Bí ẩn sự biến mất của các nền văn minh cổ đại

Thứ Hai, 19 Tháng Bảy 20215:00 SA(Xem: 2249)
Bí ẩn sự biến mất của các nền văn minh cổ đại

Bất chấp nỗ lực của các nhà khảo cổ và sử gia, sự sụp đổ một số nền văn minh trong lịch sử loài người vẫn là ẩn số.

Những nền văn minh cổ đại biến mất bí ẩn

  • Thành Troy – hư hay thực
  • Văn hóa Harappa – những pháo đài bằng đất sét nung
  • Và nền văn minh Maya
  • Nền văn minh Chan Chan
  • Nền văn minh thung lũng Indus, Pakistan
  • Đế chế Khmer, Campuchia
  • Anasazi, New Mexico, Mỹ
  • Nền văn minh Olmec, Mexico
  • Đế chế Aksumite, Ethiopia
  • Nền văn minh Minoans, đảo Crete
  • Nền văn minh Cucuteni – Trypillian, Ukraine & Romania
  • Nền văn minh của người Nabatean, Jordan
  • Cahokia, Illinois, Mỹ
  • Nền văn minh Mycenae, Hy Lạp
  • Nền văn minh Moche, Peru
  • Nền văn minh Clovis, Bắc Mỹ
  • Nền văn minh của người Yam
  • Nền văn minh của người Kush
  • Nền văn minh Dilmun
  • Nền văn minh Elam
  • Nền văn minh Norte Chico
  • Nền văn minh Punt

Thành Troy – hư hay thực

Câu chuyện về thành Troy được gắn liền với hai trường thi của Homer: Iliad và Odyssey trong thần thoại Hy Lạp. Trong khi rất nhiều các nền văn minh cổ đại để lại di tích vật chất cho hậu thế thì thành Troy được coi như một câu chuyện trong trí tưởng tượng của người xưa bởi trên trái đất thời hiện đại, người ta không thấy dấu vết của bức thành gắn liền với cuộc chiến tranh bất hủ và con ngựa gỗ huyền thoại.


Tàn tích của thành Troy

Thế nhưng theo những nghiên cứu mới đây của các nhà sử học, thành Troy là có thật. Họ khẳng định rằng cách đây hơn 3.000 năm, thành Troy nằm trên một đỉnh đồi, gần bến cảng thông ra biển Aegae (hiện cảng này đã bị cát vùi lấp). Khi những nhà buôn Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha dong thuyền từ biển Aegae tới Biển Đen, họ đều dừng chân ở Troy để tiếp tế lương thực và giải trí. Những dấu tích khảo cổ học mới được phát hiện như: mảnh thuyền và cọc sắt nằm rải rác dưới những lớp đất cách thành Troy (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) khoảng 4 km là bằng chứng cho thấy chiến thuyền Hy Lạp đã từng đậu ở đây trước khi tấn công vào thành, giống như lời kể của Homer trong anh hùng ca Iliad.


Con ngựa gỗ thành Troy trong truyền thuyết.

Vì sao thành Troy biến mất? Đó là câu hỏi mà nhiều thế hệ các nhà khoa học mất công đi tìm câu trả lời.

Giáo sư vật lý Amos Nur tại Đại học Stanford, Mỹ cho biết: “Chúng tôi tin rằng các thảm họa tự nhiên, đặc biệt là động đất, đã đóng vai trò quan trọng trong sự mất tích bí ẩn của nhiều nền văn minh”. Các nhà khoa học khác của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ lại phát triển một giả thuyết hoàn toàn khác. Khi nghiên cứu vùng phía đông Địa Trung Hải ở cuối thời kỳ đồ đồng, họ cho rằng một trận động đất lớn có thể là thủ phạm chính đằng sau sự biến mất của nhiều thành phố như Troy, Mycenae và Knossos. Các thành phố này đã bị quét khỏi bản đồ thế giới trong khoảng năm 1.225 – 1.175 trước Công nguyên. Và luận điểm này đã được Hiệp hội Địa lý, Vật lý Mỹ ủng hộ.

Văn hóa Harappa – những pháo đài bằng đất sét nung

Một nền văn minh cổ đại nằm trong tổng thể các nền văn minh Sông Ấn là một nền văn minh thời Cổ đại phát triển vào khoảng thời gian từ năm 2.800 đến năm 1.800 trước Công nguyên. Sử sách còn ghi nhận sự phát triển cao của nền văn minh này về sự phát triển kinh tế, thương mại, nông nghiệp, nghệ thuật, chữ viết… Nhưng nền văn hóa này đã biến mất mà nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa rõ nhưng hàng loạt đền thờ được phát hiện đã chứng minh cho sự tồn tại.

Giả thuyết phổ biến nhất là do người du mục Arian (tiếng Anh: Aryan) xuất hiện và đánh chiếm. Giả thuyết thứ hai được nhiều người chấp nhận là về những biến đổi khí hậu. Vào khoảng 1.800 năm trước Công nguyên, khí hậu trong lưu vực sông Ấn thay đổi, trở nên lạnh và khô hơn, sông Ghaggra-Hakra trở nên khô cạn làm biến đổi kiến tạo mảng, nguồn nước của hệ thống sông bị chuyển hướng về đồng bằng sông Hằng dẫn đến sự suy tàn của nền văn minh Harappa.

Các thuyết khác cho rằng sự suy tàn của nền văn minh sông Ấn có liên quan đến việc vương quốc người Sumer chấm dứt và các quan hệ buôn bán với vương quốc này đã không còn nữa, hay xung đột quân sự và bệnh tật đã chấm dứt nền văn hóa này. Nguyên nhân quyết định cho sự suy vong vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Giáo sư Amos Nur và đồng nghiệp Prasad, khi xem xét lịch sử địa chấn, đã nhận thấy có những trận động đất thảm khốc đổ xuống vùng ven biển gần biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan. Theo giả thuyết của họ, một hoặc nhiều chấn động lớn có thể đã làm vỏ trái đất di chuyển, kéo theo việc chặn dòng chảy của một con sông lớn trong vùng. Nền sản xuất nông nghiệp bị phá hủy, các trận lụt nghiêm trọng xảy ra và cuối cùng vùi lấp các thành phố dưới bùn lầy.


Những tường thành của văn hóa Harappa. (Ảnh: Globalheritagefund)

Và nền văn minh Maya

Maya là nền văn minh cổ đặc sắc bên cạnh nền văn minh Andes, được xây dựng bởi người Maya, một bộ tộc thổ dân châu Mỹ từ năm 1.000 trước Công nguyên. Nền văn minh Maya đạt một trình độ cao không những về lĩnh vực xây dựng nhà nước mà còn phát triển rực rỡ cả lĩnh vực kiến trúc, toán học, thiên văn học và tính toán thời gian. Những di tích khảo cổ học đã chứng minh người Maya đã phát triển khái niệm “số 0” vào năm 357, sớm hơn châu Âu khoảng gần 900 năm, xác định chính xác độ dài của một năm, thời gian trái đất quay hết một vòng quanh mặt trời, chính xác hơn rất nhiều lịch được châu Âu sử dụng vào thời đó. Không những thế, tôn giáo của người Maya cũng rất đặc biệt vì có sự kết hợp giữa lễ nghi với các chu kỳ của vũ trụ.


Hình minh họa bộ lịch Tzolk’in của người Maya. (Ảnh: yucatanadventure)

Cùng chung số phận với thành Troy và văn minh Harappa, hai thành phố Quirigua (Đông Guatemala ngày nay) và Benque Viejo, vốn là trung tâm văn hóa của người Maya trong thời kỳ đỉnh cao, đột ngột biến mất vào cuối thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên. Nhiều nhà sử học trên thế giới cho rằng sự biến mất này là hậu quả của những cuộc chiến liên miên, ban đầu là ngay trong bộ tộc của người Maya nhằm tranh giành quyền lực và sau đó là của người Maya chống lại sự xâm lăng mang tên đế quốc Tây Ban Nha. Nhưng kết quả nghiên cứu của nhà địa – vật lý Robert Kovach lại cho chúng ta một nguyên nhân hủy diệt khác: một trận động đất kinh hoàng.

Nền văn minh Chan Chan

Theo các tài liệu nghiên cứu, nền văn minh Chan Chan khởi nguồn từ năm 850 trước Công nguyên và trải qua giai đoạn cực thịnh trong những năm đầu thế kỷ 15.


Nền văn minh Chan Chan

Tuy nhiên, nền văn minh này đã bị lụi tàn khi đế chế Inca xâm lược. Ngày nay nhân loại vẫn trầm trồ trước những tàn tích của nền văn minh Chan Chan như những hình vẽ khổng lồ, kỳ dị trên cao nguyên Nazca.

Người ta đưa ra rất nhiều giả thuyết xung quanh những hình vẽ. Nhiều người tin rằng những hình vẽ kỳ dị ấy là cách thức để người xưa liên lạc với sinh vật ngoài hành tinh.

Những cơn giận dữ của hành tinh vốn là nguyên nhân của đổ nát nhưng đến nay, đây còn được xác định là nguyên nhân dẫn đến sự mất tích bí hiểm của nhiều nền văn minh trong lịch sử loài người.

Nền văn minh thung lũng Indus, Pakistan

Nền văn minh thung lũng Indus là một trong những kỳ quan kiến trúc vĩ đại nhất do con người sáng tạo ra trong thế giới cổ đại (được biết đến với mức độ ảnh hưởng như là nền văn minh Harappan). Đây là một trong các đô thị lớn nhất trên lục địa.

Nền văn minh thung lũng Indus, Pakistan
Nền văn minh thung lũng Indus, Pakistan

Nằm ở vị trí Pakistan ngày nay, nền văn minh thung lũng Indus phát triển mạnh cách đây 4.500 năm và sau đó bị lãng quên cho đến khi di tích được khai quật vào những năm 1920.

Với các công nghệ tinh vi và tiên tiến, nền văn minh này nổi bật với hệ thống vệ sinh môi trường đô thị cũng như bằng chứng về trình độ đáng ngạc nhiên trong kỹ thuật, toán học và thậm chí là nha khoa.

Vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, nền văn minh thung lũng Indus hầu như đã bị lãng quên, có thể là sau cuộc xâm lược của các bộ tộc Ấn-Âu hay sự sụp đổ trong nông nghiệp do biến đổi khí hậu.

Đế chế Khmer, Campuchia

Là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, nên nền văn minh Khmer ảnh hưởng từ đất nước Campuchia ngày nay cho đến Lào, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Malaysia. Ngày nay, nó được biết đến với tên gọi Angkor.

Ngoài những di tích khắc trên đá thì không có bất kỳ chứng tích bằng văn bản nào tồn tại, do vậy hiểu biết của chúng ta về nền văn minh cổ đại này chỉ được chắp ghép từ các điều tra khảo cổ học, phù điêu trên bức tường trong các ngôi đền và các tài liệu bên ngoài bao gồm cả tài liệu của Trung Quốc.

Đế chế Khmer, Campuchia
Đế chế Khmer, Campuchia

Người Khmer áp dụng cả Ấn Độ giáo lẫn Phật giáo vào xây dựng các ngôi đền, tòa tháp và các cấu trúc phức tạp khác như Angkor Wat chỉ để thờ thần Vishnu.

Các cuộc xâm chiếm của kẻ thù, tử vong do bệnh dịch hạch, các vấn đề về quản lý nguồn nước ảnh hưởng đến nông nghiệp và xung đột về quyền lực giữa các gia đình trong hoàng tộc có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tàn lụi của đế chế này.

Anasazi, New Mexico, Mỹ

Anasazi” là tên hiện đại của người dân Pueblo cổ đại, những người dân sống ở khu vực “Ngã tư” (Four Corners) của Đông Nam Hoa Kỳ tại đường giao nhau của các tiểu bang Utah, Arizona, New Mexico và Colorado.

Nền văn minh của họ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên, và vẫn còn được biết đến với những cấu trúc bằng đá và gạch xây dựng dọc theo các vách đá bao gồm Cliff Palace trong Công viên quốc gia Mesa Verde, những tàn tích của Nhà Trắng (White House Ruins) và Pueblo Bonito tại mép phía Bắc của Chaco Canyon. Kiến trúc này được phát triển thành chung cư nhiều tầng mà thường chỉ có thể đi vào bằng dây thừng hoặc thang.

Anasazi, New Mexico, Mỹ
Anasazi, New Mexico, Mỹ

Người Pueblo cổ đại không nhất thiết phải “biến mất“, tuy nhiên, họ đã từ bỏ quê hương của mình vì những lý do mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Nhiều chuyên gia cũng như những người Pueblo hiện đại – những người coi người Pueblo cổ đại như tổ tiên của mình tin rằng nạn phá rừng và hạn hán đã gây ra xung đột nội bộ và chiến tranh đã khiến người Pueblo rời bỏ quê hương.

Nền văn minh Olmec, Mexico

Veracruz và Tabasco ở vùng đất thấp nhiệt đới phía nam miền trung Mexico đã từng là một nền văn minh lớn mạnh tiền Columbia – nơi xây dựng nên những thủ phủ khổng lồ đáng kinh ngạc, nơi diễn ra các cuộc đổ máu và sự hy sinh của con người, nơi phát minh ra khái niệm về số không và về cơ bản đặt nền móngcho mọi nền văn hóa Trung Mỹ.

Nền văn minh Olmec, Mexico
Nền văn minh Olmec, Mexico

Nền văn minh Olmec thậm chí có thể là nền văn minh đầu tiên tại Tây bán cầu đã phát triển hệ thống chữ viết, và có thể là đã phát minh ra cả la bàn và lịch Trung Mỹ. Có niên đại khoảng 1.500 năm trước Công nguyên, nền văn minh Olmec đã không được phát hiện bởi các sử gia cho đến giữa thế kỷ 19. Sự biến mất của nó được cho là do những thay đổi môi trường gây ra bởi các vụ phun trào núi lửa, động đất hoặc có thể là do sự suy yếu về nông nghiệp.

Đế chế Aksumite, Ethiopia

Một đế chế có hoạt động thương mại chủ yếu với đế chế La Mã và Ấn Độ cổ là Đế chế Aksumite – còn được gọi là Vương quốc Aksum hoặc Axum – cai trị các nước ở Tây Bắc Châu Phi bao gồm cả nước Ethiopia từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Đế chế Aksumite, Ethiopia
Đế chế Aksumite, Ethiopia

Từng được cho là quê hương của nữ hoàng Sheba, đế quốc Aksumite có thể là một nước bản địa phát triển hùng mạnh của châu Phi bao gồm hầu hết Eritrea ngày nay, miền Bắc Ethiopia, Yemen, miền Nam A-rập Xê-út và miền bắc Sudan.

Vương quốc ở Ethiopia này không phải là thần thoại, nó từng thực sự là một cường quốc về thương mại. Nhờ tiếp cận được cả sông Nile lẫn các tuyến đường giao thương ở Biển Đỏ, thương mại của Aksum rất phát đạt, và vào đầu Công nguyên, phần lớn người Ethiopia nằm dưới quyền cai trị của Aksum. Sức mạnh và sự thịnh vượng của Aksum cho phép họ mở rộng sang cả Arập. Vào thế kỷ thứ 3, một nhà triết học Ba Tư đã viết rằng Aksum là một trong 4 vương quốc lớn nhất thế giới, bên cạnh Rome, Trung Quốc và Ba Tư.

Aksum đã chấp nhận Cơ đốc giáo không lâu sau Đế chế La Mã và tiếp tục phát triển mạnh trong suốt đầu thời kỳ Trung Cổ. Nếu không phải vì đạo Hồi được mở rộng, Aksum đã có thể tiếp tục thống trị Đông Phi. Sau cuộc chinh phục bờ Biển Đỏ của người Arập, Aksum đã đánh mất lợi thế giao thương chính của mình vào tay những quốc gia láng giềng. Lẽ dĩ nhiên, họ chỉ có thể tự trách chính mình. Chỉ vài thập kỷ trước đó, vị vua của Aksum đã cho phép những người tin theo Thánh Muhammad tị nạn, do đó đã tạo điều kiện cho một tôn giáo phá hủy chính đế chế của mình.

Nền văn minh Minoans, đảo Crete

Được đặt theo tên của vua Minos huyền thoại, nền văn minh Minoan của đảo Crete được tái phát hiện vào đầu thế kỷ 20, và kể từ đó đã phát hiện thêm ra các mảnh ghép hấp dẫn của một nền văn minh cổ đại bắt đầu phát triển mạnh từ hơn 7.000 năm trước đây. Đỉnh cao của nó vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên.

Nền văn minh Minoans, đảo Crete
Nền văn minh Minoans, đảo Crete

Là một trong những trung tâm thương mại xuất hiện vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên, và được cho là nền văn minh tiên tiến với những cung điện nguy nga được xây dựng lại nhiều lần sau hàng loạt thiên tai (có thể là động đất và núi lửa Thera phun trào).

Một trong những cung điện đó là cung điện Knossos, “mê cung” gắn liền với truyền thuyết về vua Minos, và hiện tại là một địa điểm khảo cổ lớn thu hút khách du lịch. Nhưng vào khoảng năm 1450 trước Công nguyên, một thảm họa đã khiến cho nền văn minh Minoans không thể phục hồi và sụp đổ.

Nền văn minh Cucuteni – Trypillian, Ukraine & Romania

Các khu định cư lớn nhất ở Châu Âu thời kỳ đồ đá mới được xây dựng bởi những người Cucuteni Trypillian của Ukraine, Romania và Moldova ngày nay. Nền văn minh bí ẩn này phát triển mạnh vào giữa năm 5500 trước Công nguyên và năm 2750 trước Công nguyên với đặc trưng là làm gốm và thói quen kỳ lạ cứ sau 60 đến 80 năm lại đốt làng của mình.

Nền văn minh Cucuteni - Trypillian, Ukraine & Romania
Nền văn minh Cucuteni – Trypillian, Ukraine & Romania

Các ngôi làng sau đó được xây dựng lại trên đống tro tàn của ngôi làng cũ. Khoảng 3.000 địa điểm khảo cổ về Cucuteni – Trypillian đã được xác định. Giống như nhiều nền văn minh khác, nền văn minh Cucuteni – Trypillian có thể đã bị xóa sổ bởi biến đổi khí hậu, nhưng có giả thuyết khác cho rằng họ dần dần hòa lẫn với các nhóm dân tộc khác cho đến khi nền văn hóa riêng của họ biến mất.

Nền văn minh của người Nabatean, Jordan

Nền văn minh Nabatean cổ đại ngụ tại miền Nam Jordan, Canaan và phía Bắc Arabia từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, khi mà những người du mục Nabatean nói tiếng Aramaic bắt đầu di cư khỏi Ả Rập.

Các di tích về họ được khắc vào các tảng sa thạch trên các ngọn núi của Jordan, và được nhớ đến với kỹ thuật thủy lợi. Việc quản lý hệ thống phức tạp các đập nước, kênh rạch và hồ chứa đã giúp họ mở rộng và phát triển mạnh trong một khu vực sa mạc khô cằn.

Nền văn minh của người Nabatean, Jordan
Nền văn minh của người Nabatean, Jordan

Họ đã bị xâm lược bởi những người La Mã vào năm 65 trước Công nguyên và mất quyền làm chủ đất nước vào năm 106 sau Công nguyên. Sau đó, đổi tên thành vương quốc Arabia Petrea.

Vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, người Nabateans đã rời bỏ Petra mà cho đến nay vẫn chưa tìm được lý do chính xác khiến họ ra đi. Người ta tin rằng, sau nhiều thế kỷ bị người nước ngoài cầm quyền, nền văn minh Nabatean đã bị tàn lụi do các nhóm nông dân người Hy Lạp cuối cùng đã chuyển đổi sang Thiên Chúa giáo trước khi đất đai của họ bị thu giữ hoàn toàn bởi những kẻ xâm lược người Ả Rập.

Cahokia, Illinois, Mỹ

Rất ít người Mỹ nhận ra rằng có tàn tích của một nền văn minh cổ đại biến mất ngay tại Mỹ – ở Illinois, ngay bên kia sông Mississippi, từ St Louis, Missouri.

Ngọn núi Cahokia là tất cả những gì còn lại của một nền văn minh bản địa của người Mississippi. Những cư dân của Cahokia không lưu giữ lại văn bản mà bảo quản di sản thế giới này bằng những mô đất nhân tạo phủ đầy cỏ cũng như bằng đồ gốm và các đồ chế tác khác.

Cahokia, Illinois, Mỹ
Cahokia, Illinois, Mỹ

Cahokia đã từng là trung tâm đô thị lớn nhất phía Bắc Trung Mỹ trong số những thành phố lớn của Mexico và có thể đã từng là nơi cư ngụ của khoảng 40.000 người vào năm 1250. Cahokia đã bị xóa sổ khoảng 100 năm trước khi người châu Âu đến Bắc Mỹ, có thể do các yếu tố môi trường hoặc do các cuộc xâm lược của những dân tộc khác.

Nền văn minh Mycenae, Hy Lạp

Không giống như người Minoan, người Mycenae không phát triển mạnh về thương mại. Đỉnh cao của nền văn minh này là vào khoảng thời gian nền văn minh Minoan biến mất.

Nền văn minh Mycenaean đã từng phải chịu đựng sự thống trị trong 5 thế kỷ trước khi biến mất vào khoảng năm 1100 trước Công nguyên.

Nền văn minh Mycenae, Hy Lạp
Nền văn minh Mycenae, Hy Lạp

Theo huyền thoại Hy Lạp, Mycenae đã đánh bại thành Troy thần thoại. Các đồ tạo tác của đế chế này đã được tìm thấy ở vùng đất Ireland xa xôi.

Trong thực tế, nền văn minh với sự hùng mạnh về cả văn hóa lẫn kinh tế này đã bỏ lại đằng sau sự giàu có về kiến trúc, nghệ thuật và đồ chế tác. Điều gì đã xảy ra với để chế Mycenae? Có thể là do thiên tai, nhưng hầu hết các chuyên gia tin rằng đó có thể là do những kẻ xâm lược nước ngoài hay là do xung đột nội bộ đã dẫn đến sự biến mất của đế chế.

Nền văn minh Moche, Peru

Nền văn minh Moche đã phát triển một xã hội nông nghiệp hoàn hảo với các cung điện, kim tự tháp và các kênh mương tưới tiêu phức tạp trên bờ biển phía Bắc của Peru vào khoảng từ năm 100 đến năm 800.

Mặc dù họ không có tài liệu lưu giữ bằng văn bản nhưng đã để lại một vài manh mối về lịch sử của họ. Đó là những món đồ gốm vô cùng chi tiết, tinh xảo và những công trình kiến trúc hoành tráng.

Nền văn minh Moche, Peru
Nền văn minh Moche, Peru

Vào năm 2006, một căn phòng của người Moche đã được phát hiện và dường như căn phòng này đã được sử dụng để lưu giữ hài cốt của con người.

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra xoay quanh lý do tại sao nền văn minh Moche lại biến mất, nhưng lời giải thích phổ biến nhất là do ảnh hưởng của El Nino, một mô hình thời tiết khắc nghiệt với đặc điểm xen kẽ thời gian lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt.

Nền văn minh Clovis, Bắc Mỹ

Rất ít người biết về người Clovis, một tộc người Ấn Độ thời tiền sử được cho là các cư dân đầu tiên của Bắc Mỹ.

Các đồ chế tác, xương và lưỡi dao bằng đá là những đầu mối duy nhất cho rằng nền văn minh này đã từng tồn tại.

Nền văn minh Clovis, Bắc Mỹ
Nền văn minh Clovis, Bắc Mỹ

Trong 30 năm qua, những tàn tích về hoạt động của con người cổ đại đã được phát hiện, nhưng lý do họ biến mất vẫn còn trong bí ẩn. Một số suy đoán cho rằng người Clovis đã săn bắn quá nhiều khiến ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm của họ, hoặc do sự thay đổi khí hậu, bệnh tật và thú dữ đã lấy đi nguồn thực phẩm của họ.

Những người khác tin rằng người Clovis không hoàn toàn biến mất, mà chỉ đơn giản phân tán vào các bộ lạc người Mỹ bản địa.

Nền văn minh của người Yam

Vương quốc Yam có lẽ đã tồn tại như là một đối tác buôn bán và đối địch với Vương quốc Ai Cập cổ, nhưng vị trí chính xác của nó vẫn khó đoán biết không khác gì thần thoại về lục địa Atlantis. Dựa trên những câu viết trên mộ của nhà thám hiểm Ai Cập Harkhuf, dường như Yam là một vùng đất của “hương trầm, gỗ mun, da báo, ngà voi và boomerang”.

Tranh vẽ người Yam
Tranh vẽ người Yam. (Ảnh: westshore.hs.brevard.k12.fl.us).

Bất chấp tuyên bố của Harhuf về những chuyến đi trên đất liền kéo dài hơn 7 tháng, các nhà Ai Cập học từ lâu đã xác định vùng đất của những chiếc boomerang chỉ cách sông Nile vài trăm dặm. Hiểu biết thông thường là không có cách nào người Ai Cập có thể băng qua dải đất khắc nghiệt của sa mạc Sahara. Cũng có những câu hỏi về điều người ta tìm được ở bên kia của Sahara. Nhưng có lẽ nó đã đánh giá thấp các thương nhân Ai Cập cổ đại, vì những chữ tượng hình mới được phát hiện gần đây cách sông Nile khoảng 700km về phía tây nam đã xác nhận sự tồn tại của việc giao thương giữa Yam và Ai Cập cũng như chỉ ra vị trí của Yam là phía bắc cao nguyên Chad.

Chính xác người Ai Cập đã băng qua hàng nghìn dặm trên sa mạc trước khi bánh xe ra đời và chỉ với những chú lừa thồ hàng vẫn còn là điều khó hiểu. Nhưng ít nhất điểm đến của họ không còn bị che giấu trong màn bí mật nữa.

Nền văn minh của người Kush

Được người đời biết đến từ các nguồn thông tin Ai Cập cổ đại vì có rất nhiều vàng và các loại tài nguyên thiên nhiên đáng giá khác, Kush đã bị người láng giềng phương Bắc Ai Cập chinh phục và khai thác trong gần một nửa thiên niên kỷ (khoảng 1500 – 1000 trước Công nguyên). Nhưng nguồn gốc của Kush còn sâu xa hơn thế – các vết tích cổ từ năm 8000 trước Công nguyên đã được phát hiện ở khu vực kinh đô Kerma, và vào đầu những năm 2400 trước Công nguyên, Kush đã có một xã hội phức tạp và gắn kết cao độ với nền nông nghiệp trên quy mô lớn.

Vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, sự bất ổn ở Ai Cập đã cho phép người Kush giành lại cho mình độc lập. Và một trong những cuộc xoay chuyển vận mệnh ngoạn mục nhất của lịch sử, Kush đã chinh phục Ai Cập vào năm 750 trước Công nguyên. Trong thế kỷ sau, một loạt các vị pharaoh của Kush đã cai trị một vùng lãnh thổ lớn hơn nhiều những người tiền nhiệm Ai Cập của họ. Chính những nhà cai trị của Kush đã phục hồi công cuộc xây dựng các kim tự tháp và đưa các công trình này sang Sudan. Người Kush cuối cùng đã bị quét khỏi Ai Cập bởi cuộc xâm lược của quân Assyrian, chấm dứt hàng thế kỷ trao đổi văn hóa Ai Cập và Kush.

Người Kush đã chạy trốn xuống phía Nam và tái lập đất nước của mình ở Meroe trên bờ đông nam của sông Nile. Tại Meroe, người Kush thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Ai Cập và phát triển chữ viết của riêng mình, hiện được gọi là Meroitic. Loại chữ này vẫn còn là một bí ẩn và chưa được giải mã, mang theo bóng tối của phần lớn lịch sử Kush. Vị vua cuối cùng của Kush chết vào năm 200 sau Công nguyên, dù nguyên do vì đâu vương quốc của ông đi xuống và sụp đổ vẫn chưa có lời giải đáp.

Nền văn minh Dilmun

Từng là khu giao thương quan trọng vào thời hoàng kim, Dilmun bao trùm Bahrain, Kuwait và một phần của Ả Rập Saudi ngày nay. Tuy chưa có nhiều bằng chứng, các học giả tin rằng một số khu vực như Saar và Qal’at al-Bahrain là nơi định cư của người Dilmun cổ đại. Nhiều cổ vật có niên đại từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên được tìm thấy ở Saar củng cố cho giả thuyết trên.

Người Dilmun kiểm soát các tuyến giao thương ở vịnh Ba Tư và hệ thống liên lạc vươn xa tới tận Thổ Nhĩ Kỳ. Rất nhiều dòng suối chảy qua khu vực này khiến Bahrain huyền thoại được coi là Vườn Địa đàng trong Kinh Thánh. Được mô tả là “vùng đất nơi mặt trời mọc lên”, Dilmun đóng vai trò quan trọng trong truyền thuyết của người Summer.

Nền văn minh Elam

Dù tự gọi mình là Haltam, “Elam” xuất phát từ tên trong tiếng Do Thái cổ của từ Haltam. Nền văn minh Elam chủ nếu nằm trên lãnh thổ Iran ngày nay và một phần nhỏ của Iraq. Là một trong những nền văn minh cổ xưa nhất, Elam hình thành từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và là nền văn minh cổ nhất Iran.


Di tích còn lại của vương quốc Elam cổ xưa. (Ảnh: Amazingbibletimeline.)

Nằm dọc biên giới Sumer và Akkad, địa hình Elam tương tự như những người hàng xóm nhưng có ngôn ngữ độc đáo. Elam đã tồn tại như vương quốc độc lập suốt hơn một thiên niên kỷ nhưng chúng ta biết rất ít về họ vì các tài liệu cổ của người Elam không ghi lại các truyền thuyết, văn học hay thành tựu khoa học mà chủ yếu ca ngợi đức vua và ban bố lệnh. Do đó, họ có tác động không lớn tới sự phát triển của các nền văn minh hiện đại so với Ai Cập và Sumer.

Nền văn minh Norte Chico

Bắt đầu hình thành vào thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên và tồn tại trong hơn 1.200 năm, Norte Chico được coi là nền văn minh cổ nhất Nam Mỹ, bao trùm khu vực ngày nay là Peru. Vương quốc Norte Chico có 20 thành phố lớn với kiến trúc và nền nông nghiệp tiên tiến. Họ còn phát triển hệ thống tưới tiêu phức tạp chưa từng có ở châu Mỹ vào thời kỳ đó.

Các hiện vật tôn giáo được tìm thấy khắp khu vực, nhiều nhất là gần các kim tự tháp đá nổi tiếng của người Norte Chico. Nền văn minh này có ảnh hưởng đáng kể tới văn hóa Nam Mỹ sau này, như nền văn minh Chavin hình thành vài trăm năm sau khi Norte Chicos tàn lụi.

Nền văn minh Punt

Là đối tác giao thương với Ai Cập cổ đại, vùng đất của người Punt nổi tiếng với hương liệu, gỗ mun và vàng, nằm ở đâu đó trong khoảng từ Nam Phi tới bờ biển Trung Đông. Dù người Ai Cập mô tả kỹ lưỡng địa hình và con người của vương quốc Punt, họ không chỉ rõ vị trí của nền văn minh cổ xưa này.

Nền văn minh Punt
Người Punt cung cấp hương liệu, gỗ mun và vàng cho Ai Cập cổ. (Ảnh: Harmakis).

Phần lớn các hiểu biết của chúng ta về người Punt có được nhờ thời Hatshepsut, nữ Pharaoh trị vì Ai Cập trong khoảng thế kỷ 15 trước Công nguyên. Các bức phù điêu trong đền thờ bà ghi lại một chuyến giao thương tới Punt, với chi tiết độc đáo như hình ảnh các ngôi nhà hình tổ ong.

Một bức tranh trên tường ngôi đền mô tả cảnh Hatshepsut nhận những món quà tuyệt vời từ vùng đất mê hoặc này. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được vị trí chính xác của vương quốc Punt, dù có nhiều hiện vật của Ai Cập cổ mô tả về nơi này.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn