Trích đăng từ Tài liệu: Những trận chiến cuối cùng 30/4/1975 của trang nhà mauaotran.blogspot.com

https://bienxua.files.wordpress.com/2021/04/87a19-42bvung2bchien2bthuat.jpg

22.4.1975: Trận chiến Tây Ninh

23.4.1975 Dàn xếp tình hình VNCH- Cuộc họp tại Bộ Tổng Tham Mưu

23.4.1975: Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn Từ Chức

25.4.1975: Trận chiến Bình Dương

26.4.1975: Kịch chiến ở Bà Rịa

27.4.1975: Sư Đoàn 3BB giữ Bà Rịa

27.4.1975: Bầu Tân Tổng Thống Trần Văn Hương

27.4.1975: Tân Cảng Sàigòn

27.4.1975: Kịch chiến tại Bà Rịa, Nhơn Trạch, Trảng Bom

28.4.1975: Tại Dinh Độc Lập, cụ Trần Văn Hương trao quyền Tổng thống VNCH cho ông Dương Văn Minh theo quyết định của Quốc hội VNCH trong phiên họp chiều ngày 27/4/1975

28.4.1975: Sư Đoàn 5BB tử chiến tại Bình Dương

*

22.4.1975: Trận Chiến Tây Ninh

51139216733_ba209335bd_z

Tình hình tại Tây Ninh

-Sau khi lực lượng VNCH rút khỏi Xuân Lộc, An Lộc và Chơn Thành, áp lực của Cộng quân gia tăng đáng kể từ nhiều hướng nhắm vào Sài Gòn. Quốc lộ 22 nối Củ Chi và Tây Ninh bị Cộng quân chốt nhiều đoạn. Các đoàn quân xa chở tiếp phẩm lên Tây Ninh thường xuyên bị phục kích. Cùng với các hoạt động trên quốc lộ và tỉnh lộ, trong ngày 22/4/1975, Cộng quân mở các cuộc tấn công vào một số vị trí đóng quân của Lực lượng VNCH trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

*Cộng quân gia tăng áp vòng đai Sài Gòn.

-Tại các tỉnh Bình Dương, Biên Hòa,Cộng quân gia tăng các đợt pháo kích bằng hỏa tiễn và đại bác 130mm. Các tin tức tình báo cho biết Cộng quân đang siết chặt vòng vây quanh Sài Gòn bằng nhiều mũi dùi, mỗi mũi là một quân đoàn có từ 2 đến 3 sư đoàn bộ binh có thiết giáp và pháo binh yểm trợ.

-Cũng trong ngày 22/4/1975, lực lượng VNCH tại Long Khánh đã hoàn tất cuộc triệt thối, rút về bảo vệ vòng đai Sài Gòn và Biên Hòa.

51136739157_1881eab029_z

23.4.1975 Dàn Xếp Tình Hình VNCH

Cuộc họp tại Bộ Tổng Tham Mưu

Để ổn định tình thế, 6 giờ chiều ngày 23/4/1975, với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn đã họp các tướng lĩnh tại văn phòng Tổng tham mưu trưởng. Tại buổi họp này, cựu Tướng Đôn nói “Dù có thương thuyết để đình chiến, chúng ta cũng cố giữ những gì chúng ta có”. Vị Tổng trưởng Quốc phòng yêu cầu Đại tướng Viên, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 & Quân khu 3 sắp xếp lại tuyến phòng thủ để bảo vệ Sài Gòn và đoạn đường từ Sài Gòn.Cũng tại cuộc họp này, Đại tướng Viên đã báo cáo tình hình chiến sự và khả năng phòng ngự của Quân lực VNCH tại khu vực vòng đai thủ đô Sài Gòn và khu vực các tỉnh lân cận. Tướng Viên cho biết lực lượng Cộng quanh chung quanh Sài Gòn và Biên Hòa đã lên đến 15 sư đoàn, trong đó có 1 sư đoàn pháo binh, nhiều lữ đoàn thiết giáp và các đơn vị phòng không sử dụng hỏa tiển SAM.

Các cuộc dàn xếp về nhân sự lãnh đạo VNCH trong những ngày cuối của cuộc chiến

Cùng với những diễn biến dồn dập về quân sự, những dị biệt và bất đồng về vấn đề nhân sự lãnh đạo miền Nam cũng đang được các nhà hoạt động chính trị bàn thảo ráo riết, trong đó có cả sự tham dự “nhiệt tình” của Đại sứ quán Pháp.

Theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức, Tòa Đại sứ Pháp đã nhảy vào chính trường Việt Nam. Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp là ông Brochand đã gặp cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng của nội các do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng. Nhà ngoại giao này đã cho Phó Thủ tướng Đôn biết sứ quán Pháp có liên lạc với Hà Nội và nhấn mạnh thêm: “Nếu có thương thuyết thì Cộng sản chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi”. Ông Brochand cũng cho là ông Minh cần sự hợp của Tướng Đôn.

Trước khi ra về, ông Brochard hỏi Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn: Ông Minh có thể gọi điện thoại cho ông được không? Tướng Đôn gật đầu. Mười phút sau, ông Dương Văn Minh gọi điện thoại cho Tướng Đôn và xin một cuộc hẹn. Mười giờ tối ngày 22/4/1998, Tướng Đôn gặp ông Minh. Tướng Đôn hỏi ông Minh:

Anh có thể thương thuyết với bên kia được không?

Được, nhưng phải thật lẹ, nếu không chúng ta không có hy vọng.

Tướng Đôn cho rằng ông Minh biết Cộng sản Hà Nội đang chờ ông nắm quyền rồi sẽ thương thuyết. Ông Minh chưa tiếp xúc với Tổng thống Trần Văn Hương vì vị tân Tổng thống không thích ông Minh. Theo Tướng Đôn, việc này rất bất lợi nhất là sau khi VNCH bỏ Xuân Lộc.

Ông Minh đề nghị Tướng Đôn đi gặp Đại sứ Mỹ Martin để thuyết phục Tổng thống Trần Văn Hương. Rời nhà ông Minh, ngay trong đêm 22/4/1975, Tướng Trần Văn Đôn đã đến nhà đại sứ Mỹ Martin dù đã gần 12 giờ khuya. Tướng Đôn kể lại khi ông vừa ngồi xuống trong phòng khách thì sĩ quan tùy viên của Đại sứ Hoa Kỳ đến nói nhỏ bên tai ông Martin. Vị đại sứ xin lỗi Tướng Đôn, bước vào phòng riêng, khi trở ra ông nói: Có một phi cơ xin phép đáp xuống phi trường Manila, vì bên đó Luật Tân nghi trên phi cơ có Tổng thống Thiệu nên họ điện thoại hỏi thử có đúng không. Hỏi lại thì biết Tổng thống Thiệu còn ở trong Dinh Độc Lập.

Cựu Tướng Đôn xin lỗi ông Martin vì tình hình bắt buộc nên phải đến gặp vị đại sứ Hoa Kỳ trong giờ khuya. Sau đó, Tướng Đôn trao đổi với ông Marin về ý kiến của ông Dương Văn Minh và yêu cầu Đại sứ Martin đề nghị Tổng thống Trần Văn Hương giao quyền cho ông Minh đứng ra thương thuyết với CSBV. Ông Martin hứa với Tướng Đôn là sẽ cố thuyết phục Tổng thống Hương. Bấy giờ là 1 giờ sáng ngày 23/4/1975…

Cũng theo tài liệu của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, để tìm một giải pháp ổn định trước những biến động thời cuộc, ngày 23 tháng 4/1975, một một số tướng lãnh và sĩ quan cao cấp do Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, nguyên Chỉ huy trưởng Trường Chỉ huy Tham mưu, lúc bấy giờ đang giữ chức Tổng cục trưởng Quân Huấn; Trung tướng Vĩnh Lộc, nguyên Chỉ huy trưởng trường Cao Đẳng Quốc Phòng, hướng dẫn, đã đến tư dinh của Tướng Trần Văn Đôn. Phái đoàn này đề nghị Tướng Đôn với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng chỉ định người thay thế Đại tướng Cao Văn Viên trong chức vụ Tổng tham mưu trưởng vì theo các vị này, Đại tướng Viên không còn thiết tha với quân đội nữa.

Trước đề nghị của một số tướng lãnh, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn nói: “Tình thế sắp thay đổi, tôi không cần chỉ định ai, tự nhiên cũng có người thay thế.” Khi đó, Trung tướng Nguyễn Bảo Trị đề nghị: “Thôi Trung tướng làm Tổng trưởng Quốc phòng kiêm luôn Tổng Tham Mưu trưởng đi.” Cựu Trung tướng Đôn từ chối và nói: “Tôi đã về hưu lâu rồi, lâu nay không còn mặc quân phục nữa, nhưng nếu cần tôi cũng có thể đảm nhận vai trò Tổng Tham mưu trưởng lúc khó khăn này. Nhưng tôi thấy tình thế biến chuyển quá mau, chưa biết nó sẽ đi tới đâu.” Tướng Trần Văn Đôn hỏi lại Trung tướng Trị: “Vậy thì ai có thể thay thế Đại tướng Viên?” Trung tướng Trị trả lời: “Trung tướng Nguyễn Đức Thắng, gần hai năm nay ông ấy không có làm việc.”

Theo lời cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong hồi ký thì ông biết rõ khả năng của

Trung tướng Thắng và đã gợi ý nhưng Tướng Thắng đã từ chối. Tướng Thắng xuất thân khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Nam Định-Thủ Đức năm 1952, là một trong bốn tiểu đoàn trưởng đầu tiên của binh chủng Pháo binh VNCH. Từ 1960-1969, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng: đầu năm 1961, khi còn ở cấp trung tá, ông đã được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh và chỉ 1 tháng sau, được thăng cấp đại tá. Tháng 10/1961, ông bàn giao chức vụ nói trên cho Đại tá Nguyễn Văn Thiệu (1967 là Tổng Thống VNCH) và về làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh, cuối năm 1962, ông được điều động về Bộ Tổng Tham mưu, phụ trách về kế hoạch hành quân; được thăng Chuẩn tướng vào tháng 8 năm 1964, thăng Thiếu tướng tháng 11/1965 và giữ chức Tổng trưởng bộ Xây dựng Nông thôn trong nội các của Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ (từ 1965-1967), Tổng Tham mưu phó đặc trách Địa phương quân-Nghĩa quân (tháng 9 năm 1967); cuối tháng 1/1968 được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 4 & Quân khu 4 (năm 1968), thăng trung tướng vào tháng 5/1968, một tháng sau ông xin thôi giữ chức tư lệnh Quân đoàn, trở lại Bộ Tổng tham mưu giữ chức phụ tá Kế hoạch của Tổng Tham mưu trưởng (1969 đến 1972); năm 1973, ông xin nghỉ dài hạn không lương 5 năm để hoàn tất chương trình cử nhân và cao học toán (trước đó ông đã thi đổ một số chứng chỉ Toán của đại học Khoa học với hạng ưu).

Tại cuộc gặp gỡ nói trên, một số tướng lãnh còn đề nghị với cựu Tướng Đôn là nên bắt tất cả những người Mỹ còn lại làm con tin để Mỹ tiếp tục viện trợ giữ miền Nam. Tướng Đôn trả lời với phái đoàn là chuyện đó đã có tin đồn rồi, thế nào Mỹ cũng biết và có kế hoạch đối phó. Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đang chờ ở ngoài khơi sẽ đổ bộ với lực lượng hùng hậu, chừng đó, theo Tướng Đôn sẽ có đổ máu và tình thế sẽ rối rắm nguy ngập hơn nữa. Cựu Tướng Đôn cũng phân tích là hơn một ngàn người Mỹ còn lại ở Việt Nam muốn cùng với Quân đội Việt Nam Cộng Hòa để cùng chiến đấu đồng thời thúc đẩy, xoay chuyển dư luận Mỹ yểm trợ cho miền Nam. Cuối cùng cựu Trung tướng Trần Văn Đôn khuyên mọi người là cần phân biệt chính quyền Mỹ và những người Mỹ ở Sài Gòn. Ông nói rằng chính quyền Mỹ ở Sài Gòn chỉ có ông đại sứ đại diện mà thôi, bỏ rơi Việt Nam là chính phủ Mỹ và Quốc hội Mỹ, chứ không phải là những người Mỹ đang ở Sài Gòn, nếu bắt một số người Mỹ ở Sài Gòn làm con tin thì tội nghiệp cho họ và chẳng có ích lợi gì.

23.4.1975: Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn từ chức

-Sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21 tháng 4/19975, và sau cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc, Đại tướng Cao Văn Viên không còn thiết tha với chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, ông muốn từ chức và ra khỏi quân đội. Trong khi đó, tân Tổng thống Trần Văn Hương lại muốn bổ nhiệm Đại tướng Viên làm Tổng tư lệnh Quân đội với đầy đủ quyền hạn, so với chức vụ Tổng Tham mưu trưởng mà tướng Viên đã nắm giữ từ tháng 10/1965.

-Trong khi chưa tìm ra một người để giao trọng trách tổng chỉ huy Quân đội VNCH trong giai đoạn cam go nhất của lịch sử thì ngày 23 tháng 4/1975, nội các do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng nộp đơn lên Tổng thống Trần Văn Hương xin từ chức. Tổng thống Trần Văn Hương đã yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn và các thành viên của nội các tiếp tục xử lý thường vụ cho đến khi có nội các mới được thành lập.

27.4.1975 Sư Đoàn 3BB Giữ Bà Rịa

Sư đoàn 3 Bộ binh và Lữ đoàn 1 Dù bảo vệ Bà Rịa và Quốc lộ 15

Tại khu vực Phước Tuy-Vũng Tàu, Thiếu tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, được cử làm Tổng trấn Vũng Tàu. Sư đoàn 3BB gồm cả số quân sĩ từ Sư đoàn 1 Bộ binh nhập lại chỉ còn hơn 1 ngàn người, tạm thành lập được 2 tiểu đoàn, 1 tiểu đoàn cho trung đoàn 2 Bộ binh và 1 tiểu đoàn cho trung đoàn 56 Bộ binh.

Ngày 24/4/1975, Sư đoàn 3 BB được giao trách nhiệm phòng thủ khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu với lực lượng tăng cường gồm 1 chi đoàn Thiết xận xa (chi đoàn 2 của thiết đoàn 15), và lữ đoàn 1 Dù. Theo lời của Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 BB, thì quân số của các tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1 Dù ở mức thấp, mỗi tiểu đoàn chỉ còn khoảng trên dưới 400 quân sĩ.

Tái phối trí lực lượng tại các phòng tuyến quanh Sài Gòn

Sau hai ngày nghỉ ngơi dưỡng quân để chỉnh đốn đội ngũ, ngày 24 tháng 4/1998, Sư đoàn 18BB được giao trách nhiệm phòng thủ khu vực Đông Nam Biên Hòa và tuyến phía đông Thủ đô Sài Gòn. Phòng tuyến này trải từ tổng kho Long Bình đến kho đạn Thành Tuy Hạ, tiếp giáp với phòng tuyến của lực lượng Dù, Trường Thiết giáp và Trường Bộ binh.

25.4.1975: Trận Chiến Bình Dương

Giao tranh ở phòng tuyến Bình Dương

Tại khu vực trách nhiệm của Sư đoàn 5 Bộ binh, Cộng quân gia tăng áp lực tại Phú Giáo, Tân Uyên nằm về phía Đông Nam tỉnh Bình Dương. Các đơn vị Địa phương quân và Nghĩa quân tại đây đã bị các trung đoàn Cộng quân của khu Miền Đông tấn công liên tục, cuối cùng phải rời bỏ phòng tuyến.

Tại Bến Sắn, Cộng quân điều động Sư đoàn có bí số CT-7 và 2 trung đoàn cơ động áp sát tuyến phòng thủ của Sư đoàn 5 Bộ binh. Cộng quân muốn chọc thủng mặt Đông của tỉnh Bình Dương và mặt Tây của tỉnh Biên Hòa để tiến về Sài Gòn.

Tuyến phòng thủ Long An

Tại mặt trận Long An, Sư đoàn 22 Bộ binh, vừa được tái tổ chức sau khi từ Bình Định rút vào Nam, được giao nhiệm vụ phòng thủ vòng đai thị xã Long An và khu vực từ Tân An về Sài Gòn. Các đơn vị của Sư đoàn 22 Bộ binh được đặt thuộc quyền điều động của Biệt khu Thủ đô do Trung tướng Nguyễn Văn Minh làm tư lệnh. Trước tháng 4/1975, chiến trường Long An do Quân đoàn 3 và Quân khu 3 trách nhiệm và Biệt khu Thủ đô (gồm Sài Gòn và tỉnh Gia Định) chịu sự chỉ huy tổng quát của Bộ Tư lệnh Quân khu 3. Từ tháng 4/1975, Biệt khu Thủ đô chịu trách nhiệm cả Long An.

26.4.1975: Kịch Chiến Ở Bà Rịa

CQ tấn công thị xã Bà Rịa

-Vào 6 giờ chiều ngày 26/4/1975, mặt trận Phước Tuy bắt đầu sôi động trở lại. Cộng quân pháo kích vào thị xã Bà Rịa, bộ chỉ huy Tiểu khu Phước Tuy, tư dinh tỉnh trưởng, Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp. Trận mưa pháo kích kéo dài 3 tiếng. Toàn bộ hệ thống điện trong thị xã Bà Rịa đều bị hư hại. Khoảng 10 giờ đêm, Cộng quân tổ chức tấn công theo 3 mũi vào tỉnh lỵ, 2 mũi do bộ binh và thiết giáp CSBV phối hợp đánh vào trung tâm tiếp vận tiểu khu và tư dinh tỉnh trưởng, 1 mũi vào khu vực dọc theo xa lộ mới ở phía Nam thị xã Bà Rịa.

-Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 BB kiêm Tư lệnh Mặt trận Bà Rịa điều động 1 tiểu đoàn Dù và đặt đơn vị này thuộc quyền chỉ huy của Tỉnh trưởng/Tiểu khu trưởng Phước Tuy để tổ chức các cuộc phản công đánh đuổi Cộng quân ra khỏi trung tâm thị xã.

Tiểu đoàn Dù đã bắn cháy 5 chiến xa Cộng quân ngay trong đêm 26/4/1975.

CQ tấn công Long Thành

-Tại Long Thành, tối 26 tháng 4/1975, Cộng quân tấn công vào trường Thiết Giáp, chiếm quận lỵ Long Thành và cắt đứt Quốc lộ 15 nối liền Vũng Tàu và Sài Gòn. Cũng trong ngày 26 tháng 4/1975, một tiểu đoàn đặc công Cộng quân đánh chiếm cầu xe lửa về hướng Tây Nam thành phố Biên Hòa trong khi đại bác của các đơn vị pháo binh Cộng quân bắn phá vào căn cứ Không quân Biên Hòa.

46404757232_a407a728a3_z

27.4.1975: Bầu Tân Tổng Thống

Quốc hội VNCH họp khẩn xét 2 đề nghị của Tổng thống VNCH Trần Văn Hương về chức vụ Tổng Thống và Thủ tướng VNCH

Sáng ngày 27/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương đã mở cuộc họp đặc biệt tại tư dinh với thành phần tham dự gồm các ông: Trần Văn Linh, Chủ tịch Tối cao Pháp viện; Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng viện; Phạm Văn Út, Chủ tịch Hạ Viện ; cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng (Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn đã từ chức từ 23-4- 1975), và 1 phụ tá Tư pháp của Tổng thống. Tại cuộc họp này, Tổng thống Trần Văn Hương nhắc lại 2 biện pháp mà ông đã đề nghị trong phiên họp với Quốc hội ngày 26/4/1975:

Thứ 1: Giao cho Tổng thống đương nhiệm toàn quyền chỉ định 1 Thủ tướng toàn quyền.

Thứ 2: Bầu ông Dương Văn Minh làm Tổng thống.

Theo lời kể của Cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, trong phiên họp sáng ngày 27/4/1975, Tổng thống Trần Văn Hương trình bày diễn tiến cuộc họp riêng với ông Dương Văn Minh, và cho biết “ông có mời ông Minh làm Thủ tướng toàn quyền nhưng ông Minh không nhận, mà yêu cầu ông phải từ chức, giao chức vụ Tổng thống cho ông Minh để ông Minh có toàn quyền nói chuyện với Việt Cộng”.

Chiều ngày 27 tháng 4/1975, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn cầm đầu một phái đoàn gồm nhiều Tướng lãnh trong Bộ Tổng Tham mưu và vị Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô đến tham dự cuộc họp đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội. Phái đoàn của Tổng trưởng Quốc phòng đến trước, và khoảng 7 giờ 30 phút tối ngày này thì có 138 nghị sĩ, dân biểu hiện diện. Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn tóm tắt tình hình quân sự: Sài Gòn đang bị bao vây bởi 15 sư đoàn CSBV đặt dưới quyền của ba quân đoàn CSBV. Quốc lộ Sài Gòn-Vũng Tàu bị cắt đứt và CQ đang tiến về Long Bình. Đến 8 giờ 20 ngày 27 tháng 4/1975, Đại hội đồng lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu (136 thuận-2 chống) chấp thuận trao chức vụ Tổng thống VNCH cho ông Dương Văn Minh.

Cuộc gặp gỡ giưã Tổng thống Trần Văn Hương và cựu Đại tướng Dương Văn Minh.

Như đã trình bày, sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức vào ngày 21/4/1975, Tòa Đại sứ Pháp đã nhảy vào chính trường Việt Nam. Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp là ông Brochand đã gặp Tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng. Ông Brochand đã cho Tướng Đôn biết sứ quán Pháp có liên lạc với Hà Nội và nhấn mạnh rằng “Nếu có thương thuyết thì Cộng sản chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi”.

Ông Brochand cũng cho là ông Dương Văn Minh cần sự hợp của Tướng Trần Văn Đôn. Theo sự sắp xếp trung gian của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn và cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, 10 giờ sáng ngày 24 tháng 4/1975, cựu Đại tướng Dương Văn Minh đã đến gặp Tổng Thống Trần Văn Hương tại tư dinh của Đại tướng Khiêm trong Bộ Tổng Tham mưu. Tiếp đó, vào buổi trưa, cựu Trung tướng Đôn cũng đến nhà Đại tướng Khiêm để tìm hiểu tình hình, ông đã gặp bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ tướng và Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Canh nông của nội các Nguyễn Bá Cẩn (nội các này từ chức ngày 23/4/1975 và được yêu cầu xử lý thường vụ trong khi chờ nội các mới). Tại cuộc gặp này, các nhân vật trên đã nói là cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa Tổng thống Trần Văn Hương và ông Dương Văn Minh đã thất bại vì ông Minh từ chối ghế “Thủ tướng toàn quyền”.

Trước tình hình như thế, Đại tướng Khiêm đề nghị cựu Trung tướng Đôn nên nhận chức vụ thủ tướng để thương thuyết. Cựu Tướng Đôn đã kể cho Đại tướng Khiêm nghe lời của ông Brochand là Pháp đã liên lạc với CS Hà Nội và phía CS chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi. Sau đó cựu Trung tướng Đôn đến thẳng Tòa Đại sứ Pháp. Các viên chức cao cấp sứ quán này lặp lại ý kiến trên và cho biết thêm rằng Cộng sản chờ đến ngày Chủ nhật 27/4/1975, nếu không tiến triển gì thì CQ sẽ pháo kích vào Sài Gòn. Theo lời kể của cựu Trung tướng Đôn, sau khi nghe tin này, ông lo ngại cho dân chúng sống chen chúc trong thành phố bị trúng đạn pháo của Cộng quân bắn bừa bãi, nên ông hứa sẽ cố gắng dàn xếp để tìm một giải pháp tạm thời. Chiều hôm đó, Đại tướng Khiêm điện thoại cho cựu Tướng Đôn biết là Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ tướng. Theo Đại tướng Khiêm, ông Huy là người chống Cộng triệt để nên khó có thể hòa giải được. Cựu Trung tướng Đôn điện thoại báo cho cựu Đại tướng Minh, ông Minh mời cựu Trung tướng Đôn lại nhà để bàn tính tìm một giải pháp.

Lúc 5 giờ 45 ngày 24/4/1975, cựu Trung tướng Đôn vào Dinh Độc Lập thì gặp ông Nguyễn Ngọc Huy đang nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phong, Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm, từ Pháp mới về. Vừa lúc đó, Đại sứ Martin từ trong văn phòng Tổng Thống Trần Văn Hương đi ra. Cựu Trung tướng Đôn hỏi Đại sứ Mỹ là có phải Tổng Thống Hương chỉ định ông Huy làm thủ tướng hay không. Nhưng ông Martin đã trả lời là không có chuyện đó. Thế nhưng, sau đó, Đại tướng Khiêm vào gặp Tổng thống Hương và ra báo cho cựu Trung tướng Đôn biết là ông Hương sẽ chỉ định ông Huy làm thủ tướng. Đến lượt ông Huy vào gặp Tổng thống Hương. Cuối cùng là Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn và Đại tướng Viên vào trình bày cho Tổng thống Hương tình hình quân sự: Cộng quân đang tiến sát vòng đai Sài Gòn, vũ khí, quân dụng, đạn dược thiếu, tinh thần chiến đấu của binh sĩ sa sút… Nghe xong phần trình bày, Tổng Thống Hương nhìn Đại tướng Viên và nói: “Ông sẽ Tổng tư lệnh Quân đội”. Tổng Thống Hương nói tiếp rằng ông sẽ chia xẻ với số phận của anh em quân nhân trên các chiến trường, nghĩa là ông sẽ chết cùng với anh em binh sĩ.

Trước khi rời Dinh Độc Lập, cựu Trung tướng Đôn nói với Tổng thống Hương: “Cụ nghiên cứu lại, vì bên kia họ chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi”. 8 giờ tối hôm đó, cựu Trung tướng Đôn trở lại nhà ông Dương Văn Minh và thấy một số nhân vật ở đây: ông Nguyễn Văn Huyền, cựu chủ tịch Thượng nghị viện, giáo sư Vũ Văn Mẫu và ông Brochand, cố vấn chính trị sứ quán Pháp. Cựu Tướng Đôn giải thích với ông Dương Văn Minh: “Ông Hương vừa mới lên mà yêu cầu ông từ chức thì cũng khó xử cho ông ấy, hơn nữa còn Hiến pháp, còn Quốc hội.” Ý kiến của cựu Trung tướng Đôn chỉ có ông Huyền đồng ý, còn ông Minh và ông Mẫu thì cho rằng ông Hương trì hoãn như vậy nhưng thế nào rồi cũng chấp thuận.

TT Nguyễn Văn Thiệu gặp cựu Trung tướng Trần Văn Đôn lần cuối cùng

8 giờ sáng ngày 25 tháng 4/1975, cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho cựu Trung tướng Đôn ngỏ ý muốn gặp ông tại Dinh Độc Lập (sau khi từ chức, cựu TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn ở trong dinh này) để nhờ lấy giúp cho bạn của ông một giấy chiếu khán đi ngoại quốc.

Khi cựu Trung tướng Đôn vào dinh Độc Lập, cựu Tổng Thống Thiệu cho biết là ông đã hiểu rõ diễn biến. Câu chuyện nửa chừng thì cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho Tổng thống Hương và nói: “Nếu ông Dương Văn Minh không chịu làm Thủ tướng toàn quyền thì cụ tìm một người khác có thể thương thuyết với bên kia và người đó theo tôi là ông Đôn”.

Để điện thoại xuống, cựu Tổng Thống Thiệu nói với ông Đôn: “Theo tôi, ngoài ông Minh ra, ông là người có thể nhận trách nhiệm này. Tôi đã nghĩ đến ông từ năm 1973. Tôi đã biết ông từng tiếp xúc nhiều giới chức…Ông có uy tín trong giới chính trị và quân đội. Nhưng tôi không thay đổi lập trường chống Cộng triệt để của tôi nên không thể ngồi chung với Cộng sản. Nếu chịu thương thuyết tôi đã mời ông làm Thủ tướng từ năm 1973 rồi. Nhưng ngày nay thì tôi đề nghị với ông Hương mời ông làm việc”.

Cựu Trung tướng Đôn hỏi lại cựu TT Thiệu: “Ông có nghĩ là bây giờ đã trễ không?” Ông Thiệu im lặng không đáp. Trước khi từ giã, cựu Trung tướng Đôn nhìn thẳng cựu TT Thiệu, rồi nói: “Còn phần ông, chừng nào ông đi? Tôi biết Mỹ không muốn chuyện xảy ra như ông Diệm. Xung quanh ông đang bỏ ông nhất là khi nghe có tân thủ tướng và chính phủ mới. Ông phải đi cho nhanh. Nếu tôi làm Thủ tướng, nội các của tôi cũng sẽ đòi bắt ông và tôi làm theo.”

Từ biệt cựu TT Thiệu, cựu Trung tướng Đôn ghé nhiều nơi để trao đổi ý kiến với một số yếu nhân và sau đó trở về nhà. Đến nhà, cựu Trung tướng Đôn được biết cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho ông mấy lần và có để lại số điện thoại. Cựu tướng Đôn gọi lại thì cựu Tổng thống Thiệu nói lời từ giả với cựu Tướng Đôn: “Chúc anh thành công và cám ơn anh.” Cựu Tướng Đôn nhắc lại những gì đã nói khi gặp cựu Tổng thống Thiệu và nói: “Ông đừng quên những gì tôi đã nói hồi sáng, nghĩa là ông phải ra đi.” Sau đó, cựu Tướng Đôn được báo là người Mỹ đã giúp cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và cả gia đình hai vị này rời khỏi Việt Nam bằng máy bay đặc biệt đến Đài Bắc, Thủ đô Đài Loan.

27.4.1975: Tân Cảng Sàigòn

51139781709_a0e2d3403a_z

*Cộng quân bị tổn thất nặng trong cuộc tấn công vào khu Tân Cảng Sài Gòn

Sáng ngày 27 tháng 4/1975, tình hình Thủ đô Sài Gòn đã trở nên sôi động khi Cộng quân bắt đầu pháo kích vào vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất, tiếp đó một đơn vị đặc công CSBV đ ã tấn công cầu xa lộ Tân Cảng và cầu xa lộ Biên Hòa. Lực lượng bộ chiến của Biệt khu Thủ đô đã được điều động khẩn cấp để giải tỏa áp lực địch. Đến chiều ngày 27/4/1975, Cộng quân phải rút lui sau khi bị tổn thất nặng.

3803042749_9b9945e36b_z

Kịch chiến tại Bà Rịa, Nhơn Trạch, Trảng Bom

-Rạng sáng ngày 27/4/1975, tại Bà Rịa, lực lượng Nhảy Dù đã quét Cộng quân ra khỏi tỉnh lỵ. Để ngăn chận các đợt tấn công kế tiếp của Cộng quân, Bộ chỉ huy Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tăng thêm quân phòng thủ bên ngoài thị xã. Khoảng 8 giờ sáng, Cộng quân điều động hai trung đoàn bộ binh và khoảng 30 chiến xa từ hai hướng mở đợt tấn công thứ 2 vào thị xã Bà Rịa. Lữ đoàn 1 Nhảy Dù đã chống trả quyết liệt gây thiệt hại nặng cho Cộng quân.

-Vào 2 giờ chiều ngày 27/4/1975, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù được lệnh rút khỏi Bà Rịa và về phòng thủ tuyến Cỏ May (nằm trên đường Bà Rịa-Vũng Tàu). Cùng trong buổi chiều ngày 27/4/1975, một đơn vị Công binh Thủy quân Lục chiến được điều động đến để giật sập cầu Cỏ May hầu ngăn chận Cộng quân tràn qua.

-Cũng trong ngày 27/4/1975, Cộng quân điều động bộ binh và thiết giáp tiến đến gần liên tỉnh lộ 25 và nhắm quận lỵ Nhơn Trạch, một đơn vị CSBV đánh chiếm các đồn Địa phương quân và Nghĩa quân dọc trên đường tiến quân. Khu vực Trảng Bom do một đơn vị của Sư đoàn 18BB phụ trách đã bị Cộng quân pháo liên tục.

28.4.1975: Tướng Minh Nhận Chức –

Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền cho ông Dương Văn Minh

14987795729_b39461936a_z

Trong khi Cộng quân áp lực nặng quanh vòng đai Thủ đô Sài Gòn, thì một sự kiện trọng đại đã xảy ra trong ngày 28/4/1975: Tổng thống Trần Văn Hương từ chức, trao quyền nguyên thủ quốc gia cho ông Dương Văn Minh, cựu đại tướng. Lễ bàn giao diễn ra vào chiều ngày 28 tháng 4/1975. Trong buổi lễ này, Quân lực VNCH cử Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không quân và Trung tướng Đồng Văn Khuyên tham mưu trưởng Liên quân thay mặt Đại tướng Cao Văn Viên đến dự lễ. Trước khi bước xuống bục để nhường cho ông Dương Văn Minh đọc diễn văn nhận chức, Tổng thống Trần Văn Hương đã công bố sắc lệnh giải nhiệm Đại tướng Cao Văn Viên khỏi chức vụ Tổng tham mưu trưởng (theo nguyện vọng của Đại tướng Viên). Sau nghi lễ nhậnchức, ông Dương Văn Minh đã giới thiệu ông Nguyễn Văn Huyền làm Phó Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu làm Thủ tướng.

*Tướng Trần Văn Đôn kể lại những biến cố, sự kiện trong ngày 28/4/1975

Theo lời kể của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong Việt Nam Nhân Chứng, trong buổi lễ bàn giao, ông Dương Văn Minh đã “trầm tĩnh đọc bản tuyên bố đường lối của mình là “sẽ chấm dứt chiến tranh bằng cách thương thuyết và hòa giải với Mặt trận Giải phóng miền Nam”. Vào 6 giờ chiều, cuộc lễ xong, ông Minh tiễn cụ Trần Văn Hương ra cổng. Nhà của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ở gần dinh Độc Lập nên chỉ vài phút sau ông đã về đến nhà, lại nghe “tiếng nổ ầm ầm, súng bắn lung tung, phi cơ bay. Trên dinh Độc Lập. Nưả giờ sau, tiếng súng ngưng nổ, tiếng động cơ máy bay nhỏ dần rồi im lặng. Tướng Đôn điện thoại cho Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Không quân thì được báo cáo có 3 phi cơ của Không quân VNCH bị bỏ lại ở Đà Nẵng và Việt Cộng đã sử dụng để bay vào Sài Gòn dội bom. Hai phản lực cơ F-5 của Không quân đã bay lên nghinh chiến đuổi 3 phi cơ này. (Tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên cho biết đó 3 phi cơ tham gia cuộc dội bom là phản lực cơ A-37 ). Cũng theo lời kể của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, trước lễ bàn giao chức vụ Tổng thống VNCH diễn ra vào buổi chiều 28/4/1975, thì vào 8 giờ sáng ngày 28 tháng 4, cựu Trung tướng Đôn đã đến văn phòng Tổng tham mưu trưởng như thường lệ gặp Đại tướng Cao Văn Viên để theo dõi tình hình quân sự. (Theo tài liệu ghi trong Quân sử VNCH, vào năm 1955, ông Trần Văn Đôn là Thiếu tướng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu , ông Cao Văn Viên là Thiếu tá, giữ chức vụ Trưởng phòng 4 Bộ Tổng Tham mưu).

Trong cuộc gặp nói trên, Tướng Viên nhắc với Tướng Đôn rằng Tổng thống Trần Văn Hương đã ký sắc lệnh cho ông nghỉ, do đó, ông yêu cầu Tướng Đôn với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng, cử người thay thế. Ngay lúc đó, có điện thoại của ông Dương Văn Minh gọi cho Tướng Đôn, dặn ông cố gắng giữ Tướng Viên ở lại chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, đừng cho Tướng Viên đi.

Trước sự việc như thế, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn không biết xử sự làm sao vì Tướng Viên đã được Tổng thống Trần Văn Hương cho nghỉ ( sắc lệnh này được Tổng thống Trần Văn Hương công bố vào chiều ngày 28/4/1975). Tướng Đôn hỏi Tướng Viên:

-Nếu anh đi, thì theo anh ai sẽ thay thế được ?

Tướng Viên không trả lời thẳng mà hỏi lại Tướng Đôn:

-Anh sẽ làm gì ? Tướng Đôn trả lời:

-Tôi cũng chưa quyết định. Mấy ngày trước ông Minh và ông Mẫu muốn tôi tiếp tục giữ ghế Tổng trưởng Quốc phòng nhưng tôi chưa trả lời, nay ông Minh cho tôi biết Hà Nội không muốn có người nào trong nội các cũ ở lại trong nội các mới.”

Về lại văn phòng, Tướng Đôn nhận được điện thoại của ông Dương Văn Minh hủy bỏ sắc lệnh mà Tổng thống Trần Văn Hương đã ký cho phép Tướng Viên nghỉ dài hạn không lương, nhưng sắc lệnh đó Tổng thống Trần Văn Hương đã ký trước khi bàn giao chức vụ Tổng thống.

*Chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH vào những ngày cuối tháng 4

Về chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, như đã trình bày, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21 tháng 4/1975, và sau cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc, Đại tướng Cao Văn Viên không còn thiết tha với chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, trong khi đó, tân Tổng Thống Trần Văn Hương lại muốn bổ nhiệm Đại tướng Cao Văn Viên làm Tổng tư lệnh Quân đội với đầy đủ quyền hạn, so với chức vụ Tổng Tham mưu trưởng mà Đại tướng Viên đã nắm giữ từ tháng 10/1965. Thế nhưng, Đại tướng Cao Văn Viên đã trình xin Tổng Thống Trần Văn Hương cho ông được giải nhiệm. Tổng thống Trần Văn Hương không đồng ý và yêu cầu Đại tướng Viên tiếp tục giữ chức vụ. Chỉ đến khi Tổng Thống Trần Hương trao quyền cho ông Dương Văn Minh thì Đại tướng Viên mới nhận được quyết định giải nhiệm. Kể lại chuyện này, Đại tướng Cao Văn Viên ghi trong hồi ký như sau: “Trước khi Tổng Thống Hương bước xuống, Tổng Thống đưa ra một sắc lệnh giải nhiệm tôi khỏi chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham Mưu. Đến khi tân Tổng Thống (cựu Đại tướng Dương Văn Minh) muốn chọn người thay thế tôi, tôi đề nghị Tướng Đồng Văn Khuyên, lúc ấy đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận”.

*Tình hình chiến sự trong ngày ông Dương Văn Minh nhận chức Tổng Thống

Tình hình chiến sự trong ngày 28/4/1975 ghi nhận nhiều diễn biến dồn dập. Cộng quân đã tung thêm lực lượng áp sát vòng đai SàiGòn.Tại Bình Dương, sau khi đã đưa một sư đoàn vào khu Đông Nam và tấn công vào các khu vực Phú Giáo, Tân Uyên, Cổ Mi, Cộng quân đãđiều động 2 sư đoàn thuộc Quân đoàn 1 CSBV tiến sát đến các tuyến phòng tuyến do các trung đoàn 7, 8, 9 của Sư đoàn 5 Bộ binh. Trong các trận đánh tại BìnhDương vào 10 ngày cuối của tháng 4/1975, nổi bật nhất là trận Bến Sắn giữa sư đoàn 5 Bộ binh và 1 sư đoàn chủ lực Quân đoàn 1 của Cộng quân. Cộng quân muốn chiếm Bến Sắn để từ đó chọc thủng

mặtđông của tỉnh Bình Dương và mặt tây của tỉnh Biên Hòa nhưng đã bịsự kháng cự mãnh liệt của Sư đoàn 5 Bộ binh, Cộng quân bị tổn thất nặng.

Cũng trong ngày 28/4/1975, Căn cứ Không quân Biên Hòa bị pháo kích dữ dội. Theo tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên, tất cả các phi cơ tại căn cứ này đều đã được dời qua phi trường Tân Sơn Nhất hay xuống phi trường Trà Nóc ở miền Tây. Sư đoàn 3 Không quân bắt đầu phá hủy những phương tiện còn lại trong căn cứ Biên Hòa.

28.4.1975: Sư Đoàn 5BB Tử Chiến tại Bình Dương

-Ngày 28/4/1975, sau khi chận đứng được đợt tấn công tại khu đông tỉnh Bình Dương, Sư đoàn 5 Bộ binh đã tử chiến để đối đầu với 2 sư đoàn Cộng quân từ hướng Chơn Thành-An Lộc. (Trước tháng 4/1975, phòng tuyến chính ở An Lộc và Chơn Thành do 2 liên đoàn Biệt động quân, 2 tiểu đoàn Địa phương quân án ngữ. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, trước áp lực của Cộng quân, lực lượng Biệt động quân đã rút từ An Lộc về hợp cùng các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân của Chơn Thành lập phòng tuyến mới tại nam Chơn Thành và đã chống trả quyết liệt các đợt tấn công của địch quân muốn chọc thủng phòng tuyến này)

Trận chiến tại Vũng Tàu

-Tại phòng tuyến Vũng Tàu, căn cứ Cát Lở và Trung tâm huấn luyện Chí Linh bị pháo kích. Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh kiêm Tư lệnh mặt trận Vũng Tàu, đã ra thông cáo thiết quân luật từ 19 giớ đến 6 giờ sáng.

*Cụ Trần Văn Hương bàn giao chức vụ Tổng thống VNCH cho ông Dương Văn Minh

-Chiều ngày 28/4/1975, tại Dinh Độc Lập, cụ Trần Văn Hương trao quyền Tổng thống VNCH cho ông Dương Văn Minh theo quyết định của Quốc hội VNCH trong phiên họp chiều ngày 27/4/1975.

THE END

By PhamLeHuong at March 20, 2021

Nguồn: https://mauaotran.blogspot.com/2021/03/tai-lieu-nhung-tran-chien-cuoi-cung.html#more