30/4 – Điều cần nói

Thứ Ba, 27 Tháng Tư 20214:00 CH(Xem: 3437)
30/4 – Điều cần nói

Đoàn Bảo Châu

Tôi sẽ không nói ngày ấy là ngày gì bởi với bên thắng cuộc, ngày ấy là ngày “chiến thắng”, “giải phóng”, “thống nhất”, bên thua cuộc là ngày “mất nước”, “thua cuộc” là ngày bắt đầu một thời kì mà những người dính líu tới quân quyền của VNCH sẽ bắt đầu chịu sự đày đoạ trong những trại “cải tạo” trong nhiều năm và bắt đầu làn sóng vượt biển đầy máu và nước mắt của hàng triệu người để tìm một cuộc sống mới.

Tôi sẽ không nói tới lý tưởng bởi bên nào cũng có lý tưởng của riêng mình, bên nào mà chẳng cho là lý tưởng của mình cao đẹp hơn.

Người ta nên bàn về lịch sử, hiểu lịch sử để định hình hiện tại và tương lai, người ta cũng có quyền phán xét lịch sử nhưng với một con mắt bao dung bởi vào thời điểm ấy nhận thức của những nhân vật lịch sử có sự hạn chế và nếu chúng ta, những kẻ hậu sinh với nhận thức của thời đại nếu được trao lá cờ vào những thời điểm quá khứ, liệu ta có chắc là sẽ không mắc sai lầm?

Điều đáng nói là về quan niệm, phát ngôn và ứng xử của những người cầm quyền hiện thời với ngày 30/4. Sau 46 năm mà quan niệm, phát ngôn và ứng xử vẫn y như trước thì đấy mới là một sự man rợ, cố chấp và u muội.

Máu người Việt đã thấm trên từng mét vuông trên mảnh đất hình chữ S, người phía nào cũng là con của mẹ Việt, cũng đều đau xót. Số phận của dân tộc, của mảnh đất hình chữ S này đã khốc liệt và đau khổ biết bao khi tài chính, vũ khí và lương thực được cấp cho người Việt của hai bên chiến tuyến bắn giết nhau.

Các bạn đứng ở bên nào, tôn thờ lý tưởng của bên nào là quyền của các bạn, với tôi mọi lý tưởng chỉ là phù phiếm khi người Việt chĩa súng vào nhau.

Ở góc nhìn này, tôi thấy rằng những người cực đoan cả hai phía đều không bao giờ có thể làm được một thứ được gọi là “hoà hợp hoà giải dân tộc”.

Tuy nhiên, trách nhiệm để làm được sự nghiệp này đa phần nằm trên vai của bên thắng cuộc. Tất cả sẽ chỉ là câu chữ, là một khẩu hiệu oang oang rỗng tuếch và tình trạng chia ly về nhân tâm vẫn y nguyên sau 46 năm nữa khi bên thắng cuộc sau mấy chục năm không trở nên văn minh hơn, có cái nhìn nhân văn hơn.

Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chỉ khi những người có địa vị cao nhất có tâm, có tầm, có cái nhìn nhân văn, thực sự tha thiết hàn gắn nỗi đau của người Việt thì mới hy vọng cái sự nghiệp hoà hợp hoà giải dân tộc to đùng kia mới được cải thiện.

Hãy nhìn chính quyền Úc đã ứng xử thế nào với những người bản xứ đã bị tàn sát để chiếm đất. Những người đứng đầu đã công khai xin lỗi vì một lỗi lầm của tổ tiên trong quá khứ xa xôi và họ đã có một chính sách ưu đãi như để chuộc lỗi cho tổ tiên của mình.

Ở đây, tôi phải nhấn mạnh để bò đỏ rận rệp không có cớ mà chửi bới, xuyên tạc, tôi không có ý muốn nói là ai phải xin lỗi ai ở Việt Nam mà tôi đề cao một cái nhìn nhân văn, hợp lòng người của những người trong bộ máy chính quyền của Úc.

30 tháng 4 nào tôi cũng có bài viết, nhiều đến nỗi mà chỉ sợ lặp lại chính mình và bản thân cũng thấy nhàm chán, nhưng không viết thì thấy như thể có lỗi gì đấy.

Chỉ xin kết bằng một câu rằng, mọi lý tưởng chỉ là tương đối, cái này đúng hôm nay có thể là rất sai của ngày mai, chỉ có tấm lòng yêu thương con người, sự thông cảm và hiểu biết với “phía bên kia” mới khiến con người gần lại nhau mà thôi.

Nghĩ như vậy và nhìn những vấn đề nhỏ hơn trong cuộc sống, tôi cũng thấy nhiều tranh cãi vụn vặt thực ra là vô nghĩa, cuộc sống này chỉ tình yêu con người mới là thứ đáng nói mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn