Vụ ném bom khiến Hungary buộc tham gia Đệ Nhị Thế Chiến

Thứ Tư, 16 Tháng Sáu 202110:00 SA(Xem: 2292)
Vụ ném bom khiến Hungary buộc tham gia Đệ Nhị Thế Chiến
rfi.fr

Bí ẩn lịch sử : Vụ ném bom khiến Hungary buộc tham gia Đệ Nhị Thế Chiến

Hoàng Nguyễn

Tròn 80 năm trước, những chiếc máy bay lạ mặt ồ ạt không kích thành phố cổ Kassa của Vương quốc Hungary (nay là Košice của Slovakia). Tổng cộng, 29 trái bom được ném xuống đô thị này, khiến 32 cư dân thiệt mạng và 80 người bị thương. Sự việc diễn ra chỉ vỏn vẹn 4 ngày sau khi phát-xít Đức tấn công Liên Xô vào rạng sáng 22/6/1941.

Mặc dù không thật rõ ngọn nguồn, nhưng nội các Bárdossy khi đó của Hungary vẫn coi đó là hành vi xâm lược của Liên bang Xô Viết, và lập tức tuyên chiến với Liên Xô. Vụ oach tạc Kassa nhờ vậy là yếu tố quyết định khiến Vương quốc Hungary tham gia Đệ Nhị Thế Chiến, hơn 1 năm rưỡi sau khi cuộc chiến này bùng nổ vào ngày 1/9/1939 với cuộc tấn công của Đức quốc xã nhằm vào Ba Lan.

Thân Đức để “báo thù”

Vụ ném bom không rõ nguồn gốc này, cho tới nay, vẫn chưa có lời giải đáp, và thuộc vào hàng những bí ẩn nổi tiếng nhất và để lại hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử Hungary. Dầu khó tránh được việc phải tham chiến và đứng về phe Đệ tam Đế chế, nhưng những trái bom ném xuống Kassa đã góp phần khiến nước Hung, một lần nữa, trở thành đất nước tổn thất bậc nhất sau cuộc Thế chiến này.

Để hiểu được nguồn cơn câu chuyện, cần trở về những ngày tháng của mùa hè 1920, khi Vương quốc Hungary - thành viên nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung - bị “phe thắng cuộc” áp buộc ký kết Hiệp định hòa bình Trianon, khiến nước này đánh mất 2/3 diện tích đất nước và 2/3 dân số khi đó. Hungary còn bị giải trừ quân bị và bị cấm sở hữu các vũ khí hạng nặng và binh chủng không quân.

“Quý vị giờ đây đã đào mồ chôn nước Hung, nhưng Hungary sẽ có mặt tại tang lễ của tất cả các quốc gia mà bây giờ đang đào nấm mồ cho nước Hung” - bá tước Apponyi Albert, nhà bác học và nhà ái quốc vĩ đại của Hungary, được mệnh danh là “Đại lão trượng vùng Trung Âu”, đã nói như vậy nhân ngày 4/6/1920 định mệnh. Cả dân tộc Hung sục sôi trong tâm cảm phải phục thù bằng mọi giá.

Không chấp nhận “nỗi đau Trianon”, không nhắm mắt trước cảnh nước Hung lịch sử trôi nổi bên bờ vực thẳm của sự chia cắt, Hungary phải tìm đến đồng minh là nước Đức Hitler, vốn cũng thuộc “phe thua cuộc”, để chấn hưng kinh tế và được vực dậy sau đòn đánh quá thảm khốc này. Tuy nhiên, lệ thuộc vào kinh tế, ắt dẫn đến lệ thuộc vào chính trị với nước Đức đang cần đến “không gian sinh tồn”.

Sự lớn mạnh của các đảng phái, phong trào cực hữu theo chủ nghĩa xét lại ở Hungary khiến quốc gia do Nhiếp chính vương Horthy Miklós đứng đầu này ngày càng có sự gắn bó mật thiết với Đức. Bài xích người Do Thái để làm “đẹp lòng” Đức, nhờ sức ép của Đệ tam Đế chế, Hung được trả lại phân nửa diện tích đất đai bị cắt cho ngoại quốc qua hai hội nghị quốc tế ở Vienna (Áo) thời kỳ 1938-1940.

Nhưng chính giới Hungary không phải không biết rằng, nước Hung nên tránh chiến tranh. Trải nghiệm Đệ Nhất Thế Chiến, khi nước này buộc tham gia cuộc chiến chung của Đế chế Áo - Hung cho dù không có chút lợi lộc gì trong thực tế, khiến lãnh đạo Hung phải cân nhắc. Tuy nhiên, sau khi nỗ lực trung lập về quân sự gặp phải thất bại, sự “vào cuộc” của Hungary với Đức chỉ còn là vấn đề thời gian.

Vụ không kích Kassa

Sáng 26/6/1941, từ một phi đội máy bay không rõ nguồn gốc, những tay súng đã nhả đạn vào một đoàn tầu hỏa chạy từ Budapest, khiến 3 người chết và 6 người bị thương. Khả năng là vẫn chính 3 máy bay ấy, sau 13h chiều cùng ngày, chỉ trong vòng 2 phút, đã oanh tạc trên bầu trời Kassa, vốn là một trong 8 “thành phố hoàng gia tự do”của Vương quốc Hungary từ cuối thế kỷ 15, gây thiệt hại không nhỏ.

Vì Kassa là nơi tọa lạc căn cứ của Học viện Không quân Hungary, nên rất nhanh chóng, các chiến đấu cơ của Hung lập tức rượt đuổi theo 3 chiếc máy bay lạ, nhưng không tiếp cận được dưới khoảng cách 1km. Theo lời các nhân chứng, không ai phát hiện ra được xuất xứ của đội bay, nhưng sau vị ném bom, các chuyên gia quân sự tìm thấy 2 trái tác đạn không nổ và kết luận là khả năng là của Liên Xô.

Cho dù Tư lệnh Sân bay Kassa, ông Krúdy Ádám viết trong tường trình rằng có thể đây là các máy bay chiến đấu của Đức, nhưng điều này bị giấu kín trước nội các thân Đức của Thủ tướng Bárdossy László. Bầu không khí chính trị khi ấy rất căng thẳng : 4 hôm trước, Hitler vừa tấn công Liên Xô và quân đội các nước khi đó bị xem là thù địch với Hungary là Rumani và Slovakia cũng tham gia cuộc chiến đó.

Hungary bị đặt trước một bài toán khó : Liên Xô dường như muốn Vương quốc Hungary đứng ở vị trí trung lập, và thậm chí có thể ủng hộ nước này trong nỗ lực “xét lại”. Đồng thời, chính phủ Hung sợ rằng, Rumani và Slovakia do hiện diện trong chiến dịch “đánh nhanh, thắng nhanh” của Đức, sẽ có lợi thế trong việc giành lại những vùng đất mà Hungary đã nhận lại qua các hội nghị quốc tế ở Vienna.

Sau chiến thắng như chẻ tre của phát-xít Đức trong những ngày đầu trước Hồng quân, Bộ Tổng tư lệnh Hungary cho rằng cuộc tấn công Liên Xô có thể chỉ kéo dài vài tuần, giống như hồi Đức đánh Pháp, và do đó, Hungary có thể tham gia mà không hề hấn gì, thậm chí có thể còn có lợi về mặt lãnh thổ sau này. Ngay trong ngày 26/6, nội các Hungary nhóm họp và đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh.

Rạng sáng hôm sau, Vương quốc Hungary bước vào Đệ Nhị Thế Chiến sau khi Quốc Hội nước này thông qua quyết định “trả đũa”. Ngày 1/7/1941, 40 ngàn quân nhân Hungary được huy động tham gia cùng Đức quốc xã trong cuộc chiến chống Liên Xô mà khi đó, ít ai nghĩ là sẽ kéo dài nhiều năm, rốt cục dẫn đến thảm họa lớn nhất của Quân đội Hoàng gia Hungary, và của cả nước Hung ngàn năm tuổi.

Vì sao nên nỗi ?

Vụ không kích Kassa như là yếu tố làm bùng nổ chiến tranh với Hungary, sau 80 năm vẫn rất được giới sử học quan tâm, và là nguồn cơn của nhiều giả thuyết trái ngược. Khó tin được rằng đây là sự khiêu khích của Liên Xô, khi đó đang khốn đốn vì bị Đức tấn công và Stalin không có lợi lộc gì khi có thêm một kẻ thù, nhất là khi Ngoại trưởng Vyacheslav Molotov cũng đang đề nghị nước Hung hãy trung lập.

Nói về trái tạc đạn không nổ bị coi là của Liên Xô, điều này cũng không có gì chắc chắn vì khi đó, ở châu Âu, quân đội Tiệp Khắc, Nam Tư và Tây Ban Nha thời nội chiến cũng dùng loại vũ khí đó. Thế thì phải chăng, đây là âm mưu của Đức để buộc Hungary tham chiến cùng? Điều này cũng vô cơ sở vì trong những ngày đầu của chiến tranh, Đức quốc xã chưa hề cần Quân đội Hoàng gia Hungary phải hỗ trợ.

Hơn thế nữa, các phi đội máy bay của Không quân Đức (Luftwaffe) không xa lạ với dân Hung, vì trước đó đã nhiều lần họ được thấy, nên có thể phát hiện ngay. Giả thuyết các phần tử thân Đức của Vương quốc Hungary tự “thiết kế” một cuộc tấn công như vậy để có cớ “lâm trận” với phát-xít Đức cũng khá phi lý, vì nếu vậy, không khó khăn gì để máy bay Hung dội bom xuống chính căn cứ quân sự Hung!

Còn lại một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất cho tới giờ, là quả thực cuộc tấn công do Liên Xô thực hiện, nhưng họ nhầm lẫn địa chỉ! Vào thời điểm đó, Slovakia đã tham chiến cùng Đức và tại thành phố Eperjes về phía Bắc của Kassa, có một cứ điểm thông tin đáng kể của Đức tọa lạc. Rất có thể, máy bay Liên Xô do “trục trặc kỹ thuật”, đã nhầm Eperjes với Kassa, khi họ muốn triệt hạ cơ sở này của Đức.

Dầu sao đi nữa, khả năng này đã không được nội các thân Đức của Hungary để tâm đến, và nó cũng chỉ là một giả thuyết mà không ai có thể kiểm chứng được. Vụ ném bom Kassa khả năng vĩnh viễn sẽ là một bí ẩn của lịch sử, nhưng hậu quả của nó thì vô bờ : mặc dầu dự định vượt qua chiến tranh với tổn thất tối thiểu, nhưng tới năm 1944-45, Hungary trở thành vùng đệm của chiến sự Liên Xô - Đức.

Rốt cục, Vương quốc Hungary lại đại bại trong Đệ Nhị Thế Chiến: với Hiệp định Hòa bình Paris năm 1947, nước Hung đánh mất tất cả những vùng đất đã được nhận lại và còn mất thêm đất cho Tiệp Khắc, Hungary phải bồi hoàn chiến tranh và hậu quả dài lâu của cuộc chiến, là nước này nằm dưới ách thống trị của Liên Xô tới năm 1991, khi người lính cuối cùng của Hồng quân vĩnh viễn rời đất nước này ...

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn