Hải Quân VNCH Kịch Chiến Với Hải Quân Trung Cộng

Thứ Hai, 25 Tháng Giêng 20216:18 CH(Xem: 7235)
Hải Quân VNCH Kịch Chiến Với Hải Quân Trung Cộng

Vương Hồng Anh

https://bienxua.files.wordpress.com/2020/01/hai-quan-vnch-hai-chien-hoang-sa-thang-1-nam-1974-.jpg?w=1024&h=576

Số trước, chúng tôi đã giới thiệu tổng quát về toàn cảnh quần đảo Hoàng Sa trong hai ngày 18 và 19 tháng 1/1974, và lược trình về trận tấn công của quân Trung Cộng vào đảo Hoàng Sa trong ngày 19 tháng 1/1974, bắt giữ 42 quân nhân và viên chức VNCH. Như đã trình bày, trước khi tung cuộc tấn công để đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, ngay từ ngày 18 tháng 1/197 Hải quân Trung Cộng đã khai triển lực lượng trong khu vực phía Nam của quần đảo với nhiều chiến hạm lớn và một số tàu chiến ngụy trang tàu đánh cá.

Kỳ này, xin lược trình trận hải chiến giữa Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 và Hải quân Trung Cộng trong ngày 19 tháng 1/1974. Phần này được biên soạn dựa theo bài viết của Triều Dương-Minh Thi phổ biến trên báo Lướt Sóng của Hải quân VNCH trong năm 1974, một số bài viết khác của báo Lướt Sóng được đăng lại trên KBC, đặc san Sử Địa do một nhóm giáo sư và sinh viên trường Đại học Sư phạm Sài Gòn (số đặc khảo về Trường Sa).

* Trước giờ G của trận hải chiến:
Chiều ngày 18-1-1974, quân Trung Cộng đã bắt đầu khiêu chiến. Đoàn tàu Trung Cộng gồm có một số tàu lớn và nhiều tàu nhỏ chạy tới chạy lui trong vùng của hai đảo Duy Mộng (Drummond) và Quang Hòa (Duncan). Trong số các chiến hạm Trung Cộng nói trên, một số nhân chứng còn nhớ được số danh hiệu của vài chiến hạm: 271, 274, 489, 396, các chiến hạm này sơn màu cứt ngựa. Bấy giờ trong quần đảo Hoàng Sa, đã có hiện diện của một số chiến hạm Hải quân VN: các tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, khu trục hạm Trần Khánh Dư, hộ tống hạm Nhật Tảo. Vị trí vùng hoạt động của các chiến hạm VNCH nằm trên thủy lộ quốc tế chạy qua vùng Đông Nam Á, cách Đà Nẵng 200 hải lý (mỗi hải lý = 1862 mét) về hướng Đông Bắc. Diện tích toàn thể ước độ 11 cây số vuôg, có hai nhóm chính là Nguyệt Thiềm (Croisant) gồm các đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Duy Mộng và Quang Hòa. Nhóm thứ hai là Tuyên Đức (Amplitrite). Khoảng cách giữa hai nhóm này, nơi gần nhất là khoảng 40 hải lý.

Theo phân tích của một số nhà quân sự về quân chủng Hải quân và một số chuyên viên về hàng hải học, thì những mục đích gần khiến Trung Cộng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa có hai điểm chính: Thứ nhất, đây là thủy trình quốc tế, nếu làm chủ được quần đảo này, Trung Cộng sẽ dễ dàng kiểm soát các thương thuyền và chiến hạm từ phía Nam lên phía Bắc biển Đông Hải và ngược lại; lý do thứ hai quần đảo Hoàng Sa vừa được các chuyên viên địa chất hải dương học ghi nhận là có mỏ dầu quan trọng.

https://dongsongxua.files.wordpress.com/2019/01/tuan-duong-ham-ly-thuong-kiet-hq16-.jpg?w=540&h=338&zoom=2

Trở lại với đội hình phòng thủ của các chiến hạm Hải quân VNCH, vì được lệnh phải dùng mọi biện pháp ôn hòa để giữ hải đảo, nên khi bị khiêu khích, hạm trưởng tuần dương hạm Lý Thường Kiệt ra lệnh lái tàu tách ra khỏi chiến hạm Trung Cộng và không cho thủy thủ đoàn nổ súng. Trong khi đó, các chiến hạm Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Nhật Tảo đang ráo riết bố trí sát các đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền và Vĩnh Lạc. Bây giờ trên vùng hải đảo cách xa Đà Nẵng 200 lý, đã đầy bóng chiến hạm của hai bên. Súng tua tủa chỉa vào nhau, những họng súng khổng lồ 127 ly, 76 ly, cho đến 40 ly, đại bác 20 ly, các dàn súng trên các chiến hạm của Hải quân VNCH đã hạ cao độ và hướng ngay chiến hạm địch, nhưng các thủy thủ vẫn tuân lệnh không được phép nổ súng. Phía Trung Cộng thì các thủy thủ của địch lô nhô trong các ụ pháo lớn và các dàn hỏa tiễn đầy đe dọa chỉa thẳng vào các chiến hạm VNCH.Hạm trưởng tuần dương hạm Lý Thường Kiệt ra lệnh cho nhân viên giám hộ đáng quang hiệu: Yêu cầu các anh rời khỏi vùng này, đây là quần đảo thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Thế nhưng những ánh chớp quang hiệu không có hiệu lực. Chiến hạm Trung Cộng cũng đánh đèn lại, không phải là trả lời, mà là một loạt những nhóm chữ có ý nghĩa đuổi chiến hạm VNCH vì địch cho rằng Trung Cộng là chủ quyền đảo Hoàng Sa. Cùng lúc đó, quân Trung Cộng tiếp tục vận chuyển tàu cố đâm đầu vào chiến hạm VNCH. Các hạm trưởng VNCH đã bình tĩnh khéo léo điều khiển chiến hạm tránh những va chạm hết sức nguy hiểm. Giây phút cực kỳ nghiêm trọng đã đến, các chiến hạm Trung Cộng bám sát các chiến hạm VNCH. Đối phương cho đổ thêm quân lên đảo Quang Hòa. Trước đó, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt đã đổ bộ một toán đặc nhiệm lên đảo Vĩnh Lạc để hạ cờ Trung Cộng và để tử thủ bảo vệ đảo này.

* 10 giờ sáng 19/1/1974 trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa:
Quân Trung Cộng ồ ạt đổ quân, đồng thời chiến hạm của địch quân lùi ra xa cho vừa tầm tác xạ, và cùng một lúc, các họng súng trên chiến hạm địch khai hỏa dữ dội. Không chậm một giây, các chiến hạm VNCH đáp lễ rất đúng lúc, nhịp nhàng và vũ bão. Bấy giờ là phút thứ 25 của 10 giờ sáng ngày 19 tháng 1-1974.

https://benxua.files.wordpress.com/2017/12/hth-nhut-tao-hq102.jpg?w=540&zoom=2

Sau đó, không đầy 5 phút, Hộ tống hạm Nhật Tảo đã bắn trúng hầm máy một chiến hạm Trung Cộng. Lửa bùng lên dữ dội. Tiếp đó một loạt súng trúng tàu địch, đài radar gãy gập xuống. Tàu Trung Cộng bị trúng đạn, cố chạy tránh khỏi tầm hỏa lực của chiến hạm Hải quân VNCH nhưng vì trở ngại kỹ thuật, kẹt tay lái nên con tàu cứ chạy vòng quanh trước mũi các chiến hạm làm bia cho các hải pháo của Hải quân VNCH. Thủy thủ đoàn của tàu Trung Cộng đã phải nhảy xuống biển đào thoát.

Trong khi đó, Khu trục hạm Trần Khánh Dư, Tuần dương hạm Trần Bình Trọng và Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt vẫn tiếp tục nhả đạn vào các chiến hạm Trung Cộng. Trận hải chiến diễn ra quyết liệt. Từ ổ đại bác 127 ly, trung sĩ 1 trọng pháo Cho hét lên: Cháy rồi, tàu địch bị bắn cháy rồi. Các thủy thủ trọng pháo tiếp tục tác xạ. Lửa ở chiến hạm thứ hai của Trung Cộng phừng phừng bốc cao. Một chiến hạm khác của địch lao tới phía tả của Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt và khai hỏa. Một trái đại bác nổ tan lườn bên tả của tuần dương hạm này. Một trái đạn khác bắn tiếp theo… nước biển ào tràn vào. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt từ từ nghiêng đi. Hệ thống hơi tác xạ hải pháo trên chiến hạm bị tê liệt, trung sĩ 1 trọng pháo Cho phải lấy cán chổi nạp đạn thay cho hơi tự động. Tổ trọng pháo cố gắng tác xạ như vậy được ba quả thì súng hoàn toàn tê liệt, tổ trưởng cho lệnh các xạ thủ tiến nhanh lên ổ đại bác 20 ly đôi trước mũi tiếp tục khai hỏa bắn trả địch quân.

Report this ad

* Những giây phút nguy kịch của Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt:
Bấy giờ lượng nước biển tràn vào hầm tàu đã khá nhiều, toán phòng tai ráo riết làm việc hàn gắn các lỗ thủng và dùng bơm cứu hỏa hút nước ra khỏi hầm. Công việc quả là gian lao vì những lỗ hổng quá nhiều và quá lớn. Chiến hạm nghiêng với tốc độ đều đặn và càng khủng khiếp dần: 8 độ tả, 9 độ, 10 độ, 10 độ rưỡi, 11…12…12 độ rưỡi và 13 độ. Đài chỉ huy nghiêng như cây tre già trước bão tố cuồng phong. Trung tá hạm trưởng đứng trên đài chỉ huy đầy lo âu, không lẻ phải rơi vào tình trạng đào thoát sao” Nếu đào thoát chỉ là thủy thủ đoàn mà thôi, còn với hạm trưởng, sẽ nhất định ở lại với tàu. Nếu hạm trưởng ra lệnh cho thủy thủ đào thoát thì lát nữa đây, số phận của anh em thủy thủ sẽ ra sao. Đêm nay và ngày mai các anh ở đâu, giữa đại dương hải hùng này.

Dù nguy kịch, hải pháo từ tuần dương hạm vẫn tiếp tục tác xạ, còn hạm trưởng đầu đội nón sắt, vẫn hiên ngang trên đài chỉ huy, ánh mắt xa xôi và đầu óc ông trải qua những phút căng thẳng, ông điều động anh em chống trả. Ông rướm nước mắt nhìn thủy thủ đoàn như muốn nói: Hởi những anh em thương mến như anh như em của tôi… đành vĩnh biệt sao! Nhiệm sở đào thoát. Nếu ban hành lệnh nhiệm sở đào thoát thì điều gì sẽ xảy ra…

Vào lúc đó, tàu nghiêng nghiêng với một tốc độ đầy đe dọa, đột nhiên một tia hy vọng sáng lòe trong đầu óc của hạm trưởng: tàu sẽ không chìm, tàu sẽ ủi vào bờ đảo Hoàng Sa. Ủi mũi vào bờ và tử chiến.
Giữa những phút giây nguy kịch và vô cùng quan trọng này, các toán phòng tai báo cáo đã bít được một số lỗ đạn và cô lập được hầm chiến hạm, nước không tràn vào các hầm khác được. Đôi mắt hạm trưởng vụt lên ánh lửa của niềm tin. Qua hệ thống âm thanh của chiến hạm, thủy thủ đoàn vừa hay tin, từ các ổ súng chiến đấu, đã reo hò vui sướng. Tiếp tục chiến đấu, đạn nạp thêm, tiếng nổ xé gió gầm vang giữa biển khơi.

Trận hải chiến tiếp tục diễn ra với tất cả sự khốc liệt giữa sóng gầm và khói lửa ngút trời. Sau hơn 1 giờ kịch chiến, đến 11 giờ 27 phút, qua màn ảnh radar không thám, trung tâm Chiến Báo phát giác và báo cáo một phi đội phản lực cơ tiến về đảo Hoàng Sa.

Trên biển máu lửa, chiến hạm tác xạ yểm trợ cho nhau và chuyển đội hình hải chiến thành đội hình phòng không. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt tuy bị nghiêng đi vì lượng nước biển trong một ngăn hầm bên tả, nhưng toàn thủy thủ đoàn và sĩ quan trên chiến hạm vẫn bình thản bên các ụ súng phòng không, chờ giờ thử lửa với đoàn phản lực cơ của Trung Cộng.

Nguồn:: https://vietbao.com/a29616/hai-quan-vnch-kich-chien-voi-hq-trung-cong

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn