Hỏa táng người chết đã tồn tại từ ít nhất 9.000 năm trước

Thứ Năm, 15 Tháng Bảy 20217:00 SA(Xem: 2308)
Hỏa táng người chết đã tồn tại từ ít nhất 9.000 năm trước
manh-xuong-bi-hoa-tang

Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí PLOS One tiết lộ tập tục hỏa táng đã được con người sử dụng từ thời đại đồ đá mới.

Nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà khảo cổ học Fanny Bocquentin từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp dẫn đầu hôm 12/8 báo cáo phát hiện những bằng chứng trực tiếp cho thấy con người cổ đại tại khu vực Beisamoun ở Israel đã bắt đầu sử dụng hình thức an táng người chết bằng cách thiêu xác từ cách đây ít nhất 7.000 năm trước Công nguyên.

“Nhờ sự tham gia của các nhà nhân chủng học được đào tạo bài bản, chúng tôi ngay lập tức xác định được bộ xương người bị cháy và mọi sự chú ý đều tập trung vào việc khai quật hố hỏa táng”, Bocquentin trả lời UPI trong thư điện tử.

Cuộc khai quật đã phát hiện tổng cộng 355 mảnh xương. Theo kết quả phân tích hình ảnh tiên tiến, nhóm nghiên cứu xác định chúng thuộc về một thanh niên bị thương bởi đạn đá vài tháng trước khi chết.

Vị trí của xương cho thấy hài cốt được đặt ở tư thế ngồi trong hố thiêu và giữ nguyên như vậy trong suốt quá trình hỏa táng. Các phép đo quang phổ cho thấy nhiệt độ trong hố có thể lên tới 700°C.

Đầu thiên niên kỷ thứ 7 trước Công nguyên, người dân ở khu vực Levant – một vùng rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải – đã bắt đầu trồng trọt và chăn nuôi nhưng họ vẫn săn bắn để kiếm ăn. Bằng chứng khảo cổ cho thấy các cộng đồng dân cư trong khu vực vào thời điểm đó bị cô lập hơn so với tổ tiên của họ, nhưng một số tương tác xã hội vẫn tồn tại, chẳng hạn như đạn đá ở Beisamoun được nhập khẩu từ Capadoccia cách đó khoảng 1.000km, theo nhóm nghiên cứu.

Hiện tại, Beisamoun là nơi duy nhất phát hiện hố hỏa táng 9.000 năm tuổi, nhưng các nhà nghiên cứu trước đây đã tìm thấy bằng chứng về việc làm khô xương – bước được thực hiện trước khi hỏa táng – tại một địa điểm khác ở Jordan. Một cuộc khai quật khác ở Syria cũng tiết lộ những hố thiêu tương tự có niên đại muộn hơn, cách đây khoảng 6.500 năm trước Công nguyên.

“Đó chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Phải có sự liên hệ giữa những cộng đồng này”, Bocquentin nhấn mạnh. “Beisamoun là bằng chứng về sự chuyển đổi trong phong tục an táng ở Levant”.

Trong các thời kỳ trước, người chết thường được chôn cất, chờ phân hủy và sau đó bốc mộ để sắp xếp lại xương. Đôi khi hộp sọ được lấy ra để sơn lại khuôn mặt bằng vôi, sau đó được chôn cất lại tại một ngôi mộ khác cùng với những bộ xương khác. Quá trình này tốn nhiều công sức và thời gian. Tập tục hỏa táng ra đời như một giải pháp đẩy nhanh quá trình phân hủy xác. Bên cạnh đó, các hài cốt cũng không cần di dời sau khi chôn cất, nhóm nghiên cứu giải thích.

Theo Khoa học

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn