Những người da màu từng gia nhập Hoàng gia Anh trước Công nương Meghan

Chủ Nhật, 28 Tháng Ba 20217:00 CH(Xem: 2645)
Những người da màu từng gia nhập Hoàng gia Anh trước Công nương Meghan

Theo tạp chí TIME, sử gia Priya Atwal, tác giả cuốn Royals and Rebels: The Rise and Fall of the Sikh Empire (tạm dịch: Thành viên Hoàng gia và những người nổi loạn: Thăng trầm của Đế quốc Sikh”), là người chuyên nghiên cứu về các đế quốc, chế độ quân chủ, chính trị văn hóa ở Anh và Nam Á. Vào ngày 7/3, một ngày trước khi cuộc phỏng vấn của vợ chồng Hoàng tử Harry lên sóng đài truyền hình Mỹ, bà Atwal đã đăng lên Twitter nói về trải nghiệm của những người da màu từ thời Đế quốc Anh.

Đây là những người trở thành con đỡ đầu của Nữ hoàng Victoria trong những năm 1850 và 1960. Bà Atwal cho rằng cách báo chí và Hoàng gia Anh đối xử với họ có nét giống Công nương Meghan. Bài viết của bà Atwal đã nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi. Theo sử gia Atwal, cho dù tình huống khác nhau nhưng so sánh hai thời cho thấy bộ máy quân chủ hầu như không thay đổi. 

Con đỡ đầu của Nữ hoàng Victoria

Chú thích ảnh
Sara Forbes Bonetta chụp ảnh cùng chồng là James Davies ngày 15/9/1862. Ảnh: Getty Images

Giữa thế kỷ 19 là giai đoạn thay đổi nhanh chóng đối với Anh, Đế quốc Anh và chế độ quân chủ Anh. Đế quốc đang mở rộng mạnh mẽ khắp thế giới. Đế quốc Anh kiểm soát Ấn Độ, tiến tới trực tiếp cai trị từ năm 1858. Đế quốc Anh duy trì mạng lưới giao thương ở châu Á và châu Phi, bóc lột tài nguyên thiên nhiên ở các nước trong hai châu lục.

Quá trình Nữ hoàng Victoria nhận người da màu làm con đỡ đầu bắt đầu từ Sarah Forbes Bonetta – cô gái sinh ra ở Tây Phi, bị giam giữ trong hai năm. Năm 1850, Bonetta được tặng cho một đại úy hải quân Anh đại diện cho Nữ hoàng Victoria. Kể từ Bonetta, nền quân chủ Anh đã nhận một số người ở khắp mọi ngóc ngách trong đế quốc rộng lớn làm con đỡ đầu. Theo Atwal, Nữ hoàng Victoria có mối quan tâm cá nhân với tất cả những đứa trẻ này và bảo vệ chúng, nhưng về cơ bản, các con đỡ đầu đều được sử dụng để đánh bóng hình ảnh.

Trong số đó có Công chúa Gouramma ở Coorg (một tỉnh ở Ấn Độ thuộc Anh), người tới Anh cùng cha năm 1852 khi 11 tuổi sau khi họ bị người Anh lưu đày và phế truất tại Ấn Độ. Gouramma trở thành thành viên Hoàng gia Ấn Độ đầu tiên cải sang Thiên chúa giáo và lấy tên Victoria trong lễ rửa tội – nghi lễ mà Nữ hoàng trở thành mẹ đỡ đầu của Gouramma.

Mặc dù người ta thường thấy Gouramma xuất hiện cùng Hoàng gia và được mặc quần áo đẹp, đeo trang sức đắt tiền, được gọi là công chúa danh dự, nhưng cuộc đời cô và quá trình nuôi dạy cô đều bị Nữ hoàng Victoria kiểm soát chặt chẽ. Nữ hoàng không cho phép Guoramma gặp lại cha lần nữa và cuối cùng, Gouramma mất khả năng nói tiếng mẹ đẻ Hindi. Sử gia Atwal nói: “Hình ảnh Gouramma như thế nào đều do quan điểm thực dân quyết định. Tất cả để đảm bảo những gì cô làm và cư xử đều phù hợp và bảo vệ hoàng gia”. Khi còn nhỏ, Gouramma đã tìm cách chạy trốn vài lần. Cô công chúa nhỏ luôn cảm thấy mình bị hiểu lầm.

Nữ hoàng Victoria cũng cố gắng, nhưng thất bại khi mai mối Gouramma với một đứa con đỡ đầu khác của Đế quốc là Maharaja Duleep Singh. Năm 1854, Singh đã cải sang Thiên chúa giáo và sống ở Anh khi 16 tuổi sau khi bị tước bỏ tước hiệu ở Punjab, Ấn Độ. Nữ hoàng Victoria cũng trở thành mẹ đỡ đầu cho con cái của Duleep Singh, trong đó có Sophia Duleep Singh. Sau này, Sophia trở thành người đấu tranh vì quyền bầu cử của phụ nữ.

Trong những năm 1860, Nữ hoàng Victoria trở thành mẹ đỡ đầu của hai đứa trẻ nữa: Hoàng tử Alamayu, con trai Hoàng đế Abysssinia; và Albert Victor Pomare, người sinh ra ở Anh năm 1863 khi một nhóm người Maori tới thăm Anh trong chuyến đi do một nhà truyền giáo Hội giáo lý tổ chức. 

Những đứa trẻ này sống với các gia đình hoặc người giám hộ khác, trong đó có các thành viên tầng lớp thượng lưu. Sarah Forbes Bonetta sống cùng gia đình viên đại úy hải quân. Alamayu sống cùng gia đình một sĩ quan lục quân. 

Nữ hoàng Victoria cũng đóng vai trò trong định hướng giáo dục, ứng xử, huấn luyện cho các con đỡ đầu. Xét nhiều khía cạnh, Nữ hoàng thực sự coi các con đỡ đầu là thành viên hoàng gia và là người Thiên chúa giáo.

Kiểm soát hình ảnh hoàng gia

Chú thích ảnh
Duleep Singh. Ảnh: Getty Images

Một lý do khiến các con đỡ đầu được Nữ hoàng quan tâm sát sao là vì Hoàng gia Anh muốn có một hình ảnh mới cho bản thân họ, không chỉ trong xã hội Anh mà còn khắp Đế quốc. Phần lớn những gì mà chúng ta hiểu về Hoàng gia Anh ngày nay được củng cố từ thời Victoria cùng với sự phát triển của nhiếp ảnh và báo in.

Nữ hoàng Victoria và Hoàng tử Albert khởi xướng ý tưởng album ảnh gia đình hoàng gia khi nhiếp ảnh ngày càng phát triển về công nghệ. Nữ hoàng đặc biệt thích phương tiện này. Trong các tập ảnh hoàng gia, có ảnh các con đỡ đầu như Gouramma và Sarah Forbes Bonetta. Những bức ảnh này góp phần xây dựng hình ảnh nền quân chủ trước công chúng, một hình ảnh gia đình hoàng gia kiểu mẫu, trong sạch. Sử gia Atwal cho rằng theo thời gian, địa vị của nền quân chủ ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào quan điểm của công chúng. Vì thế, bảo vệ hình ảnh ngày càng quan trọng. Bà nói: “Mọi thứ phải vận hành vì lợi ích nền quân chủ, Nữ hoàng và Hoàng gia Anh. Đây là chủ đề nhất quán xuyên suốt lịch sử, đặc biệt là lịch sử gần đây”.

Khi các con đỡ đầu bị thất sủng hoặc làm điều gì ô uế hình ảnh kiểu mẫu đó, họ cũng phải chịu cơn thịnh nộ mà báo chí trút lên đầu. Vào những năm 1870, tiền bạc của Duleep Singh giảm mạnh sau nhiều năm sống xa hoa và anh ta ngày càng giận dữ khi Punjab bị sáp nhập, khiến anh ta âm mưu nổi loạn chống lại vương quốc Raj thuộc Anh (British Raj).

Khi thông tin này xuất hiện trên báo chí, nó gây chấn động bùng nổ và Duleep Singh bị báo chí Anh vùi dập, phỉ báng. Tranh biếm họa chế giễu Duleep Singh xuất hiện trên báo chí. Báo chí ngả theo quan điểm và cách tuyên truyền của hoàng gia, khắc họa tiêu cực hình ảnh của Duleep Singh.

Trong thế kỷ 20, báo chí phát triển nhanh và trở thành “món ăn” không thể thiếu của xã hội Anh. Báo chí đã tham gia vào một số vụ bê bối và bi kịch trong những thập kỷ gần đây, trong đó có vụ các tay săn ảnh đuổi theo ô tô chở Công nương Diana, gây ra tai nạn khiến bà thiệt mạng năm 1997. Ngoài ra, còn có vụ bê bối xâm nhập điện thoại mà các nhà báo tên tuổi bị phát hiện xâm nhập điện thoại thành viên hoàng gia để lấy thông tin.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn