• Bùi Thị Quỳnh Hoa
  • Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ

Börries Gallasch

Nguồn hình ảnh, Alice Kelley

Chụp lại hình ảnh,

Börries Gallasch

Mùa Thu năm 1979, Börries Gallasch đang là phóng viên của Der Spiegel tại London.

Ông Nguyễn Văn Thiệu lúc bấy giờ cũng đang sống cùng vợ tại căn nhà mang tên Nhà trắng ( The White House) ở khu ngoại ô London.

Ông Thiệu mang trong lòng nỗi đau khổ vì bị giới cầm quyền và người Mỹ chán ghét, cho rằng ông là nhân vật cản trở cho hoà bình tại Việt nam.

Thực sự ông muốn hoà bình theo cách của ông hiểu, để hai miền đầu tiên được tự do buôn bán, trao đổi tình cảm, thư từ rồi sau đó mới là thống nhất về phương thức chính trị lãnh đạo, cho nên ông quyết liệt phản đối hiệp định Paris.

Người Mỹ đã quá chán ghét chiến tranh, họ muốn đi ra thật nhanh trong danh dự. Còn để người Việt tự giải quyết với nhau vì cuộc chiến đã mang danh Việt Nam hoá chiến tranh. Tổng thống Nixon tuy có hứa hẹn sẽ vẫn hỗ trợ cho ông Thiệu nhưng vì để xảy ra vụ Watergate nên ông Nixon cũng phải đối mặt với những khó khăn cho bản thân trước quốc hội.

Người Mỹ gây áp lực cho ông Thiệu từ chức và ra đi để tổng thống Trần Văn Hương, sau đó là Tổng thống Dương Văn Mình lên nhận lãnh nhiệm vụ thương thuyết với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam...

'Như con chim bị trúng thương'

Rồi giờ đây khi ông chăn êm nệm ấm ở xứ sở sương mù thì binh lính của ông đang đau khổ trong trại cải tạo, đồng bào của ông bỏ nước ra đi hiện đang ở trại tị nạn khắp nơi và mang nỗi oán trách ông hèn nhát, rũ bỏ trách nhiệm ra đi mà không ai hiểu được cái thế của ông lúc bấy giờ.

Ông như con chim bị trúng thương. Cái lo lắng ưu tư của ông về thế sự của dân tộc đã thành sự thực cộng thêm cái lo lắng và e ngại với tất cả đám báo chí phương Tây, đang rất tò mò săn tin, đang mong ông sơ hở khi nói ra bất cứ câu tiếng Anh tối nghĩa gây hiểu lầm nào, để quất thêm vào ông, một chiến binh ngã ngựa, để đổ tội cho ông là nguyên nhân thua cuộc của cuộc chiến.

Người Mỹ muốn được xoa dịu là họ ít tội hơn. Báo NOW Anh quốc thậm chí còn gài ông khi ông trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh rằng, "bây giờ ông không còn quyền hành gì để giúp đồng bào thuyền nhân khắp nơi" thì họ lại viết thành " bây giờ tôi chẳng còn mắc mớ gì với họ nữa", ông trờ thành một người có trái tim bằng đá trong đôi mắt đồng bào ông. Khiến ông càng thêm ác cảm và cảnh giác đối với báo chí.

'Những điều kiện khắt khe'

... Và nhà báo Börries Gallasch của Der Spiegel đã đến với sự kiên nhẫn để thuyết phục rất khó khăn ròng rã hai tháng trời để cuối cùng ông Thiệu chấp nhận cuộc phỏng vấn với nhiều điều kiện khắt khe, thay đổi liên tục.

Börries Gallasch

Nguồn hình ảnh, Alice Kelley

Chụp lại hình ảnh,

Börries Gallasch

Và đây là lời kể của Alice Kelley Gallasch (vợ góa của Boerries) mà tôi biết được, về sự khó khăn đó:

"Trong lời mở đầu cho ấn bản ngày 10 tháng 12 năm 1979 của Der Spiegel, trong đó đăng bài phỏng vấn Nguyễn Văn Thiệu, có mô tả về các cuộc đàm phán cam go diễn ra trong khoảng thời gian hai tháng giữa Boerries và Thiệu, trước khi Boerries có thể đảm bảo cuộc phỏng vấn được thực hiện. Trước hết, Thiệu chỉ cho phép được gọi bằng tên Cơ đốc giáo của mình là "Martin."

Ông ta liên tục đưa ra những điều kiện mới. Ông ta phải nhận được một bản sao của mọi thứ. Cuộc phỏng vấn chỉ được đăng trên Der Spiegel. Mỗi trang của cuộc phỏng vấn phải được sự cho phép của Thiệu trước khi nó được xuất bản. Chỉ sau khi mọi chi tiết đã được thống nhất, các phóng viên của Der Spiegel là Johannes Engel và Heinz Lohfeldt, từ Hamburg bay đến London để thực hiện cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên của Thiệu kể từ khi ra khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975.

Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, hình chụp 1973

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Cuộc phỏng vấn diễn ra tại "Nhà Trắng", một ngôi nhà ở ngoại ô London, nơi ông ta đang sống. Sau khi cuộc phỏng vấn kéo dài bốn tiếng đồng hồ được hoàn thành và chép lại, Lohfeldt mang bản ghi lại cho Thiệu. Thiệu đã đọc qua nó và xem nó giống như một tài liệu chính thức, mỗi trang đều có chữ ký của Thiệu và Lohfeldt. "Boerries, vào thời điểm trong bệnh viện, đã cảnh báo rằng Thiệu có lẽ là đối tác phỏng vấn khó khăn nhất mà chúng ta từng gặp."

'Chỉ sống thêm 5 tháng nữa'

Lúc đó, Börries đang điều trị bệnh ung thư và đang ở trong hai năm cuối cùng của cuộc đời. Vào tháng 3 năm 1976, sau khi phát hiện ra bệnh, bác sĩ dự đoán anh chỉ sống thêm 5 tháng nữa. Anh đã không đầu hàng, với tinh thần làm việc không ngừng, vừa chữa trị vừa làm việc.

Anh vẫn chạy đi chạy lại giữa văn phòng của Der Spiegel gần Bảo tàng Anh Quốc để gọi điện thuyết phục ông Thiệu chấp nhận cuộc phỏng vấn. Và đã lại một lần nữa anh giúp cho người Việt Nam, cho cuộc chiến Việt nam được lên tiếng trên truyền thông quốc tế.

Sau đó ấn bản " Người Mỹ đã phản bội chúng tôi " ghi lại cuộc phỏng vấn nhiều tâm tư dài bốn giờ đồng hồ của cựu tổng thống Nguyễn văn Thiệu với tờ báo đọc, hàng tuần ra triệu bản, của Tây Đức Der Spiegel đã được phát đi gây tiếng vang cho tất cả những ai quan tâm đến cuộc chiến Việt nam trên thế giới và ít nhiều nó cũng làm cho các nhà làm chính sách kiêu ngạo Hoa Kỳ, như ông Henry Kissinger, phải nhìn nhận thận trọng hơn trong các chính sách khi quyết định tham dự vào nội bộ của bất cứ một quốc gia nào.

Đó là sự tham dự lớn cuối cùng của nhà báo quốc tế Börries Gallasch vào cuộc chiến Việt Nam, thân phận người Việt nam...

Trước lúc mất, Boerries nhận được bức điện tín từ nhà báo Tiziano Terzani, đồng nghiệp của anh hồi ở Việt nam.

Trong bức điện, Terzani nhắc lại sự giúp đỡ của Boerries cho việc đảm bảo thực hiện một cuộc phỏng vấn với cựu Tổng thống miền Nam Việt nam, Nguyễn Văn Thiệu cho đồng nghiệp Der Spiegel của anh tại Luân đôn . Tiziano Terzani viết:

" Ngưỡng mộ bạn trong việc đã tổ chức thành công cuộc phỏng vấn với ông Thiệu bao nhiêu thì tôi còn ngưỡng mộ sự chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo của bạn đã ngăn trở bạn không đi đến Nhà Trắng* để tự thực hiện được cuộc phỏng vấn này bấy nhiêu. Bạn là chiến binh vĩ đại nhất giữa những chiến binh mà tôi gặp trong đời, bao gồm cả những chiến binh của tướng Trần Văn Trà trong những ngày chúng ta còn ở Việt Nam".

'Như một nén hương tưởng niệm'

Gần hai năm sau, mùng 6 tháng 3 năm 1981, Börries Gallasch qua đời ở tuổi 37. Tuy cuộc sống ngắn ngủi nhưng Börries Gallasch đã tham dự vào hầu hết những sự kiện quan trọng trên thế giới ở các nước nghèo, các thuộc địa trong thế kỷ 20.

Ông đã thực hiện được giấc mơ thời tuổi trẻ là trở thành phóng viên quốc tế của mình.

Nhờ sự tham gia của ông vào sự kiện xảy ra ở Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975 đã khiến bà vợ goá Alice Kelley Gallasch của ông tìm đến Việt nam.

Bà đi về Việt Nam tìm gặp lại ân nhân xưa đã tin tưởng một nhà báo Châu Âu mà cho theo xe ra đài phát thanh Sài gòn, nên ông đã có một trải nghiệm về việc chuyển giao quyền lực tại Việt Nam khiến bất cứ nhà báo chiến trường nào cũng ngưỡng mộ và mong muốn được tham gia.

Sau đó gia đình nhà báo Börries và vị ân nhân - Chính ủy Bùi Văn Tùng đã trở thành những người bạn thân thiết. Và câu chuyện của ông liên quan đến người Việt nam tôi đã được nghe vợ ông Alice Kelley Gallasch, cựu chuyên viên cao cấp của hãng truyền hình ZDF Tây Đức tại Washington DC nói cho nghe và tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm kể ra cho chúng ta, người Việt nam, được biết.

Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày mất của ông, tôi kể câu chuyện này ra như một nén hương tưởng nhớ đến ông, một nhà báo ngoại quốc yêu quí Việt nam cũng như các nước nghèo thuộc địa trên thế giới.

Tôi cũng muốn chứng minh rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc có lòng biết ơn chứ không phải như tổng thống Nixon đã chỉ trích ông Thiệu. Qua đây tôi cũng muốn chia sẻ nỗi thông cảm của hậu sinh đến ông Nguyễn Văn Thiệu, một người đàn ông Việt nam của thời cuộc.

Ông cũng đã mất tròn 20 năm. Cho dù lịch sử phán xét thế nào thì vì sự đoàn kết vững chắc của dân tộc Việt tôi vẫn mong chúng ta tìm hiểu và thông cảm cho "Tâm tư tổng thống Thiệu" (quyển sách cùng tên của Nguyễn Tiến Hưng, phụ tá kinh tế, kế hoạch của ông Thiệu từ 1973-1975) và tâm tư của tất cả các nhà lãnh đạo Việt Nam chính trực từng đã ở hai phía của cuộc chiến để có cái nhìn rộng mở, thương yêu và đúng đắn hơn cho một Việt nam thống nhất lòng người hoàn toàn trong hiện tại và tương lai.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, con gái của cựu Chính ủy Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Bùi Văn Tùng. Tác giả hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ.