Cảm nhận về lời trần tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Thứ Tư, 14 Tháng Hai 20181:30 SA(Xem: 5658)
Cảm nhận về lời trần tình của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Thạch Đạt Lang

Tôi đọc lá thư trần tình của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường với tựa đề Lời Cuối Cho Một Câu Chuyện Quá Buồn, được ông Nguyễn Quang Lập phổ biến trên facebook. Ông Tường thanh minh trong thư rằng, ông không hề hiện diện trong Thảm Sát Tết Mậu Thân tại Huế năm 1968.

Sự việc xẩy ra đã 50 năm. Thư trần tình của ông Tường được viết, phổ biến đúng vào dịp chế độ CS ăn mừng 50 năm chiến thắng của cuộc Tổng Công Kích như một lời biện hộ, phủ nhận sự có mặt cũng như trách nhiệm về cuộc thảm sát.

Chưa bao giờ tôi viết bài hay lên tiếng về biến cố đẫm máu, vô nhân, tàn bạo này, lý do tôi chỉ là một học sinh trung học, không sống ở Huế vào lúc thảm sát xẩy ra. Tuy nhiên những nhân chứng sống, những hình ảnh, thông tin đã chứng minh rõ ràng là cuộc Thảm Sát ở Huế, do cộng sản gây ra ở nhiều nơi như Bãi Dâu, Cồn Hến, trường tiểu học Gia Hội, Tiểu Chủng Viện, chùa Theravada…, đặc biệt là ở Khe Đá Mài với tổng cộng vài ngàn người chết là có thật, không hề do Mỹ, hay phía VNCH dựng lên.

H1-105
Hoàng Phủ Ngọc Tường (ngồi) và Nguyễn Đắc Xuân. Ảnh: internet

Trong phạm vi bài này, chỉ nói đến lá thư trần tình của ông Tường, không bàn đến những chuyện khác liên quan đến Thảm Sát Mậu Thân.

Thư ông Tường thật ra chỉ muốn gửi đến những “bà con bạn bè thương mến, những ai yêu mến, quen biết và quan tâm” đến ông. Tôi không quen biết, chẳng thương mến, không thù hận hay quan tâm gì đến ông, có điều ngứa mắt khi đọc những lời lẽ ông viết trong thư, nên lên tiếng.

Điều đầu tiên muốn nói, thư trần tình có một điểm son đáng “biểu dương” khi ông Tường thú nhận Thảm Sát Mậu Thân 1968 là một “sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng”, thế nhưng tựa đề Lời Cuối Cho Một Câu Chuyện Quá Buồn, ông Tường chỉ cho rằng Thảm Sát Mậu Thân là một câu chuyện quá buồn lại làm giảm giá trị lời thú nhận trên.

Quá buồn thôi ư? Mấy ngàn người dân vô tội, chết tức tưởi, oan uổng, người bị đập đầu bằng cuốc, xẻng, người bị trói bằng dây kẽm gai, bắn từ sau lưng mà ông Tường chỉ quá buồn. Hơn nữa, nỗi buồn không đến ngay với ông lúc biết tin, cũng không đến vào năm 1981 khi ông được Burchett và đoàn làm phim “Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” phỏng vấn. Mãi đến lúc gần đất, xa trời, năm 81 tuổi, ông Tường mới cảm thấy “quá buồn” khi chế độ CSVN rầm rộ tổ chức, mở lại bữa tiệc máu trên xác người dân VN.

Thư của ông Tường có 3 điểm, xin phân tích, nhận định từng điểm.

1. Ông Tường phủ nhận sự có mặt của mình trong thời gian quân CS chiếm thành phố Huế năm 1968. Tạm thời cứ tin như thế.

2. Ông Tường không nhận mình có mặt tại Huế trong lúc Thảm Sát Mậu Thân xẩy ra, nhưng vì quá hăng say, tin tưởng cách mạng nên đã gian dối, lấy lời kể chuyện của người khác làm chuyện của mình. Hành động này của ông Tường vào năm 1981-1982 nhằm kể công với “cách mạng” hay mục đích gì khác, có trời mới biết.

Chỉ biết rằng mãi 36 năm sau, ông Tường mới nhận rằng mình (duy nhất một lần?) đã sai lầm khi mạo nhận một việc vô cùng quan trọng trong cuộc đời, khiến cho những người dân Huế vốn “tin yêu” xa lánh ông.

Trong thư, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ nói rằng quá buồn thôi, rồi ông xin lỗi (ngàn lần), chứ ông cũng không hề bày tỏ sự ân hận, nuối tiếc về những điều mình đã làm. Ông HPN Tường dường như cố tình không hiểu rằng Xin Lỗi và Ân Hận là 2 điều khác hẳn nhau. Sau năm 1975 ông tiếp tục say máu hận thù để lên án Mỹ và chế độ VNCH bằng những lời nói gian đối, điêu ngoa.

Khác với trung úy William Calley – thủ phạm chính trong vụ tàn sát người dân ở thôn Sơn Mỹ, Mỹ Lai, tỉnh Quãng Ngãi ngày 16.03.1968, bị chính phủ Mỹ đưa ra tòa, xét xử vì tội ác chiến tranh, bị kết án – những kẻ nhúng tay hoặc ra lệnh cho Thảm Sát Mậu Thân 1968 vẫn được trọng dụng, thăng thưởng và hả hê với những chiến tích của mình.

Ông Tường đã không có đủ can đảm để nói lên bản chất của sự việc, Thảm Sát Mậu Thân là một chủ trương của CSVN nhằm gieo rắc khủng bố, kinh hoàng trong dân chúng miền Nam mà ông là môt người tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp, để rồi cuối đời mới lên tiếng trần tình, phủ nhận sự có mặt của mình trong thời gian cộng quân chiếm đóng trong thành phố Huế.

Trong thư, ông Tường thừa nhận Thảm Sát Mậu Thân 1968 ở Huế là có thật nhưng do “quân nổi dậy” vì hận thù nên nhiều người bị giết oan uổng. Chẳng có “quân nổi dậy” nào ở Huế cả, ông Tường đừng lộng ngôn. Không có người dân nào nổi dậy để chạy theo CS như ông viết, hơn nữa, là đảng viên đảng CS, ông Tường thừa hiều cách tổ chức, vận hành chính sách, đường lối của đảng CSVN, rằng cuộc Thảm Sát Mậu Thân chắc chắn phải có lệnh từ trung ương đảng, bởi không một cán bộ, đảng viên, sĩ quan quân đội CS, bất kỳ cấp bậc nào nào dám tự tiện hành động mà không có lệnh.

Thừa nhận “Thảm Sát Mậu Thân là sai lầm không thể biện bác trên quan điểm chiến tranh cách mạng và nhìn từ lương tâm dân tộc” nhưng lại đổ lỗi cho “quân nổi dậy”, ông Tường có mâu thuẫn không vậy? Bởi quân nổi dậy tất nhiên là quân ô hợp, khó chỉ huy, không có kỹ luật…như thế thì sao lại kết luận là sai lầm trên “quan điểm chiến tranh” và nhìn từ lương tâm dân tộc?

3. Sau khi thừa nhận sai lầm (vào lúc cuối đời) ông HPN Tường biết mình tự rước họa vào thân (cũng đáng khen) là còn sót lại chút liêm sỉ. Tuy nhiên, cho rằng những người chống cộng cực đoan căn cứ vào đó để quy kết, vu khống ông là tội phạm chiến tranh thì không đúng. Tôi không hận thù, không kết tội, gọi ông là Tên Đồ Tể Tết Mậu Thân như ông cựu thiếu tá cảnh sát Liên Thành, nhưng tôi có quyền đặt câu hỏi về những việc làm của ông trong thời gian đó.

Những người nghi ngờ, đặt câu hỏi về vai trò của ông Tường trong Thảm Sát Mậu Thân có quyền truy tố việc làm của ông, bởi chính bản thân ông tiền hậu bất nhất trong lời nói, hành động của mình trong biến cố này. Họ có quyền buộc tội ông, ông có quyền bào chữa, đưa ra chứng cớ, nhân chứng để biện minh cho sự vô tội của mình.

Cũng có ý kiến cho rằng, đến một thời điểm nào đó, mọi việc sẽ rõ ràng. Tôi không tin điều này, bởi 50 năm đã trôi qua, không còn bao nhiêu nhân chứng hiện diện trên đời, đó cũng là thời gian đủ để những người CSVN tìm cách thủ tiêu, xóa bỏ hết những bằng chứng của tội ác diệt chủng mà họ đã làm trong Thảm Sát Mậu Thân.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì theo tôi, chỉ có tòa án lương tâm của chính ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là quan trọng nhất. Việc ông có tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp trong Thảm Sát Mậu Thân thì chỉ có cá nhân, đồng chí, thượng cấp của ông mới có câu trả lời chính xác.

Thư trần tình của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có chân tình cách nào đi nữa, cũng chỉ có giá trị như một lời Xin Lỗi lấy lệ, nửa vời, không hơn không kém.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn