Di dân người Hoa

Thứ Hai, 12 Tháng Hai 201810:00 CH(Xem: 6120)
Di dân người Hoa

Những cụm từ “di dân bất hợp pháp”, “nhập cư bất hợp pháp” không hề có trước cuối thế kỷ 19 ở Mỹ. Huống gì nói đến các từ “tị nạn”, “vượt biên”… trong thế kỷ 21. Bởi lẽ thời ấy luật lệ di trú chưa hình thành, các biên giới còn mập mờ và khái niệm quốc gia còn nhiều mâu thuẫn. Mọi người có thể đi đến hầu như mọi nơi nếu có tiền.

di-dan-nguoi-hoa

Di trú vào Mỹ thực sự bắt đầu vào cuối những năm 1700, khi nước Mỹ trở thành quốc gia độc lập. Trước đó những nô lệ châu Phi là di dân bị cưỡng bức đầu tiên đến Mỹ. Sau đó là những người di dân Châu Âu háo hức đến định cư, gọi chung họ là di dân da trắng. Họ dựa theo luật lệ còn ban sơ, phá vỡ những khe hở lỏng lẻo của luật pháp để được định cư và vận động làm nên những điều luật thuận lợi cho họ. Thế nhưng khi hiến pháp Mỹ đã định hình trên vùng đất mới thì làn sóng di trú đã có nhiều hạn chế, sự xung khắc trong quá trình hòa nhập các sắc dân và sự cạnh tranh dần dà khốc liệt dẫn đến các điều luật di trú nhằm đánh vào các di dân thiểu số đến sau.

Thoạt đầu là làn sóng phản đối các di dân từ Đông – Tây Âu. Người Mỹ đến trước có khuynh hướng chống lại các di dân Ái Nhĩ Lan. Vào giữa cuối thế kỷ 19 khi di dân từ Tây – Nam Châu Âu và cả từ Trung Hoa đến Mỹ thì dân Mỹ đã có khuynh hướng chống đối người Hoa và người Ý. Mặc dù một vài tiểu bang như California đã ban hành luật di trú cho riêng tiểu bang mình, nhưng các luật này hầu như không thực thi và bị liên bang hủy bỏ. Toàn quốc dường như không có luật di trú để nói rõ di dân nào được hay không được phép vào đất Mỹ, cho đến khi Đạo luật Chinese Exclusion Act (Đạo luật Loại trừ người Trung Hoa) 1882 ra đời. Lần đầu tiên một đạo luật có tính cách kỳ thị chủng tộc đối với di dân được ban hành.

di-dan-nguoi-hoa5
Một người Hoa làm việc trong mỏ vàng ở California 1875

Thời gian ấy, người Trung Hoa đến làm việc trong các hầm mỏ, hãng xưởng, hỏa xa, trồng trọt… phần lớn ở bờ Tây nước Mỹ. Mặc dù người Hoa kiều chỉ chiếm .002 phần trăm dân số Hoa Kỳ, con số rất nhỏ, nhưng người Mỹ đã đổ thừa cho họ là nguyên nhân để đồng lương bị trả thấp và tình trạng kinh tế suy yếu. Do sự khác biệt về văn hóa và tập quán, người Tàu di cư đến Mỹ tụ tập thành từng cộng đồng nhỏ dưới sự giúp đỡ của các bang hội. Họ làm việc chăm chỉ bất kể ngày đêm, đa số thất học nên họ làm những công việc dịch vụ nặng nhọc và thấp kém với đồng lương rẻ mạt. Để xoa dịu sự phản đối của dân chúng, Đạo luật ra đời ngăn cấm các di dân từ Trung Hoa, ngoại trừ thành phần du học sinh và viên chức ngoại giao. Đạo luật di trú cũng đồng thời cấm các phần tử bất hảo, bệnh thần kinh và di dân nghèo khó đến Mỹ. Sự sàng lọc khó khăn nên chỉ có một số ít người Tàu được nhập cư hợp lệ. Chỉ có riêng người Tàu phải mang trên mình giấy tờ chứng minh cho tình trạng di trú (certificates of residence) tương tự Thẻ Xanh ngày nay. Đến 1 thập kỷ sau, năm 1917 Đạo luật còn nới rộng ngăn cấm các nước Châu Á, song hành với ngăn cấm các phần tử di dân vô chính phủ, đa phu, đa thê, đĩ điếm và người mang bệnh truyền nhiễm.

Làn sóng di dân từ Trung Hoa giảm mạnh đáng kể từ sau đạo luật nghiệt ngã ấy. Tương tự Ellis Island ở bờ biển mạn Đông, ở bờ Tây, Mỹ xây dựng sở di trú Angel Island gồm 300 héc-ta trong Vịnh San Francisco, gần Kim Môn Kiều và Đảo Alcatraz nổi tiếng. Từ 1910 đến 1940, hòn đảo Angel này là nơi giam giữ, xét xử 175 ngàn di dân người Hoa và khoảng 60 ngàn người Nhật, trong thời gian vài tuần đến năm trời, trước khi cho phép họ nhập cư hay trả về cố quốc. Khi tàu thủy cập bến San Francisco, các thương gia, hành khách hạng nhất và người Âu châu được phép nhập cư nhanh chóng. Người Á Châu cùng vài nhóm sắc tộc khác như Nga và Mễ Tây Cơ phải đi qua khám nghiệm sức khỏe và chở tới Đảo Angel. Riêng người Hoa luôn là đối tượng điều tra gay gắt và giam giữ nhiều tháng trời trước khi trả về nước.

di-dan-nguoi-hoa4
Người Hoa trên đường phố Oakland 1907

Sự kỳ thị người Trung Hoa còn tiếp tục với Đạo luật di trú tiếp theo năm 1924. Vì lý do “bảo vệ nước Mỹ” mà Tổng thống Calvin Coolidge đã ký Đạo Luật Di trú Johnson-Reed cấm toàn bộ người di dân từ châu Á và định ra hạn ngạch (quota) rất thấp cho con số thị thực mà Hoa Kỳ sẽ cấp cho từng quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, người gốc Á châu tại Mỹ thời đó cũng không được nhập quốc tịch Mỹ. Kể từ Đạo luật quốc tịch đầu tiên 1790, đạo luật này nói rõ chỉ có “free white people” người Mỹ trắng tự do được trở thành công dân mà thôi, nếu sau khi họ ở đất Mỹ 2 năm. Đạo luật nguyên thủy này ngoại trừ các nô lệ theo hợp đồng, phần lớn phụ nữ, di dân da đen và cả Á châu đều không được hợp lệ trở thành thường trú nhân. Nhưng đạo luật không đề cập đến tình trạng di trú những đứa bé da màu sinh ra trên đất Mỹ.

Lùi lại thời gian sau khi giành độc lập từ Anh, nước Mỹ đã soạn Hiến pháp năm 1787, nhưng Hiến pháp không nói rõ vấn đề quốc tịch trong thời lập quốc, người dân trở thành công dân Mỹ bằng sự chọn lựa, chớ không bằng sự thừa hưởng do sinh đẻ trên đất nước này. Năm 1795 tình trạng chống đối di dân đến Mỹ càng tăng, nên đạo luật di trú đã gia tăng thời hạn để được vào quốc tịch là 5 năm. Không có quốc tịch di dân không được quyền tham gia bầu cử và quyền lợi xã hội cũng như tiếng nói trong chính quyền.

di-dan-nguoi-hoa3
Sở di trú Angel Island 1915

Người Hoa tiếp tục đứng bên lề xã hội Mỹ cho đến cả khi đạo luật di trú được sửa đổi năm 1924, nới rộng cho phép các chủng tộc khác như da đen, Mễ Tây Cơ, người thổ dân da đỏ trở thành công dân Mỹ, nhưng vẫn ngoại trừ người Á Châu. Người Tàu đã có phản ứng chống đối nhưng thất bại. Một vụ kiện được đưa lên Tối cao pháp viện, đi vào lịch sử Mỹ và thử thách Tu chính án 14 về quyền có quốc tịch Mỹ là vụ Wong Kim Ark. Sinh năm 1873 và lớn lên ở San Francisco, cha mẹ Wong là một trong hàng chục ngàn người Hoa đến Mỹ vào những năm 1800s để xây dựng đường hỏa xa nối khắp nước Mỹ, làm trong các mỏ vàng, các tiệm giặt ủi, các nông trại… góp phần vào sự phát triển của miền Tây hoang dã. Sau một lần về thăm quê nhà, mang theo giấy tờ đánh máy, có hình và chữ ký của di trú Mỹ, Wong nhập cư lại Mỹ an toàn. Năm năm sau, vào tháng 11, 1894, Wong tự tin mang theo giấy tờ có hình, thị thực chữ ký, có 3 người Mỹ trắng ở San Francisco làm chứng rằng Wong sanh tại Mỹ. Khi tàu nhập cảnh San Francisco, giấy tờ đã được nhân viên di trú đóng dấu xuất cảnh nhưng lại bị John Wise, một viên chức hải quan kiểm soát từ chối cho Wong nhập cảnh, lý do Wong là người Hoa. Hàng tháng trời Wong bị giữ lại trên tàu, đậu ngoài vịnh. Không bỏ cuộc, Wong kiên trì kháng cáo. Tòa án tiểu bang xét xử và cho phép Wong nhập cư vì Wong là công dân Mỹ, nhưng bên nguyên cáo của liên bang đã chống lại và vụ án được đưa lên Tòa Thượng Thẩm. Tháng 3 năm 1897, các quan tòa liên bang tranh cãi giữa “định nghĩa” công dân dựa vào huyết thống (giòng máu da vàng) hay nơi sinh ra (Mỹ quốc). Cho đến năm sau 1898, Tòa tuyên bố với 6 phiếu thuận và 2 phiếu chống, cho Wong thắng kiện và khẳng định quốc tịch Mỹ của Wong. Phán quyết của Tòa thượng thẩm liên bang là một chuyển biến lớn trong luật di trú. Cho những đứa trẻ bất kỳ màu da, sắc tộc sinh ra trên đất Mỹ đều là công dân Mỹ. Tuy vậy vẫn ngoại trừ những Hoa kiều khi Quốc hội gia hạn đạo luật thêm 10 năm nữa.

di-dan-nguoi-hoa2
Khám xét di dân Nhật tại Angel Island 1931

Khi trận động đất lịch sử xảy ra năm 1906 ở San Francisco, thành phố hầu như thành bình địa, 3 ngàn người chết và 28 ngàn tòa nhà bị sụp đổ, lửa cháy trong nhiều ngày, toàn bộ giấy tờ khai sinh của cư dân ở Tòa đô chánh thành tro bụi. Nhưng đó lại là cơ hội cho người Hoa ở thành phố khai báo rằng họ sinh ra trên đất Mỹ. Nhiều người Hoa kiều đã về cố quốc và khai họ là công dân Mỹ và con cái đã sinh ra tại Mỹ, từ đó họ sẽ nhận được giấy tờ chứng nhận để hợp lệ nhập cư Mỹ. Những giấy tờ này được mua bán qua trung gian và làm khó khăn cho nhân viên di trú điều tra nguồn gốc di dân… Sự kiện này làm đạo luật bài trừ người Trung Hoa ngấm ngầm kéo dài đến thập kỷ.

Mãi đến năm 1943, khi Trung Quốc đã trở thành đồng minh ở Đệ nhị Thế chiến, thì Mỹ mới chính thức từ bỏ Đạo luật di trú phân biệt chủng tộc này. Năm vừa rồi, Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh tạm ngưng nhận di dân từ 7 quốc gia Hồi Giáo trong 90 ngày và đình hoãn chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày, ngưng nhận người tị nạn Syria vô thời hạn. Luật di trú Mỹ sẽ còn nhiều đổi thay tùy theo nền kinh tế và sự an ninh của nước Mỹ. Nhưng giấc mơ định cư và trở thành công dân Mỹ vẫn quyến rũ biết bao di dân, nhất là từ Châu Á.

di-dan-nguoi-hoa1
Phố Tàu ở New York 1910

SB

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn