Có oan sai cho Nguyễn Tri Phương bị kết tội để mất Hà Nội 1873?

Thứ Hai, 29 Tháng Ba 20212:00 SA(Xem: 2423)
Có oan sai cho Nguyễn Tri Phương bị kết tội để mất Hà Nội 1873?
bbc.com

Oan sai cho ai vụ nước Nam mất thành Hà Nội lần I?


Có oan sai cho Nguyễn Tri Phương bị kết tội để mất Hà Nội 1873?

  • Phạm Cao Phong
  • Gửi bài từ Paris, Pháp

HN

Nguồn hình ảnh, CaoPhong Pham

Chụp lại hình ảnh,

Hoàng thành Thăng Long ngày nay

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ tên tuổi của anh hùng Nguyễn Tri Phương với suy nghĩ giản dị: thành mất thì tướng phải tuẫn tiết với thành.

Bên trời Âu, thuyền trưởng tàu Titanic đã chọn cùng tàu chìm xuống đáy biển. Hoặc như tướng Võ Tánh không giữ nổi Diên Khánh bước vào ngọn lửa chọn cái chết.

Song, tôi không khỏi bị choáng khi đọc đến trang quốc sử 'Đại Nam Thục lục' của triều Nguyễn chép lời phán xử của vua Tự Đức về nguyên soái Phương.

''Nguyễn Tri Phương, Đoàn Thọ còn có thể khen về tiết nghĩa, còn không có công lao tài năng thu chuyển, mà mượn cớ trốn trước, thì chỉ là giữ lấy thân mà thôi, dẫu có trăm miệng muôn đời cũng không thể khỏi tội được, đâu đáng kể đến làm gì?''

Nhưng ta cần xét lại một chút bối cảnh Nguyễn Tri Phương để một nhóm vài chục quân Pháp do Francis Garnier, người kém ông vài chục tuổi chỉ huy, hạ thành Hà Nội lần thứ nhất ngày 20/11/1873.

Kẹt giữa Đại Thanh và Đại Pháp

Mọi sự diễn ra khi quân Thanh và các đảng cướp người Hoa lộng hành ở miền Bắc Việt Nam.

Xin nhắc lại lịch sử.

Năm 1869, thương gia Pháp Jean Dupuis (tiếng Việt gọi là Đồ Phổ Nghĩa) đến Vân Nam buôn bán và được trao những thư ủy nhiệm quan lại Vân Nam gửi vua An Nam, xứ mà nhà Thanh coi là chư hầu.

Ngày 9/11/1872 Jean Dupuis đến sông Hồng lên Quảng Yên tìm đến quan kinh lược Hải Dương là Lê Tuấn để bàn về lợi ích thương mại. Song Lê Tuấn từ chối giấy tờ ủy nhiệm của Vân Nam và đợi chỉ thị của Huế, bắt Dupuis chờ đợi giấy phép trong 15 ngày.

Sự luộm thuộm của phía An Nam thấy rõ ở chỗ các quan dưới quyền khất lần, cấm không cho người dân liên hệ mua bán, đổi chác với Dupuis. Người Nam bán với giá cắt cổ những đồ tiếp tế như thực phẩm, gạo nước, thậm chí cấm không cho mua củi. Quan hệ sớm có màu sắc 'truyền thống hiếu khách' của Việt Nam như thói bắt chẹt, bắt nạt kẻ lạ vốn đậm đà.

Sau 15 ngày vô vọng, Dupuis nhổ neo cho thuyền vượt sông Hồng. Các quan cho đóng quân dọc bờ sông, cắm cọc ngăn sông song không cản được Dupuis đến Hà Nội.

Jean Dupuis đòi bồi thường 10.000 lạng bạc phí tổn mỗi tháng do phải chờ đợi. Nhà cầm quyền Hà Nội vẫn giữ thái độ đe dọa trong khi người dân không có thái độ ác cảm, nhất là các nhà buôn.

Dupuis lên Bắc Ninh gặp chỉ huy quân Thanh nhờ can thiệp và được nghe:

Cờ Đen

Nguồn hình ảnh, L'Illustration

Chụp lại hình ảnh,

Quân Cờ Đen nhũng nhiễu dân chúng Nam

''Không chờ đợi điều gì tốt ở người An Nam đâu, phải đối xử với người Bắc Kỳ (Tonkin) như bọn nô lệ mà thôi''. Viên tướng này còn đe dọa chính họ sẽ bảo vệ cho Dupuis đi được.

Vấn đề Dupuis không quá lớn so với vấn nạn Bắc Kỳ phải hứng chịu từ hàng thập kỷ là sự tràn ngập của người Hoa có vũ trang.

Từ năm 1868, quân Cờ Đen (Hắc Kỳ Quân) đứng đầu là tên cướp hung hãn nhất Lưu Vĩnh Phúc, vốn là trùm băng đảng Quảng Tây, cựu Thái Bình Thiên quốc, đã chiếm Lào Cai.

Băng đảng Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh gồm binh lính cũ của Quảng Tây bớt tàn ác hơn, lập căn cứ ở Hà Giang. Ngoài ra còn băng Cờ Trắng (Bạch miêu).

Các phe phái, cướp cạn, cướp biển và những quân Thái Bình thiên quốc thua trận chạy dạt sang Việt Nam tung hoành, lập thành các doanh quân hàng nghìn người.

Triều đình Huế bất lực trong hàng chục năm không dẹp yên được, nên đã mời quân đội chính quy nhà Thanh sang giúp.

Nhưng đội quân này chỉ lo hiếm những chỗ thoải mái nhất để đóng quân, tránh đụng độ với quân cướp, thậm chí một phần quan trọng còn hợp sức với chúng đi cướp bóc, hãm hiếp dân lành.

Cuốn "Français et Annamites: partenaires ou ennemis?1856-1902" (NXB Denoël, 1998) có đoạn phân tích rằng triều đình Huế bất lực trong hàng chục năm, nên đã mời quân nhà Thanh sang giúp.

Sử gia Philippe Devillers viết rằng các tàu thuyền hải tặc thường ngược các sông ngòi, tấn công các làng mạc, dân chúng bị bắt cóc sang Trung Quốc.

Đàn ông An Nam bị bán sang các đồn điền tận Cuba, California, phụ nữ, con gái bị bán vào các nhà thổ ở Phúc kiến, Quảng tây, Quảng Đông, Vân Nam…

Tàu cướp có khi đến 70 chiếc ngược sông Hồng, phối hợp với cướp cạn cả hàng nghìn tên vào sâu đất liền đến tận Hải Dương.

Đến năm 1884, tức là 10 năm sau, tổng hành dinh quân Cờ Đen vẫn còn đóng ở phường Hà Khẩu, nay là phố Mã Mây.

Trong bối cảnh nhà Nguyễn gần như không còn kiểm soát được lãnh thổ như thế, sự xuất hiện của Jean Dupuis chỉ là 'tác nhân' gây bùng nổ chiến tranh Pháp-Nam.

Dupuis rời Hà nội 18/11 đến 16/3 năm sau thì đến được Vân Nam, ký được hợp đồng 6 triệu francs bán vũ khí và nhận được lời hứa ân xá dành cho đảng cướp Cờ Vàng nếu lính cướp chuyển sang làm nhân công khai thác mỏ.

Ngày 30/04/1873, Dupuis trở lại Hà nội. Tại đây thái độ của nhà cầm quyền tỏ ra cứng rắn hơn. Những Hoa kiều cho Dupuis mượn thuyền bè bị bắt hết. Dupuis nổi đóa, bắt viên quan phụ trách an ninh lên thuyền của y và đòi thả các cộng sự đang bị giam giữ.

Vai trò của Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội

Để đối phó với các vụ việc ngoài Bắc, ngày 25/4/1873, Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương được cử ra Hà Nội. Huế cũng yêu cầu phía Pháp giải quyết giúp việc Dupuis, được coi là sách nhiễu quá lố.

Phía Pháp đứng về quyền bảo hộ công dân cũng đồng ý giúp các quan chức Bắc Kỳ, sát cánh với Huế để giải quyết ổn thỏa mâu thuẫn không đáng có giữa nhu cầu làm ăn buôn bán, chính sách thuế khóa, giải tỏa khuất tất trong việc Depuis. Đô đốc Dupre nhờ Francis Garnier lúc đó đang ở Thượng Hải sang Hà Nội gặp các quan chức Bắc Kỳ và Depuis để gỡ rối.

Triều đình chọn theo Trung Hoa, quan chức tham ăn dẫn đến mất nước

Phía Pháp năm 1868 đã ngỏ ý giúp đỡ thanh toán hải phỉ Trung Hoa, nhưng Huế không trả lời. Không hiểu sao quan Bắc Kỳ yêu Trung Hoa đến nỗi ấy.

Sau vụ mất thành Hà Nội, hai tàu chiến Pháp đem theo đại thần Nguyễn văn Tường ra Hà nội hòa nghị, đến Hải Phòng còn kịp đánh tan 20 thuyền giặc biển, thu 25 cỗ súng đồng. Vua Tự Đức thưởng 2 khánh vàng cho hai viên sĩ quan Pháp chỉ huy tàu, toàn bộ thuyền viên Pháp đều được cám ơn, ban tặng.

Ngoài nạn cướp cạn, hải tặc, thiên tai, vỡ đê, nạn châu chấu, nạn đói triền miên Bắc Kỳ phải xin phát chuẩn cứu khổ, còn có các cuộc nổi dậy của nông dân và dịch bệnh còn bùng phát.

Tôi nghĩ các khủng hoảng đó lớn hơn chuyện đòi phải có giấy tờ hợp lệ để buôn bán trên sông Hồng của một gã lái buôn?

Thực tế thì nhà Nguyễn đâu còn nắm được nguồn thương nghiệp Bắc Kỳ vốn đã nằm 100% trong tay người Hoa. Hà Nội lúc đó mới có có 120.000 cư dân, mà người Hoa có tới 10.000 người. Năm trăm Hoa kiều độc quyền làm giàu ở Hà nội.

Người Pháp muốn làm ăn buôn bán đều phải qua môi giới của Hoa Kiều. Các quan chức không biết ngoại ngữ song lại tỏ ra thù hằn với những người Việt nói được tiếng Pháp, vì tất cả những người thông thuộc ngôn ngữ này đều là dân đạo. Một sự trộn lẫn giữa nghĩa vụ trách nhiệm và cảm tính.

Phải chăng Jean Dupuis động chạm đến 'nhóm lợi ích' Hoa kiều vốn có tác động đến các quan lại Hà Nội? Hay chỉ vì tay phiêu lưu Pháp này 'dám' dùng thủy lộ qua Lào Cai mà không chịu nộp mãi lộ cho quân Cờ Đen? Các quan An Nam vốn quen ăn đút đã tạo áp lực với chuyện làm ăn của Depuis? Tham ăn đến gây ra mất nước?

Có phải vua Tự Đức muốn dùng uy vũ của Nguyễn Tri Phương để kiềm chế Hoàng Kế Viêm, một con sói thành tinh từ nhiều năm giữ quyền sinh sát tại Bắc Kỳ? Giao việc dọn dẹp bọn cướp mà không mất lòng Viêm và thuộc hạ như một thế lực ngầm phù hợp với vai trò một nguyên soái quân sự như tướng Phương?

Hoặc vua gửi nguyên soái Phương ra bắc để phối hợp với tướng Viêm giải quyết dứt điểm nạn cướp? Ba năm trước thậm chí chúng đã đột nhập trong đêm giết chết một đại thần phụ trách Bắc Kỳ, nhiều quan cai trị cũng bị giết khi giao tranh với các toán cướp.

Có những cuộc mặc cả ngầm nào giữa các thế lực ở Bắc Kỳ? Nguyên soái Phương vì sao thiệt mạng, ở đâu và như thế nào ?

Ở Việt Nam lâu nay không còn mấy ai nói về những điều này nhưng ở Pháp người ta vẫn chú ý.

Có tới 13 đầu sách viết về sự kiện này cùng 82 luận án nghiên cứu về Françis Garnier, người đem quân đánh thành Hà Nội lần hai, sau lần của Jean Dupuis. Gần đây nhất là vào ngày 17/12/2020 Viện hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp còn trưng bày những bức thư nguyên bản của Garnier.

Vua Tự Đức, lưng hơi còng, ánh mắt điềm tĩnh, bộ răng nhuộm đen, tóc búi tó cài trâm vàng, được phía Pháp mô tả là một 'ông vua sáng suốt và kiên trì'.

Ông đã cân nhắc rất nhiều khi xét xử việc mất thành Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình. Lệnh vua cho xử trảm giam hậu (giam lại đợi chém) 24 người, gồm Hộ đốc Lê Hữu Thường, quyền Tuần phủ Đặng Xuân Bảng, Bố chính Nguyễn Hữu Chính, án sát Nguyễn Đại, Chánh - Phó lãnh binh Lê Văn Danh...và nhiều người khác.

Tiếp theo, các vị Phó lãnh binh Nguyễn Quý Lợi, Nguyễn Văn Chư, Đặng Duy Ngọ...bị cách chức. Đề đốc Hà Nội Phan Đề bị giáng chức làm phó quản cơ…

Để thấy kỷ luật thời phong kiến đã duy trì được chế độ hàng trăm năm khắc nghiệt ra sao, khác hẳn 'án xoa lưng, vỗ vai', thời sau này, ta cần đọc lại lời văn nghị án:

''Nguyễn Thứ phải chém lập tức; Phạm Đăng Tuấn, Bùi Văn Thú phải thắt cổ ngay, Đỗ Phát, Doãn Khuê xử phải phạt trượng và phát lưu.

''Thự đốc Bùi Thức Kiên phải trảm giam hậu, và đục bỏ tên ở bia, sổ tiến sĩ ; Đại thần Nguyễn Tri Phương cách mất chức hàm, còn án trảm giam hậu mãi ; Đề đốc Đặng Văn Siêu phải trảm giam hậu ; Bố chính Vũ Đường, Lãnh binh Nguyễn Đăng Nghiễm, Phó lãnh binh Lê Tiến Khoa xử giảm xuống phải phạt trượng và phát lưu;

Thử so sánh với thời 'đồ giả', 'các đồng chí chưa bị lộ' tung tăng bằng tiến sĩ rởm để thăng tiến, ta hãy xem vua Tự Đức xử bằng cấp chức tước ra sao:

"Phó lãnh binh Nguyễn Khắc Uy lại giảm xuống phải tội trượng, đồ lĩnh, án sát Tôn Thất Trắc lại giảm xuống phải phạt trượng, cách chức cho làm việc chuộc tội ; Khâm phái Phan Đình Bình phải cách chức trả lại nguyên chức Tiến sĩ.''

Toàn bộ các chức quan hành chính, quân sự của Hà nội nhận những bản án nặng nề. Những người đọc sử sau này không để ý đến họ.

Còn nhưng nhân vật chính, đi vào lịch sử, được đặt tên phố bây giờ thì sao?

Tướng Phương có oan trái với lời phán xử ''muôn đời không tránh khỏi tội'' ?

Nguyên soái Nguyễn Tri Phương, 73 tuổi, là một trong những đại thần hiếm hoi được vua ưu đãi ban cho lễ ôm gối.

Tội của ông, nếu có, là tội chung của hệ thống, lạc hậu, luộm thuộm trước quân địch từ châu Âu.

Ông là một tướng quân sự. Có thể đây là một sai lầm của vua Tự Đức khi dùng dao mổ trâu giết gà? Giống như sau này, việc nhỏ cũng dùng các bộ 'nắm đấm' vào cuộc, làm to chuyện?

Vụ mất thành Hà Nội lần đầu, theo tôi, xét ra là sự vụ cỏn con chỉ cần vai trò của một viên chức hải quan.

Nhưng để làm được thế thì phải có chiến lược rõ ràng trong cuộc đối mặt với Tây Phương, điều nhà Nguyễn không có. Câu hỏi của lịch sử có giá trị khi đó và ngày nay.

Vậy nguyên soái Nguyễn Tri Phương là anh hùng, là nạn nhân của 'lỗi hệ thống' vào thời điểm não trạng của triều đình Nguyễn đã quá lạc hậu trước thời cuộc, hay ông vẫn chịu lời cay nghiệt của vị vua già, bảo thủ là 'muôn đời không trốn khỏi tội'?

Quá nhiều khoảng trống trong lịch sử không được làm rõ, thậm chí bị lờ đi. Bài học cho ngày hôm nay tuy thế vẫn còn nguyên.

Thời gian và lòng người là những phán xử cuối cùng. Không một ông vua hay một kẻ hãnh tiến về chính trị có thể tước nổi quyền yêu, ghét, quyền phán xử của nhân dân. Nhân dân là người quan tài công bằng và liêm chính duy nhất trước lịch sử.

'Trăm năm bia đá còn mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.''

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn