Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nỗi ám ảnh Mậu Thân 68 ( Bài hay, nhưng cái kêt lòi đuôi Vẹm ác )

Thứ Hai, 12 Tháng Hai 201811:00 CH(Xem: 5452)
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nỗi ám ảnh Mậu Thân 68 ( Bài hay, nhưng cái kêt lòi đuôi Vẹm ác )

FB Hoàng Hải Vân

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Xin nói leo chút về câu chuyện Mậu Thân 68 mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa có bài viết đăng trên fb của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Gửi tâm sự đến những người yêu mến hoặc quan tâm đến mình, ông Tường chính thức phủ nhận vai trò trong cuộc của ông trong sự kiện Mậu Thân 68 ở Huế – điều mà ông tự nhận khi phát biểu trong bộ phim “Việt nam một thiên lịch sử truyền hình”. Tóm lại, những gì ông nói là ông đã chứng kiến chỉ là những điều ông nghe kể lại, vì trong sự kiện này ông đã không có mặt ở Huế.

Vì sự mạo nhận đó và vì câu này “cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. Đó là năm 1981, khi còn hăng say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Đó là sự nguỵ biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968”, ông cho đó là 2 sai lầm của mình và đã có một kết luận nặng nề đối với bản thân : “Tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của nhiều người dân Huế đối với tôi, tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng cực đoan vu khống và qui kết tôi như một tội phạm chiến tranh”. Có nghĩa là, ông không tham gia sự kiện Mậu Thân ở Huế, và ông đã lỡ đổ tội cho Mỹ, nay ông cải chính lại rằng “không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra”, sở dĩ ông nói lỡ lời vì lúc nói câu này ông “còn hăng say với cách mạng”.

Tôi nghĩ dù không có sự cải chính này thì chẳng có người tử tế nào có thể quy kết ông “như một tội phạm chiến tranh” được. Vấn đề là vì sao nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trí thức đáng kính, lại có thể mạo nhận và lỡ lời như vậy ?

Tôi không dám suy đoán về những gì mà tôi không biết. Tôi chỉ nhớ lại một chi tiết mà bản thân tôi có “dính” một chút xíu vào thời điểm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát biểu “mạo nhận” và “lỡ lời” trên bộ phim nói trên. Hồi ấy tôi vừa ở bộ đội về. Một hôm nhà thơ Phan Duy Nhân (người bị bắn gãy chân và bị bắt trong sự kiện Mậu Thân ở Đà Nẵng, sau này làm Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ) mang một tờ giấy đến nhờ tôi đánh máy giúp (vì tôi biết đánh máy chữ và đánh ít khi bị lỗi). Đó là bản Xác nhận quá trình tham gia cách mạng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, do anh Phan Duy Nhân “lôi kéo” và tổ chức. Tôi hỏi anh Nhân, rằng anh Tường là nhà văn nổi tiếng, đã thoát ly tham gia cách mạng rồi thì cần cái bản xác nhận này để làm gì, anh Nhân nói, ông ấy đang xin vào Đảng, cần cái xác nhận này để bổ sung lý lịch. Tôi thắc mắc, ảnh nổi tiếng thế sao giờ vẫn chưa vào Đảng, anh Nhân nói người ta phải xét tới xét lui rất lằng nhằng.

Hồi đó tôi mới quen một anh bạn, lớn tuổi hơn tôi, đó là anh Phú – bạn thân với bạn của tôi là Nguyễn Khoa Chiến. Anh Phú trước năm 1975 là thiếu úy quân đội VNCH, bảo vệ nhà máy điện Hội An. Anh Phú là cơ sở cách mạng thuộc Ban Binh vận. Sau 29-3-1975, anh đến trình diện đi học tập cải tạo như mọi sĩ quan khác mà không hề khai mình là cơ sở cách mạng, cũng chẳng nhờ ai nói với tổ chức đến can thiệp. Mãi đến khi mấy ông lãnh đạo Binh vận biết mới đến can thiệp nhận anh về. Sau này anh làm công nhân, tuy đời sống khó khăn nhưng sống tự do tự tại. Có lần tôi hỏi anh, răng không nói người ta xác nhận, anh nói chuyện cũ rồi, xác nhận làm chi nữa. Anh Phú trở thành bạn thân suốt đời của tôi, anh thân với tôi mà chưa bao giờ hỏi tôi làm nghề gì, có chức tước gì không. Có lần anh chở tôi trên một chiếc xe đạp, bị chiếc ô tô đâm vào, cả hai anh em đều bị xây sướt chảy máu, chiếc xe đạp thì cong quẹo lại, người lái xe xuống xe đến đỡ dậy, xin lỗi và xin được bồi thường. Anh Phú cười khoác tay, không cần đâu, nói xong anh vác xe đạp về nhà. Khi đánh máy xong cái giấy, tôi kể anh Phan Duy Nhân nghe chuyện này mà không hề bình phẩm gì về ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng anh Nhân vẫn mắng tôi cực đoan, nói rằng ông Tường có hoàn cảnh khó khăn của ông ấy. Nhưng anh lại vô cùng quý mến anh Phú, coi anh Phú là bạn thân của anh, ai là bạn thân của tôi anh đều quý, đều coi là bạn của mình.

Tôi không biết cái giấy xác nhận kia có phải ông Tường nhờ hay là anh Nhân tự làm, ông Tường có dùng cái giấy xác nhận kia hay không tôi cũng không biết. Nhắc lại chuyện này tôi hoàn toàn không hề có ý nghĩ xấu về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trong thời kỳ đó, rất nhiều người cần cái giấy xác nhận như vậy để tự vệ, để khỏi bị địa phương hoặc cơ quan phân biệt đối xử, để con cái có điều kiện thuận lợi học tập, để có cơ hội được thăng tiến bình thường chính đáng. Nếu như tại thời điểm đó nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không mạo nhận và không lỡ lời …

Chi tiết này cho thấy, cho đến lúc đó (1981), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn chưa phải là đảng viên cộng sản. Nó cũng cho thấy, thời kỳ Mâu Thân 68, dù ông ấy có vào Huế hay không thì cũng không thể có vai trò và trách nhiệm gì như những người chống lại ông đồn thổi. Nhưng điều tôi muốn đề cập là ở chỗ khác.

Khi ấy, ông ấy đang “hăng say với cách mạng”, sự “hăng say” đó trùng hợp với thời điểm ông ấy muốn vào Đảng. Theo tôi nghĩ và theo tôi hiểu, thì “hăng say cách mạng” thì trước hết phải bằng tấm lòng ngay ngắn thành thật và quyết bảo vệ sự thật, nếu như anh tin cuộc cách mạng là chính nghĩa, nếu như anh tin dù cách mạng có sai lầm thì cũng vì chính nghĩa mà sai lầm, khi đã nhận ra sai lầm thì lập tức sửa sai. Bảo vệ chính nghĩa sao lại có thể mạo nhận, sao có thể thấy có nói không và thấy không nói có ?

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có công chúng hâm mộ và thiện cảm. Sẽ có người cảm thông và tiếp tục yêu mến ông, sẽ có người từng ghét ông quay ra thương ông vì những lời ông “sám hối”, sẽ có người thất vọng và sẽ có người quay lưng lại với ông sau lời trần tình cuối cùng này. Tôi không nói tôi đứng trong khuynh hướng nào. Tôi chỉ thấy trường hợp của ông không phải là cá biệt trong giới trí thức.

Còn sự thật về sự kiện Mậu Thân 68 thì đã có rất nhiều bàn cãi. Nhưng đó là chiến tranh. Sự thật của chiến tranh là nhiều người chết. Người ta chỉ có thể đứng về tổng thể mà nói bên này chính nghĩa còn bên kia phi nghĩa. Người lính bên này chết dĩ nhiên do bên kia giết (trừ trường hợp bị ngộ đạn của bên mình), còn dân thường chết thì bên nọ đổ lỗi cho bên kia nhằm tuyên truyền giành chính nghĩa. Tất nhiên tôi không phải là người làm báo ba phải, nên sẽ viết về những “sự thật” này trong một dịp khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn