Trong tuyên bố lịch sử, TT Biden nói vụ tàn sát người Armenia năm 1915 là diệt chủng

Chủ Nhật, 25 Tháng Tư 20212:00 SA(Xem: 2089)
Trong tuyên bố lịch sử, TT Biden nói vụ tàn sát người Armenia năm 1915 là diệt chủng
voatiengviet.com

Trong tuyên bố lịch sử, TT Biden nói vụ tàn sát người Armenia năm 1915 là diệt chủng


Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Bảy nói rằng cuộc thảm sát người Armenia năm 1915 tại Đế chế Ottoman cấu thành tội ác diệt chủng, một tuyên bố lịch sử khiến Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ và làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO.

Tuyên bố phần lớn mang tính biểu tượng này, vượt ra khỏi những câu chữ vốn được Nhà Trắng suy tính cẩn trọng từ hàng chục năm qua, được kiều dân Armenia ở Mỹ hoan nghênh, nhưng được đưa ra vào lúc Ankara và Washington đang đối mặt với những bất đồng chính sách sâu sắc về một loạt vấn đề.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết phe đối lập cho thấy sự thống nhất hiếm hoi khi đồng lòng bác bỏ tuyên bố của ông Biden. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói Thổ Nhĩ Kỳ “hoàn toàn bác bỏ” quyết định của Mỹ mà theo ông “hoàn toàn dựa trên chủ trương dân túy,” trong khi phe đối lập đả kích đây là một “sai lầm lớn.”

Thông điệp của ông Biden được người dân ở Armenia và người Armenia khắp thế giới đón nhận bằng “sự nhiệt tình to lớn,” Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết trong một bức thư gửi tổng thống Mỹ.

Trong tuyên bố của mình, ông Biden nói người dân Mỹ tôn vinh “tất cả những người Armenia thiệt mạng trong cuộc diệt chủng bắt đầu cách đây 106 năm ngày hôm nay.”

“Suốt nhiều thập niên qua, người nhập cư Armenia đã làm phong phú thêm cho nước Mỹ bằng vô số hình thức, nhưng họ chưa bao giờ quên đi lịch sử bi thảm này,” ông Biden nói. “Chúng tôi tôn vinh câu chuyện của họ. Chúng tôi nhìn thấy nỗi đau đó. Chúng tôi khẳng định lịch sử. Chúng tôi làm điều này không phải để quy lỗi mà để bảo đảm rằng chuyện đã xảy ra sẽ không bao giờ tái diễn.”

Trong những phát biểu tìm cách xoa dịu tác động từ tuyên bố, một quan chức chính quyền cao cấp nói với các phóng viên rằng Washington tiếp tục coi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO hệ trọng và đang khuyến khích Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi hòa giải.

Từ nhiều thập niên qua, các dự luật công nhận cuộc diệt chủng người Armenia đã bị đình trệ trong Quốc hội Mỹ và hầu hết các tổng thống Mỹ đã tránh gọi như vậy, do bị cản trở bởi những lo ngại về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực vận động hành lang ráo riết của Ankara, theo Reuters. Ronald Reagan, cựu tổng thống Mỹ từ California, nơi cộng đồng người Armenia tập trung đông đảo ở Mỹ, là tổng thống Mỹ duy nhất công khai gọi các vụ giết người là diệt chủng.

Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận rằng nhiều người Armenia sống trong Đế chế Ottoman đã bị sát hại trong các cuộc đụng độ với lực lượng Ottoman trong Thế chiến thứ Nhất, nhưng tranh cãi về số người chết và phủ nhận các vụ giết người được dàn dựng một cách có hệ thống và cấu thành diệt chủng.

Một năm trước, khi vẫn còn là ứng cử viên tổng thống, ông Biden đã tưởng niệm 1,5 triệu nam, nữ và trẻ em người Armenia thiệt mạng trong những năm cuối cùng của Đế chế Ottoman và nói rằng ông sẽ ủng hộ những nỗ lực công nhận những vụ giết người đó là diệt chủng.

Quan hệ giữa Ankara và Washington đã trở nên căng thẳng vì nhiều vấn đề từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga - vốn là mục tiêu của các chế tài của Mỹ - đến những khác biệt về chính sách ở Syria, nhân quyền và một vụ kiện nhắm vào ngân hàng Halkbank phần lớn do nhà nước sở hữu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố của ông Biden theo sau một nghị quyết không ràng buộc được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua vào năm 2019 công nhận các vụ giết người là diệt chủng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn