Sau 25 năm, 'căn cứ nguy hiểm nhất thế giới' vẫn ở hòn đảo Nhật Bản

Thứ Sáu, 23 Tháng Tư 20217:00 SA(Xem: 2810)
Sau 25 năm, 'căn cứ nguy hiểm nhất thế giới' vẫn ở hòn đảo Nhật Bản

Kế hoạch di dời căn cứ không quân Futenma trở thành biểu tượng của sự chia rẽ giữa chính phủ Nhật Bản và người dân Okinawa.

Năm 1996, Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên công bố kế hoạch trao trả khu đất căn cứ không quân Futenma cho chính quyền tỉnh Okinawa trong nỗ lực nhằm giảm gánh nặng về chi phí đồn trú của quân đội Mỹ.

Trong nhiều năm dài, Futenma đã là tâm điểm phản đối của người dân địa phương và gây ra căng thẳng giữa chính quyền địa phương tại Okinawa với Tokyo. Kế hoạch di dời căn cứ quân sự Futenma nhằm loại bỏ các mối nguy hiểm gây ra cho người dân trong khi giúp duy trì khả năng răn đe của liên minh Mỹ - Nhật đối với Trung Quốc.

Sau 25 năm kể từ ngày Futenma được tuyên bố trao trả, kế hoạch di dời vẫn đang tiến triển chậm chạp, theo Nikkei Asia. Cuộc chiến pháp lý lại nổ ra giữa Okinawa và chính quyền trung ương liên quan đến khu đất để xây căn cứ mới.

“Căn cứ quân sự nguy hiểm nhất thế giới”

Okinawa là tỉnh cực nam của Nhật Bản, chiếm 0,6% diện tích lãnh thổ nhưng nằm tại vị trí có ý nghĩa chiến lược. Đây là nơi đặt 70% căn cứ quân sự của Mỹ với khoảng 47.000 lính Mỹ đồn trú.

Căn cứ quân sự Futenma nằm giữa khu dân cư của thành phố Ginowan, thủ phủ đảo Okinawa. Các máy bay chiến đấu của Mỹ thường xuyên bay thẳng trên mái nhà và trường học. Nếu nhìn từ trên cao, người ta sẽ dễ dàng thấy đường băng của căn cứ nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc với trường học, công viên và cửa hàng.

Năm 2003, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, Donald Rumsfeld bay phía trên căn cứ Futenma và nhìn xuống, ông gọi nó là "căn cứ nguy hiểm nhất trên thế giới".

Can cu khong quan Futenma anh 1

Ảnh chụp từ trên không của căn cứ Futenma. Ảnh: AP.

Nhiều năm qua, người dân khu vực này liên tục phản đối việc các căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại đây. Tiếng ồn máy bay, nguy cơ từ những lần máy bay bay thấp sát khu dân cư, các vụ tai nạn và tội phạm liên quan đến binh sĩ Mỹ đảo lộn cuộc sống thường ngày của họ.

Vụ cưỡng hiếp một nữ sinh của binh sĩ Mỹ năm 1995 đã gây ra làn sóng phẫn nộ của người dân Okinawa.

Một máy bay trực thăng của Mỹ đã rơi trong khuôn viên một trường đại học năm 2004. Năm 2017, bộ phận của máy bay trực thăng cũng rơi xuống một trường tiểu học.

Can cu khong quan Futenma anh 2

Tấm ảnh chụp tháng 12/2020 cho thấy một máy bay quân sự Mỹ bay sát phía trên làng Zamami, thuộc công viên quốc gia Keramashoto, tỉnh Okinawa. Ủy viên hội đồng làng chỉ trích máy bay bay thấp đến nỗi nó lượn sát phần mái nhô ra của đài quan sát. Ảnh: Asahi.

Tokyo lo ngại rằng những vụ tai nạn sẽ làm lung lay liên minh Mỹ - Nhật và khiến người dân thêm phẫn nộ.

Ngoài ra, với phần lớn cơ sở quân sự Mỹ tập trung tại đây, Okinawa có thể trở thành mục tiêu trong cuộc đối đầu quân sự có thể xảy ra giữa Washington và Bắc Kinh.

"Có một khoảng cách vô bờ giữa nỗi lo lắng của Mỹ về an ninh với quan điểm của người dân Nhật Bản", Nikkei Asia dẫn lời Mieko Nakabayashi, một giáo sư tại Đại học Waseda.

Trong kế hoạch trao trả toàn bộ khu đất căn cứ quân sự Futenma năm 1996, Nhật Bản và Mỹ định thực hiện việc trả lại đất trong 5 đến 7 năm. Đến năm 1998, mới có 4 ha trong tổng diện tích đất 481 ha của căn cứ quân sự Mỹ được trao trả cho Nhật Bản.

Hai bên phải mất 10 năm để quyết định di dời căn cứ đến quận Henoko, thành phố Nago (cũng thuộc đảo Okinawa). Trên giấy tờ, kế hoạch này có vẻ tốt. Căn cứ ở Henoko sẽ nằm tại một khu vực ít dân cư hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây lại cao, và căn cứ có thể tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

Thế nhưng, động thái này sau đó lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương, cho rằng căn cứ phải đặt bên ngoài tỉnh. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2019, có đến 70% cư dân Okinawa phản đối việc di dời đến Henoko.

Các nhà hoạt động môi trường lo lắng căn cứ mới sẽ phá hủy hệ sinh thái dưới nước tại đây, làm mất đi môi trường sống cuối cùng của loài bò biển Okinawa, theo BBC. Căn cứ sẽ được xây dựng trên một cụm san hô và cỏ biển vốn là nơi sống cho một loài bò biển thuộc diện bảo tồn. Cùng với đó là nỗi lo về rác thải, sự gián đoạn gây ra cho nghề cá và mối đe dọa làm suy giảm đa dạng sinh học.

Người dân cũng lo lắng về các vụ phạm tội liên quan đến căn cứ. Họ cho rằng một khi căn cứ đã được thiết lập, không còn cách gì ngăn nó mở rộng ra.

Chính quyền mới tại Okinawa cố gắng thu hồi phê duyệt cải tạo đất tại khu vực Henoko (vốn được chính quyền cũ thông qua). Hành động này lại gây ra một cuộc chiến pháp lý với chính quyền trung ương, với kết quả là Tòa Tối cao cho phép việc di dời này tiếp tục diễn ra.

Can cu khong quan Futenma anh 3

Công nhân xây dựng đổ một xe tải cát xuống biển tại Henoko. Ảnh: AP.

Giải pháp duy nhất

Trong cuộc hội đàm “2-cộng-2” vào giữa tháng 3 giữa quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Nhật Bản, Tokyo đã nhấn mạnh tiến độ xây dựng căn cứ tại bờ biển Henoko. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi đã trình chiếu hình ảnh trên không của địa điểm mới, cho thấy việc xây dựng vẫn đang tiến triển ổn định.

Căn cứ Henoko sẽ là một phần không thể thiếu của khu phức hợp căn cứ quân sự Mỹ ở phía bắc đảo Okinawa. Đây sẽ là trung tâm huấn luyện thủy quân lục chiến trong môi trường rừng rậm.

Trong tuyên bố chung, hai bên khẳng định dự án Henoko là “giải pháp duy nhất nhằm tránh việc tiếp tục sử dụng căn cứ Futenma”.

Kế hoạch san lấp mặt bằng được bắt đầu từ tháng 12/2018. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát cho thấy đáy biển quá yếu để hỗ trợ cơ sở vật chất theo kế hoạch. Khung thời gian dự kiến của việc di dời được lùi lại đến năm 2022 và có thể kéo dài đến 2030.

Trong khi đợi căn cứ mới được hoàn thành, quân đội Mỹ vẫn phải tiếp tục sử dụng căn cứ Futenma với vô số rủi ro.

Đô đốc Phillip Davidson, người đứng đầu Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kêu gọi phân tán lực lượng Mỹ trong khu vực. Ông lo ngại số lượng binh lính tập trung ở một địa điểm nhỏ như Futenma làm tăng nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa.

Can cu khong quan Futenma anh 4

Người biểu tình phản đối dự án xây dựng căn cứ quân sự tại Henoko. Ảnh: AP.

Mối đe dọa Trung Quốc và Triều Tiên

Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong mười năm qua. Các nỗ lực hiện đại hóa quân đội, chế tạo và bổ sung tàu chiến, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Nhật Bản.

Bắc Kinh cũng thường xuyên cử các tàu hải quân đến khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, hòn đảo mà nước này luôn xem là một tỉnh ly khai.

“Chúng ta không nên đánh giá thấp việc triển khai các lực lượng Mỹ như một biện pháp chống lại Trung Quốc”, giáo sư Ken Jimbo thuộc đại học Keio nói.

Đảo Okinawa chỉ cách eo biển Đài Loan 650 km về phía đông bắc. Căn cứ trên hòn đảo này là chìa khóa quan trọng giúp Washington và Tokyo có thể phản ứng nhanh chóng với các vấn đề trong khu vực.

Mặc cho sự phản đối của người dân, chính phủ Nhật Bản vẫn kiên quyết với việc giữ các căn cứ quân sự trên đảo Okinawa. Hành động này nhằm đảm bảo khả năng răn đe khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn