Phát hiện công cụ đá 350.000 năm tuổi

Thứ Sáu, 08 Tháng Giêng 20215:00 SA(Xem: 4539)
Phát hiện công cụ đá 350.000 năm tuổi
Các nhà khoa học xác định mảnh đá dolomite trong hang Tabun là công cụ mài cổ xưa nhất thế giới, từng dùng để xử lý vật liệu mềm.

Công cụ đá 350.000 năm tuổi trong hang Tabun. Ảnh: University of Haifa.

Công cụ đá 350.000 năm tuổi trong hang Tabun. Ảnh: University of Haifa.

Nhóm chuyên gia tại Viện Khảo cổ Zinman thuộc Đại học Haifa tìm thấy công cụ đá cổ xưa nhất dùng để mài, cổ xưa hơn 150.000 năm so với kỷ lục cũ, tại hang Tabun, núi Carmel, Times of Israel hôm 27/12 đưa tin. Công cụ này là đá dolomite, có niên đại khoảng 350.000 năm. Dù trông có vẻ đơn giản, sự cổ xưa và độc nhất vô nhị mang lại cho nó tầm quan trọng vô cùng lớn, nhóm nghiên cứu nhận xét.

Các nhà khoa học từng tìm thấy những công cụ đá lâu đời hơn với niên đại tới 1,5 triệu năm. Tuy nhiên, chúng được sử dụng để đập hoặc nghiền, nghĩa là chuyển động dọc. Mảnh đá dolomite trong hang Tabun là công cụ mài, nghĩa là chuyển động ngang. Người xưa đã dùng những công cụ này để xử lý vật liệu, giúp nâng cao hoặc tối ưu hóa tài nguyên.

Mảnh đá dolomite nhỏ có tầm quan trọng cực lớn vì giúp nhóm chuyên gia tìm hiểu nguồn gốc xa xưa nhất của hoạt động mài. Với mảnh đá, họ cũng có thể tìm hiểu xem trong quá trình con người tiến hóa, sự nhận thức và khả năng vận động đã phát triển như thế nào để đạt mức như ngày nay, nhất là liên quan đến các hoạt động mài giũa, phát triển kỹ thuật sản xuất thực phẩm, định cư, làm nông, tích trữ, cuối cùng dẫn đến nền kinh tế và xã hội phức tạp hơn.

Nhóm nghiên cứu chắc chắn mảnh đá trong hang Tabun là công cụ mài nhưng chưa rõ chính xác mục đích sử dụng, theo nhà nghiên cứu Ron Shimelmitz tại Viện Khảo cổ Zinman. Công cụ đá này được tìm thấy từ những năm 1960. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia tại Viện Khảo cổ Zinman gần đây mới nghiên cứu kỹ nó theo chương trình mới. Khi phát hiện vết tích liên quan đến hoạt động mài, họ tiến hành nhiều thử nghiệm với các mảnh đá dolomite khác trong vùng. Họ chà xát chúng vào nhiều vật liệu với thời gian khác nhau.

Kết quả, vết tích trên công cụ đá 350.000 năm tuổi giống nhất với vết tích do chà xát với da động vật. "Chúng tôi xác định công cụ này dùng cho vật liệu mềm, dù chưa rõ chính xác là vật liệu nào", Iris Groman-Yaroslavski, chuyên gia tại Viện Khảo cổ Zinman nói.

Shimelmitz cho rằng sự đơn giản của công cụ đá có thể là nguyên nhân khiến trước đây nó bị bỏ qua. Tuy nhiên, những đánh giá mới sẽ thôi thúc các nhà nghiên cứu chú ý kỹ hơn đến các vật dụng cổ xưa này.

Thu Thảo (Theo Times of Israel)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn