắc Kinh có thể làm được không, hay có chọn lựa nào khác không ? Nếu Afghanistan rơi vào hỗn loạn, sẽ là trở ngại lớn cho « Con đường tơ lụa mới ». Hồi giáo cực đoan nắm quyền ở Kaboul có thể sẽ ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trước khi trở thành căn cứ địa cho khủng bố chống phương Tây. Tái thiết Afghanistan thông qua Pakistan và Taliban, mà không cần hiện diện quân sự ; đổ nhiều tiền vào để bớt đổ máu của người Trung Quốc ? Liệu đến lượt Trung Quốc chuẩn bị trải nghiệm cái giá của cường quốc ?

Trung Quốc sẽ trả cái giá để làm cường quốc khu vực ?

Trước khi lao vào cuộc phiêu lưu, Bắc Kinh cần ngẫm nghĩ về thất bại của chính sách can thiệp phương Tây. Từ cuối Đệ nhị Thế chiến, chính sách này gồm ba giai đoạn.

Trong thời chiến tranh lạnh, dưới mối đe dọa vũ khí nguyên tử, mỗi bên có những con cờ ở châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ la-tinh và châu Á, thường là thông qua các cuộc chiến tranh « ủy nhiệm ». Khi chiến tranh lạnh kết thúc, thất bại của phương Tây trong việc chận trước cuộc diệt chủng ở Rwanda hay các vụ thảm sát ở vùng Balkan, càng củng cố niềm tin của những người quan niệm có « nghĩa vụ can thiệp ». Một nghĩa vụ rõ ràng không tránh khỏi sau các sự kiện ngày 11 tháng Chín 2001, vì bảo vệ các dân tộc khác khỏi sự cuồng tín và tàn bạo cũng là bảo vệ chính mình. Nhưng người ta quên mất người dân tại chỗ : những thiệt hại liên đới mà họ phải gánh chịu cũng như mạng sống của họ không được coi trọng bằng những người đi giải phóng mình.

Năm 2021, với thất bại của phương Tây tại Afghanistan và của Pháp tại Sahel, một chương thứ ba trong chính sách can thiệp được mở ra. Đó là sự hồi tưởng về những gì diễn ra trong thời hậu chiến ở Việt Nam, cùng với sự xuất hiện một nhân tố quan trọng là Trung Quốc. Phụ nữ Afghanistan là nạn nhân chính của quyết định rút lui của Mỹ, bên cạnh đó còn có các phiên dịch của liên minh cùng với gia đình họ, tổng cộng trên 120.000 người. Bỏ rơi họ, là dành cho họ bản án tử. Theo tác giả, phương Tây có trách nhiệm cho họ tị nạn và giúp đỡ, một cuộc ra đi không kèm theo chiến thắng không nên là một cuộc ra đi đáng xấu hổ.

Ai có thể ngăn được Taliban ?

Cũng về Afghanistan, La Croix đặt câu hỏi « Liệu có thể ngăn được Taliban hay không ? ». Theo chuyên gia George Lefeuvre, giờ đây không gì có thể ngăn cản được phe này ngoài chính họ.

Nếu thập niên 90 Taliban bị cô lập trên trường quốc tế, thì nay họ rất muốn có được một sự nhìn nhận, và điều này khó thể xảy ra nếu thâu tóm toàn bộ quyền lực. Lý do thứ hai là phải thay đổi hình ảnh quá đỗi tệ hại hiện nay, thế nên các chỉ huy Taliban được lệnh phải xử sự đúng mực để không làm người dân sợ hãi.

Còn về vai trò các cường quốc khu vực, Iran không mấy vui khi một chế độ Sunni ngự trị bên sườn phía đông, nhưng lại ít sợ Taliban hơn là IS (Daech, tổ chức Nhà nước Hồi giáo) có xu hướng quốc tế hóa. Iran hy vọng tìm được một giải pháp lưng chừng : Taliban không nắm trọn quyền, nhưng Afghanistan không lại rơi vào bất ổn khiến kẻ thù IS bắt rễ được. Vấn đề là Teheran không có phương tiện logistic lẫn quân sự để cản bước tiến của Taliban.

Nga có cùng mối quan ngại về IS. Trước mắt Matxcơva muốn chận lại quân Taliban ngoài biên giới để bảo đảm an ninh cho Tadjikistan và Uzbekistan, hai « sân sau » của Nga sát cạnh. Còn Pakistan cũng không muốn Taliban thống trị nước láng giềng.

Biến chủng Delta và nguy cơ đợt dịch thứ tư tại Pháp

Nỗi lo một đợt dịch Covid thứ tư chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Pháp hôm nay. La Croix cảnh báo « Một mùa hè dưới sự đe dọa của các biến chủng », Le Figaro nhận định « Vac-xin, hộ chiếu dịch tễ : Macron đến lúc phải chọn lựa ». Les Echos chạy tựa « Vac-xin : Tổ chức chống chọi với các biến chủng ».

Quay lại với đại dịch Covid, biến chủng Delta là vị khách không chờ đợi đối với Pháp trước lễ Quốc khánh. Sáng nay hội đồng cố vấn dịch tễ họp để quyết định các biện pháp mới, và đến tối tổng thống Emmanuel Macron đọc bài diễn văn trên truyền hình cho biết cụ thể kế hoạch chống một đợt dịch thứ tư. Le Figaro ghi nhận lẽ ra đây là dịp để ấn định mục tiêu cho 10 tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, nay ưu tiên được dành cho việc chống dịch.  

Có nên bắt buộc tiêm chủng, ít nhất là với nhân viên y tế, hay chấm dứt việc miễn phí xét nghiệm virus corona ? Nước Pháp đã có những tranh cãi với nhiều quyết định bất nhất từ khi đại dịch khởi đầu cách đây 18 tháng. Trong khi kinh nghiệm cho thấy đây là cuộc chạy đua với con virus, hiệu quả của các biện pháp tùy thuộc vào việc nhanh chóng thực hiện. Tỉ lệ dân số được chích ngừa càng cao thì virus lây nhiễm chậm hơn và ít biến đổi hơn.

Sắp đến kỳ nghỉ hè, nhưng nỗi lo về mùa tựu trường vẫn trong tâm trí mọi người. Không ai muốn sống lại cơn ác mộng cũ, và hậu quả không chỉ về kinh tế. Tổng thống Macron đã cam kết cải cách đất nước cho đến những giờ phút cuối cùng của nhiệm kỳ, nhưng cuộc chiến lớn nhất vẫn là chống chọi với đại dịch xuất phát từ Vũ Hán, và người dân Pháp không cho phép ông thất trận.

Covid : Chưa có người dân Haiti nào được tiêm chủng

Le Monde nhìn ra thế giới với nhận xét « Tiêm chủng : Nguy cơ rạn vỡ Bắc-Nam ». Tờ báo tố cáo chỉ có 1% trong số 3,3 tỉ liều vac-xin trên thế giới được giao cho các nước nghèo.

Trên lý thuyết, phải chích ngừa cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, như vậy thế giới cần 11 tỉ liều vac-xin. Tuy nhiên nếu phân phối không công bằng, mục tiêu này không thể đạt được trước năm 2023. Cơ chế Covax đến nay đã cung ứng 100 triệu liều cho 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng nguồn cung đã chựng lại trong tháng này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo động « Thế giới đang trên đà thất bại ». Châu Phi là nơi nhận được ít vac-xin nhất.

Đặc biệt tại Haiti, không có người dân nào được tiêm chủng. Về mặt chính thức, Haiti có 18.658 ca nhiễm và 436 trường hợp tử vong, nhưng con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Nước này có rất ít trung tâm xét nghiệm, và giá xét nghiệm rất đắt : 60 đến 90 đô la, trong khi thu nhập tối thiểu hàng ngày chỉ có 2 đô la ! Cả nước chỉ có 300 giường hồi sức, và nhiều bệnh viện đã quá tải. Bệnh viện của Y sĩ Không biên giới vừa đóng cửa sau khi dính những loạt đạn lạc, và các băng nhóm ngăn trở việc giao hàng của hai trung tâm ô-xy gần sân bay. Bộ Y Tế từ 24/06 đã cho phép tư nhân nhập khẩu vac-xin chống Covid, tuy nhiên có nguy cơ gặp phải vac-xin giả vì Haiti không có cơ sở kiểm nghiệm nào.

Tổng thống bị ám sát, Haiti sa lầy vào đấu tranh quyền lực

Về mặt chính trị, La Croix cho biết sau khi tổng thống Jovenel Moise bị ám sát hôm 07/07, đã có liên tiếp ba người kế nhiệm tạm thời, trong lúc chưa hội đủ điều kiện tổ chức một cuộc bầu cử mới. Thủ tướng mãn nhiệm Claude Joseph lập tức tự tuyên bố phụ trách công việc. Nhưng hai ngày trước khi chết, tổng thống Moise đã chỉ định thủ tướng mới là Ariel Henry, tuy nhiên việc bổ nhiệm ông Henry đến 05/07 mới được đăng trên Công báo.

Thượng Viện tối 09/07 ra nghị quyết để đưa chủ tịch Joseph Lambert lên làm tổng thống lâm thời. Vấn đề là ông Moise chưa hề tổ chức bầu nghị viện từ khi lên nắm quyền năm 2017, hơn nữa vị phu nhân nay trở thành góa bụa cũng bày tỏ tham vọng. Thủ tướng Claude Joseph kêu gọi Mỹ can thiệp, nhưng Washington không đáp ứng. Lính Mỹ đã đặt chân lên Haiti từ 1915 đến 1934 sau khi tổng thống thời đó là Vilbrun Guillaume Sam bị ám sát, nhưng cuộc chiếm đóng này không mang lại kết quả như hy vọng.

Chính phủ phương Tây « nghèo » hơn Nhà nước Trung Quốc

Liên quan đến địa chính trị, một vấn đề mà các báo Pháp vẫn bàn luận lâu nay « Làm thế nào để đối phó với thách thức Trung Quốc ? » lần này được nhà kinh tế Thomas Piketty đề cập trên Le Monde.

Theo ông Piketty, độc tài và đàn áp, chế độ Bắc Kinh hẳn nhiên có nhiều điểm yếu, dù cố khẳng định « ưu việt » hơn các nền dân chủ phương Tây với các cử tri hay thay đổi, dễ chịu ảnh hưởng. Trung Quốc ngày càng trở nên một chế độ độc tài kỹ thuật số hoàn hảo, quá hoàn hảo đến nỗi không ai muốn noi theo. Giám sát toàn bộ các mạng xã hội, đàn áp đối lập và các nhóm thiểu số, tàn bạo với Hồng Kông, đe dọa Đài Loan… Bắc Kinh khó thu hút được dư luận các nước. Cần phải kể thêm dân số lão hóa nhanh, sự thiếu minh bạch trong phân bổ nguồn lực, bất bình đẳng xã hội…

Tuy nhiên chế độ Bắc Kinh có ưu thế vững chắc về kinh tế tài chính. Nhà nước Trung Quốc có tích sản nhiều hơn nợ, hiện sở hữu 30% tài sản quốc gia (10% địa ốc, 50% doanh nghiệp). Ngược lại, các Nhà nước phương Tây lại nghèo hơn, nhiều tài sản do tư nhân nắm giữ. Kinh tế gia này cho rằng nên đánh thuế nặng hơn đối với người giàu để đầu tư vào giáo dục, y tế, môi trường và phát triển, vì nếu các chính phủ phương Tây yếu đi có nghĩa là tăng thêm sức mạnh cho mô hình Trung Quốc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn