Maldives trước nguy cơ bị “xóa sổ”

Chủ Nhật, 30 Tháng Năm 20211:00 CH(Xem: 3279)
Maldives trước nguy cơ bị “xóa sổ”

Giới chức Cộng hòa Maldives vừa cảnh báo nước này có thể biến mất trước năm 2100 nếu thế giới không nhanh chóng hợp tác ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

329114662_2d48863b15_o

Đảo san hô Addu là nơi cao nhất ở Maldives. Ảnh: padi.com

Nói với Kênh CNBC hôm 18-5, Bộ trưởng Công nghệ, Biến đổi khí hậu và Môi trường Maldives Aminath Shauna cho rằng nếu tổn hại môi trường vẫn tiếp diễn với mức như hiện nay, đến cuối thế kỷ này đất nước của bà “sẽ không còn tồn tại”. “Biến đổi khí hậu là có thật và chúng tôi là quốc gia có nguy cơ cao nhất trên thế giới”, bà Shauna nhấn mạnh.

Với bãi biển cát trắng và làn nước xanh thẳm, Maldives là một trong những điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng hàng đầu thế giới. Nước này có địa hình bằng phẳng và không có hòn đảo nào cao hơn 2,4m so với mực nước biển. Hiện nay, 80% trong số 1.190 hòn đảo san hô của Maldives cao hơn mực nước biển chưa tới 1m, nên chúng rất dễ tổn thương trước tình trạng mực nước biển dâng. Theo bà Shauna, 90% số đảo hiện đã bị ngập lụt và 97% xói mòn bờ biển.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính trước năm 2050, 80% dân số trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, giới khoa học dự báo mực nước biển có thể dâng thêm 1,1m trước năm 2100. Nếu những dự báo này chính xác, Maldives có thể trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước biển dâng còn liên quan đến các yếu tố khí hậu khác, bao gồm bão ngày càng mạnh hơn, dẫn đến xói mòn bờ biển, làm giảm nguồn cung nước sạch và mất môi trường sống.

Những giải pháp ứng phó

Thời gian qua, đảo quốc Nam Á này đã triển khai nhiều giải pháp thích ứng để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như các công trình bảo vệ bờ biển và những chương trình cộng đồng nhằm thúc đẩy khả năng chống chịu, phục hồi. Giới khoa học ước tính mực nước biển đã tăng 20cm trong thế kỷ 20 và điều này là hung tin đối với 515.000 người dân ở Maldives. Một số nghiên cứu chỉ ra Maldives có thể biến mất dần từ năm 2030 đến hết thế kỷ 21. Do vậy, người dân trên các đảo buộc phải di cư để tránh thảm họa.

Được biết, Chính phủ Maldives đang xây dựng ít nhất 3 đảo nhân tạo để đối phó với tình trạng mực nước biển dâng. Trong đó, Hulhumale có thể trở thành nơi cư trú cho người dân Maldives. Đảo nhân tạo này tọa lạc gần thủ đô Male và có độ cao 2m so với mực nước biển. Hiện có 50.000 người đang sinh sống tại hòn đảo rộng 4km2 này và trong tương lai con số đó có thể tăng lên 200.000 người.

Hồi tháng 10-2009, nội các Maldives thậm chí thực hiện một cuộc họp có một không hai - họp dưới đáy biển. Khi đó, Tổng thống Mohamed Nasheed cùng 11 Bộ trưởng, Phó Tổng thống và Chánh văn phòng Nội các đã đeo bình dưỡng khí, mặc đồ bơi chuyên dụng để lặn dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 4-5m so với mực nước biển và tổ chức cuộc họp nhằm cảnh báo thế giới về tình trạng biến đổi khí hậu. Những người tham gia cuộc họp đã cùng ký tên vào một văn bản kêu gọi các quốc gia trên thế giới cắt giảm lượng khí thải carbon, “thủ phạm” chính gây ra hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng lên, làm băng ở Bắc Cực, Nam Cực tan ra và nước biển dâng cao. Cựu Tổng thống Nasheed cũng từng công bố kế hoạch táo bạo về việc mua một “mảnh đất mới” cho 350.000 công dân Maldives sinh sống, đề phòng việc quần đảo này bị nhấn chìm trong nước biển do biến đổi khí hậu.

Trong số gần 1.200 hòn đảo của Maldives, khoảng 200 đảo có người ở. Trong đó, Male với diện tích gần 6km2 (nằm trên đảo Kafuu) là nơi tập trung nhiều dân cư nhất, ước tính hơn 100.000 người. Những hòn đảo còn lại được sử dụng cho các hoạt động khác nhau, chủ yếu là du lịch. Mỗi năm, quốc gia nhỏ bé này thường đón khoảng 1,7 triệu du khách. Theo dữ liệu từ Đại học bang Michigan của Mỹ, du lịch đóng góp tới 28% tổng sản phẩm quốc nội của Maldives. Đây là một trong những nước có mức đóng góp của du lịch vào nền kinh tế cao nhất thế giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn