Bài học từ Martin Luther và công nghệ in cho ngày nay

Thứ Hai, 12 Tháng Hai 20186:00 CH(Xem: 5293)
Bài học từ Martin Luther và công nghệ in cho ngày nay

witenberg-printing

Nguồn: Nicholas Davis, “Learning from Martin Luther About Technological Disruption”, Project Syndicate, 31/10/2017.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cách đây năm trăm năm, Martin Luther đã sử dụng công nghệ in để thúc đẩy cuộc tranh luận về “giấy xá tội” (indulgences) của Giáo hội. Thực tế rằng những nỗ lực của ông đã khởi đầu một trong những giai đoạn chia rẽ nhất của lịch sử châu Âu nên trở thành một lời nhắc nhở rằng mặc dù công nghệ có thể hỗ trợ tranh luận mang tính xây dựng nhưng nó cũng có thể kích động xung đột bạo lực.

Năm trăm năm trước đây, một mục sư ít tiếng tăm và là giảng viên đại học về thần học đã làm một điều không có gì đáng chú ý đối với thời đại của ông: ông đã đóng một bản kiến nghị lên một cánh cửa, đòi hỏi một cuộc tranh luận học thuật đối với việc bán “giấy xá tội” của Giáo hội Công giáo, với lời hứa hẹn rằng người mua giấy hoặc người bà con của họ sẽ phải dành ít thời gian hơn trong luyện ngục (purgatory) sau khi họ qua đời.

Ngày nay, “95 luận đề” của Martin Luther được đăng tại Nhà thờ Lâu đài (Castle Church) ở Wittenberg, Đức (ông đồng thời gửi một bản sao cho người bảo trợ của ông, Hồng y Albrecht von Brandenburg), được công nhận rộng rãi như là tia lửa làm bùng phát cuộc Cải cách Kháng cách. Trong vòng một năm, Luther đã trở thành một trong những người nổi tiếng nhất châu Âu, và những ý tưởng của ông – vốn thách thức không chỉ các lễ nghi của Giáo Hội và thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, mà cuối cùng là cả mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa – đã bắt đầu tái cấu trúc các hệ thống quyền lực và bản sắc theo những cách vẫn còn được cảm nhận thấy ngày nay.

Điều gì khiến hành động của Luther trở nên trọng yếu như vậy? Xét cho cùng, những lời kêu gọi cải cách Giáo hội đã xảy ra thường xuyên trong nhiều thế kỷ. Như nhà sử học Diarmaid MacCulloch viết trong cuốn A History of Christianity: The First Three Thousand Years (Lịch sử Thiên Chúa giáo: Ba ngàn năm đầu tiên), hai thế kỷ trước Luther đã xuất hiện những thách thức gần như liên tục đối với uy quyền của Giáo hoàng về các vấn đề triết học, thần học và chính trị. Vậy những mối quan tâm của một nhà thần học ít tên tuổi ở Saxony đã dẫn đến sự biến đổi tôn giáo và chính trị lan rộng như thế nào?

Một phần trung tâm của vấn đề này chính là vai trò của công nghệ mới nổi. Một vài thập niên trước khi Luther phát triển các lập luận của mình, một thợ rèn người Đức tên là Johannes Gutenberg đã phát minh ra một hệ thống in kiểu mới với các mẫu chữ di động, cho phép sao chép văn bản với tốc độ lớn hơn và chi phí thấp hơn cách in bằng mộc bản tốn kém và kém bền.

Báo in là một công nghệ cách mạng với sức mạnh vô cùng lớn cho việc phổ biến các ý tưởng. Năm 1455, cuốn “Kinh thánh Gutenberg” đã được in với tốc độ 200 trang mỗi ngày, nhanh hơn đáng kể so với 30 trang mỗi ngày mà một nhà chép sách lành nghề có thể sản xuất. Ở thời đại của Luther, tốc độ in hàng ngày của một máy in đã tăng lên khoảng 1.500 tờ một mặt. Năng suất in được cải thiện, kết hợp với chi phí giảm, đã dẫn tới sự gia tăng đáng kể trong việc tiếp cận văn bản giai đoạn 1450-1500, mặc dù chỉ có khoảng 6% dân số biết chữ.

Luther nhanh chóng nắm bắt được tiềm năng của báo in để truyền bá thông điệp của mình, phát minh ra các hình thức xuất bản mới ngắn gọn, rõ ràng và được viết bằng tiếng Đức, ngôn ngữ của người dân bản địa. Có lẽ sự đóng góp cá nhân có giá trị lâu dài nhất của Luther là bản dịch Kinh thánh từ tiếng Hy Lạp và tiếng Hebrew sang tiếng Đức. Ông đã quyết tâm “nói chuyện như những người dân ngoài chợ”, và hơn 100.000 bản sao “Kinh thánh Luther” được in ở Wittenberg trong những thập kỷ tiếp theo, so với chỉ 180 bản Kinh thánh Gutenberg bằng tiếng Latinh.

Việc sử dụng công nghệ in mới này để sản xuất những cuốn sách mỏng ngắn gọn và sắc sảo bằng tiếng mẹ đẻ đã biến đổi chính ngành công nghiệp này. Trong thập niên trước khi các luận đề của Luther ra đời, các máy in ở Wittenberg chỉ xuất bản trung bình 8 cuốn sách mỗi năm, tất cả bằng tiếng Latinh và nhằm vào các đối tượng độc giả trong các trường đại học địa phương. Tuy nhiên, theo sử gia Anh Andrew Pettegree, từ năm 1517 đến năm 1546, năm Luther qua đời, các nhà xuất bản địa phương “đã xuất bản ít nhất 2.721 tác phẩm”, tức trung bình “91 cuốn sách/năm”, tương ứng với ba triệu bản sao.

Pettegree tính ra rằng 1/3 trong số tất cả các cuốn sách được xuất bản trong thời kỳ này được chính bản thân Luther viết, và tốc độ xuất bản tiếp tục gia tăng sau khi ông qua đời. Tính trung bình cứ hai tuần một lần Luther lại cho xuất bản một bài viết trong suốt 25 năm.

Báo in đã mở rộng khả năng tiếp cận đối với cuộc tranh luận tôn giáo mà Luther đã giúp khơi mào, góp phần hình thành cuộc nổi dậy chống lại Giáo hội. Nghiên cứu của nhà sử học kinh tế Jared Rubin chỉ ra rằng sự hiện diện của một nhà in ở một thành phố trước năm 1500 sẽ làm tăng đáng kể khả năng thành phố chuyển sang đạo Tin lành vào năm 1530. Nói cách khác, bạn càng sống gần với nhà in, càng có nhiều khả năng bạn sẽ thay đổi cách nhìn về mối quan hệ của mình với Giáo hội, tổ chức mạnh nhất của thời đại đó, cũng như mối quan hệ của mình với Thiên Chúa.

Có ít nhất hai bài học ngày nay được rút ra từ công nghệ gây biến đổi sâu rộng này. Trước hết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của kỷ nguyên hiện đại, điều mà Klaus Schwab của Diễn đàn Kinh tế Thế giới định nghĩa là sự kết hợp của các công nghệ pha trộn các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, cần đánh giá xem những công nghệ nào có thể là “công nghệ in” tiếp theo. Những người có khả năng thua cuộc trước các công nghệ này thậm chí có thể tìm cách để bảo vệ nguyên trạng, như Công đồng Trent đã làm năm 1546, khi nó cấm in và bán bất kỳ phiên bản Kinh Thánh nào khác với Bản Chính thống tiếng Latinh nếu không có sự chấp thuận của Giáo hội.

Nhưng có lẽ bài học lâu dài nhất trong lời kêu gọi của Luther về một cuộc tranh luận học thuật, và việc ông sử dụng công nghệ để đưa ra quan điểm của mình, là nó đã thất bại. Thay vì một loạt các cuộc thảo luận công khai về thẩm quyền đang biến đổi của Giáo hội, cuộc Cải cách Kháng cách đã trở thành một trận chiến cay đắng được thực hiện thông qua truyền thông đại chúng, gây chia rẽ không những một thể chế tôn giáo mà còn toàn bộ khu vực. Tồi tệ hơn, nó trở thành một phương tiện để biện minh cho hàng thế kỷ tàn ác, và gây ra cuộc Chiến Tranh Ba mươi năm, cuộc xung đột tôn giáo chết chóc nhất trong lịch sử châu Âu.

Câu hỏi hiện nay là làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng các công nghệ mới hỗ trợ các cuộc tranh luận mang tính xây dựng. Thế giới vẫn còn đầy rẫy những ý tưởng khác biệt đe dọa bản sắc và những thiết chế quan trọng của chúng ta; khó khăn chính là việc không coi chúng như những ý tưởng phải được dập tắt một cách tàn bạo mà là những cơ hội để hiểu được, ở đâu và như thế nào, các thiết chế hiện tại đang loại trừ mọi người hoặc không mang lại các lợi ích hứa hẹn.

Những lời kêu gọi cho sự tham gia mang tính xây dựng hơn có thể nghe đơn giản, ngây thơ, hoặc thậm chí bấp bênh về mặt đạo đức. Nhưng lựa chọn thay thế không chỉ là việc làm trầm trọng thêm sự chia rẽ và mối bất hòa của các cộng đồng; mà nó là sự phi nhân tính lan rộng, một khuynh hướng mà các công nghệ hiện tại dường như đang khuyến khích.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư ngày nay có thể là một cơ hội để cải cách mối quan hệ của chúng ta với công nghệ, khuếch đại bản chất tốt nhất của con người. Tuy nhiên, để nắm bắt nó, các xã hội sẽ cần một sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự tương tác của bản sắc, quyền lực và công nghệ hơn là cách họ đã làm trong thời đại của Luther.

Nicholas Davis là người phụ trách mảng Xã hội và Sáng tạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Learning from Martin Luther About Technological Disruption

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn