Jérusalem trong vòng xoáy bạo lực

Thứ Sáu, 09 Tháng Hai 20181:30 SA(Xem: 6906)
Jérusalem trong vòng xoáy bạo lực

Jérusalem trong vòng xoáy bạo lực

Những ngày qua, bạo lực leo thang ở Jérusalem là đề tài thời sự quốc tế nóng hổi. Le Monde giới thiệu bài xã luận « Jérusalem trong vòng xoáy bạo lực ». Xung đột ở Jérusalem gợi nhắc rằng Jérusalem không phải một thành phố bình thường như bao thành phố khác. Tại Jérusalem có một nơi có giá trị đặc biệt với ba cộng đồng tôn giáo lớn: đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa và Hồi Giáo. Nhỏ bé, nhưng địa điểm này lại là « ngòi nổ » cả về lịch sử, tôn giáo và chính trị. Quảng trường các đền thờ là thánh địa quan trọng thứ ba đối với người Hồi Giáo còn bức tường Than Khóc ngay cạnh đó lại là một trong những nơi thiêng liêng nhất của người Do Thái.

Vì thế, Jérusalem, đặc biệt là Quảng trường các đền thờ đã trở thành biểu tượng xung đột giữa Israel và Palestine. Theo Le Monde, đây là nơi mọi chuyện đều có thể trở nên tồi tệ. Căng thẳng leo thang trong những ngày cuối tuần qua đã cho thấy điều đó.

Bi kịch bắt đầu từ giữa tháng 07, khi cảnh sát Israel lắp các máy dò kim loại ở lối vào quảng trường. Biện pháp này được triển khai sau khi 2 cảnh sát Israel bị ba người Palestine bắn chết. Chính phủ cánh hữu của thủ tướng Benyamin Nétanyahou đã đồng ý để cảnh sát triển khai biện pháp trên.

Theo cảnh sát Israel, các máy dò kim loại chỉ là một biện pháp phòng ngừa, giống ở lối vào các sân bay, sàn nhảy và các sân bóng. Tuy nhiên, quân đội và cơ quan mật vụ Israel phản đối việc lắp các máy kim loại ở lối vào quảng trường, họ hiểu phải tôn trọng nguyên trạng của quảng trường, họ cũng biết rằng việc quản lý quảng trường thuộc về Waqf, một tổ chức Hồi Giáo của Jordanie. Họ hiểu quảng trường có ý nghĩa thế nào đối với người Palestine, đó là một trong số rất ít nơi không do Israel kiểm soát, một nơi không thể động tới cả về mặt chính trị và tôn giáo.

Thủ tướng Israel Nétanyahou cũng biết tất cả những điều đó. Ông ấy chắc chắn không thể quên rằng vào năm 2000, việc một trong những lãnh đạo đảng của ông tới thăm quảng trường là một trong những nguyên nhân làm dấy lên phong trào intifada thứ hai - phong trào nổi dậy tấn công bằng dao. Nhưng thủ tướng Israel chịu sức ép của cánh hữu muốn độc quyền kiểm soát mọi nơi và ủng hộ việc lắp các máy dò kim loại bất chấp hậu quả.

Và như thế, cái bẫy đang sập dần. Thành phố thánh Jerusalem lại một lần nữa rơi vào tâm bão, điều mà - theo Le Monde - lẽ ra đã có thể hoàn toàn tránh được.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn